NGỌN CỎ
tiếng nước đái
nhỏ giọt
trong bồn cầu tí tách
thứ nước ấm sóng sánh vàng
hổ phách
trong người tôi tuôn ra
phải rồi
tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ
bây giờ
được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ
tương lai không chừng tôi sẽ
to con mập phệ
tí tách như mưa
ngọn cỏ gió đùa
Thời kì hậu hiện đại phát triển mạnh với phong trào nữ quyền mới, hậu thuộc địa, dân tộc thiểu số, vấn đề da màu và di dân… Cho nên, nói đến hậu hiện đại, không thể không nhắc tới các sáng tác nữ quyền. Đó là thể cách giải-trung tâm quan trọng. Vài chục năm qua, văn học – nghệ thuật nữ quyền Việt Nam đã có nhiều thành tựu đáng kể. Với các tên tuổi: Trịnh T. Minh-hà, Phạm Thị Hoài, Lê Thị Huệ, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Hương, Đỗ Lê Anh Đào,… và phần nào đó cả ở nhóm Ngựa Trời với “cuộc cách mạng thơ dang dở” của họ nữa. Không cần tuyên bố [trong thơ] sẽ làm nghiêng đổ ổn định, phá vỡ mọi quy ước, chặt đứt quá khứ, thoát khỏi tính bầy đàn để khẳng định cái Tôi biệt lập ngang tàng hay la lối om xòm với cả rổ hình dung từ ngổ ngáo gì gì khác mà, chỉ bằng một nhát dao, Nguyễn Thị Hoàng Bắc đã cắt đứt cái đuôi hậu tố “nữ”, rất ngọt.
Bài “Ngọn cỏ” xuất hiện ở tạp chí Hợp lưu năm 1997, đã gây sốc lớn cho độc giả thời điểm ấy, ở đó không ít người phản ứng khá tiêu cực. Cạnh đó bài thơ đã chinh phục được nhiều người, bởi đây là bài thơ thể hiện tinh thần nữ quyền rất độc đáo.
Thế giới hôm nay cung cấp cho người nữ bao nhiêu là tấm gương chói lòa, với đủ đầy phương tiện hiện đại [“bồn cầu” là một trong những]. Người nữ ý thức sâu thẳm và mãnh liệt rằng mình là một nửa nhân loại. Chính họ đã và đang góp phần tạo nên lịch sử thế giới, chứ không bị đẩy ra bên mép rìa xã hội hay đứng ngoài lề văn học như đã từng nữa. Tại sao họ lại từ bỏ cơ hội ngon ăn kia chứ? Biên giới giữa nam và nữ đã, đang phải bị/ được xoá bỏ. Nguyễn Thị Hoàng Bắc tuyên như thế trong một cuộc phỏng vấn. Tuyên là một chuyện, làm thơ là chuyện hoàn toàn khác.
Khởi đầu, hơi thơ “Ngọn cỏ” đi mạnh mẽ và trang trọng như bao bài thơ hiện đại khác. Người đọc ngỡ sẽ bắt gặp nỗi gồng mình [phê phán hay tuyên bố gì đó đại loại] ở câu tiếp theo, như đã từng thấy ở thơ nữ trẻ mấy năm qua. Nhưng không, bài thơ đột ngột chuyển hướng qua giọng phớt đời, khinh bạc rồi bất ngờ bẻ ngoặt sang đùa cợt đầy khiếm nhã! Chẳng có gì nghiêm trọng cả! Nếu không có “ngọn cỏ gió đùa” đường đột kia, bài thơ chỉ dừng lại ở ngưỡng nữ quyền hiện đại: nghiêm trọng và không kém quyết liệt. Nhưng chỉ cần một giễu nhại, tất cả đã lột xác: bài thơ làm cú nhảy ngoạn mục sang bờ bên kia của mĩ học hậu hiện đại.
Tính chất nghiêm cẩn của giọng thơ đã được tháo gỡ. “Ngọn cỏ gió đùa” thời Hồ Biểu Chánh đã lui vào hậu trường lịch sử. Nó được Nguyễn Thị Hoàng Bắc giải phóng. Hãy để cho ngọn cỏ tự do đùa với gió mà không buộc nó phải chịu phận so đo trong tinh thần phân biệt đối xử với sự đái. Cả sự đái của đàn bà cũng được cởi trói, qua đó thân phận tòng thuộc của chị em được giải phóng.
“Đàn bà đái không qua ngọn cỏ” là một tục ngữ Việt, một “truyền thống”. Ông bà ta dùng chữ “đái”, không tránh né, để hình tượng về nỗi thấp kém của người nữ. Người nữ hiện đại phản ứng lại: Ừ, thế thì quý ngài hãy xem chúng tôi “đái” đây. Đọc bài này, Triệu Lam Châu nhân danh truyền thống, cho là “nhà thơ hậu hiện đại Việt Nam lại công khai và trắng trợn nữa – thể hiện sự “vô văn hoá” (xét theo quan niệm truyền thống xưa nay).” Tôi thì khác lại, “xét theo quan niệm nhân văn mang tính phổ quát” hiện đại, chính việc so sánh “sự đái” với “đàn bà” cùng cụm từ “không qua ngọn cỏ” ngày xưa mới thậm… vô văn hóa.
Nguyễn Thị Hoàng Bắc không dĩ độc trị độc: vô văn hóa nay đối đáp lại vô văn hóa xưa để thành văn hóa, mà ngược lại: giải vô văn hóa kia, để sự sự trở lại bình thường.
Coda “Ngọn cỏ”
Dâm, dơ với tục, nếu văn chương xài thứ ngôn từ như thế, thì người đọc có cần gì đến nhà văn, nhà thơ; làm thơ với những “đái”, “lồn”, “cặc” như Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Bùi Chát thì bà bán cá ngoài chợ cũng làm được, cần gì đến tài năng?
Đó là hai ý lặp đi lặp lại không biết mệt, bấy lâu.
Văn chương đòi hỏi cao cả, sang trọng, đẹp – đúng lắm; cạnh đó không ít người viết đã làm khác đi. Sử dụng ngôn từ dâm, dơ, tục thời nào cũng có, tại bất kì đất nước [tự do] nào, không đụng nhà văn này cũng dính nhà thơ khác, với mức độ đậm nhạt khác nhau. Nhưng dâm, dơ, tục để làm gì? Chúng chẳng có gì là mới mẻ để bàn cả, nếu tác phẩm kia không chuyển tải thông điệp gì đến bạn đọc.
Với cán bộ tuyên huấn mới qua lớp sơ cấp triết học Mac-Lê đã cả gan lên lớp khối nhà văn, cái gì cũng đòi nắm: nắm tư tưởng người viết, nắm đề tài tác phẩm, nắm cả cách thể hiện… thì Trần Dần văng: “Nắm, nắm cái con cặc!”, nghe không đã sao? Ai dám kêu Trần Dần tục.
Con gái người ta gia đình mẫu hệ, thêm mác hoa hậu lớp mới Đệ Tam mà cái “Thằng hoang” kia dụ sao tặng cho một bụng đến phải nghỉ học dở chừng; nó đi mất tiêu, chỉ cho cái hẹn vu vơ “chờ anh em nhé’; năm năm chờ hết nổi, cô nàng phang cho một câu: “đợi cho mệt cái lồn”, hỏi có đáng không? Chị em nghe khoái quá đi chứ, có ai bảo là dơ?
Còn Nguyễn Thị Hoàng Bắc…
“Đàn bà đái không qua ngọn cỏ”, chị em nào nghe mà chả tức. Ngoài bộ phận nhỏ mang tâm lí mặc cảm và cam phận, số còn lại bực thì có bực, không nói được, đành chịu. Có chị cãi lại, nhưng không hay nên chả ai quan tâm. Mãi Nguyễn Thị Hoàng Bắc mới ra chuyện.
Nhà thơ này vừa chỉ cho quý ông biết: qua tiện nghi hiện đại, chị em chúng tôi đái kiểu khác rồi, ai còn nghĩ dại là lạc hậu đó; vừa cho quý ông thấy thế đứng [đái, và…] cả hai giới ngang cựa nhau, chớ hòng mà đối xử phân biệt; đồng thời qua dáng đứng [không phải bến tre] này, chị giải phóng cho ngọn cỏ khỏi kiếp phận bị đem ra so đọ cao thấp với thứ nước vàng hổ phách kia, trả nó về với ngọn gió, như nó đã.
Chỉ bằng một nhát cắt nhẹ nhàng đầy tinh nghịch mà phóng thích được một lượt đến ba sự, nếu có mang tiếng “dâm”, “dơ”, hỏi chớ không đáng sao?
Còn ai dám bảo làm thơ tục, dâm, dơ dễ nữa không?