Chuyện văn nghệ VN 20. THƠ, DỄ & KHÓ

1. LÀM THƠ
Chuyện văn nghệ VN 20. LÀM THƠ, DỄ & KHÓ
[Chuyện Việt lẫn Cham]

Nói về dễ trước.
Ai biết ráp vần là làm thơ được, có khi chả biết vần vè cũng thơ được: thơ tự do.
Ai biết ngữ pháp là làm thơ được, lắm lúc chẳng cần rành ngữ pháp cũng làm thơ được: thơ theo quy luật ngữ pháp khác.
Ai biết chữ đều làm thơ được, thậm chí không biết chữ cũng làm thơ được luôn: sáng tác dân gian đâu cần đến người biết chữ.
Thơ dễ, tiểu thuyết hay phê bình thì phải bám bàn, chứ thơ thì không. Dễ hơn nữa là in thơ: rủng rỉnh 7-8 triệu là có tập thơ ra mắt thiên hạ.

Nhưng chính cái tưởng dễ kia mới gây khó cho người làm thơ. Thơ khó hay, khó độc đáo, khó có đóng góp – như người đời ưa nói.
Thế nên, mới có nhà thơ một bài, nhà thơ một tập.

Thơ khó xơi, thế mà khối người cứ lao vào thơ.
Ra được tập thơ, tay kia đinh ninh mình thiên tài, đi đường cứ ngó trên trời, mỏi cổ mới chịu hạ xuống. Bà con đụng hàng này nhiều, miễn bình luận. Còn chuyện nhà phê bình không nhắc đến, bởi tại vì do họ chưa phát hiện ra thiên tài mình đấy thôi.
Có nhà, thơ ra đời hôm trước, hôm sau xuất hiện mấy chục bài báo “tụng ca”. Cũng thiên tài chán, nên tự tin hô to: thơ tui nè, đọc đi. Nhưng có đâu! Lướt qua tên tuổi tụng ca quanh quẩn lại là mấy chỗ quen thân, mấy bản báo cánh hẩu.
Cũng có nhà in chục tập thơ, cố lắm mới nhét túi thẻ Hội viên Hội Nhà văn Thành phố. Hôm đưa thẻ cho con gái xem, đã cười mếu: Bố đáng Tiến sĩ mà mãi hôm nay họ mới trao cho bố cái bằng Cử nhân.
Có nhà in 1-2 tập thơ, qui hồi cố hương, và không thèm làm gì cả (thiên tài thì không làm gì cả). Đời chỉ có rượu và thơ, để cuối cùng lên đời thành vĩ nhân tỉnh lẻ.

Thơ khó, nhưng khối người cứ lao vào thơ, bởi thơ dễ thành thiên tài.

*
Nói chuyện thơ liên quan đến các điểm nóng xã hội, sự kiện HS-TS lần 1: 2007, tôi thuộc nhóm đầu tiên có thơ trên Tiền Vệ. Bài thơ được chọn là 1 trong 3 bài thơ hay, và được đọc và bình trên Đài ÚC.
Sự kiện HS-TS lần 2: 2011, tôi là người có bài phê bình đầu tiên và duy nhất viết về vụ này, đăng trên BBC.
Về vụ Cá chết, tôi cũng có thơ thuộc nhóm đầu tiên đăng FB, sau đó nó là một trong 5 bài thơ được chọn đọc và bình trên Đài RFA.
Còn ở đây, tôi bàn về ảo tưởng của người làm thơ Việt. Vậy là bạn lạc đề rồi đó.

2. PHÊ BÌNH THƠ
Làm thơ, khởi đầu là làm biếng, làm biếng nên chọn thể loại dễ xơi; thơ, và in tập thơ dễ tạo ảo tưởng thiên tài; bởi thiên tài, nên xu hướng không chịu làm gì cả để thành gánh nặng xã hội. Đó là 3 căn bệnh dễ thấy nhất ở [đại đa số người làm] thơ Việt hôm nay. Nói, là để cảnh giác, cảnh giác bạn thơ, và cả chính mình. Tôi nghĩ, bắt bệnh và nêu căn bệnh, có thể không bổ cho anh Duong Nguyen, nhưng chắc chắn sẽ khiến cho rất nhiều người làm thơ tỉnh ngủ, suy nghĩ, và ốm.

Phê bình thơ – dễ. Dễ, do thơ tập đọc loáng cái là xong, qua đó có thể phê và bình. Chứ tiểu thuyết, bạn phải mất cả buổi/ ngày để nhai, mới có thể nắm được cốt truyện.
Phê bình thơ dễ, bởi bạn có thể trích đoạn thơ bất kì đâu, để tán mà không sợ sai. Dễ nữa, là bài phê bình mau được làm đầy trang, đăng báo.

Nhưng phê bình thơ để cho ra phê bình thì cực khó.
Bạn phải nêu được cái thần của tập thơ, nói lên được phần vô ngôn ở bề sau mặt chữ [dĩ nhiên đó phải là tác giả ngon lành].
Qua tập thơ kia, bạn thấy được tâm hồn dân tộc, nhận ra tâm thức thời đại của tác giả.
Về kĩ thuật, bạn biết đối sánh, để làm bật lên sự khác biệt mang tính mĩ học của từng phong trào thơ, từng tác giả thơ.
Chỉ thế thôi, bài phê bình bạn mới “có đóng góp” cái gì đó vào tiến trình thơ Việt đương đại. Chứ không phải bình và tán, tán, tán.
Và gì nữa…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *