Ảnh Dương Tấn Ngọc trình bày chương trình cải cách, Chakleng 20-6-2015. Photo Quảng Đại Thính.
[Chuyên đề Tanưh Paywa của Cham Ahier]
Vấn đề hiện đang làm nóng:
– Đất Gửi của người Cham Ahier thế nào, khi Cham Việt sống gần nhau hay cộng cư cùng palei? Làm thế nào để tránh bị lấn chiếm dẫn tới tranh chấp và xung đột không đáng có?
– Sống chung palei Cham, thi hài người Việt có được cho vào làng là chuyện vi phạm phong tục Cham không?
– Chakleng và palei khác đã giải quyết thế nào? Còn khía cạnh nào chưa thỏa đáng?
*
2 năm, sau khi bài “Lo trước 01, Vấn đề đất Ghur Anưk Bini” đăng trên Inrasara.com, ngày 13-7-2013 mở đầu cho cuộc thảo luận, sự thể căn bản đã được giải quyết
. Sáng ngày 14-6-2015, tại Ghur Darak Neh, non ngàn rưỡi tín đồ Cham cả Awal lẫn Ahier từ nhiều palei khác nhau về hành hương đất thánh, vừa dự lễ Khánh thành Tường thành Ghur, vừa tảo mộ nhân dịp Đại lễ Ramưwan 2015.
Trong khi đó vấn đề “tảng đá Linga” ở Boh Dana (Chất Thường) đang làm nóng bỏng. 15 ngày về quê, tôi đã thử đi tìm hiểu, và hiểu ra. Nhưng vì sự thể chỉ khoanh vùng trong một địa phương với khối nhiêu khê vừa tín ngưỡng vừa đời thường, vừa chung vừa riêng lẫn lộn, nên tôi xin miễn có ý kiến.
Sáng nay, tại Chakleng palei tôi, một cuộc họp lớn đang diễn ra để bàn về “hiện đại” hóa Đám tang Cham Ahier. Ở đây, Chakleng lần nữa mở đầu trong phong trào cải tiến xã hội. Tin vui hẹn vào cuối năm nay, tôi sẽ bố cáo cho mik wa adei xa-ai rõ. Nay xin chuyển qua đề tài khác, quan trọng không kém.
1. Kut Cham Ahier
Mỗi palei Cham Ahier (hay Cham Bà-la-môn, như tục thường gọi thế) có nhiều Gaup (họ), mỗi họ có một Kut (nghĩa trang tộc mẫu), thế nên nếu ở Cham Awal (Cham Bà-ni) mỗi palei chỉ có một Ghur (nghĩa trang) thì palei Cham Ahier có nhiều Kut khác nhau. Nhưng trước khi đưa “thi hài” vào Kut, tất cả đều được chôn chung một nghĩa trang. Gọi là nghĩa trang theo nghĩa thông thường thì chưa chuẩn xác, chữ Đất Gửi (Tanưh/ Libik Paywa) thì đúng hơn.
Người Cham Ahier mất được chôn tạm (ba nau paywa) ở Đất Gửi này. Khi thi hài chỉ còn cốt (1 năm trở lên), bà con cải táng mang về làm Đám tang. Trong buổi hỏa thiêu, 9 miếng xương trán được cắt và mài tròn như đồng xu để giữ lại trong cái Klong (lọ nhỏ). 20-25 năm sau, dòng họ tập hợp tất cả Klong này lại làm lễ Nhập Kut.
Vấn đề Đất Kut đã được giải quyết từ 20 năm trước: người Cham Ahier đã biết xây tường thành để Wang karơk, từ đó Đất Kut không còn bị xâm hại nữa. Hôm nay, Đất Gửi đang trở thành vấn đề. Nhất là khi palei Cham sống cạnh làng Việt, hay làng có cả hai tộc Cham Việt cộng cư.
Tại sao?
2. Đất Gửi của Cham Ahier mỗi palei chỉ cần một sào là đủ. Bởi Cham không có mộ phẩn, thi hài được gửi tạm vài năm là giở lên làm đám thiêu, đất thành đất trống. Người Việt thì khác: luôn chiếm giữ làm của riêng. Do đó, đất nghĩa trang mở tới đâu cũng không đủ. Mộ phần cộng đồng Việt sống gần hay sống chung palei với Cham Ahier thì dễ xảy ra chuyện lấn sang phần đất trống này.
Chakleng thì không vấn đề, người Việt sống chung palei Cham có phần đất riêng và xa. Palei Cok Hiếu Lễ ngại bên làng Việt Trường Sanh, Trường Thọ lấn nên đã “lo trước” và xây tường thành rào lại: ổn. Boh Dana mới gay, và đang gay! Còn gay to, nếu không kịp chấn chỉnh. Hamu Tanran người Cham gửi [tạm] bên kia đồi, người Việt chôn [cố định] bên này đồi; và dù người Việt chỉ chiếm 5% dân số Hamu Tanran, nhưng nếu không “lo trước”, 20 năm nữa sẽ gay.
Đó là 4 trường hợp điển hình. Làm gì?
Cham tinh thần mở, không rào là đúng truyền thống. Nhưng thế giới hiện đại cần “sổ đỏ” và cần bảo vệ, tại sao không làm trước như palei Cok? Làm thế, được mấy cái lợi: thứ nhất, Đất Gửi không sợ bị xâm lấn, thứ hai khuôn viên không bị uế tạp [do trâu bò, hay con người], và điều không phải không cần thiết: người chết và người đưa tang có bóng mát trú thân.
3. Cuối cùng là chuyện Mưtai Lihin chết không lành
Người Cham chết ngoài palei thì không được mang vào palei làm lễ. Lễ phải được thực hiện bên ngoài palei. Đó là luật tục. Nhưng nếu người Việt sống chung palei Cham thì sao? Bởi họ cần mang thi hài vào nhà làm các thủ tục cần thiết. Lâu nay, ở Chakleng có xảy ra vài trường hợp trớ trêu đó, gia đình Việt đã phải “giấu” bài bằng cách cho người đã chết thở bình oxy! Và tạm nhắm mắt cho qua… Nhưng không ít người đã áy náy: mình sống nhờ palei Cham mà mình lại phạm phong tục người ta thế là không phải tí nào cả.
Chakleng giải quyết thế nào? Vẫn cho người Việt đưa thì hài vào nhà [làng] làm lễ, nhưng sau đó chịu tẩy uế palei. 4-5 triệu đồng. Đôi bên hòa hảo, vui vẻ.
Tại sao không như Chakleng từng làm và đang làm?
– hiện đại mà vẫn truyền thống: Kajang vẫn giữ đòn dông bằng tre, các bộ phận còn lại đều ráp nối, xây đất nền, dựng toilet ở khu làm đám…
– hợp tình: cho thi hài người Việt vào làng mà vẫn hợp lí: sau đó cho họ làm lễ tẩy uế.
– thuận thời, bởi qua việc rào chắn ta tránh được sự tranh chấp và xung đột không đáng có.
Tại sao không??!!