01. Từ Tủ buffet đến Tủ sách
Tôi chưa thấy có gia đình Cham nào trồng hoa và chăm sóc hoa, ngoài nhà Nguyễn Văn Tỷ ở Pabblap. Có thể một, hai gia đình nào đó có, nhưng tôi chưa thấy.
Bước vào nhà gia đình Cham nào bất kì, kể cả gia đình được cho là trí thức, cái đầu tiên đập vào mắt khách là gì? – Tủ buffet với li, chén kiểu các loại; trên tủ là cái tivi màu, đời càng mới càng tốt.
Còn gia đình Việt, nhất là gia đình các nhà văn, thêm món tủ rượu – đủ thứ chai rượu… Tây. Ở đó tôi rất hiếm khi thấy tủ sách. Lạ.
Sớm nhận thấy cái lạ kia, tôi đã thử làm cái thay đổi nhỏ.
Từ thuở còn ở quê nhà đến khi vào Sài Gòn, phòng khách gia đình tôi luôn bày tủ sách nhỏ và cái guitare. Tôi không sành guitare, nhưng tôi cần mấy đứa con khi vào ra nhìn thấy nó, mỗi ngày. Còn tủ sách – không phải tủ sách riêng – là dành cho bằng hữu ngồi bàn trà tiện tay cầm lấy, đọc.
Vài chục năm qua chúng ta mãi than phiền thế hệ trẻ đánh mất văn hóa đọc, cả ngày cắm cúi vào hết tivi đến Iphone, Ipad mà biếng nhác đọc sách. Lỗi tại ai?
Chúng ta chưa biết trân quý sách, chúng ta không trưng tủ sách cho con mắt con cháu làm quen mỗi ngày, thì làm gì đòi hỏi đám trẻ yêu quý sách?
Tại sao bạn không thử thay đổi thói quen, để có thể chuyển đổi truyền thống [chưa hay]?
02. Từ Cà-phê, trà đến Rượu, bia & ngược lại
Tôi với anh bạn ở quê chơi thân, hay qua lại. Ở thế kỉ XX, mấy bận gặp nhau, hai người có mỗi trà với cà-phê mà triết luận. Sang thế kỉ XXI thì hòa cùng XHCN tiến lên – tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, đến không ma nào níu lại được. Sau trà và cà-phê là rượu, bia. Triết luận đâu chả thấy nữa, mà chỉ có tám chuyện. Riết thành quen. Quen đến thành “truyền thống”, không có không được.
Rủi ro là tôi sắm món lập dị riêng: ngoài dịp thật đặc biệt, còn lại thì không quá 3 lon cho mỗi cuộc. Đến lon thứ 4 là hết ngon rồi, hết ngon còn uống làm gì! Thế là “nhà kêu, mình dzọt đây”. Nhậu với Sara rất chán (chữ Phạm Lưu Vũ) là vậy. Thế là ông bạn quý đánh hú thêm người – trà tam rượu tứ mà.
Tôi mắc cái tật, rượu vào lời không chịu ra. Mà ngồi đực người cho thiên hạ ngửa nghiêng tưới chuyện đời vào tai thì giảm thọ là cái chắc.
Tại sao cứ mỗi gặp mặt là phải rượu bia? Trà với cà-phê không bản lĩnh đàn ông sao? Nó tỉnh táo, cao cả và ít… tốn kém. Đó là chưa kể món mất thì giờ, mất lòng, đó là chưa nói đến xảy ra vụ thượng cẳng chân hạ cẳng tay.
Cái nước Việt Nam mình thêm văn hóa “dzô… dzô… DZÔ” nữa, thì hết nước.
Cá nhân có thể làm gì?
Sao bạn không thử thay đổi truyền thống “nhậu nhiều, đọc ít” này của Việt Nam? Và bạn có muốn đánh đánh đổ lối nghĩ lạc thời rơi rớt từ thuở hồng hoang phong kiến “Nam vô tửu như kì vô phong” không?
03. Tại sao cứ phải Đại học hay Cơ quan Nhà nước?
Khi nền giáo dục Việt Nam đang bê bết, trong khi ai ai và cả ta cũng có thể chê bôi nó, vậy mà ta cứ đổ xô vào, rồi cho con cái vào… học.
Có thể không cần vào Đại học được không?
Em gái nhổ cỏ, em trai ở đợ, mẹ già bán ruộng gửi tiền nuôi bạn Đại học. Cho bạn thu về mớ kiến thức lạc hậu. Để rồi sau đó: thất nghiệp.
Không Đại học không thành công sao, bớ các nhà sáng tạo, hay những nhà doanh nghiệp… tương lai?
Tại sao cứ phải chui vào cơ quan Nhà nước?
Đút bằng Đại học trong túi, bạn phải bổ túc “văn hóa chạy” mới mong có việc làm. Bạn có đủ trình độ khom lưng để thực hành văn hóa chạy không? Nếu có, bạn có đủ tiền chung chi không? Sở hữu được cái ghế, tiền lương bạn có đủ bù cho khoản đã chạy kia không? Lúc cùng đường, bạn phải hội nhập làng tham ô, vậy lương tâm bạn còn vẹn nguyên không? Rồi, khi con cháu bạn biết bạn “ăn tiền nhân dân” (chữ Nguyễn Đình Bổn) mỗi ngày, chúng nó [nếu còn chút lương tri] sẽ ngó bản mặt bố chúng ra sao đây?
Đó là chưa kể đến câu hỏi cốt tủy này: Làm việc trong cơ quan Nhà nước, bạn có vận dụng hết khả năng đang có [và hơn thế nữa] không? Bạn có tự do không? Có nghĩ cái mới và thử nghiệm các sáng tạo độc đáo không?
Vậy tại sao bạn không thử thay đổi cách nghĩ đi?