1. Ra Hà Nội, tôi được một bạn văn dẫn đến gặp một nhà thơ nữ trẻ thời danh.
– X đây, – anh bạn kêu, rồi sải bước ra ngoài nghe phone.
Tôi vừa ngồi thì liền bị tràng la-phanh công phá: Thơ hiện đại cần có quãng tám, tiết nhịp,; nhà thơ phải biết đâu là dấu lặng, là cao trào…
– Ờ, thơ cũng ghê nhỉ… – tôi nói.
– Thi sĩ hiện đại phải dám thể hiện mình, phải là chính mình…
Anh bạn bước vào: – Í quên, giới thiệu với em là ông anh Inrasara của anh đây…
Nhà thơ nữ trẻ chợt tắt ngúm, như thể bị té trâu.
[Bạn thơ nếu đọc phải bài này, xinchớ kêu tôi làm văn chương ám chỉ nhé. Đây chỉ kể chuyện văn chương VN].
2. Ở Sài Gòn, một nhà thơ thế hệ mới tiếng đang nổi, lần đầu gặp tôi tặng tập thơ, và kêu đó là một siêu văn bản. Tôi hỏi siêu văn bản là sao nhỉ? Bạn trẻ tự tin: văn bản siêu hình.
– Có văn bản siêu hình à! – tôi làm bộ ngạc nhiên.
– Ý em là văn bản văn học về siêu hình, – bạn thơ trẻ thêm.
– Vậy là bạn hiểu siêu văn bản khác thiên hạ ngoài kia rồi, khác hypertext rồi…
Thế là im bặt.
3. Nhà thơ trẻ, và Việt Nam ưa nổ là thế. Chớ bậc đạo sư cỡ Krishnamurti lắm khi cũng nổ, và… hố.
Bùi Giáng trong Tư Tưởng Hiện Đại viết đại ý: Krish không phải là người không biết nhập cuộc chịu chơi, nhưng mỗi lần ông tạt sang phê tư tưởng Tây phương là mỗi bận sai be bét.
Tôi mê Krish từ năm 18 đến tuổi tam thập, dẫu sao cũng nhất trí cao với bác Bàng Giúi. Krish từng tuyên bố không hề đọc sách triết học, tôn giáo; không đọc thì không biết người ta nói gì. Không biết thì thôi, ai bảo nổ, trật là phải.
4. Ngoài kia đã vậy, Cham có bị lây nhiễm, cũng không lạ.
Nhắc đến Ấn Độ chạnh nhớ chuyện vừa xảy ra. Có vị Cham mới học lóm 1-2 cuốn triết học Ấn, mà đã viết bài đối sánh rất ư là tầm cỡ triết Ấn với triết Cham! Mấy ý tưởng đại cồ nhảm kia mang tán gẫu ở bàn nhậu với nhau còn được, chứ viết ra thành chữ, hố là cái chắc.
Tri thức thiên hạ mênh mông đại hải, không biết chả có ma nào bỏ tù mình cả. Không biết mà nổ, mới tội.
Vụ này mới tàn canh khói lửa hơn. Nhà nghiên cứu trẻ viết thư méc Bộ trưởng Giáo dục rằng, cơ quan nọ dịch “nưgar chơk” thành “miền núi”, là sai. “Nưgar” là “đất nước”, dịch phản động như thế mà in sách dạy trẻ con, tiêu đời như chơi. Đại diện Vụ Giáo dục Dân tộc bay vào Sài Gòn gặp tôi, tôi bảo “nhà” này mới biết một mà không biết bảy, tố cáo bừa thành… hố.
“Nưgar” có đến 7 nghĩa cơ mà.