Tặng bạn thơ Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Thúy Quỳnh, và…
Vừa qua, nhân cuộc thảo luận trên FB liên quan đến “BÀN TRÒN VĂN CHƯƠNG [biên bản lập chậm]” về đề tài “Thơ Dân tộc Thiểu số và Miền núi đương đại, khác biệt mang tính vùng miền” ở Trại Sáng tác Vũng Tàu, 28-5-2015 do tôi lập có vẻ không có hồi kết, tôi xin trình bày vấn đề rõ hơn cho các bạn văn cùng hiểu.
1. Biên bản lập chậm là gì? Tại sao?
“Biên bản lập chậm” là một trong ba hình thức của “Phê bình Lập biên bản” do tôi khởi xướng và thực hiện. Ở đây tôi ghi nhận ý kiến xung quanh một buổi Cà phê Sách, cuộc Hội thảo Văn học, Bàn tròn Văn chương… Đến nay tôi đã có hơn 20 biên bản như thế (đã đăng 3 bài). Tham khảo 1 bài ở đây:
http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=6027
Mỗi hội thảo, hội nghị văn học chính thống thường có ban thư kí [2 hay 3 người] ghi biên bản, nhưng thường thì biên bản được ghi khá chểnh mảng, cách thông qua hội trường cũng sơ sài, và nhất là rất ít ai chú ý; sau đó, biên bản hiếm khi được công khai.
Sau mỗi cuộc như thế, báo chí luôn đưa tin và nhận định khác nhau, nhận định trên “văn bản” lắm khi sai trật và thiếu sót, nên rất ư “chủ quan”. Từ đó, người đọc cũng sẽ tiếp nhận và hiểu nó khá manh mún. “Biên bản lập chậm” có mặt với ý định thay đổi cách làm để lấp đầy khoảng trống đó.
2. Cách ghi “Biên bản lập chậm”
Theo tôi, tốt hơn cả là ta cứ ghi biên bản cụ thể, chính xác, đầy đủ. Ghi chương trình dự định – diễn biến với những tương tác – và ý kiến ngoài lề sau cuộc, nếu có. Sự thể sẽ nói lên tất cả. 3 Biên bản đã đăng đã gánh vác được công việc đó.
Để biên bản không rơi vào chủ quan hay thiếu sót, tôi có tham khảo ý kiến và trí nhớ của vài người tham gia. Ví dụ ở “Cafe Văn Học tháng 7 của Hội Đồng Anh”: “Phê bình văn học trên báo chí – lí tính và cảm tính?”, tôi tham khảo ý kiến 2 người tham dự là Song Chi, Lý Đợi, cả người cùng thuyết trình là Nguyễn Thanh Sơn và Ngô Thị Kim Cúc.
Do đó “Biên bản lập chậm” dù là ghi chép cá nhân nhưng khá chuẩn. Nó không cần ghi chính xác câu văn của người trong cuộc, nhưng chắc chắn phải TRÚNG ý. Vì nó cụ thể, chính xác và khá đầy đủ, nên nó cần thiết cho các bình luận định sau đó.
3. Cuối cùng tôi ghi nhận xét ngắn của mình
Xem nhận xét ở Café Văn học trên.
4. “Biên bản lập chậm” khác “Biên bản Bàn tròn Văn chương” thế nào?
“Bàn tròn Văn chương” là hoạt động thuộc Hội Nhà văn Việt Nam do tôi chủ trì. Đề tài có thể là một trào lưu [như hậu hiện đại], một tập thơ [như của Ngô Thị Hạnh], tập truyện ngắn [của Nhật Chiêu], thậm chí một bài thơ [của Lê Vĩnh Tài] hay một tác giả, một phương thức xuất bản…
Người tham dự tự do, trao đổi và tranh luận tự do, nhưng tất cả đều tuân thủ quy ước Ba Không: không đọc tham luận, không lạc đề và ngoài lề, không khen không chê. Mỗi kì đều có một người ghi biên bản: chi tiết, cụ thể với đầy đủ ý kiến tương tác. Sau đó “biên bản” được gửi đến tất cả thành viên để cùng chính sửa câu chữ, chứ KHÔNG chỉnh sửa ý [vì có sự tương tác].
Tôi gọi đó là tập thể phê bình.
5. Nhận xét về thảo luận BTVC ở Vũng Tàu vừa qua
– Cách tường thuật của hai bạn thơ Lò Cao Nhum – Hoàng Thanh Hương về BTVC vừa qua đăng trên tạp chí VHDT rất đúng, đúng theo tinh thần chính thống mà ta được biết, lâu nay.
– “Biên bản lập châm” của tôi có thể thiếu vài ý phụ, nhưng chắc chắn nó ghi nhận được toàn cảnh sự thể, và nhất là TRÚNG. Quan trọng hơn là ở đó có tương tác dân chủ [là tinh thần chủ đạo của BTVC]. Các ý kiến của Mai Liễu phản bác 3 ý tôi vừa trình bày trước đó; Sara đính chính hai bạn văn: Bùi Như Lan và Nông Thị Ngọc Hòa; Cao Duy Sơn làm rõ hơn ý tôi với Bùi Tuyết Mai liên quan đến sự so sánh 2 bài thơ tôi trưng dẫn, phát biểu của Vũ Xuân Tửu là phản ứng về xì xầm của vài bạn văn khi tôi đề cập về hậu hiện đại và tân hình thức… đều được thể hiện.
Tất cả đều “hay”, và rất cần thiết. Không ghi chúng, BTVC sẽ mất tính chất mở của nó.
– Lâu nay chúng ta ít dám công khai ý kiến về tác phẩm, tác giả nào đó, nhất là khi đó là ý kiến bất thuận; càng ít dám công khai ý kiến đó trên giấy trắng mực đen, nên ta ngại. Ngại, từ đó có không ít người rời bỏ ý kiến của mình – tục gọi là “tự kiểm duyệt”. Lời nói gió bay, nhưng lời nói ở Bàn tròn thì khác: chúng cần được ghi nhận.
Theo tôi, chỉ khi nào ta thay đổi cách nghĩ và cách làm, sinh hoạt văn học Việt Nam mới có cơ may phát triển.