Tuyên ngôn muộn có muộn không? 15: Làm thế nào để hiểu Cham?

Cham Bini-2011-1
“Thế giới trở thành một làng – làng toàn cầu
Hiểu thế giới xung quanh, là điều cần thiết; nhưng cần thiết không kém, là hiểu chính ta”

Lão Tử: “Biết người là trí, biết mình là sáng”. Thế nào là hiểu chính ta?
Xin đăng bức thư viết chưa gửi liên quan đến Sara để trả lời câu hỏi này.

Có phải Inrasara thiếu thực tiễn xã hội Cham?
Thư cho bạn thơ TNL
Sài Gòn, 20-2-2014
Yut thân mến!
Cận Tết năm con Ngựa vừa qua, ở buổi lai rai tại nhà một người bạn, yut phát biểu nửa đùa nửa thật rằng, về kiến thức sách vở Sara nhà ta là siêu; riêng thực tiễn xã hội Cham còn rất hạn chế… Thử điểm qua vài nét, để giúp nhau hiểu vấn đề hơn xíu nhé.

1. Về văn hóa Cham
Văn học Cham thì miễn rồi, ai cũng biết hắn là chuyên gia, cả văn học viết lẫn văn học truyền miệng. Yut biết, làm được các công trình kia, đóng “phòng văn” hì hục viết là không thể rồi! Nghĩa là mình phải đi, đi rất nhiều là đằng khác. Về văn học dân tộc nào đó thì khác, riêng Cham, muốn biết nó thì phải đi.
Tiếp nhé, kẻ từ năm 2004 tham gia viết và tranh luận cùng độc giả trên web Chamyouth, Ilimochampa ở Mỹ, kẻ 14 năm chủ biên Tagalau với 8 năm làm website Inrasara.com mà kêu thiếu thực tế xã hội Cham, thì mình không hiểu. Hắn phải tiếp xúc với mênh mông người: Cham già và trẻ, các dân tộc thiểu số khác, rồi giới trí thức VN và ngoại quốc. Bởi ở đó, hắn phải động cập nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh của vấn đề, va chạm với đủ thành phần con người, từ quan điểm văn chương, chính kiến, từ quan hệ phe nhóm cho đến lối tính toán tiền bạc cá thể…

2. Về vùng miền và thành phần
Do tính khí, và sau này – do công việc, mình đã lang thang hầu như khắp vùng miền Cham và “cận Cham”: Cham Pangdurangga và Cham miền Tây hay Cham Campuchia thì đành rồi, cả “Cham Kinh” ở miền Bắc với “Cham Việt” miền Trung cũng không chừa. Tiếp xúc và quen thân, để xem họ nghĩ gì về Cham, nghĩ gì về gốc gác họ.
Mình từng giao du với mọi thế hệ trí thức Cham. Từ thế hệ Thiên Sanh Cảnh (5-6 lần thuở sinh thời), Châu Văn Mỗ (là người rất thân thiết với Sara khi về hưu), Dohamide… cho đến thế hệ trẻ hiện tại. Quý thầy Lưu Quang Sang, Thành Phú Bá, Đàng Năng Quạ… mình thường xuyên gặp gỡ, trao đổi. Các bác ở Ban Biên soạn: Lâm Gia Tịnh, Lâm Nài, Bạch Thanh Chạy, Nguyễn Văn Tỷ… thì miễn; mình thâm niên 4 năm làm việc với họ. Lưu ý, đến với trí thức Cham, không phải để khai thác kiến thức từ họ, mà tìm hiểu cuộc đời họ, tâm tư ngổn ngang cũng như hoài vọng dang dở của họ.
Còn nghệ sĩ Cham? Ông Tho ở Hamu Tanran, ông Sở ở Palau hay ông Hán Phải ở Bal Caung, chị Hồng Loan ở Kraung hay chị Fatimah ở Tây Ninh… là rất thân mật. Hỏi, sau 75, có học sinh nào còn trở lại Katuh để cả ngày ngồi nghe danh hài một thời Amư Klủn (ông Thổ) tâm sự nỗi niềm chưa? – Yut cứ tự trả lời đi, thì đủ biết.
Mình cần [và đã] tiếp xúc với thật nhiều giới khác nhau: văn giới và báo giới, các nhà kinh tế với dân bán lẻ, kế toán bàn giấy hay các nhà hoạt động xã hội, dân an ninh hay cánh biểu tình, học giả và chính khách từ cấp cao nhất cho tận cấp làng nhàng, công nhân và nông dân, giới bình dân lẫn trí thức. Vân vân… Hiểu Cham không phải chỉ hiểu người Cham, mà còn là [và nhất là] biết những gì người ngoài nghĩ về Cham.
Mươi năm qua, những chuyến về quê, mình ít khi đến gặp các trí thức hay đi điền dã nghiên cứu, mà ưa la cà với bà con nông dân quê mùa, cả ngày ngồi với hị, tìm hiểu đời sống thực của bà con.

3. Ngoài ra, ngay từ thiếu niên, mình đã ‘ở trong’ bao nhiêu là tập thể khác nhau.
Sau 75, Sara trong nhóm thanh niên Cham Chakleng sinh hoạt công tác làng xóm. Làm sinh viên Sài Gòn, hắn cùng các bạn soạn từ điển và làm đặc san Cham. Bỏ giảng đường về quê, suốt 2 năm hắn sắm vai kế toán trưởng hợp tác xã nông nghiệp. Từ bỏ hợp tác xã, là 4 năm chui vào BBSSCC, sau đó trở lại lăn lộn làm nông nghiệp chết đói. Sau nông nghiệp là phiêu giạt miền Tây buôn bán cả năm mới quy hồi cố hương. Mở và đứng quày tạp hóa nhà quê non 2 năm; thời gian này hắn kiêm nhiệm thư kí Hội Bảo thọ Mỹ Nghiệp. Yut thấy đó, mới tí tuổi đầu mà được giao cho giữ ‘chức’ này, phải nói là gớm. Và rồi 6 năm ở Đại học đóng vai tổ trưởng biên soạn từ điển Cham Việt.
Tất cả đều phải chịu va đập và va đập quyết liệt. Với tất cả…
22 năm Sài Gòn, không ít người trách Sara không tham gia Hội Đồng hương Cham thành phố. Không sai. Nhưng sự thể này cũng cần xem lại, bởi ít nhất mình đã 4 bận nhập cuộc. Bốn bận là quá thừa hiểu biết rồi, cần gì đến lần thứ năm, sáu! Cũng như ngồi vỉa hè với dân văn nghệ Sài Gòn 1 năm là quá đủ, cần gì mãi lai rai tháng này qua năm nọ! Còn nhiều nhóm khác, tập thể khác quan trọng không kém, để tìm đến để hiểu. CÁC KHU TRỌ CÔNG NHÂN CHAM Ở SÀI GÒN, HAY CÁC XÓM THA HƯƠNG CỦA DÂN PABBLAP BÁN THUỐC GHA HARƠK Ở XỨ LẠ QUÊ NGƯỜI, không quan trọng sao? Có trí thức nào chú ý?

4. Cuối cùng, đâu là điểm nóng Cham?
Akhar thrah? Đây là món nóng nhất, có lẽ. Với nó, Sara nhập cuộc từ năm 15 tuổi, bằng dạy học, viết sách tự học và soạn từ điển. Vào BBSSCC, sau đó hỗ trợ Ban này về các vấn đề liên quan, rồi cả khi từ chối “chiến trường Akhar thrah”, mình luôn bị anh em lôi vào điểm nóng này cho kì được.
Cái chết của Kiều Minh Vũ ở Cwah Patih hay vụ “tự thiêu” của thanh niên Pabblap ở Đồng Nai, tranh chấp đất đai Văn Lâm, các cô gái Cham lao động ở Mã Lai bị ức hiếp hay vụ xâm lấn đất Ghur Bà-ni… mình đều nhập cuộc. Yut không hình dung được đâu, mình mấy lần đi thực tế tất cả khu vực có Ghur Cham cơ đấy, từ Ninh Thuận cho đến Bình Thuận.
Dự án ĐHN Ninh Thuận nữa? Để biết sâu về món này, hắn đã phải đọc cả khối tài liệu, tìm hiểu bao nhiêu là quan điểm, gặp gỡ bao nhiêu con người từ phía chính thống đến phe phản biện, trong lẫn ngoài nước, trẻ hay già, Cham với ngoài Cham…
Tất cả, hắn phải va chạm, đấu chiến gần như là thường trực; và chấp nhận và chịu đựng nỗi mất và được, với cá nhân và tập thể, với chính quyền lẫn quần chúng, bạn hữu cũng như kẻ nghịch, trong lẫn ngoài… Những dấu vết kia đều được mình thể hiện đủ đầy qua Tiếng nói Nhà văn 3 tập, nếu mang ra in chiếm hết 2 ngàn trang là ít.
Dẫu sao, như thế vẫn chưa thể gọi là HIỂU Cham.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *