Nhà chứa khối dữ liệu, nếu bạn không xử lí để chúng biến thành thông tin, từ đó tiêu hóa thành tri thức, thì nó vẫn mãi là thứ quặng thô vô giá trị.
Tôi có nhà người quen mà văn bản cổ quý được ông cha chép chứa đầy 4 ciet sách lớn, vậy mà năm đứa con trai ông cả đời chả có anh nào rớ tới: sách thành sách hoang akhar bhaw. Tội! Bao nhiêu là dữ liệu ở đó, và bởi mấy đứa con không ai đọc-phân loại-dịch-phổ biến, nên chúng chưa thành thông tin. Mà thời đại internet, “thông tin” chưa được số hóa càng không thể gọi là thông tin đúng nghĩa. Sử dụng trí tuệ để tiêu hóa thông tin khổng lồ kia, chúng mới biến thành tri thức. “Khác với thông tin, tri thức cần đến óc phê phán và trình độ phản tư cao.”
Trên nền tảng tri thức, ta diễn ngôn.
Bởi hiện nay, tri thức không chỉ phản ánh thực tại, mà còn sáng tạo thực tại.
Thế nên, dù diễn ngôn chỉ là diễn ngôn của một cá thể/ cụm cá thể, nhưng để một diễn ngôn có thể chấp nhận được, nó cần đặt trên dữ liệu-thông tin khả tín nhất có thể. Tôi đã nói một lần ở đâu đó rồi, muốn diễn ngôn một khía cạnh/ vấn đề nào đó của văn hóa Cham, cần đặt nó trên kiềng ba chân:
[1] Tài liệu nguyên ủy: sử liệu, nguồn tiếp nhận gốc; nếu chỉ tập trung vào [1], bạn là tín đồ thuyết Duy sử không hơn không kém. [2] Biểu hiện trong đời sống, tín ngưỡng… qua khảo tả chuẩn xác; còn chỉ tin vào khảo tả không thôi, bạn chỉ là nhà nghiên cứu thuần túy. [3] Tri thức dân gian: qua tục ngữ, truyện cổ, Damnưy… chỉ bám vào mục này, bạn trở thành đồ đệ của thứ Triết lí Hổng chân: suy diễn và suy diễn.
Thiếu một trong ba, diễn ngôn kia bị đặt vào thế chông chênh dễ đổ.
Trong đời, chúng ta không ít lần bắt gặp những diễn ngôn chông chênh đó. Diễn ngôn không gì hơn một chế tác từ thường kiến (doxa), hay khác đi: gom từ những “nghe nói nơi thế giới người ta”. Nó tự biến mình thành trò cười. Bởi, nói như Bùi Văn Nam Sơn, thế giới hiện đại, “không có chỗ cho kẻ dốt nát và liều lĩnh.”