Hegel đã ghê, khi tham vọng thâu tóm thế giới vào một hệ thống, từ đó kết thúc triết học ở đó Tri thức Tuyệt đối thống ngự; Marx càng ghê hơn, qua tuyên bố: “Các nhà triết học đã giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, vấn đề là cải tạo thế giới”, và ông quyết cải tạo thế giới bằng bạo động cách mạng [cũng/ lại] qua “giải thích” của ông; hậu quả thế nào ai cũng biết.
Chưa hiểu thế giới thì làm sao cải tạo thế giới? – Camus ra câu hỏi đại loại thế.
Vấn đề của triết gia là “giải thích” thế giới, mà hậu hiện đại gọi là “diễn ngôn”, chớ có dại dột làm gì khác. Cũng chớ nghĩ diễn ngôn mình là nhất để phủ trùm lên khối người thiên hạ.
Vậy, làm sao diễn ngôn tinh thần con người và văn hóa Cham mà không rơi vào đại tự sự? Đây là câu hỏi cốt tủy.
Ở tiểu thuyết Hàng Mã Kí Ức, không có “nhân vật” nào có mặt, mà chỉ có TÔI. Tôi với kí ức rơi rớt và khúc xạ. Tôi trong tương quan với những con người thực Cham, tôi và các “nhân vật” là: văn học, ngôn ngữ Cham, tháp Chàm và Ma Hời, sáng tác và nghiên cứu Cham, tinh thần, tâm cảm Cham cùng lịch sử Champa… Mỗi chương như thể một ghi chép dân tộc học qua con mắt người kể chuyện sống trong và cùng với cộng đồng đó.
Viết Hàng Mã Kí Ức, tôi quyết loại bỏ sự cố ý làm phức tạp, mà để sự việc diễn ra giản đơn nhất có thể. Các thể loại khác nhau xuất hiện đầy ngẫu hứng, qua một giọng kể xuyên suốt là giọng phi nghiêm cẩn. Càng ngày tôi càng nhận ra rằng khó có thể kể chuyện một cách nghiêm trang được. Dù là chuyện tốt hay xấu, hay hoặc dở, buồn hay vui, khôi hài hay rất mực nghiêm trọng thế nào chăng nữa, cũng vậy.
Tôi cố gắng kể thật nhất có thể. Nhưng tôi vẫn xem nó, và cho độc giả coi nó như thứ “hàng mã”. Tại sao? Hàng giả là thứ không thật mà làm ra vẻ giống thật để mang giá trị như đồ thật, làm ra với mục đích đánh lừa kẻ không biết. Trong khi “mã” cũng là “đồ giả” ai cũng biết là giả, nhưng vẫn chấp nhận nó, ở cả hai phía: người sản xuất và người tiêu thụ. Ở Hàng Mã Kí Ức, tôi – với tư cách kẻ làm ra – biết kí ức tôi được thể hiện qua con chữ của tôi chỉ là đồ giả, tôi nhìn nhận nó giả, và tôi không ý đồ đánh lừa người đọc – với tư cách kẻ tiêu thụ – rằng nó là đồ thật.
Diễn ngôn tinh thần con người Cham và văn hóa Cham để làm nên Minh Triết Cham, cũng chỉ là diễn ngôn của tôi – Inrasara. Tôi không đòi hỏi bạn tin vào chúng. Như Hàng Mã Kí Ức chỉ là câu chuyện kể của tôi, một tiểu tự sự của Inrasara, tạm đóng thùng trịnh trọng thế. Chứ không phải của đa số Cham, nói chi tất cả Cham.
Tiểu tự sự đó chỉ là một gợi ý và gợi hứng. Bổn phận của bạn là lên đường đi tìm các mảnh sinh phận của riêng bạn trong tiếp xúc với văn hóa Cham để tất cả nung lên trong lò nung kì diệu của tâm hồn bạn, từ đó làm nên “đứa-con-Cham-bạn” khác, độc đáo, không thể lẫn.