[hay Văn chương vụt thoát khỏi tôi/ bạn từ bao giờ?]
1. Năm Đệ Thất (lớp 6 hiện nay), theo bạn về quê bạn, tình cờ nhìn thấy ảnh chân dung ông thầy đóng khung lồng kính treo trước bàn làm việc, tôi giật mình. Làm sao người ta lại treo chính chân dung mình trước mắt mình để mình tự ngắm như thế? Không hiểu!
Ở Sài Gòn, năm 1999, tôi ngỡ ngàng hơn nữa, khi thấy một anh bạn thơ [tuổi chưa lục thập] cho đúc tượng chân dung mình bằng đồng cao 48cm đặt trang trọng trước bàn văn. Càng không thể hiểu.
Ảnh chụp thì còn được [tôi cũng rất thích chụp ảnh: để ghi kỉ niệm trong đời, và – quan trọng hơn: để nhìn thấy sự thay đổi của xác phàm mình qua từng bước đạp của thời gian, từ đó thức nhận thường trực nỗi vô thường của đời người], chứ ai lại đi đúc tượng, khi mình còn sống nhăn?
Và tôi chợt hiểu ra: Con người, nhất là nghệ sĩ thèm khát BẤT TỬ.
Như không ít nhà văn thèm bất tử. Mặc bao nhiêu thời sự nóng hổi xảy ra xung quanh, ta cứ “đóng cửa phòng văn hì hục viết” các tác phẩm bất hủ để đời. Để bất tử.
Nỗ lực làm nên tác phẩm để đời, là tham vọng chính đáng của nghệ sĩ. Nhưng để làm gì, khi thảm họa đang rình rập khắp xung quanh? Không phải không nguyên do, khi Sartre nói đại ý: Đứng trước em bé châu Phi chết đóiem>La Nausée của ông chỉ đáng vứt đi.
2. Cả tôi ngày xưa, dù thấm nhuần tư tưởng nhà Phật, cũng có ý hướng BẤT TỬ. Thế rồi, từ thập niên qua, văn chương tôi đã không còn có thể thoát khỏi thời sự xã hội.
2007-2011 là Ở Nơi Ấy [Thơ Thời Cuộc] đăng Tienve.org.
2012 có TCHERFUNITH: tiểu thuyết về Điện hạt nhân.
2014 là tiểu thuyết thời sự xã hội Cham feuilleton Palei Có Gì Lạ Không Em? đăng liên tục trên Inrasara.com.
Nhưng hôm nay thì cũng đã khác đi nhiều rồi.
Facebook là phương tiện cận tay, và hữu hiệu. Nó tránh cho nhà văn tánh lười biếng, nếu họ dùng nó đúng cách. Năm 2014-2015, mỗi ngày tôi thường xuyên có 1-2 Status. Phản ứng lại thời cuộc với những cảm nhận tức thời: Về văn học, về văn hóa Cham, và thời sự xã hội Việt Nam.
2 năm, tập hợp lại, gạn đục khơi trong để làm thành một bản thảo khá bề bộn, đặt cho cái tên: SA MẠC LAN DẦN, được gợi hứng từ câu nói nổi tiếng của Nietzsche: “Sa mạc lan dần… tại hại thay cho kẻ nào ôm ghì sa mạc” (Tít này ngày xưa nhà thơ Trần Tuấn Kiệt cũng đã dùng rồi).
Rồi ngay cả văn chương FB hôm nay cũng không còn ý nghĩa nữa, với tôi.
Không hiểu tâm trạng các bạn văn thế nào, riêng tôi mỗi ngày là mỗi ám ảnh thời sự, nặng nề càng nặng nề hơn; nó vây bọc ta, xộc vào đời sống ta, đi vào tận giường chiếu ta nằm, đến nỗi văn chương vụt thoát khỏi mình lúc nào không biết. Mới vài năm trước, tôi còn ý định về quê đóng cửa để làm cho xong vài tiểu thuyết dự định. Nay thì không thể, có lẽ.
Thương không? Và tội không!?