Hồ sơ Biên bản So sánh 16. TỪ “ĐỪNG!” CỦA ĐINH LINH ĐẾN “LUỘC” CỦA LÝ ĐỢI

1. Từ truyền thống húy kị
Nỗi húy kị của văn hóa Hán học ám ảnh chữ nghĩa Việt làm nên một thứ truyền thống lạ lẫm nhưng lâu dài, bền chắc. Sau tám thế kỉ, mấy trăm từ húy kị được kê khai để mỗi năm mỗi bổ sung thành một danh sách dài ngoằng đến các sĩ tử đã phải hao tốn bao nhiêu sinh lực học thuộc lòng mới tránh khỏi vạ chữ. Việt Nam thời hiện đại, đại bộ phận húy kị cũ biến mất, thay vào đó là những húy kị mới khai sinh, vừa cụ thể vừa mơ hồ nên nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ khôn lường hơn. Húy kị từ tên người cho đến những biểu tượng và huyền thoại nhân tạo. Truyền thống húy kị ăn sâu vào tiềm thức tạo nên tâm lí cộng đồng khó gột rửa. Cả ở lĩnh vực sáng tạo văn chương tưởng là nơi húy kị không thể bén mảng tới, vậy mà nó vẫn có mặt. Có mặt, và nhắc nhở nhà văn, nhà thơ Việt Nam… đừng. Đừng và tránh. Ví có động vào biểu tượng và huyền thoại kia, chữ nghĩa ta cũng dừng lại ở bóng gió, “ẩn dụ”.
Đừng nói “tàu Trung Quốc”, khi báo chí chính thống Nhà nước vẫn còn xài khái niệm “tàu lạ”. Đừng động đến đề tài chiến tranh biên giới Việt Trung khi 16 chữ vàng vẫn còn linh nghiệm. Thi đua yêu nước, nhưng đừng viết về các vụ biểu tình. Đừng nhấn vào bề tối của cơ chế, như chuyện tham nhũng chẳng hạn; nếu có ngứa tay viết về nó, tránh để đừng chạm đến mấy chiếc ghế có vai trò trọng trách. Toàn dân sử dụng Facebook là tốt, song đừng like mấy bài bình luận chống phá chế độ ta. Tự do ngôn luận, đừng vi phạm tinh thần Nghị định 72. Tóm lại, nhà văn Việt Nam “viết hoàn toàn tự do” (chữ của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn), cả “sống và viết hoàn toàn tự do” (chữ của nhà thơ Vi Thùy Linh), nhưng nhớ đừng đụng đến đề tài tự do chính trị như vụ đa nguyên, đa đảng. Mênh mông đừng hiện diện trong/ lởn vởn quanh đầu óc nhà văn Việt Nam, khi ngồi trước trang giấy/ màn hình trắng.
Một bộ phận lớn văn minh loài người xây dựng trên “đừng”.

… đến “Đừng!” của Đinh Linh

ĐỪNG

Theo một lý thuyết, từ đầu tiên
Của nhân loại có lẽ là “đừng!”
Quản lý một đàn con mất dạy
Bà mẹ tiền sử cứ phải “đừng!”
Đừng [bỏ món đó vào miệng]!
Đừng [trèo lên cành cây đó]!
Đừng [đánh thức ba mày dậy]!

Cách đây 150.000 năm, mục đích chính
Của ngôn ngữ là cấm đoán. Hiện nay,
Ở vài nước trên thế giới, mục đích chính
Của ngôn ngữ vẫn là cấm đoán…
(Lĩnh Đinh Chích Khoái, Giấy Vụn, 2007).

“Đừng” từ thuở ăn lông ở lỗ kéo đến tận thời hậu hiện đại. Hôm nay, “Đừng” cấm đoán internet, bịt lối giao lộ thông tin, cản mũi sáng tạo, khu trục văn chương, bó hẹp thơ ca trong “Ô hẹp của thi ca”. Ở Việt Nam, “Đừng” khiến văn, thơ khép nép trong văn hóa sợ (từ dùng của Phạm Lưu Vũ). “Đừng” sợ phạm thượng, phạm húy, hãi các vùng nhạy cảm cùng mấy từ nhạy cảm.

2. Từ nhạy cảm của văn chương Việt Nam
Vùng nhạy cảm, vấn đề và từ nhạy cảm của văn chương Việt Nam đương đại thì vô số, kể hết ngày cũng không xong. Nhà văn Việt Nam nhìn trước ngó sau để… “đừng”. Trước, trong, và sau khi viết… “đừng”. Mình “đừng” đã đành, mình còn nhắc anh chị em bằng hữu “đừng”. Mình “đừng” cho cá nhân mình, mình còn thiện chí “đừng” giúp cho bạn văn xung quanh. Nếu có nhà văn nào lỡ việt vị khỏi quỹ đạo “đừng” trước mấy nhạy cảm kia khi viết, đọc lại, họ không ngần ngại cho “đừng” can thiệp. Nói một cách nghiêm trang: hậu đổi mới là thời hoàng kim của tự kiểm duyệt, như Phạm Thị Hoài nhận định. Tự thỏa hiệp và tự kiểm duyệt theo nghĩa rộng nhất của từ này. Tự kiểm duyệt trước cả bị kiểm duyệt, nghĩa là ĐỪNG viết hoa, in đậm.

… đến “Luộc” của Lý Đợi
Cấm đoán có quan hệ biện chứng với “vận dụng linh hoạt”. Ở đây, “đừng” và “luộc” có quan hệ nhân quả không thể tách rời. “Đừng” cuốn ta tò mò lân la dòm thử, nghịch thử, làm thử. Thử, nếu bị vạ thì ta xài đến trí thông minh Á đông mà “vận dụng linh hoạt”. Ngón nghề vận dụng này không gì tốt hơn là “luộc”.

LUỘC

“Món 1: Luộc
Theo kiểu rau muống luộc của Bắc kỳ
Sống ở Việt Nam ăn món luộc là tốt nhất
Chưa tìm thấy thứ gì mà người Việt không thể luộc…
Vậy nên:
Sống ở Việt Nam ăn món luộc là tốt nhất
Từ luộc xe honda, nhà đất, bằng cấp, chức tước…
Từ luộc vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo hiểm…
Từ luộc trí tuệ, thẩm mĩ, văn hoá, nhân tính…
Từ luộc nhân quyền, tự do, tư tưởng, tâm linh…
Chưa tìm thấy điều gì mà Việt Nam không thể luộc
Vậy nên:
Sống ở Việt Nam ăn món luộc là tốt nhất
Từ luộc cho đến luộc
Người người nghĩ chuyện luộc
Nhà nhà tham gia luộc
Ngành ngành thi đua luộc…
Duy chỉ có lý do tại sao mình bị luộc: là không bị luộc
Vậy nên:
Sống ở Việt Nam luộc là tốt nhất
Luộc là tốt nhất
Luộc là tốt nhất
Luộc là tốt nhất…”

Các vùng nhạy cảm, vấn đề hay từ nhạy cảm, nếu không thể tránh, thì luộc. Bởi cơ chế này khuyến khích sự luộc, tạo điều kiện, bao che và nuôi dưỡng sự luộc.
Khoai tây nhiễm độc ư? – Luộc, nước nhiễm độc cứ đổ đi, là xong, người nhà quê Việt Nam nghĩ đơn giản thế.
Xe máy hay tivi nghĩa trang: cứ vô tư nhập về luộc, mà xài.
Bằng cấp giả, tri thức rởm, chiếc ghế mua bán, giải thưởng đấu giá: qua lò luộc là xong ngay. Sự vật và sự việc cụ thể hay trừu tượng, từ vật thể cho đến khái niệm, Việt Nam đều có thể luộc, luộc và mang ra xài. Gọi cho nó văn minh đó là tiếp thu có chọn lọc, đúng hơn – tiếp biến kiểu Việt Nam.
Các ông đòi Việt Nam nhân quyền, dân chủ, tư do ư? Thì đây, chúng tôi vẫn nhân quyền, dân chủ, tư do đủ đầy đấy chứ. Chúng tôi xài chúng còn nhiều và nhuyễn hơn các ông nữa là, nhưng tất tần tật chúng phải được cho qua công đoạn luộc rất ư Việt Nam. Xã hội chủ nghĩa phải mang đậm bản sắc Việt Nam đã đành, ngay kinh thế thị trường cũng phải được định hướng xã hội chủ nghĩa, kiểu Việt Nam.
Như thế, điều không thể tránh: chữ nghĩa, văn chương và thơ cũng bị/ được luộc.

Câu hỏi cuối cùng đặt ra là: Tại sao những người/ cá nhân, cơ quan/ tập thể và cả cơ chế đã, đang và sẽ xài bát ngát “món luộc” kia lại “không bị buộc”?
Tại sao? “Trong khi chờ Godot”, chúng ta cứ tham gia luộc, vô tư xài đồ luộc – Ainsi parlait Lý Đợi. Bởi “Sống ở Việt Nam, luộc là tốt nhất”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *