[Chuyện xảy ra hơn năm trước, tôi đã lờ đi. Vừa qua về quê Ramưwan, hai bạn trẻ nhắc, và rất mong cei Sara cải chính cho rõ; chiều lòng bạn trẻ nên có bài ngắn này].
Tối 22-12, từ Hội thảo tại Bangkok bay ra Hà Nội, vừa đặt chân vào khách sạn, tôi nhận tin nhắn của bạn thơ: Đỗ Hoàng phê Sara, phê thơ cứu đói dân tộc miền núi đó! Qua đường link, đọc, tôi thấy có cái gì đó nhảm, và buồn cười. Vâng, cá nhân Inrasara chả sao cả, nhưng vụ “cứu đói miền núi”, thì nên bố cáo cho bà con biết. Đỗ Hoàng: Thơ vô lối Inasara – rất vô lối, tắc tỵ, quái đản… 22-12-2014, http://dohoang.vnweblogs.com/post/3360/441554
Thử trích đăng, và góp lời bàn (in đậm). Xin không bàn về thơ, bởi đó là chuyện vô cùng, mà chỉ nói về mấy ngoài lề.
A. VỀ INRASARA
1. Đỗ Hoàng viết: “… nghe Inrasara ra Hà Nội, tôi tới nhà khách Thanh Niên để đưa báo biếu cho anh ta. Cùng đi hôm đó có Đăng Bẩy đang làm tờ Văn nghệ dân tộc miền núi (sic). Đăng Bảy (sic) khen tôi bằng câu Kiều “Anh hùng đoán giữa trần ai mới già”. In rasa (sic) đứng bên tường cổng nhà khách Thanh Niên dáng điệu rụt rè, mắt chớp chớp như con thỏ nhảy xuống phố”.
Đăng Bẩy với tôi quen thân, tôi rụt rè là không được rồi. Còn với Đỗ Hoàng, tôi chưa biết ông cỡ nào, ông lại tìm đến gặp tôi ở khách sạn, mà tôi lại rụt rè, mắt chớp chớp thì vô cùng lạ.
2. Ông viết: “… Chữ Việt chưa rành, tiếng Việt bập bõm”.
Là Đỗ Hoàng, nhiều người nghĩ khác. Ví dụ Hà Văn Thùy: “Tiếng Việt của anh đạt đến mức điêu luyện. Đấy là thứ tiếng Việt phong phú, giàu biểu cảm, được sử dụng uyển chuyển đến mức tài hoa, điều mà không nhiều lắm tác giả người Kinh có được.” Xin miễn bình luận.
3. Ông viết tiếp: “… Sau khi Inrasara viết có vài bài đọc được và Hội Nhà văn liên tiếp trao giải thưởng, Inrasara nhày vào ngõ cụt mà không biết. Anh ta luôn luôn gào thét cách tân đổi mới… Bản thân anh ta muốn làm ngọn cờ đầu đổi mới thơ Việt với chiêu bài hậu hiện đại, hậu hậu hiện đại(!)”.
“Muốn làm ngọn cờ đầu”, “ý đồ chủ soái thi đàn”, hay “minh chủ”, “tiên phong” gì gì là chữ văn giới VN gán cho tôi, chứ tôi có gào thét tự xưng ở đâu mô!
4. Đến đây, Đỗ Hoàng bắt đầu sa đà
Ông viết: “… Nếu Inrasara viết được như Chế thi sỹ thì oán hận Đại Việt nghìn lần đi nữa thì Hội Nhà văn Việt Nam cũng nên trao giải thưởng cho anh ta. Đằng này cái đau ngứa ghẻ ruồi, ghẻ lở, hắc lào, vẩy nến thơ tê tê buồn buồn không có một chút nghệ thuật gì, toàn tòng vô lối mà ba lần trao giải cao là Hội Nhà văn Việt Nam tát vào Đại Việt ông cha ta!”
Inrasara đâu chỉ nhận giải thưởng Việt Nam, còn 3 nước khác nữa. Nếu thế, 3 nước kia cũng tự tát vào ông cha họ rồi còn gì!
B. VỀ DÂN TỘC MIỀN NÚI
5. Và càng sa đà hơn
Đỗ Hoàng viết: “… Dân tộc chưa quá một phường trung bình của một thành phố loại 2 (trên dưới 100 000 người [sic]). Quanh năm suốt tháng Nhà nước phải trợ cấp lương thực nhu yếu phẩm kể cả bút giấy sách vở để con em đi học (16 tỉnh miền núi Nhà nước phải trợ cấp ngân sách)”.
Có ai thấy “quanh năm suốt tháng Nhà nước phải trợ cấp lương thực” cho bà con Chăm không? Đỗ Hoàng học chưa thuộc bài về địa lí-dân cư VN nên ông tưởng Chăm đang sống “miền núi” mà thành ra thế! Mà miền núi thì có sao nào? Nó liên quan gì giữa làm thơ vô lối với miền núi? Đỗ Hoàng dân làm thơ mà có tâm phân biệt đối xử thế ư? Nếu bà con dân tộc miền núi hỏi vặn lại, ông trả lời thế nào đây?
C. GIẢI MÃ MẶC CẢM ĐỖ HOÀNG
Hai chữ “Đỗ Hoàng” chưa hề tồn tại trong bộ nhớ của tôi, cho dù trước đó nó từng có mặt trong Kỉ yếu Hội Nhà văn Việt Nam. Cuối năm 2012, viết bài “Văn học Việt Nam 2012, vài điểm nhấn” (Tienve.org, 2013), liên quan đến việc “giải tán” tạp chí Nhà văn, tôi lên Google và trích dẫn câu nói của người trong cuộc: “Hội Nhà văn Việt Nam nhổ lúa trồng đay”, tôi mới biết Đỗ Hoàng là nhân viên lâu năm của tạp chí này. Trước đó mấy bận ghé tòa soạn, tôi có gặp ông ở đó, nhưng không chú ý. Cả khi ông phê thơ tôi, nó cũng không thành vấn đề cần bàn cãi.
Mãi lúc ông nổi hứng phát ngôn: “cứu đói dân tộc”, mới ra chuyện… Thử giải mã 3 tầng mặc cảm này:
1. Mặc cảm con đực
Đỗ Hoàng viết: “Tôi nhìn kỹ anh ta. Đó là là một người tầm thước, da đen nhẻm, áo quần còn vương nắng gió Ninh Thuận. Khuôn mặt rất Chăm. Nhìn là nhận ra chứ không tả sao cho được.”
Đỗ Hoàng kém tôi 2 thứ: thấp hơn tôi 10 phân, cân nặng thua tôi chục 12 cân; chỉ có mỗi thứ ông hơn tôi, là sinh trước tôi 7-8 năm. Nhìn tổng thể nếu chấm điểm, tôi: 7.5, Đỗ Hoàng có châm chế lắm cũng đạt điểm 3.2 là cùng.
Mặc cảm này đẩy Đỗ Hoàng đi xa hơn nữa. Ông viết: “Inrasara nói tiếng Việt giọng thổ âm Ninh Thuận lai tiếng Chăm” thì nghe được. Chứ khi ông kêu: “Inrasara ấp a ấp úng, không lưu loát”, thì ông hố… nặng. Kẻ từng vô số lần đứng trên diễn đàn, vô số lần chủ trì hội thảo, bàn tròn lớn bé, mà ấp a ấp úng trước một sinh thể thấp bé, xấu trai, thì quả là kì lạ.
2. Mặc cảm nhà quê
Đỗ Hoàng xuất thân nhà quê. Quê mùa thì chả sao cả, phiền là ông sanh tâm mặc cảm. Được ra Hà Nội làm ở tạp chí Nhà văn, ông nghĩ mình lên đời, quên ngay gốc gác (nhà quê, nắng gió Quảng Bình) rồi quay sang chê tôi dân nhà quê (“da đen nhẻm”, “vương nắng gió Ninh Thuận”). Ông không biết hồi 1998, tôi đã làm dân Sài Gòn 6 năm rồi. Nghĩa là da cũng có hơi trắng bợt, tắt màu nắng gió (tôi không dại gì đi hãnh diện điều dở hơi này, còn Đỗ Hoàng chắc phải tự hào ghê lắm). Mặc cảm nhà quê khiến ông mô tả tôi rất ư là buồn cười.
3. Mặc cảm lạc hậu và thua kém
Lạc hậu, khi ông tự thú: “Bản thân anh ta muốn làm ngọn cờ đầu đổi mới thơ Việt với chiêu bài hậu hiện đại (!)”.
Còn thua kém, khi ông cho Inrasara được Hội Nhà văn Việt Nam “ba lần trao giải cao là Hội Nhà văn Việt Nam tát vào Đại Việt ông cha ta!”. Ghê quá! Thật tình tôi chưa thấy nhà thơ nào có lối suy nghĩ và dũng cảm thể hiện nó ra ghê gớm như thế.
Tôi đọc ở cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại (2010) thấy Đỗ Hoàng kê khai chi li: Giải 3 Thơ Quảng Bình (1974), Giải 3 Thơ Bình Trị Thiên (1983), Giải văn học báo chí Bộ Quốc phòng (2009)… trong khi Inrasara ngay tập thơ đầu tay Tháp nắng (1996) đã đoạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam, 6 năm sau là lần hai cho Lễ Tẩy trần tháng Tư (2002), rồi giải thưởng Văn học Đông Nam Á… Cạnh đó là các giải phi chính thống, nước ngoài…
Ba ba nhập một khiến ông sa đà, phát ngôn bừa và bậy. Nên có lời khuyên: Đỗ Hoàng à, mặc cảm với ai đó thì cứ nói về ai đó cho hả, chứ đẩy nó sang nẻo dân tộc và miền núi thì tôi xin mạo muội can ông, đừng dại dột thế. Nhé!