MINH TRIẾT CHAM DẠY TÔI CƯ LƯU TRÊN MẶT ĐẤT NÀY ĐẦY THƠ MỘNG

27-MinhtrietCham-01
Bình Thuận cuối tuần, 22-4-2016
[Đọc Minh triết Cham, nhà xuất bản Tri Thức, 2016, của Inrasara]

Một công trình quan trọng bậc nhất của nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara. Bởi như anh cho biết, sau cuốn sách này, anh không còn mặn mà với việc chủ động in tác phẩm riêng nữa.
Quan trọng, nhưng nó khác xa so với các tác phẩm trước đó, độ dày Minh triết Cham khá khiêm tốn: chỉ có 216 trang in kể cả hơn trăm hình ảnh tư liệu minh họa cho công trình. Điều đó đủ cho ta thấy được độ nén của tác phẩm.
Inrasara không cho người đọc biết về nghĩa hàn lâm của minh triết, mà qua sự luận giải của mình, đã đưa chúng ta vào cõi minh triết Chăm với hàm lượng hiểu biết vô cùng phong phú. Anh viết ngay ở phần “Mở”:
Minh triết có thể được đúc kết từ câu chuyện thực của đời sống thường nhật, từ kho tàng tục ngữ hay châm ngôn, từ truyện ngụ ngôn, huyền thoại hay huyền sử; có thể rút ra từ các sinh hoạt lễ tục – lễ hội, quan điểm và sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng, nhất là từ tác phẩm văn chương xuất sắc, từ tư tưởng của bậc trí giả qua các thời đại lịch sử…
Nhưng dù gì thì dù, minh triết phải được tinh luyện qua lò thời gian nhuần nhị và vi tế đến không thể nhìn ra, như không khí; để mọi tầng lớp của cộng đồng đó có thể thở, ứng xử mỗi ngày; biết là nó có đó, nhưng vẫn khó gọi tên
.”

Hãy nhìn lướt qua nội dung chủ yếu của Minh triết Cham: 11 chương sách như Tinh thần sử và Tinh thần phiêu lưu với “tư duy biển lớn”, ở đó độc đáo nhất là “Câu chuyện thầy Cham làm lễ hạ thuyền cho ngư dân Việt”, hay người Chăm buôn bán – xưa và nay. Tinh thần Chăm còn tự hiển bày qua “Tinh thần sáng tạo & phái sinh của nó được nhà thơ đặt cho cái tên rất riêng: “Tinh thần tùy tiện Chăm”. Tinh thần sáng tạo này thể hiện qua rất nhiều lĩnh vực, như: Biểu tượng. Haumkar, chữ Chăm truyền thống Akhar thrah, tháp Chàm và sự phong phú của phong cách, Xakawi hay Lịch Cham, vân vân.
Trong sinh hoạt đời thường của dân tộc, Inrasara đi vào phân tích “Tinh thần học” và “Tinh thần lễ hội” của dân tộc mình với những lí giải rất thú vị. Cả “Tinh thần Mẫu” với ba cột trụ làm nên nhân cách Chăm là: Nữ không đĩ điếm, nam không mù chữ, và cả hai không ăn xin. Chương gây cho tôi hứng thú nhất có lẽ là chương bàn về tôn giáo Bà-ni Chăm. Tôn giáo theo Inrasara, đã hóa giải Islam và hòa giải được Ấn Độ giáo, khi hai tôn giáo này vào đất Chăm.
Inrasara khẳng đinh: đây là ca đặc biệt của tinh thần nhân loại.
Nhưng dù thế nào đi nữa, minh triết một dân tộc vẫn cần nói rõ cho ta biết quan niệm sống và chết của dân tộc đó. Sống thế nào và chết ra sao cho đời có ý nghĩa. Hay nói như cách nói của tác giả: ý nghĩa trong vô nghĩa của cuộc hiện sinh con người. Ở đây, tác giả Minh triết Cham cho người đọc nhận biết “Tinh thần vô danh Cham” qua ý nghĩa của Kut được biểu hiện linh hoạt trong trường ca gọi là Ariya Nau Ikak Trường ca Đi Buôn.
Nhưng không như triết lí là cái có thể luận giải thuần lí, minh triết là để sống. Vậy thế nào là sống minh triết Chăm?
Inrasara lấy chính bản thân mình làm minh chứng ở phần phụ lục không kém phần trọng yếu của cuốn sách: “Tôi & Cham”. Anh kết:
Minh triết Cham dạy tôi biết tôi là Cham…
Khi tôi nhận biết tôi là Cham sinh tại Chakleng trong đất nước Việt Nam sống bập bênh giữa hai thế kỉ XX và thế kỉ XXI, tôi chấp nhận định phận tôi, từ đó tôi dự phóng và hành động trong chân trời khả thể. Tôi trụ lại quê bám đất bám ruộng hay tôi lang thang khắp tỉnh thành buôn bán kiếm tiền, tôi lên vùng cao dạy học hay tôi vào thị xã mở phòng mạch, tôi lên tiếng về các vấn đề xã hội hay tôi phê bình trong nỗ lực khai mở vùng đất cho nhiều trào lưu thơ cùng tồn tại, phát triển công bằng và lành mạnh, tôi làm thơ tiếng Việt hay tôi miệt mài nghiên cứu văn chương và ngôn ngữ Cham để níu nó ở lại với trời đất.
Dù tôi biết chắc nó sẽ tiêu mất vào một tương lai vô định nào đó, tôi vẫn hết mình. Nỗ lực và hết mình mà không để cho bị cầm tù trong thế giới vây quanh. Nói cùng thể cách: Hành động trong chân trời khả thể thì cách biệt cả vực thẳm với “hoạt động trong điều kiện và hoàn cảnh cho phép”. Hành động trong chân trời khả thể nghĩa là tự do khỏi mọi giới hạn.
Tôi thường trực tự thức sự thể. Tự thức, tôi hết bám vào các công trình hay sự nghiệp, học vị hay chức vị, quốc gia hay quốc tế, ý thức hệ tôn giáo hay chính trị, ranh giới địa lí hay biên giới tinh thần, thôi còn đồng hóa tôi với chúng. Đồng hóa không mục đích gì hơn làm trương nở tối đa cái tôi với tính cách là chủ thể tính. Cái tôi này xung đột với [những] cái tôi khác gây bạo động và đau khổ. Tự thức, tôi hành động và tự do như là một cư lưu đầy thơ mộng.
Do đó, dù tôi khai sinh Cham, tôi vẫn vô ngại với các dân tộc trên đất nước hình cong chữ S này. Tôi là Việt Nam, trong tôi vẫn có cả thế giới. Dù trên vai nặng trách nhiệm, hay cho dù tôi có lưng vốn công trình, và nhất là, dù tôi gắn mình với “mặt đất trầm trọng và đau thương”, nhưng tôi vẫn có thể bất kì lúc nào nhẹ nhõm vẫy tay giã từ tất cả. Hành động trong chân trời khả thể và tự do là cư lưu thơ mộng. Một cư lưu đầy trách nhiệm mà vẫn sẵn sàng lên đường đi mất.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *