[chuyện nhỏ về Hội nghị Nhà văn trẻ]
Chuyện nhỏ nhưng có vẻ hơi to, dù nỗi to đó vẫn đóng khung trong cái nhỏ: văn chương VN.
Ngày 13-8-2016, tôi trả lời phỏng vấn bỏ túi nhà báo Phong Lan, đúng 280 tiếng (chữ) về Thơ trẻ cho Hội nghị Nhà văn trẻ sắp tới. Tôi nhắn PL nếu đăng đừng cắt bỏ 1 từ nào, vì nguy cơ nó hỏng mạch văn. PL hứa.
1. Cắt cúp
Rồi, vì “khung báo có hạn” PL cho biết thế, báo An ninh Thủ đô, ngày 17-9-2016 đăng, bớt đi còn 94 tiếng. Cuối cùng, báo Tiền Phong, ngày 25-9-2016, trích tiếp chỉ còn: 14 tiếng! Như vầy:
“Nhà phê bình Inrasara đã thẳng thắn đánh giá: “5 năm qua tôi chưa nhìn thấy khuôn mặt trẻ độc đáo xuất hiện”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nói: “Anh Inrasara có quyền nhìn nhận như vậy về những người viết trẻ. Nhưng tôi thấy họ đã hiện lên với vấn đề mới mẻ, thi pháp mới, khó khăn mới. Họ mang đến cảm hứng đầy sáng tạo, dù sao họ cũng thuộc thế hệ 8x, 9x, cận 10x. Có những bạn trẻ đã từng làm tôi bất ngờ, có thể chỉ trong từng khoảnh khắc. Chúng ta có quyền hi vọng vào một nền văn học tốt đẹp cho tương lai” (báo Tiền Phong, 25-9-2016)
2. Giải minh. Tôi nói rất rõ:
Thời văn chương mạng xuất hiện (2002) đã giới thiệu được hàng loạt khuôn mặt mới với lối viết hoàn toàn mới.
Năm năm: 2002-2007: Mở Miệng và mươi khuôn mặt khác, xuất hiện và “độc đáo” ngay; 5 năm tiếp theo 2007-2012: Khánh Phương, Lưu Mêlan, các tác giả trẻ Cham… Hai giai đoạn này tôi đã “lập biên bản hơn 30 khuôn mặt”.
Còn giai đoạn 2012-2016, thì sao?
– “Thơ trên báo chính thống, 5 năm qua, tôi chưa nhìn thấy khuôn mặt nào độc đáo xuất hiện”. Tôi nói “khuôn mặt” chứ không phải vài bài, hay khoảnh khắc.
– Tôi phải tìm đọc ở ngoại vi. Ở đây tôi nói rõ: “Gây cho tôi hứng thú, lại là cây bút đã quá 40, và khá quen biết: Lê Vĩnh Tài, mức độ nào đó: một thi sĩ hải ngoại Phan Quỳnh Trâm, và nữ thi sĩ Cham là Kiều Maily”. Chú ý chữ: khuôn mặt “gây hứng thú”.
– Cuối cùng, “Hiện tại, muốn tìm cái mới, cái lạ dù muốn dù không cũng phải tìm đọc sáng tác trên Facebook. Ở đó ta cảm nhận được cái nóng hôi hổi tính thời sự và sức sống của hơi thở cuộc đời”.
+ Dĩ nhiên đưa ra nhận định, tôi có thể chủ quan và sai; nhưng sự cắt và trích một phát ngôn đã quá cô như thế để đăng báo, nó dễ gây ngộ nhận là vậy.
3. Tham khảo:
– báo An ninh Thủ đô, 17-9-2016:
Nhà phê bình văn học Inrasara thì nhận xét thẳng thắn: “Tôi là kẻ rất siêng năng theo dõi thơ trẻ, nhất là các cây bút ngoại vi: sống ở vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số, những người viết còn chưa tên tuổi. 5 năm qua, tôi chưa nhìn thấy khuôn mặt nào độc đáo xuất hiện. Gây cho tôi hứng thú, lại là cây bút đã quá 40 và khá quen biết: Lê Vĩnh Tài. Rất khác với thời trước, hiện nay văn chương mạng xuất hiện đã giới thiệu được hàng loạt khuôn mặt mới với lối viết hoàn toàn mới”.
– Inrasara về Hội ghị viết văn TRẺ, gửi Phong Lan, 13-8-2016
1- Tôi chưa một lần dự Hội nghị viết văn trẻ, bởi khi xuất hiện với tư cách người làm thơ (bài thơ đầu tiên đăng báo, tập thơ đầu tiên xuất bản) tôi đã… già: 40 tuổi chẳn! Thế nên, tôi nghĩ, hội nghị hay gì đó tương tự chỉ là phong trào, nhưng lại là phong trào cần thiết với kẻ biết vận dụng nó để làm thiệt. Như chuyện các trại sáng tác chẳng hạn.
2- Tôi là kẻ rất siêng năng theo dõi thơ trẻ, nhất là các cây bút ngoại vi: sống ở vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số, những người viết còn vô danh. 5 năm qua, tôi chưa nhìn thấy khuôn mặt nào độc đáo xuất hiện. Gây cho tôi hứng thú, lại là cây bút đã quá 40, và khá quen biết: Lê Vĩnh Tài, mức độ nào đó: một thi sĩ hải ngoại Phan Quỳnh Trâm, và nữ thi sĩ Cham là Kiều Maily. Rất khác với thời văn chương mạng xuất hiện đã giới thiệu được hàng loạt khuôn mặt mới với lối viết hoàn toàn mới.
3- Nhiều người viết vừa ra đời đã… già (khác với Inrasara: già mới chịu chào đời), nhất là những cây bút có thơ trên các báo chính thống. Hiện tại, muốn tìm cái mới, cái lạ dù muốn dù không cũng phải tìm đọc sáng tác trên Facebook. Ở đó ta cảm nhận được cái nóng hôi hổi tính thời sự và sức sống của hơi thở cuộc đời. Đó mới là thơ đích thực. Không biết Hội Nhà văn Việt Nam và các “hội nghị” có nhận ra điều đó không?