Kiều Trang: ẤN TƯỢNG MINH TRIẾT CHAM CỦA INRASARA

Tiếp nối mạch nguồn văn hóa Cham từ Văn học Chăm khái luận, Văn học dân gian Chăm, Trường ca Chăm, Sử thi Akayet Chăm, Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại, đến Minh triết Cham, ngòi bút Inrasara vẫn sung sức bền bỉ trên nền văn hóa dân tộc, “dẫn dụ” người đọc đến những tri thức văn hóa Cham độc đáo.
Theo Inrasara:
Minh triết có thể được đúc kết từ câu chuyện thực của đời sống thường nhật, từ kho tàng tục ngữ hay châm ngôn, từ truyện ngụ ngôn, huyền thoại hay huyền sử; có thể rút ra từ các sinh hoạt lễ tục – lễ hội, quan điểm và snh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng, nhất là từ tác phẩm văn chương xuất sắc, từ tư tưởng của bậc trí giả qua các thời đại lịch sử…”.

Bởi vậy, Minh triết Cham được “khai sinh” từ Tinh thần văn hóa. Đó là: tinh thần sử, tinh thần phiêu lưu Cham, tinh thần sáng tạo, tinh thần học, tinh thần lễ hội: tinh thần chơi, người Bini hóa giải Islam và hòa giải Ấn Độ giáo, tinh thần mẫu Cham, văn hóa quần chúng, nghệ thuật giải sân hận, tinh thần vô danh, tinh thần Damnưy: Học biết cười. Trên nền tinh thần văn hóa Cham, Inrasara đã diễn giải một cách sâu sắc đầy sức thuyết phục về Minh triết Cham.
Inrasara viết về lịch sử dân tộc Cham như một vị “đại sứ quảng bá” văn hóa dân tộc mình. Trong dòng chảy văn hóa của 54 dân tộc, văn hóa tinh thần Cham luôn tạo ra những khác biệt độc đáo. Trước hết ở tinh thần sử bất tranh và không chiếm của người đó là sức mạnh từ chối sự chiếm hữu không phải là của mình qua câu chuyện Chế Bồng Nga (tức Po Bin Thwơr trị vì 1360-1390) bốn lần xua quân ra Thăng Long, cùng với sự xuất hiện của thần Yang và thanh long đao Bat palidau thần thánh. Tinh thần chủ lùi Cham đã diễn ra trong suốt quá trình lịch sử và cho mãi đến ngày hôm nay, “Khi mạnh lúc yếu, người Cham chưa bao giờ dời dân vào bất kì vùng đất Việt nào dù lớn hay nhỏ, mà ngược lại. Còn nếu người Việt tiến về phía Nam, Cham từ từ bỏ đi. Cũng không thoái lui vào đất của dân tộc khác không phải của mình như Đồng Nai hay Raglai hoặc dân tộc thiểu số khác chẳng hạn. Mà lùi dần phía… núi!”.
Người Cham không quen ghi chép, không quen cất tư liệu, rất thiếu tinh thần thủ kho. “Hiện tại như ảnh chụp hay các ghi chép những buổi hành lễ từ mấy chụ năm trước, ngay ghi chép mấy năm qua cũng không có, mới lạ!”. Trước tinh thần khuyết thủ kho của dân tộc mình, Inrasara luôn đặt những câu hỏi lớn: “Vậy, làm gì? – Từ bỏ truyền thống? Học tập làm khoa học? Hay kết hợp cả hai?… Buồn không?” Những câu hỏi của Inrasara thể hiện một sự tiếc nuối, nhưng từ ở tinh thần khuyết thủ kho ấy vẫn để lại một kho tàng văn hóa sống không chỉ trong lòng dân tộc Cham mà làm phong phú thêm kho tàng văn hóa trong “ngôi nhà chung”.
Mỗi dân tộc có một biểu tượng riêng, nhắc đến dân tộc Cham không thể không có tháp. “Bimong Tháp Gạch là biểu tượng tâm linh Cham và ở đâu có Cham là ở đó có tháp, ngược lại ở đâu có tháp, đó là đất Cham. Tháp chiếm vị trí tối thượng trong đời sống tâm linh Cham”. Trải qua quá trình lịch sử, đến nay người Cham đã sáng tạo nên bảy phong cách tháp chính đó là: Phong cách Mỹ Sơn E1 (thế kỉ thứ VII), phong cách Hòa Lai (thế kỉ VIII-IX), phong cách Đồng Dương, phong cách Khương Mỹ (thế kỉ X), Phong cách Mĩ Sơn A1 và Trà Kiệu, phong cách Chánh Lộ (thế kỉ XI), phong cách Tháp Mắm Bình Định (giữa thế kỉ XII), phong cách muộn (giữa thế kỉ XVII).
Người Cham với tinh thần phiêu lưu nên mọi vùng miền đất nước đến nhiều nơi trên thế giới đều có dấu chân của người Cham. Trong hành trình đổ xô đi tìm những vùng đất lạ đó, người Cham nổi tiếng với việc kinh doanh, mua bán đủ thứ hàng hóa. Tuy nhiên, người Cham không đặt nặng chuyện làm giàu. Với họ, cái Nhà trong hành trình vạn dặm đó vừa là nơi xuất phát mà cũng là chốn trở về vĩnh viễn của mỗi đời người.
Tinh thần sáng tạo đã tạo nên nét riêng biệt khác lạ độc đáo cho Cham. Người Cham phá huy “tinh thần Shina: phá hủy để sáng tạo, phá hủy và sáng tạo, phá hủy là sáng tạo”, họ sáng tạo trong cách đọc và cách viết “rời bỏ “tượng chữ” chuyển sang “tượng hình” và tượng số”. Mỗi dân tộc đều có một thứ ngôn ngữ riêng, đặc biệt là về tên gọi Cham hay các lễ hội, đến biến thái về từ vựng ngữ nghĩa. Điều làm nên đặc biệt cho Cham đó là Xakawi lịch khắp xứ. Lịch khắp xứ này bắt nguồn từ tinh thần tùy tiện của người Cham. Người Cham có tinh thần thiện tri thức, học không phải để mưu lợi mà để biết, họ đón nhận tri thức bằng tâm trong sạch và thuộc rồi cúng vần đọc lại. “Để sở hữu tri thức, người học sãn sàng trả giá đắt. Hắn dám hi sinh, cả hi sinh điểu không thể hi sinh: vợ, con…”.
Sinh ra và lớn lên trong lòng dân tộc Cham, tâm hồn Inrasara được dung dưỡng trong bầu không khí văn hóa với bề dày lịch sử. Inrasara viết về lễ hội Cham rất đặc sắc. Từ lễ chung như Kate, Cabbur, Yor Yang, Pơh Babbơng Yang… đến lễ tục của Cam Awal… và điều đặc biệt “có lễ hội là có múa. Ca- múa – nhạc kết hợp nhuần nhụy, với nội dung và hình thức vô cùng phong phú”. Với dân tộc Cham thì “lịch sử biến thành huyền sử. Huyền sử này được thể hiện qua sáng tác văn học được hát trong các dịp lễ hội”.

Mỗi một dân tộc đều có phong tục tập quán, trình độ phát triển xã hội, trình độ dân trí và bản sắc văn hóa khác nhau, những đặc điểm này đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa tín ngưỡng. Ở một chừng mực nào đó, văn hóa tín ngưỡng không chỉ làm nên những giá trị tinh thần, tình cảm, tâm thức và tâm linh của văn hóa mà còn góp phần tạo nên bản sắc và sức sống lâu bền của văn hóa dân tộc. Tín ngưỡng là một hình thái biểu thị đức tin, niềm tin của con người và cộng đồng người ở một trình độ phát triển xã hội và nhận thức nhất định vào một thái thiêng liêng, cái đáng sùng kính trong thế giới người hoặc thế giới siêu nhiên nào đó.
Người Cham có những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất đặc sắc. “Islam đến, tồn tại và xung đột với cộng đồng và tổ chức xã hội Cham Ấn Độ giáo kéo dài suốt hai thế kỉ, mãi đến thời Po Rome (1627-1651), tôn giáo này mới được biến cải thành Hồi giáo cũ (tức Bà-ni hay còn gọi là Cam Awal)”. Điều đặc biệt là sự hòa hợp giữa Cham Bà-ni và Cham Ấn giáo, bên cạnh đó người Cham còn tồn tại một hệ phái khác rất độc đáo, là Mưdwơn. Ở Cham còn có tinh thần Mẫu, họ “theo chế độ gia đình mẫu hệ”, và chính chế độ mẫu hệ đã giữ cho xã hội Cham tránh đổ vỡ trong suốt thế kỉ XX đầy biến động. Vì vậy, mà cộng đồng Cham không xuất hiện hiện tượng đĩ điếm và không mù chữ, không ăn xin.
Tinh thần biến của người Cham thể hiện rõ: “Biến” để tồn tại”.
“Quần chúng Cham vừa sáng tác, vừa lưu truyền vừa tái tạo văn hóa dân tộc là vậy”. Đến nghệ thuật giải sân hận, Inrasara tìm về với thông điệp Ariya Glơng Anak ra đời đầu thế kỉ XIX, khi Cham đã tan rã, dài 116 câu ariya chứa đựng và cưu mang cả biển khổ cuộc người. Từ thông điệp Ariya Glơng Anak, Inrasara “bằng sự hiểu biết”, bằng cách sống, có nghĩa là tạ ơn của người Cham ông đã trả lời được câu hỏi “Làm sao giải phóng tâm hồn khỏi căm thù?”. Inrasara đặc biệt chú trọng đến tinh thần vô danh, tinh thần Damnưy của dân tộc mình.
Inrasara với khả năng thiên phú, ông đã khai thác vỉa sâu văn hóa dân tộc mình tạo nên một Minh triết Cham độc đáo. Minh triết Cham không bó hẹp mình mà trở thành cầu nối văn hóa dân tộc Cham trong “ngôi nhà” văn hóa chung của các dân tộc Việt Nam.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *