Vanviet. ĐÁNH GIÁ PHÊ BÌNH CỦA INRASARA

“Hậu hiện đại”, “ngoại vi” và “tự do” – 3 từ khóa của “Hồ sơ biên bản so sánh”.
Vanviet, 4-3-2016

Ban Giám khảo Giải Văn Việt lần thứ nhất về Nghiên cứu Phê bình gồm nhà nghiên cứu Hoàng Dũng, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà văn Nguyên Ngọc, và nhà nghiên cứu phê bình Phạm Xuân Nguyên đã nhất trí với 5/5 số phiếu trao:
Giải chính thức cho nhà phê bình Inrasara với loạt bài Hồ sơ biên bản so sánh.

Là một nỗ lực dựng lên diện mạo thơ Việt đương đại, là những trăn trở về ý nghĩa và đóng góp thật sự của thơ cùng nghệ thuật nói chung, Hồ sơ biên bản so sánh dự định gồm 30 bài, đã đăng 19 bài trên Văn Việt đều đặn từ ngày 5/10/2015 đến nay.
Biên độ thơ Inrasara chọn lựa để “lập hồ sơ” là không giới hạn: thơ của tác giả trong nước và ngoài nước, thơ truyền thống (như lục bát) và cách tân (như tạo hình), thơ từ nhiều trường phái hiện đại và hậu hiện đại, thơ đa diện chủ đề từ tình yêu đến thời sự chính trị, thơ là trò chơi con chữ trong khung khổ mặt giấy đến trò chơi trình diễn trên sân khấu và đời thường… Tất cả đều cùng hướng đến hai mục tiêu, cũng là hai thao tác để anh đưa “hồ sơ” đến với độc giả: giới thiệu và so sánh.
Anh không bận tâm đến việc chọn mẫu tác phẩm giới thiệu sao cho là tiêu biểu nhất cho một nhà thơ, cho một nền thơ, như kiểu thẩm định của các bậc tiền bối (Hoài Thanh chẳng hạn) mà để mặc việc lựa chọn chảy theo dòng thời sự có khi đầy bột phát, ngẫu hứng và tất nhiên đi liền với sự độc đáo của sinh thể thơ, như trường hợp thơ thời sự của Lê Vĩnh Tài về chủ quyền biển đảo, thơ “Đâm ja” của Bùi Chát đưa ngôn ngữ về phía ngoại biên, thơ đột phá thi liệu (“bò” thay thế “ngựa”) của Lam Hạnh bên dàn đồng ca một giọng của các nhà thơ trẻ, “thơ” “Tôi là cột điện” biến đường phố thành không gian trình diễn của Lê Anh Hoài, thơ tạo hình của Trần Wũ Khang… Những nghịch âm đa giọng này đã được lựa chọn (tưởng chừng) ngẫu nhiên theo tùy hứng người phê bình lại vẽ lên tương đối rõ ràng về khuôn mặt thơ Việt đương đại. Đây không phải một ăn may, mà là quá trình làm việc có quy trình dựa trên một số nội hàm chủ chốt: “hậu hiện đại”, “ngoại vi” và “tự do”.
“Hậu hiện đại”, “ngoại vi” và “tự do”. Đây cũng là ba từ khóa quan trọng có mặt trong hầu hết các bài viết. Nhà văn bị đóng khung vào định chế và tự do viết bị thách thức: “Đừng nói “tàu Trung Quốc”, khi báo chí chính thống Nhà nước vẫn còn xài khái niệm “tàu lạ”. Đừng động đến đề tài chiến tranh biên giới Việt Trung khi 16 chữ vàng vẫn còn linh nghiệm. Thi đua yêu nước, nhưng đừng viết về các vụ biểu tình. Đừng nhấn vào bề tối của cơ chế, như chuyện tham nhũng chẳng hạn; nếu có ngứa tay viết về nó, tránh để đừng chạm đến mấy chiếc ghế có vai trò trọng trách. Toàn dân sử dụng Facebook là tốt, song đừng like mấy bài bình luận chống phá chế độ ta. Tự do ngôn luận, đừng vi phạm tinh thần Nghị định 72. Tóm lại, nhà văn Việt Nam “viết hoàn toàn tự do” (chữ của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn), cả “sống và viết hoàn toàn tự do” (chữ của nhà thơ Vi Thùy Linh), nhưng nhớ đừng đụng đến đề tài tự do chính trị như vụ đa nguyên, đa đảng. Mênh mông đừng hiện diện trong/ lởn vởn quanh đầu óc nhà văn Việt Nam, khi ngồi trước trang giấy/ màn hình trắng” (Bài 16: Từ “Đừng!” của Đinh Linh đến “Luộc” của Lý Đợi). Nhưng những cái “đừng” húy kị ấy lại là nguồn cảm hứng sáng tác vô bờ bến cho những nhà thơ yêu sự dấn thân trong cuộc đời và thể nghiệm trong nghệ thuật. Inrasara luôn đứng về phía những người này. Họ tạo nên một dòng thơ hậu hiện đại gắn liền với phía ngoại vi vì họ ưa sự tự do, cái mà dòng thơ được coi là phía trung tâm/ chính thống không có được. Inrasara đã không chút thỏa hiệp với điều này: “[T]hứ phù phiếm trả giá bằng bao tốn kém với cả khối tòng thuộc… thì còn gì là tự do” (Bài 3: Thơ trình diễn Việt – từ hiện đại đến hậu hiện đại tiến lên… sến). Và bởi vì thơ “sợ sự thật”, “thơ tự bịt mắt và bó tay để hạn định mình làm ra thứ chữ nghĩa có thể được đăng, được in, để được đăng đàn diễn các loại” thì “mọi trò diễn chỉ dẫn đến thứ ảo tưởng của ảo tưởng: ảo tưởng về tự do” (bài 19: Lê Vĩnh Tài & những trò diễn của thơ).
Vậy là, anh đã hi sinh cái cụ thể cho cái khái quát, không nhằm khắc họa khuôn mặt kĩ càng từng phong cách thơ mà dựng lại một con đường cho thơ và kiên định với lựa chọn ấy. Đó cũng là lí do anh chọn thao tác so sánh một cách rất… phản so sánh khi không giấu giếm thái độ đứng về phía những nhà thơ/ bài thơ mạnh dạn cách tân thi tứ, lối chữ cắt dán và giọng điệu giễu nhại của hậu hiện đại trong tương quan với các bài thơ/ dòng thơ “phải đạo”, đúng đường lối. Đó không chỉ là lí tưởng mà còn là nỗi niềm đau đáu. Nên bỏ qua thao tác khoa học nghiêm nhặt, ở đây có sự ưu ái trước tiên là dành cho cái mới và thứ hai là dành cho những nhà thơ trẻ, những người có khả năng chấp nhận và tìm tòi cái mới.
Cái táo bạo và độc đáo của Inrasara đôi khi ở ngay trong thao tác so sánh. Chẳng hạn nếu viết về Tố Hữu hay Bùi Chát mỗi người một bài độc lập thì chẳng có gì làm ai ngạc nhiên. Nhưng đem so sánh Tố Hữu với Bùi Chát, mà lại về chuyện “nhìn lại thế đứng của đĩ Việt Nam”, thì Inrasara đã chơi một cú montage, làm bật lên bao ý nghĩa ngầm ẩn.
“Hồ sơ biên bản so sánh” là một lao động nghệ thuật nghiêm túc và tâm huyết, là một cách đọc về thơ tiếng Việt mang tính khơi gợi và có khả năng truyền cảm hứng cho độc giả nói chung. Có lẽ, cái đáng quý sau cùng là sự “tự thức, tự tri, tự ngộ” (chữ dùng của Inrasara) sau khi khép lại hồ sơ, của một ngòi bút phê bình đậm nhân tình thức gọi nhân tính đương đại đang bên bờ hố thẳm.

Trao giải chính thức cho Inrasara và giải đặc biệt cho Thụy Khuê, Ban Giám khảo muốn cổ vũ cho một lối phê bình “không sợ sự thật”, một thái độ nghiên cứu đi đến cùng sự thật. Nói như Kinh Thánh, “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Jean 8: 32).
Xin cảm ơn các bạn. Xin cảm ơn Inrasara và Thụy Khuê.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *