Trích Nguyễn Hưng Quốc, “Vấn đề dạy môn lịch sử ở Việt Nam”, Blog VOA, 18-12-2015:
“… cấu trúc các câu hỏi [trong đề thi môn Lịch sử lớp 12] rất đơn giản và đơn điệu: “Nêu lên”, “trình bày”, “tóm tắt”, “là gì?’ và “như thế nào?”. Cả năm loại câu hỏi này chỉ cần một điều kiện duy nhất là nhớ thuộc lòng.
Để thấy rõ khuyết điểm này, thử làm một sự so sánh: Trong các đề thi môn sử tại Úc, hệ thống từ vựng dùng để đặt câu hỏi rất đa dạng, từ nhận diện (identify) đến giải thích (explain), đánh giá (evaluate), thảo luận (discuss), phân tích (analyse) và tranh luận (“to what extent do you agree with this statement). Nói cách khác, trong khi ở Úc cũng như hầu hết các nước Tây phương khác, qua các kỳ thi của môn sử, điều người ta chú ý nhất ở học sinh là khả năng nhận diện vấn đề, phân tích, đánh giá và tổng hợp các tài liệu, tranh biện với một số nhận định nào đó, thì ở Việt Nam, điều duy nhất người ta đòi hỏi ở học sinh là nhớ những gì được viết trong sách giáo khoa cũng như những lời giảng của các thầy cô trong lớp.
… với cách đặt câu hỏi trong các kỳ thi như thế, về phương pháp giảng dạy và học tập, giáo viên không cần làm điều gì khác ngoài việc đọc cho học sinh chép câu trả lời của từng vấn đề có thể xuất hiện trong các đề thi. Và học trò cũng không cần đọc thêm bất cứ điều gì ngoài chương trình giảng dạy trong lớp. Điều này giải thích tại sao cả thầy lẫn trò đều chán môn lịch sử: Nó hoàn toàn không có chút sáng tạo nào cả.
… với cách đặt câu hỏi như vậy, người ta cũng có thể nhận diện triết lý giáo dục môn sử tại Việt Nam: nhồi sọ. Chỉ là nhồi sọ. Ở Tây phương, triết lý giáo dục của môn sử cũng như hầu hết các môn học khác là nhằm phát triển đầu óc phê phán (critical mind) của học sinh, giúp học sinh biết tìm kiếm tài liệu, đánh giá mức độ khả tín của tài liệu, phân tích và tổng hợp các tài liệu ấy nhằm chứng minh cho một luận điểm mà mình tin tưởng và muốn thuyết phục người khác.”