Mào đầu
Mươi năm qua tôi có Dự án Phê bình Lập biên bản văn học Việt. Dự án gồm 4 đề mục:
1. Biên bản Bàn tròn Văn chương
2. Biên bản Lập châm
3. Phê bình [như là] Lập biên bản
4. Hồ sơ Biên bản so sánh
Ba đề mục trước đã được đưa ra công chúng, riêng “Hồ sơ Biên bản so sánh”, dù vài bài đã được đăng trên các mạng, nhưng tôi chưa lập thành đề mục riêng. Nay xin đăng theo series để độc giả tiện theo dõi.
*
Kim đâm vô thịt thì đau
Thịt đâm vô thịt nhớ nhau trọn đời
Ông bà xưa “đâm vô” hay đâm vào, nay Bùi Chát “đâm ja”…
“Đâm ja” và “Tiếng hát Sông Hương”, hai bài thơ viết cách nhau 65 năm, nhưng cả hai ra đời trong một “hoàn cảnh” xã hội giống nhau cách kì lạ, như thể xã hội hội Việt Nam chững lại. Một thời gian dài…
Tố Hữu
TIẾNG HÁT SÔNG HƯƠNG
Trên dòng Hương Giang
Em buông mái chèo
Trời trong veo
Nước trong veo
Em buông mái chèo
Trên dòng Hương Giang
Trăng lên trăng đứng trăng tàn
Đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng
Thuyền em rách nát
Mà em chưa chồng
Em đi với chiếc thuyền không
Khi mô vô bến rời dòng dâm ô!
Trời ơi, em biết khi mô
Thân em hết nhục giày vò năm canh
Tình ôi gian dối là tình
Thuyền em rách nát còn lành được không?
– Răng không, cô gái trên sông
Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài
Thơm như bông nhụy hoa lài
Sạch như nước suối ban mai giữa rừng.
Ngày mai gió mới ngàn phương
Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân
Ngày mai trong giá trắng ngần
Cô thôi sống kiếp đày thân giang hồ
Ngày mai bao lớp đời dơ
Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay
Cô ơi tháng rộng ngày dài
Mỏ lòng ra đón ngày mai huy hoàng
(8-1938)
Bùi Chát
ĐÂM JA
Tôi lém lước bọt nên tường
tôi yêu những người đàn bà đang nà chuột jưới cống
tôi thấy em mặc cuần nót mười ngàn ba cái mua ở vỉa hè
xách không nàm tôi tốt hơn mỗi khi chủ nhật
tôi nhìn tôi bay chên chời
tôi hành hạ tôi ba bữa
tôi đâm ja
tôi cêu đòi chữ ngĩa
tôi tổ chức chiến chanh
tôi lam mô vị chúa chời
tôi đánh jăng buổi sáng
tôi đâm ja
tôi cải tạo âm hộ
tôi một tờ jấy ni hôn
(Bùi Chát, Xáo chộn chong ngày, Giấy Vụn, 2003)
Đó là bài thơ hay, cái hay đẫm tính nhân văn cao cả. Chúng giống nhau ở “hoàn cảnh” lịch sử, ở phản ứng xã hội của người làm ra nó, và cả ở tính nhân văn trong nội dung; thế nhưng chúng khác nhau vực thẳm ở cảm thức sáng tạo và cách thể hiện. Do đó, dù lịch sử [thân phận đĩ] Việt Nam “chững lại”, thậm chí đi xuống, tính nhân văn của thơ Việt từ thuở lãng mạn ở “Tiếng hát Sông Hương” của Tố Hữu đến “Đâm ja” của Bùi Chát, đã đi những bước dài.
Thời hậu hiện đại, thi sĩ không chỉ thể hiện sự cảm thông với thân phận người nữ như kẻ đứng ngoài, mà là đi vào trong, đi xuống tận. Đứng trước người nữ đang sống đời dưới đáy xã hội, một người nữ thất học – có lẽ, nói giọng “ngọng”, có thể làm nghề thấp kém và đang mắc kẹt ở xó xỉnh nào đó của thế giới văn minh, thi sĩ không thể không xúc động. Hắn bạo động lên tiếng “cêu đòi chữ ngĩa” cho thân phận này.
Thi sĩ vốn nòi mơ mộng, bất cứ đâu và bất kì thời buổi nào. Nếu Tố Hữu mơ mộng với ẩn dụ đầy thi tính:
Ngày mai bao lớp đời dơ
Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay
thì Bùi Chát cũng không thua kém phân tấc, ước mơ vẫn bay bổng: “tôi nhìn tôi bay chên chời”. Thế nhưng khi đối mặt với hiện thực hắc ám không thể chịu đựng ở thời buổi này, mà còn ru nhau: “Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài/ Thơm như bông nhụy hoa lài/ Sạch như nước suối ban mai giữa rừng” thì lãng mạn hết thuốc chữa. Nhà thơ hậu hiện đại khác hẳn, bộc trực, và rất cụ thể: “tôi cải tạo âm hộ”. Cuộc sống sôi động, tốc độ với nhiều âu lo và đầy bất trắc hôm nay, thơ còn mơ mộng kiểu:
Trăng lên trăng đứng trăng tàn
Đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng
Thuyền em rách nát
Mà em chưa chồng
không còn đất sống. Bùi Chát lồ lộ và trần trụi: “tôi yêu những người đàn bà đang nà chuột jưới cống” – như đời sống hiện tại đang bày ra như thế.
Cho dù diễn nôm bài thơ là điều tối kị, do bài thơ “Đâm ja” xuất phát từ quan điểm sáng tác chưa quen thuộc với độc giả Việt Nam hôm nay, tôi xin tạm diễn như sau:
Tôi lém lước bọt nên tường: Tôi phỉ nhổ vào xã hội các ông, chính các ông đẻ ra tình trạng xã hội này. Tác giả không khạc rồi nhổ xuống đất mà là ném lên tường. Tường cao nên phải “ném lên”; tường là vách ngăn chắn giữa đại diện cho cái gì xa cách xa hoa trong kia với số đông quần chúng khốn khổ bên này.
tôi yêu những người đàn bà đang nà chuột jưới cống: những người phụ nữ là nạn nhân của xã hội ấy, đáng thương biết bao. Nàng không phải NHƯ mà là LÀ chuột cống. Tôi không thương hại, mà yêu họ. Yêu thật lòng, dù họ có sống dưới đáy xã hội, trong môi trường hôi thối, bẩn thỉu.
tôi thấy em mặc cuần nót mười ngàn ba cái mua ở vỉa hè: hình ảnh tiêu biểu nói lên hoàn cảnh tối tăm của thân phận người nữ. Người ta xài quần lót tệ cũng 20.000 đồng/ cái, còn của em 10 ngàn mà có đến ba cái. Nhu cầu tối thiểu của người nữ không được đảm bảo.
xách không nàm tôi tốt hơn mỗi khi chủ nhật: Sách với thi sĩ thì không gì quý hơn, nhưng trước thảm cảnh này, đọc sách thì cực kì vô ích, nếu không nói là gần như sỉ nhục kẻ đồng loại khốn khổ. Nhớ Sartre từng tuyên bố: đứng trước em bé châu Phi đang chết đói, cuốn Buồn nôn [tác phẩm danh giá nhất của ông] chỉ đáng vứt đi.
tôi nhìn tôi bay chên chời: Tôi có một ước mơ, thế giới sẽ tốt đẹp hơn, cuộc sống em sẽ sáng sủa hơn. Có thể đây chỉ là nỗi mơ hão huyền, nhưng I have a dream…
tôi hành hạ tôi ba bữa: Tôi là một thi sĩ nghèo đói, dẫu thế tôi vẫn được ngày ba bữa. Ăn, tôi vẫn không thể quên thảm cảnh của người nữ kia, tôi bứt rứt.
tôi đâm ja/ tôi cêu đòi chữ ngĩa…: Không thể im lặng mãi được, tôi phải lên tiếng! Thi sĩ, tôi không thể Hành động, mà Hành động tôi chính là chữ nghĩa…]. Dẫu sao, không thể không làm cách mạng, do đó
tôi tổ chức chiến chanh. Chính Jesus Christ: “I came not to send peace, but a sword” (Bible, Matthews, X, 34).
Ở “Đâm ja”, điều nữa không thể không nói đến, đó là sự phi tâm hóa ở ngôn từ thơ. Ngôn ngữ thơ không còn trịnh trọng tuân thủ giọng chuẩn “trung tâm”, mà nó sẵn sàng dùng phương ngôn mà không chút ngán ngại. Đó là cách ứng xử công bằng với ngôn từ, vô phân biệt – dù đó là ngôn từ ở vùng ngoại vi hay thuộc thiểu số.