[Dữ liệu – Thông tin – Tri thức 02]
Thế hệ trước, ở buổi đám các loại, các cụ Cham hay mang sách đến pacauh xakarai (luận đàm triết lí). Đó là truyền thống tốt đẹp khó còn được nhìn thấy ở thời hiện đại.
Hôm nay, người có tuổi đi đám vội vội vàng vàng, rồi về. Cánh trẻ ngồi lại pamưyok đam (tạo không khí cho đám), hoặc gầy chầu lai rai hoặc lôi heo ra chặt. Vậy thôi, hết.
Tôi nhớ ở các buổi xưa ấy, có một chi tiết khá thú vị, rằng khi cuộc luận đàm rơi vào thế bí, vài cụ ưa nhất là lôi Akhar taduk ciet ra phân chứng. Thế là đối tượng tắt đài.
Biết rằng, Akhar taduk ciet nghĩa đen là “sách [chữ] đáy chiêt”, là bản chép tay cổ, càng cổ càng quý, quý nên được đặt dưới đáy chiêt. Cha ông Cham dùng “nguyên gốc” ấy nhân bản trên loại giấy mới hơn, để dùng. Còn lại, khi cần tham khảo, họ mới sử dụng đến.
Akhar taduk ciet được xem là “chân lí hiển nhiên” – là vật bảo chứng đáng tin nhất trong các cuộc tranh luận ấy. Ở đó, dù dữ liệu chưa được biến thành thông tin, nhưng không ít người đã biết lợi dụng niềm tin tập thể của cộng đồng, dùng nó làm luận chứng để đánh bại đối phương.
Xưa là vậy, ngày nay khi tầm hiểu biết của cộng đồng đã phát triển ở mức đáng kể, vẫn có không ít người xài đến chiêu kia. Tranh luận về Akhar thrah, về ngôn từ, hay vấn đề liên quan, đã có vài hiện tượng vận đến “Tư liệu Hoàng gia Cham” để gây căn cứ địa cho mình.
“Tư liệu Hoàng gia Cham” thì ngon rồi. Nhưng chính xác DỮ LIỆU ấy đang ở đâu? Có bao nhiêu? Có ai đã phân loại chúng, dịch và phổ biến [ít ra phải là phần quan trọng nhất của dữ liệu đó], để chúng thành THÔNG TIN chưa? Mà một thông tin nào bất kì cũng cần đến sự đánh giá và phản biện cần thiết.
Nếu chưa làm thao tác căn bản ấy, việc viện đến “Tư liệu Hoàng gia Cham” là một cách dựa hơi, chỉ có thể dọa được những người yếu bóng vía, không hơn không kém.