Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại 12. Đỗ Khánh Phương

CÁC KHUÔN MẶT MỚI
nghiên cứu – phê bình – tuyển thơ
là tập 4 trong bộ tứ THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI
gồm 12 nhà thơ, mỗi nhà được dành một bài giới thiệu và tuyển 7-10 bài thơ.
Sẽ tuần tự có mặt trên inrasara.com, sau cùng là bài tổng luận:
“Thơ Việt sau hậu hiện đại & Phê bình mở”.
CÁC KHUÔN MẶT MỚI sẽ được tiếp tục phần 2.
(Chú ý: mỗi khuôn mặt được tiếp cận và thể hiện mỗi cách khác nhau)

*
Các bút danh khác: Diệp Minh Châu, Trần Vũ, Dương Khánh Phương
Sinh ngày 25- 5- 1975 tại Hà Nội
Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm I – Hà nội, năm 1994.
Nơi công tác: Công ty Nhã Nam, số 1B- IF1- Thái Thịnh – quận Đống Đa – Hà Nội.
Sáng tác: Thơ, truyện ngắn, phê bình tiểu luận.
Tác phẩm: Đã đăng tải tác phẩm bằng tiếng Việt trên các báo Tiền phong, Văn nghệ, Văn nghệ Trẻ, Tia sáng, Sông Hương… các diễn đàn tiếng Việt trong và ngoài nước.
Đã in:
Toàn tập Tác phẩm Tuổi xanh (in chung), NXB Thanh niên, 1992
Hoa Lạ (in chung), NXB Thanh niên, 1995 ).
Tuyển tập 100 năm thơ Huế, NXB Thuận Hoá, 2009.
Tập thơ: Sinh cùng ngày với Thích Ca (chưa in)
Giải thưởng: Giải ba (truyện ngắn) Tác phẩm Tuổi xanh, 1992. Giải thưởng Tài năng trẻ của TW Đoàn Thanh niên CS Hồ Chí Minh năm 1992.

*
Đỗ Khánh Phương & chín phần còn lại của thế giới

12 phân khúc ngắn của “Chín phần còn lại của thế giới” có sức chứa của một trường ca. Nó chính là trường ca. Mỗi phân khúc, mỗi câu, mỗi từ là một biểu trưng. Không phải là những ẩn dụ mà là biểu trưng. Biểu trưng cho sự cố, cho từng chặng đường của chìm đắm, nỗ lực vươn vượt suốt hành trình dài dặc đầy khổ ải của sinh thể mang tên con người. Từ khoái lạc sang đau khổ đến giải thoát, từ trói buộc sang vùng vẫy đến tự do.
Cho nên, người đọc cần tiếp nhận “Chín phần còn lại của thế giới” như một trường ca.
Trường ca khởi đầu từ phân khúc 1. với hai sinh thể, như Adam và Eva vào buổi nguyên sơ của nhân loại. Ngây thơ và tinh khôi.

Thức dậy
em, anh
và buổi sáng

Trường ca vắt qua và tiếp diễn ở phân khúc 2.

ngột ngạt vòng ôm siết
nơi môi anh nụ hôn đầu

Cần có hai sinh thể nhận biết sự khác biệt giới tính để kết hợp cùng tạo ra đau khổ với tội lỗi. Tội lỗi không phải được hiểu qua huyền nghĩa của Cựu Ước, mà trong ý hướng giải thoát và tự do của Nhà Phật. Tình yêu và tình dục là đẹp, nhưng nó là cội nguồn của khổ lụy.

Đến với em nguyên lành và ra đi tội lỗi
đến với em tội lỗi và ra đi nguyên lành

Khi sinh thể đã nhận ra sự khổ ải và tội lỗi, trong tâm hồn hắn nổ ra sự phân tranh dữ dội giữa bóng tối và ánh sáng, tự do và trói buộc triền phược. Tâm hồn hắn bị dằn vặt và nung nấu bởi cuộc phân tranh: giữa trí tuệ và trí huệ, minh và vô minh, trì níu mặt đất và phiêu lãng bầu trời. Tại các phân khúc tiếp theo, sinh thể đã chịu chìm nổi giữa cõi nhị nguyên, biện biệt. Hắn biết bờ sông bên kia có ánh sáng, là ánh sáng, nhưng hắn vẫn dừng lại lưỡng lự, tại phân khúc 7.
có hôn nhau lần nữa… câu hỏi hai lần lặp lại. Ở miền đất bên này bờ vẫn còn đó bao khoái lạc chưa trọn hưởng, bao sự nghiệp dở dang, bao nợ nần chưa trả.
Rồi thì hốt nhiên… bỗng nhiên, bỗng nhiên, bỗng nhiên,…

… bỗng nhiên bầu trời đàn mây trắng ngang qua

Ánh sáng tràn về bất ngờ đến không kịp trở tay, không kịp cho bao toan tính của mọi loại đầu óc từng khôn khéo xếp đặt muôn sự thể. Ý thức bùng vỡ, mọi thứ trên trần đời được nhìn nhận như là giấc mơ. Nỗi đau này là giấc mơ, cuộc tình và lạc thú này, sự nghiệp to lớn này là giấc mơ, cả thân và tâm này nữa, không khác. Trong ánh sáng bình thường, như mọi ánh sáng mỗi ngày qua, nhưng sự sự đã sáng rỡ và liên thông vô ngại, sinh thể kia “thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông”. Sinh thể đã chín đầy với niềm tin vào sự viên mãn của trí huệ, nơi phân khúc 10.

Hãy mở lòng tay
nơi em có thể đọc
mọi cội nguồn ham muốn

tưởng tượng dài
ngày ngắn
không ai trong chúng ta
tin vào vĩnh cửu

Cả hai, không ai tin vào vĩnh cửu. Sinh thể ấy mở đại từ bi tâm ý hướng cứu độ sinh thể đã từng đồng hành hết nửa đời hư để làm chuyến vượt sông. Nhưng muộn rồi! Em chỉ có thể đưa anh tới cửa, còn lại anh hãy tự độ anh. Đã muộn với em và muộn với anh.

Trong sương mù sớm xuân
hàng cây trổ lá

Lời tạ từ em gửi đến anh

Trường ca kết thúc có hậu ở phân khúc cuối cùng. Có hậu, khi mỗi sinh thể trên mặt đất tự mình đã làm xong một chuyến buôn dài, nau ikak – như lối nói đầy biểu trưng của người Chăm. Cuộc đời là chuyến buôn, không có vốn ở khởi thủy nên, chớ mong có lãi ở chung cục. Khánh Phương nói: Lời tạ từ em gởi đến anh. Hay:

Kuw nau sang kuw min juk phik
Klauh thun ikak, sang thei thei wơk
Ta về cố quận tình ơi
Cuộc buôn đã mãn, nhà ai nấy về
(Ariya Nau Ikak).

Khánh Phương đã diễn ngôn cuộc hành trình tâm linh của hai nhân vật. Tôi vừa làm diễn ngôn khác về diễn ngôn đó. Không vấn đề gì cả!
Hơn một góc tư thế kỉ qua, thơ Việt luôn bị tù túng trong chân trời của thế sự và thời sự. Chiến tranh và mất mát, tố cáo hay sám hối, sau đó là nỗi đói khát với những bầm dập cuộc mưu sinh. Không nhiều thì ít, không đậm cũng nhạt, thơ Việt chưa thoát ra được. Nhất là trong các trường ca. Mỗi lần thơ có vẻ tách rời khỏi đề tài thế sự xã hội, nó lại sa lầy vào siêu thực bí bức hay tình dục vô độ. Thơ khách quan rất hiếm, càng hiếm hơn là thơ thuần tư tưởng hay thơ dấn vào thám hiểm cuộc chiến tâm linh con người.
Có được “trường ca” “Chín phần còn lại của thế giới” là một sự lạ. Trước, Phạm Thiên Thư đã tạo ra một Động hoa vàng mang mang, huyền hoặc, độc đáo. Nhưng tạị đó, nhà thơ thiền sư này hướng về kể và gợi. Khánh Phương cô đặc hơn, mang tính biểu trưng cao hơn và hiện đại hơn.

Ở mảng khác, Khánh Phương có bài thơ hay về Chăm: “Huyền Trân”. Các liên tưởng lạ, lạ hình ảnh và lạ cả ngôn từ: khăn trùm đầu, tóc trắng Shiva, vầng lửa Gandharva, đền đài ngã ngựa, gió khốc ruỗng nền sa thạch,… Dù nhịp điệu thơ có hơi quen thuộc, nhưng chính những cái lạ kia đã đẩy bài thơ dịch chuyển bất ngờ, thú vị. Đó là loại “thơ khách quan”, đưa cái nhìn khách quan soi lại lịch sử ở chiều hướng khác.

Với 5 “Kan ji”, từ “Kan ji, 1” đến “Kan ji, 5”, Khánh Phương còn đẩy “thơ khách quan” đi xa hơn nữa. Hãy nghe nhà thơ này tuyên ngôn:

Kan-ji là tập hợp chữ Hán được người Nhật dùng vào việc đồng thời ghi âm và biểu ý trong kết hợp ngữ pháp đặc thù của tiếng Nhật. Là loại chữ tượng hình và biểu ý nên Kan-ji có trường nghĩa mở, lung linh, đồng hành với những bước phát triển của xã hội và tư duy người Nhật, biểu đạt trọn vẹn và lan toả tinh thần Nhật Bản tự cường, kiêu hãnh đúng nơi đúng lúc, nghiêm cẩn nhưng cũng rất khoan hoà. Phần biểu ý của Kan-ji gần trùng khớp với hệ thống Hán tự ở Việt Nam. Lấy cảm hứng từ ý nghĩa của Kan-ji trong đời sống ngôn ngữ Nhật Bản, tôi muốn thực hiện những biến tấu mới với kinh nghiệm tiếng Việt, hướng tới những trải nghiệm ngôn ngữ giữa cái đơn nhất và đa bội, cái dị biệt và thông thường, cái ổn định và khác lạ… — những trải nghiệm mở”(*)

Đã thấy Dương Tường “biến tấu” các con âm tiếng Việt, dù công cuộc không tới đâu nhưng cũng rất đáng ghi nhận. Bùi Giáng với các bài lục bát “hậu hiện đại” hay các sáng tác mà từ Hán Việt chiếm thế áp đảo rất độc đáo của ông nữa. Tất cả đều được gợi hứng từ chữ Việt hay âm Việt. Khánh Phương là người đầu tiên “biến tấu” từ Kan-ji, một biến tấu gợi những trải nghiệm mở khá lí thú:

Váy tôi quá ngắn mà đùi quá dài đố ai viết thêm chữ khẩu
Tiệm bánh ở những Tabeno Machi khó khăn giữ chữ tín đôi khi sơ suất
… hàng vạn đóa san hô trồi lên chữ hải

Hành động thơ này mang trong nó khả tính khai mở cho những nẻo đường phát triển thơ Việt ngày mai. Hi vọng thế.

Sài Gòn, 29-7-2009.

_________________

(*) Khánh Phương trả lời thư điện tử: Maivanphan.com, 2007.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *