Trong Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu, năm 2007, nhà thơ hiện đại Dương Tường đã quấn giấy vệ sinh khắp người trình diễn trên sân khấu, để một nhà thơ nữ cởi từng vòng giấy cho lộ nguyên hình hài nhà thơ, một “nhà thơ như thực”, không trang trí, không mặt nạ. Quá ư là lãng mạn. Hay! Nhưng đó là cái hay hiện đại(1).
Nghệ sĩ hậu hiện đại Lê Anh Hoài qua tác phẩm Cắt (1-6-2011) đã rất khác(2). Khác biệt ở bốn điểm chính. Thứ nhất, nó không diễn trên sân khấu được cấp phép mà tại không gian phá cách của nhóm Khoan cắt Bê tông (quận Thủ Đức, TPHCM). Thứ hai, tác phẩm được gợi hứng từ hiện thực cụ thể ngay sau sự kiện tàu hải giám Trung Quốc cắt dây cáp thăm dò dầu khí của Việt Nam. Cũng bằng những cuộn giấy các loại [có cả giấy vệ sinh], thân mình nghệ sĩ bị khống chế, bị trói buộc, bị vây bọc nằm quằn quại đau đớn, để những người tham dự bắt đầu “cắt” cho đến khi anh hoàn toàn trần [truồng] (bởi còn mảnh xì-líp), cho lộ ra bản đồ Việt Nam với lấm chấm đảo Hoàng Sa và Trường Sa đầy máu me loang lổ. Qua đó, thứ ba, nghệ sĩ trình diễn Cắt không làm “nghệ thuật thuần túy” mà động đến hiện thực chính trị xã hội đương thời – một hiện thực nhạy cảm nhất, chắc chắn thế. Cuối cùng, tác phẩm “diễn ra” chỉ trong nửa tiếng đồng hồ rồi tự hủy. Không hao tốn đồng xu tiền thuế của dân, không họp hành, không lên kế hoạch, không kiểm điểm…
Cùng với “Tôi là cột điện”, “Cắt” là tuyệt phẩm của nghệ thuật Việt Nam đương đại, một đóng góp lớn của trào lưu hậu hiện đại cho nền văn học nghệ thuật đất nước.
____
(1) Phạm Xuân Nguyên, “Ba ông tám mươi hơn mười ông trẻ”, 29-1-2011
http://phamxuannguyen.vnweblogs.com/print/1958/277580
(2) Soi, “Đi xem Lê Anh Hoài diễn Cắt – Cut”