Inrasara: PO RIYAK – THẦN SÓNG: LỊCH SỬ, TRUYỀN THUYẾT VÀ TỤC THỜ CÚNG

Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển số 2-2016 (tr. 81-94)

Hằng năm, sau lễ Rija Nưgar (Lễ Xứ Sở) diễn ra vào đầu năm lịch Chăm (tháng 4 Dương lịch), bà con Chăm ở các vùng thuộc hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đều làm lễ thờ cúng Po Riyak, tức Thần Sóng [Biển]. Lễ thờ cúng Po Riyak là một mảnh văn hóa biển của người Chăm, mảnh rất quan trọng. Bởi non hai thế kỉ rưỡi, dấu ấn của nó chẳng những vẫn còn in đậm trong tâm thức cộng đồng, trong sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng Chăm, mà còn ảnh hưởng đến các cư dân trong khu vực, như qua tục thờ Cá Ông, hay thờ Ông Nam Hải của người Việt miền Trung chẳng hạn.
Po Riyak là ai? Người có lịch sử hay chỉ là nhân vật huyền thoại? Hiện nay cộng đồng Chăm thờ phụng Po Riyak như thế nào? Người Việt nhận ảnh hưởng gì từ nhân vật huyền thoại hóa này?

1. Từ lịch sử đến truyền thuyết
Truyền thuyết kể rằng, Po Riyak tên thật là Jataul Wa (hay Aih Wa), làng Ia Dak, nay thuộc khu vực Ma Lâm, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Ngài sinh ngày mồng 5, nhằm thứ Ba, tháng Tư lịch Chăm năm con Rồng.(1)
Niên lịch xác định ngài xuất hiện sau triều đại Po Rome (1627-1651), lúc đó Phú Yên thuộc Champa đã mất vào tay Đại Việt. Điều này tương ứng với thực trạng xã hội được kể lại rất khái quát trong truyền thuyết (dalikal) và tụng ca (damnưy) về ngài.

Truyện kể, Jataul Wa thuở bé thông minh, dĩnh ngộ, có đạo đức, nhưng ít chú tâm đến chuyện gia đình mà chỉ lo công tác xã hội. Lớn lên, thấy đất nước bị lâm nguy, dân lành đau khổ, người sang Mưkah (Mecca)(2) học bùa thiêng với quyết tâm sẽ trở về cứu nguy đất nước. Ở Mecca, ngài tâm sự hết với thầy hoài bão của mình và được thầy thương tình truyền dạy cho mọi bùa phép thần thông. Sau đó, mặc dù nhiều lần Thầy can ngăn (vì gặp năm kỵ tuổi ngài), ngài vẫn lén thầy lên thuyền trở về quê hương.
Gần đến bờ biển quê hương, biển động mạnh khiến chiếc thuyền của ngài bị một cơn sóng lớn đánh chìm, một loài ó biển chúa sà xuống phanh xác ngài ra làm đôi. Người Chăm nghĩ sự cố xảy ra do lời nguyền rủa (vì không nghe lời thầy) của thầy được ứng nghiệm.
Thi hài của ngài bị sóng đánh giạt vào bờ bên cồn cát thuộc vùng biển Phan Rí. Ngài mất, dân làng cả Chăm lẫn Việt lập đền thờ ngài. Truyện kể, sau đó ngài lại sống dậy, lập một tờ thư kể lại câu chuyện của mình. Nhìn thấy quê hương tan nát, cuộc sống dân tộc khốn khổ, buồn lòng, ngài đến Phan Rang lên núi sống rồi lấy vợ người Kơ-ho làng Rapat và có được hai người con gái xinh đẹp.(3)
Po Riyak sau đó hóa hiện (thrơh) thành Yang Biruw (Thần Mới, trong lễ Rija Harei tức lễ Ban Ngày). Ở đó người Chăm thờ ngài theo vài hình thái khác nhau tùy thuộc lễ: Po Riyak, theo lễ “cei” tên là Cei Praung (Chú Lớn trong nghi thức Swa), theo lễ “atuw” tên là Kuramat Bituk trong Rija Praung (Lễ Lớn) và Rija Dayơp (Lễ Đầu Hôm).
Qua chuyện kể, đừng vội cho đó là lối suy nghĩ phản khoa học hay lý luận thiếu logic. Po Riyak là nhân vật lịch sử có thật cũng như tất cả các nhân vật lịch sử khác trong damnưy – tụng ca Chăm ngoại trừ Po Inư Nưgar, nhưng với người Chăm, “lịch sử chuyển thành huyền thoại, truyền thuyết” bởi vì, “ý niệm về thời gian – không gian (thế giới khách quan) không phải bao giờ cũng rõ rệt và tỏ ra là cần thiết trong thói quen tư duy của người dân Đông Nam Á”.(4)
Po Riyak-Dalikal-02
Trang đầu dalikal – truyện kể Po Riyak.
Po Riyak-Damnuy-02
Trang đầu damnưy – tụng ca Po Riyak.

Văn bản 1. DAMNƯY PO RIYAK(5)

Po Riyak bhum Pacam Ia Dak
Supit sumat thrơh tabiak krah hatai mưribho

Mưng di kal thrơh tabiak hu Po
Jak karak mưtwaw lo, dhar phwơl bbwak di urang

Tơl praung o patih bruk sang
O dauk tanrơm di tathan, bhum pachai muk hakei

Nau mưgru sunuw piơh di drei
Caga daung nưgar palei bithơr mưng bruk bwơl ribbah

Chơh di hatai nau tơl nưgar Mưkah
Sang mưgik Po Alwah, hu nưbi dauk tanan

Jabat sulam po gru blauh akhan
Likuw Po ngap dhar, patauw pa-abih takai karai

Ilimo palih kabơr thuw hai
Sunuw binrik sak tajai piơh daung bwơl bila

Po gru anit patauw abih kadha
Palih kabơr sunuw mưda tơl abih takai karai

Blauh likuw adat di gru brei mưrai
Ka seh wơk mưrai rawơng iơk palei nưgar

Lơh panwơc po gru si bicơn
Seh jwai wơk nưgar dauk tani baik saung gru

Po Riyak jabat salam blauh bino
That tiak akhan saung gru, Jơk mưrak khing mưk nưgar

Dwix xak lo paran anưk Cam
Nhu gơk katơk pakarơm, cah cok hau karang

Biruw mưng po gru si akhan
Seh jwai wơk tathan, mưyah daung jang o jai

Kuhlaum gru patauw tơl takai karai
Gru anit nưh hatai, brei ka seh wơk nưgar

Laung sunuw hai kahlaum mai thrơm
Po gru anit ranơm, patauw seh hu rilo

Biruw mưng po gru si bino
Mưng ngauk Alwah di brei o, prưn Cam o ka tơl

Mưyah nau ngap hagait jang o jiơng
Debita hu pagwơn, pagơr titwak o ligaih
Glac nan laik di gru đwa danuh
Saung Debita o ligaih, tuh ka gru ciip o siam

Pơng iơk cang klauh thun bilan
Samưtak ligaih siam, gru brei o pakơn

Po Riyak bboh gru đom yuw nan
O brei wơk daung nưgar, pađiak hatai o bik bicơn

Krưh mưlơm mưk kapal ba trun
Tathik klơp dok blung di akauk kapal blauh kakuh

Kluw bbơng pak danauk gru đih
Blauh trun kapal wah, si take wơk nưgar

Ciip glac saung gru tuk nan
Mưrat hatai sa rajơng, hadah gru mưdơh o bboh

Gru amiơng thuw ka seh dơp jơh
Nau nưgar đa o twah, chuk glac saung Debita

Seh ngap hatai o thuw kađa
Ragi ragơn saung Alwah, tala harei o ligaih

Hajiơng saung po gru sanưng mưtưh
Pathwơr di hatai pwơc sa bauh, panwơc gru sunit ginrơh

Gru hatơm nau di ia ikan cabbauh
Nau di glai ula cauh, rimaung bbơng raung talang

Po Riyak tok dwix di gru urang
Patơl ka nhjơp inư katrang cabbauh binơx di jallidi

Di kal nan mai jaik gram pari
Debita patơl gađi pahwing pahwang harei mưlơm

Grum katal, hajan riya lin mưklơm
Inư katrang cakak pajơl, habah klaih jiơng dwa

Swan tamư ikan dauk di ia
Thrơh biđang sa bbơng tra, di gram pari dwơn Parik

Panưh kwơk dauk di gahul bwơl liwik
Ywơn gilai nưgar Parik bhuk tik mưliêng kanư

Mưnưng ba kaya binrik limah ka Po
Bauh ahar jang rilo, panưh harak ka bhap bini

Halei ka dulikal Po rabbi
Kaywa nit bhap bini, thun pagwơn min o tơl

Po klak bwơl nau grơp nưgar
Glơng di lok iơk habơr thruw duw thruk mưhu

Blauh Po nau mưrup wơk jơ
Nau khing kamei Kahauw palei Rapat bhum Pacam

Hajiơng hu dwa kamei seh mưlơng
Trun di ray thrơh jiơng bbơng twei Yang Biruw

Po Riyak bbơng gah Rija Harei
Dayơp Rija hu rei bbơng twei Kuramat Bituk

Jang janưng apơn abih grơp bruk
Dalơm tathik nan ribuk jiơng patau jallidi

Sunit dhit Ywơn Cam mưlieng kanư
Angin pađiak padaung di Po daning pacơng bhap bini

Po Riyak Alwah pacrauk ka inư
Padhut mai tok hu daung urang dwixxa

Ikan limưn xwan thap dauk di ia
Dalơm tathik didin kaxa abih mưrai tapong halong

Grơp palei gah tathik nan jiong
Yap thun tơl bilan ngap yang parang bingu

Angin pađiak ribuk tathauw padaung di Po
Thuk siam kajap karo sunit dhit grơp pakal.

TỤNG CA PÔ RIYAK

Pô Riyak đất Ma Lâm làng Ia Dak
Thần thánh hiện về trần, tài trí ít tai bì

Chuyện xưa ấy đất Ma Lâm có Pô
Khôn ngoan và phương phi, đức độ hơn người

Lớn lên không màng đến chuyện nhà
Không ở yên một nơi trên quê mẹ tổ tiên

Kiếm tìm tri thức, Pô đi
Mong cứu độ dân lành đang trong cơn nguy khốn

Hân hoan tìm sang tận La Mecque
Chốn thánh đường Allah hiện các bậc thánh sống nơi kia

Pô quỳ lạy thầy rồi lên tiếng thưa
Xin Ngài ban ơn dạy bảo mọi điều hay lẽ phải

Tri thức thần thánh cho con biết
Bao cơ mưu kỳ tuyệt, để cứu khổ dân lành

Thương tình thầy bày vẽ mọi đường
Từ mưu lược siêu nhiên đến mọi đường đi nước bước

Thế rôi, Pô xin phép thầy trở về
Cho con được về quê nhà xem đất nước thế nào

Mới nghe, thầy đã phán rằng
Chớ vội về quê hương, cứ ở lại đây với ta

Pô Riyak lạy tạ thầy rồi thưa
Tình thật con quyết về, kẻ thù đang xâm chiếm quê hương

Tội tình lắm người dân nước Chăm
Chúng đàn áp dân lành, người luân lạc tứ tán

Thế là sư thầy liền phán
Chớ dại mà về nước, có quyết cũng bị bại thôi

Dẫu sao ơn thầy đã truyền hiểu mọi bề
Cho con được trở về, thầy rộng lòng thương

Bao năm tôi luyện và thử bùa thiêng
Thầy có lòng thương, tận tình bày vẽ

Lần nữa người thầy mới quyết
Thiên giới không ban phép, lực Chăm cũng chưa tới

Nếu có việc gì tội kia thầy sẽ phải mang
Trời cao có đâu thuận tình, đổ cho ta cũng tội

Hãy cứ nghe tình hình, đến hạn hãy đợi
May ra việc thuận lợi, ta không làm khó dễ ông

Pô Riyak biết thầy một mực khuyên
Không cho trở về cứu quê hương, ruột nóng không chịu thấu

Nửa đêm lén lấy thuyền mang xuống biển
Cắm cờ ngay trước mũi lái rồi ba lần quỳ lạy đất tạm dung

Nơi kia thầy đang ngủ giấc say
Rồi xuống thuyền chèo đi ngược về xứ sở

Có mang tội với thầy thân này đành chịu
Lòng đã quyết rồi, sáng dậy không thấy thầy mới hay

Thầy đoán mộng biết đồ đệ đã trốn đi
Về quê e không may, bởi phạm tội với Đấng tối cao

Người học trò đã không ngại e
Làm ngược ý Allah, riêng tháng ngày càng không thuận

Lòng người thầy cũng nghe rất giận
Người rủa sả ra miệng, lời thầy bỗng thiêng

Thầy rủa: đi đường biển thì bị cá đớp ăn
Còn nếu đi đường rừng thì bị cọp tha, rắn cắn

Tội cho Pô Riyak đành chấp nhận
Xui khiến cho chúa loài ó biển, cắn chết giữa biển khơi

Khi ấy thuyền Pô sắp tấp vào bờ
Đấng trên cao xui về, ngày đêm làm choáng váng

Mưa giông, sấm sét mịt mù
Loài ó biển chúa chặn khắp nẻo đường, cắn thân Pô Riyak đứt làm hai

Hồn Pô đi vào bụng cá sống giữa biển khơi
Phần còn lại thì biến hình về đất Phan Rí lang bạt

Pô dựng đền sống trên động cát
Lâu ngày ngư dân Việt Phan Rí tế lễ phụng thờ

Người mang vật quý dâng lên Pô
Bánh trái cũng nhiều, họ viết thành văn gửi lại đời

Để hiểu sự tích Pô đã khốn đốn ra sao
Bởi thương dân mình mà về, chỉ do hạn kỳ chưa tới

Pô bỏ đất đi lang bạt khắp xứ
Nghẹn ngào chán nản khi thấy người thiên hạ đảo điên

Rồi lần nữa Po biến hình đi
Lấy vợ người Kơ-ho, làng Rapat xứ Ma Lâm

[Sau này] Pô Riyak được lễ Ban Ngày
Lễ Đầu Hôm cùng lễ theo Kuramat Bituk

Giữ chức sắc để mọi điều Pô nắm đủ
Dưới sóng lớn biển cả, Pô thành chúa Đại dương

Tài thánh nên Chăm hay Việt phụng thờ
Nắng gió đều cầu cứu đến Pô, như bức tường che chở

Allah cho Pô hiện về qua thân phàm người mẹ
Cho thần dân tội lỗi cậy nhờ nguôi bớt nỗi oan

Cá Voi sống dưới nước qua linh hồn Pô
Mọi loài trong đại dương đều quy về thần phục

Dân các làng biển dồn tới
Hằng năm đến ngày lành đều làm lễ phụng thờ

Nắng gió, bão tố người cầu cứu Pô
Phép thiêng mang tốt lành cho mọi sinh linh an tịnh.

Văn bản 2. DAMNƯY PO RIYAK(6)

Urang nau hu gilai ba đik
Po ngap rakik đik ngauk raung ikan

Urang gilai wah ba
Po nau di ia ngauk raung ikan

Riyak pauh tabalik
Takai po đik nau saung riyak

Riyak pauh pataglong
Takai po crong nau saung riyak

Po đik ikan blauh mai
Waih tamư Pajai dauk saung Kahauw

Dauk saung Kahauw taum thun
Limưn kauk trun blauh nau Rađaiy

Dom mưng Rađaiy đwơc mai
Tanhi po mai dom dei xa-ai

Blauh dauk tani dom po
Nau rabbi rabbưp blauh thwak yawa

Nhjơp saung jalan tah dhwa
Biak takai hwa biđung di cwah

Po tamư dalơm tathik
Thrơh jiơng yang ngan Po Riyak

TỤNG CA PÔ RIYAK

Người đi thuyền đưa tiễn
Pô đi qua biển trên lưng cá

Người đi thuyền chèo đưa
Pô đóng bè đi trên lưng cá

Biển vỗ sóng cuồn cuộn
Đặt chân lên sóng Pô tôi đi

Biển vỗ sóng cuộn trào
Bè Pô lướt đi cùng sóng cả

Trên lưng cá Pô về
Với người Kơ-ho đất Ma Lâm

Sống ở đó trọn năm
Voi trắng xuống đưa Pô lên Ê-đê

Người Ê-đê chạy tới
Hỏi Pô trở lại cùng mấy anh em

Ở nơi ấy Pô buồn
Cơ cực bước chân Pô than thở

Quê hương đường xa ngái
Chân Pô mỏi bỏng trên cát nóng

Với biển Pô đi xuống
Hóa hiện thành Yang, là Pô Riyak.

2. Po Riyak hóa thân phân mảnh
Ngày xưa, chính ngay cồn cát tại Phan Rí Cửa – tiếng Chăm là Pabah Lơmngư thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, nơi thi thể Po Riyak tấp vào, cộng đồng Chăm lẫn Việt đều thờ cúng Po Riyak. Hơn 20 năm qua, bà con Chăm không còn làm lễ này nữa, mà nhường hẳn việc thờ cúng ngài cho ngư dân Việt trong vùng. Mỗi tháng 6 Âm lịch hằng năm, người Việt qua đây cúng Cầu Ngư hay cúng Ông Nam Hải.
Ở xã Bình Thạnh huyện Tuy Phong cũng có đền Ông Nam Hải hiện vẫn còn được ngư dân Việt trong vùng thờ cúng. Bà con Chăm khu vực này không còn lễ Po Riyak nữa, mà thỉnh Po vào lễ Rija Nưgar để cúng chung. Ở đây ngài được hưởng lễ qua bài tụng ca và được Ong Ka-ing cầm cây mía – tượng trưng cho cây chèo – múa theo điệu trống Wah Gaiy (Chèo thuyền). Chỉ có vậy, và không gì hơn.(7)
Ở vùng Ninh Thuận thì khác. Vai trò của Po Riyak trong hệ thống lễ của cộng đồng Chăm rất đặc biệt.
Sáng ngày 13/4/2016 nhằm mồng 7, thứ Tư đầu năm lịch Chăm, bà con Chăm các làng [nhiều nhất là Cwah Patih – (Thành Tín)] thuộc tỉnh Ninh Thuận xuống khu vực thờ Po Riyak ở thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, làm lễ cúng Po Riyak.
Trước đó, ngày 7 và 8 tháng 4 Dương lịch, tất cả các làng Chăm đồng loạt làm lễ Rija Nưgar ngay làng mình. Đó là ngày đầu năm lịch Chăm. Tục ngữ Chăm:
Tamư di Jip, tabiak di Suk: Vào ngày thứ Năm, ra ngày thứ Sáu
Chuyện kể tiếp: Phần Po Riyak, mảnh thì từ Phan Rí – Bình Thuận đi lên vùng miền núi Lâm Đồng sống mai danh ẩn tích, mảnh còn lại đã “chết” thật. Ngài biến thành Cá Ông (hay Cá Voi ikan limưn) giạt về phơi mình trên bãi biển thuộc thôn Vĩnh Trường ngày nay. Muk Buh được báo mộng, bà con Chăm qua chỗ “Ông” nằm làm lễ hỏa táng “Ông”, từ đó hằng năm cứ xuống mảnh đất đó cúng tế.
Dân làng Thành Tín thuộc xã Phước Hải, huyện Ninh Phước kể rằng, thời nhà Nguyễn, khi vua Gia Long kinh lý ngang qua thấy cả khối người Chăm tế lễ giữa trời, dừng lại hỏi, mới hiểu chuyện. Nhà vua xuống chiếu cho xây ngôi đền để người Chăm có chỗ mát mà ngồi, chứ lâu nay bà con cứ giữa nắng Phan Rang, mà lễ, mà khấn coi cũng tội.
Thực dân Pháp đến, kháng chiến lan rộng, cái đền nhỏ bé lọt thỏm giữa bụi cây rậm rạp được Việt Minh tranh thủ làm nơi ẩn trú, bị Tây cho dở phá đi, chỉ còn mỗi cái nền. Tuy thế, người Chăm vẫn tiếp tục đến mảnh đất thiêng ấy cúng tế.
Lễ Po Riyak luôn được tổ chức sau lễ Rija Nưgar. Riêng làng Chakleng (Mỹ Nghiệp) thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, thì ngược lại. Tại sao?
Chiến tranh mất an ninh, đầu thập niên 50, Po Riyak được palei Chakleng thỉnh về cúng kiếng tại làng mình, và được dân làng xem như Thần Tri Thức, nên người Chakleng không còn xuống nơi cũ hành lễ nữa. Po Riyak đã thành Thần Làng của palei. Thế nên bà con ở đây lễ báo ông thần trước, sau đó làm lễ Rija Nưgar không có chi là sai nguyên tắc tâm linh cả.

Rija Nugar-2016-4-7-M-02
Po Riyak hóa thân thành Thần Tri Thức ở Chakleng (Mỹ Nghiệp). (Ảnh: Kiều Maily, 2016).

3. Đất Po Riyak ở Vĩnh Trường – huyện Thuận Nam, Ninh Thuận
Mảnh đất nơi dựng đền thờ Po Riyak ngày xưa ở Thôn Vĩnh Trường, thuộc huyện Thuận Nam, Ninh Thuận rộng cả mẫu không rào không rãnh, thời gian gần đây bị dân địa phương lấn làm đầm tôm, cứ teo dần để hiện tại đọng lại chưa tới sào đất. Cả cây Kayo to lớn mà bà con tranh thủ bóng mát để đặt mâm lễ cúng, cũng đã bị bứng đi đâu rồi. Po Riyak chỉ còn trơ trơ mấy mảnh đá ong nhỏ rải rác đây đó, làm chứng tích.
Po Riyak-KM-14
Lùm chùm-lé là mảnh đất ngày xưa dựng đền thờ Po Riyak, 2016. (Ảnh: Kiều Maily, 2016)

“Người Chăm không quen ghi chép, không quen cất tư liệu, rất thiếu tinh thần thủ kho. Anh Mạnh ở Cwah Patih (Thành Tín) kể chuyện liên quan đến mảnh đất thờ Po Riyak tại Vĩnh Trường – nơi Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sắp xây dựng. Sau Rija Nưgar 2015, bà con xuống Vĩnh Trường sớm để phát quang khoảnh chùm-lé nơi [nghe đồn] có hòn đá Linga tượng Po Riyak; được một hồi mà chẳng thấy chi. Thế là bà con đành “thỉnh” hòn đá tạm về cạnh đường mòn, hành lễ.
Kể rằng một số người Việt địa phương bảo họ đã từng thờ Cá Ông sát cạnh nơi bà con Chăm thờ Po Riyak. Có vị còn nói như đinh đóng cột rằng, mảnh đất đó thuộc của họ, chứ không riêng gì của Chăm. Cả mẫu đất nay bị ép chỉ còn chưa đầy sào. Từ cụ già đến con nít Chăm biết chắc mảnh đất đó là sở hữu của mình, cả hơn chục palei (làng) Chăm liên quan đều đến mảnh đất thiêng cúng kiếng mỗi năm. Ai cũng biết thế, nhưng làm sao cãi? Và lấy gì chứng thực?
Sử liệu – không, chuyện kể – không, hồ sơ (sử liệu hiện đại) cũng không nốt.
Trong khi để chứng thực một vùng [mảnh] đất nào đó thuộc về mình, cần: Sử liệu, nghĩa là tài liệu cổ, của mình và người ngoài viết về nó. Ở đây, Po Riyak không nhận được được đặc ân đó”.(8)
Việc thỉnh hòn đá tạm về cạnh đường mòn hành lễ không phải là chuyện xảy ra mới đây, mà ngay từ thời chiến tranh, khi bà con không thể đến vùng đất cũ mất an ninh. Po Riyak nguyên bản được phân thân làm đôi: Po Ong (Pô Ông) và Po Muk (Pô Bà). Po Ong vẫn trụ tại vị trí cũ, cách bờ biển khoảng 50m, còn Po Muk dời cư về vùng đất phía bắc, cách Po Ong hơn ba cây số. Ba năm thành lệ…
Do đó, ngoài việc để cho các vị chức sắc cúng tế ở Po Ong, tất cả tín đồ hành hương năm nay tập trung về khu Po Muk làm lễ, bởi “vấn đề an ninh Dự án Nhà máy Điện hạt nhân”, bên chính quyền bảo thế.(9)
IMG_8687
Lễ Po Riyak tại Po Ong: Po Riyak chỉ còn là mấy cục đá ong. (Ảnh: Kiều Maily, 2016)
IMG_8924
Lễ Po Riyak tại Po Muk (Ảnh: Kiều Maily, 2016)

4. Lễ cúng Po Riyak
Lễ cúng Po Riyak kéo dài trong một ngày. Các chức sắc Chăm tham dự gồm có: Acar, Mưdwơn, Kadhar và Pajuw. Mâm lễ vật có thịt gà, xôi, bỏng, rượu và trứng, thêm trái dừa, bánh trái các loại, và đương nhiên phải có cây mía đỏ tượng trưng cho cây chèo.
Và cũng như mọi lễ của người Chăm, cặp trống Ginơng, trống Baranưng, kèn Xaranai là không thể thiếu. Thầy Mưdwơn vỗ trống Baranưng hát bài tụng ca Po Riyak. Vũ sư là Ong Ka-ing, Muk Pajuw và cả quý bà, quý cô được gợi hứng qua điệu nhạc – múa theo nữa.
IMG_8819
Ong Ka-ing và cây mía đỏ, tượng trưng cho cây chèo trong lễ cúng Po Riyak (Ảnh: Kiều Maily, 2016)
IMG_8873
Quý cô cũng tham gia múa trong lễ cúng Po Riyak (Ảnh: Kiều Maily, 2016)

Lễ Po Riyak có sự liên quan mật thiết với lễ Palau Paxah.
Đây là lễ được tổ chức với quy mô lớn, kéo dài hai ngày, tập hợp hầu hết chức sắc Chăm thuộc các hệ khác nhau tham dự, bao gồm rất nhiều nghi lễ mang tính tôn giáo khác nhau. Palau Paxah được tổ chức tại các cửa biển, nhằm khai thông trời đất. Sáng Chủ nhật, dân các làng tụ về nơi hành lễ, dựng 7 cái rạp (Kajang): một cho Paxeh (Cuh Yang Apwei), một cho Acar (Talak Bala), một cho Kadhar (Swa Yang), một cho Ong Binơk, và 3 cho Mưdwơn (Rija Harei, Rija Dayơp, Rija Praung). Lễ gồm 5 con dê, 7 cặp gà, cá khô, cơm canh, rượu, trứng, bánh trái….
Chức sắc tôn giáo xuất hiện qua các cặp biểu hiện cho Nam – Nữ, như: Paxeh – Acar, Kadhar – Pajuw, Mưdwơn – Ka-ing, Ong Binơk – Ong Hamu Ia. Hiện nay các làng Chăm ở Ninh Thuận không còn hành lễ này nữa, lễ chỉ còn tồn tại ở palei Bal Riya (Bính Nghĩa), huyện Ninh Hải, và chỉ mang tính cách lễ làng.(10)

5. Từ lễ Po Riyak đến tục thờ Ông Nam Hải và lễ Hạ thủy tàu thuyền (Patrun gilai) của người Việt
Tục thờ Ông Nam Hải chỉ có ở miền Trung, và một phần ở miền Nam Việt Nam. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đây là tục thờ có nguồn gốc từ lễ Po Riyak của người Chăm.
“Các làng chài miền Trung hầu như đều có lăng thờ thần Nam Hải và có tục cúng Nghinh Ông hàng năm hoặc 3 năm một lần cùng những tục khác liên quan. Họ cho rằng thần Nam Hải hiện thân cá Voi để cứu nhân độ thế, cứu giúp ngư dân trên biển khi có sóng to gió lớn, vượt qua tai nạn. Tương truyền rằng Ngài rất hiển linh và đó là niềm tin giúp họ vững tâm khi phải ngày đêm trực tiếp nơi đầu sóng ngọn gió. Lễ cúng Nghinh Ông còn được gọi là lễ hội Cầu Ngư nhằm mục đích cầu xin Ông phù hộ mùa màng đánh bắt bội thu, ngư dân no đủ ngoài việc cúng tạ, ca ngợi công ơn Ông đã cứu người, cứu thuyền. Khi đi biển đánh bắt cá nếu gặp được cá Ông thì người dân rất vui mừng, tin rằng đã gặp vận may”.(11)
Lễ cúng Nghinh Ông, lễ hội Cầu Ngư, tục thờ Ông Nam Hải gắn chặt với dân biển và nghề biển. Ở đây, lễ Hạ thuyền cũng không thể thiếu; càng linh hơn nếu tại buổi lễ đó có các thầy Chăm đọc kinh cầu an. Ở Ninh Thuận hiện vẫn còn tồn tại các thầy cúng người Chăm chuyên hành nghề này.
2015-Ba Den05
Ông Bá Đến, thầy cúng ở lễ Hạ thuyền (Ảnh: Kiều Maily, 2015)

Ông Bá Đến, 66 tuổi làng Phước Nhơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, gia đình truyền thống cấp Mưdwơn. Ông được các ngư dân Việt từ Bình Định, Vũng Tàu mời đến làm lễ Hạ thủy tàu thuyền (Patrun gilai). Lạ, đại đa số ngư dân Việt tin các ông thầy Chăm đọc kinh lễ tẩy trần, mới linh.
Lễ Hạ thủy tàu thuyền có hai dạng: thuyền cũ cho mùa mới, hay thuyền hoàn toàn mới để lần đầu tiên ra khơi. Dạng thứ nhất, lễ vật có một con gà nướng, một chén xôi, một chén chè, 2 trứng gà luộc, bánh 5 miếng, trầu têm 5 miếng. Ở dạng thuyền mới, lễ vật cần thêm: lưới, thúng thóc; trên thúng thóc là cây nến với nải chuối.
Con thuyền được đặt trên cạn trước mặt sóng biển mênh mông, ông thầy đứng ngay đầu thuyền hành lễ. Tuần tự: ông trình về bản thân (Akhan ka drei); sau đó làm lễ Mời Thần (Da-a Yang), từ thần Tháp cho đến 37 vị thánh, có cả thần người Việt; cuối cùng là đọc kinh lễ (Ricauw) với thần chú tẩy uế (Mưroy). Có 7 kinh lễ cả thảy. Thử trích đoạn:
Kuw nau bitơl haluw janưk kuw ricauw kuw patalơh
Kuw apah di kauk gilai blauh kuw tanra di atara
Kuw patalơh di ngauk adơrha ala tanưh riya
Kuw patalơh di patuw di kayuw
Kuw patalơh di glai pamưtai rimaung
Kuw patalơh di kraung pamưtai pataw ikan
Kuw patalơh di tơng pamưtai biya
Kuw Po jallidi…
Ta đi xuống tận đáy sân si, ta tẩy trần mọi uế tạp
Ta vỗ lên đầu thuyền, ta gạt ngang khoảng không gian
Ta tẩy rửa mọi uế tạp trên trời dưới đất
Ta tẩy rửa trên đá tảng, trong tàn lá
Tẩy rửa trên rừng ngàn, ta hạ thủ chúa sơn lâm
Tẩy rửa dưới sông rộng, ta giết chết loài kình ngư
Tẩy rửa trong vịnh sâu, ta đuổi tiệt loài sấu
Chúa tể đại dương là ta…
Ta đã là chúa tể đại dương, ta tự tin và dũng mãnh lên thuyền đi ra biển lớn.
Bởi, ta chính là Po Riyak!

TFN, 21-4-2016

CHÚ THÍCH
(1) Theo bản chép tay của Bạch Thanh Chạy, nguyên Trưởng Ban Biên soạn sách chữ Chăm: Thứ Ba mồng 5, tháng 4 năm con Rồng nhằm ngày 17/8/1784. Bởi Po Riyak là nhân vật lịch sử được thần thoại hóa, nên nhiều văn bản ghi năm sinh của ngài lắm khi có sự khác biệt lớn.
(2) Đúng hơn là Kalentan thuộc miền Nam Malaysia ngày nay.
(3) Có bản chép là “hai người con trai”. Văn bản 2. Damnưy Po Riyak kể, sau đó ngài còn lang bạt tận vùng người Ê-đê sinh sống nữa.
(4) Nguyễn Tấn Đắc (chủ biên), Văn học các nước Đông Nam Á, Nxb Văn hóa, 1983, tr. 8. Xem thêm: Inrasara, Văn học Chăm khái luận (in lần 3), Nxb Tri thức, Hà Nội, 2015, tr. 81-82:
“Cho nên ngày tháng năm sinh và cả nơi sinh của các Pô không được người Chăm đặt thành một vấn đề quan trọng cần phải suy cứu cho tới nơi tới chốn. Ppo Klaung Girai có thể sinh ở Phan Rang, Phan Rí hay một nơi nào đó thì vẫn không có gì thay đổi cả, miễn là nhân cách của Người, sự nghiệp của Người luôn giữ được nét độc đáo và đặc sắc, mãi mãi là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác văn học hay cho mọi tưởng tượng bay bổng.
Giai thoại (hay huyền sử) quan trọng hơn sự kiện lịch sử là thế. Nó chính là “dòng suối tiềm ẩn bên trong” mang đầy ý nghĩa sử tính mà “chối đi con người sẽ cảm thấy thiếu một cái gì và dân tộc sẽ thiếu đi mối dây ràng buộc thiêng liêng rồi sẽ đi tới chỗ băng hoại”. Nói như thế không phải chúng ta từ chối những truy tìm mang tính lịch sử – sự kiện mà là chúng ta chỉ chối bỏ “óc duy sử chỉ chấp nhận hiện tượng bên ngoài” mà không nhìn nhận những gì tồn tại ngoài nó”.
(5) Theo bản chép tay của Bá Văn Có, làng Hữu Đức, Ninh Thuận, 1981 chép lại từ bản chép tay cổ; có đối chiếu với bản Thanh Long, làng Chất Thường, 1990.
(6) Bản tụng ca do Mưdwơn Hán Phải làng Bal Caung (Chung Mỹ) hát, và Phú Đạm làng Chakleng (Mỹ Nghiệp) ghi vào tháng 4/2007.
(7) Theo lời kể của anh Qua Đình Lang, nguyên giáo viên tiếng Chăm làng Lạc Trị, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.
(8) Inrasara, Minh triết Cham, Nxb Tri Thức, 2016, tr. 19-20.
(9) Xem thêm: Kiều Maily, Facebook:
“LỄ PÔ RIYAK, LINH THIÊNG MÀ TRẦN TỤC”
Ngày 13/4/2016, sáng tinh mơ.
Tôi hòa cùng bà con Chăm xe máy xuống Vĩnh Trường, Sơn Hải – Ninh Thuận, nơi dư tính đặt Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, làm lễ. Lễ Pô Riyak hằng năm của Chăm. Tôi mang theo máy ảnh, chuyện dĩ nhiên và đương nhiên. Nhà báo mà!
Ngay khi tới nơi, vừa lấy máy ảnh ra khỏi balô chưa kịp bấm miếng nào, thì một bác công an xã địa phương với vài anh em nghe nói trong ban an ninh chạy đến, vây quanh tôi.
– Không được quay hay chụp ảnh tại đây, một anh nói.
À, No pictures! Tôi hiểu.
Tôi hỏi các anh làm ơn cho biết lý do tại sao? Bà con Chăm đến làm lễ tại nơi thờ phụng tổ tiên mình mà, tổ tiên tôi nữa, sao lại bị cấm hay phải xin phép.
Các anh nói qua loa là trên lệnh thế.
– Chị thông cảm và hiểu cho chúng tôi.
Lại chuyện thông cảm, lạ quá.
Này nhé! Thứ nhất, đây là nơi mà ông bà tổ tiên tôi chôn nhau cắt rốn, là nơi bà con Chăm lặn lội vượt đường dài đến làm lễ cầu an mỗi đầu năm. Lễ Thần Sóng Pô Riyak của chúng tôi. Ai biết bao giờ là bao giờ. Ba, bốn, bảy thế kỷ nữa không chừng… mãi tận hôm nay.
Nữa nè, đây là lễ nghi văn hóa tâm linh, phong tục tập quán ngàn đời, chúng tôi lễ và chúng tôi ghi hình kỷ niệm, có gì là sai ở đây. Để con cháu chúng tôi còn biết lễ này có tồn tại nữa chớ, đúng hôn?
Lẽ các anh phải cảm ơn tôi mới phải, vì hình ảnh kia sẽ lưu lại chẳng những cho Chăm thôi, mà cho cả dân tộc Việt Nam anh chị em nữa. Đoàn kết dân tộc là thế, chứ có ý đồ gì xấu xa ở đây…”
(10) Về lễ này, xem: Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận, Nghi lễ nông nghiệp truyền thống tộc người Chăm – Raglai Ninh Thuận, Nxb Nông nghiệp, 2010, tr. 199-201.
(11) Nguyễn Thị Thu, “Lễ cúng Po Riyak của người Chăm và tục thờ Cá Ông của cư dân ven biển miền Trung”, báo Ninh Thuận, 19/5/2014.

TÓM TẮT
Po Riyak là nhân vật lịch sử xuất hiện sau triều đại Po Rome của Champa (1627-1651). Truyền thuyết kể ông rời quê hương lên Mecca học bùa thiêng để trở về giúp dân lành. Do nóng lòng, ông quy hồi cố hương trước thời hạn nên bị thầy rủa, chiếc thuyền ông bị sóng lớn đánh chìm. Sau đó ông phân thân làm hai, một trôi về Phan Rí – Bình Thuận, một giạt ra tận vùng biển Sơn Hải – Ninh Thuận. Bà con cả Chăm lẫn Việt trong vùng lập đền thờ ông. Riêng cộng đồng Chăm, trong các lễ Rija, các bài Tụng ca nợi ca công đức ông được xướng lên bởi Ông Mưdwơn.
Ở Ninh Thuận hiện nay, Lễ cúng Po Riyak được thực hiện vào mỗi đầu năm Chăm lịch. Các Lễ Cầu Ngư, Tục thờ Cá Ông của người Việt miền Trung và Nam Bộ được xem là nhận ảnh hưởng từ Lễ cúng Po Riyak của Chăm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *