1. Cái TÔI đáng ghét? II. Tôi học tiếng Việt 04. Làm thơ1
Làm thơ Việt, tôi học nhiều từ Ca dao, Thơ Mới, Bùi Giáng, Chế Lan Viên, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyễn Hoàng Nam, Hoàng Hưng, Bùi Chát-Lý Đợi, và… Lê Vĩnh Tài. Đó là những người tôi học được bộn cái hay-mới từ họ, tôi còn học từ vài nhà khác nữa, nhưng ít hơn.
Yêu thơ Việt qua ca dao, thuộc thơ Cham qua những lần nghe ông ngoại đọc-ngâm, nhưng chính thầy Quảng Đại Hồng hiệu trưởng tôi và thầy Huỳnh Ngọc Sắng dạy tôi ở Tiểu học mới là người đưa tôi vào cõi thơ. Biệt danh của thầy là: Hồng thơ. Làm hiệu trưởng, thầy vào vai thầy cô nào xin phép nghỉ. Dạy học thì ít, bày chúng tôi làm thơ nhiều hơn. Thơ kiểu: “Làng tôi ở giữa đồng xanh/ Tục danh là xóm Nha Tranh người Chàm”. Sáng tác cả tiếng Cham lẫn tiếng Việt, đọc cho làng trên palei dưới nghe, và mang chúng ra dạy chúng tôi. Điên vậy đó. Điên đến nỗi thời “cách mạng”, thầy cả gan đem thơ tiếng Cham tôi ra dạy. Tình cờ tôi đi ngang qua, nghe, mà giật mình. Hỏi, thầy bảo, thơ trong sách giáo khoa dở quá!
Thầy Sắng dạy tôi lớp Nhì – sau 75 là lĩnh tụ Fulro Cham – đưa tôi vào thơ kiểu khác. Cho chúng tôi làm bài tập, thầy đi đi lại lại suy nghĩ, và làm thơ. Xong, thầy đọc cho chúng tôi nghe. Nghe qua một lần tôi thuộc. 7 năm sau, gặp thầy ở Phan Rang, tôi đọc cho thầy nghe nhiều bài thơ xưa cũ ấy, đến thầy bất ngờ. “Làm thơ, tao quên lâu rồi, mầy lại nhớ” – thầy nói. Thơ thầy Sắng “hiện đại” hơn. Trích:
Nhớ đồng ta dạo bộ đi
Nhứ rừng ta nhảy ngựa phi lên đồi
Cỏ xanh “dòng” ngựa lại ngồi
Nhìn non xanh thẳm nhìn trời mây qua…
Hay:
Anh quân đội xông pha ngoài trận địa
Diệt bạo tàn gìn giữ lấy quê hương
Đời quân nhân đâu có ngại gió sương
Quyết mang lại tình thương và hạnh phúc…
Sau lớp vỡ lòng đó, lên Đệ Lục, tôi bắt đầu làm thơ…
2. Cái TÔI đáng ghét? II. Tôi học tiếng Việt 04. Làm thơ2
Tôi làm thơ, làm thật nhiều thơ nữa là khác. Làm xong, đọc thấy sướng lắm, cứ muốn rung đùi. May, tánh tôi không nóng vội, nên chưa một lần bị hố. Bởi ngay tháng sau thôi, đọc lại, nhảm, tôi vứt. Mấy đoạn còn nhớ:
15 tuổi:
… Chiều rơi, ngàn xanh chuyển vàng, núi thẫm
Ai ra đi có bận bịu tơ lòng
Ai chia ly có vướng chút thương mong
Ôi hạ lạnh rời về bao ý nhớ…
[đích thị loài thơ lãng mạn hậu thời kiêm thơ tuổi ngọc].
19 tuổi (trích trường ca Lãng Tử, Tình Yêu và Quê Hương đoạn cuối):
… Chà Bang sáu đỉnh mây mù
hứng trăng
ngậm gió
với mù sương sa
ai ca lên đó mà ca
chim đồi đông, ngọn suối sa non đoài
hạc xa dài xoải cánh bay
thênh thênh mây trắng di trời quê hương
về
ta nhận giấc mù sương
giục ngôn ngữ bước lên đường
thẳng dong.
[thơ vướng rất nhiều dấu vết người đi trước, dở Bùi Giáng dở Phạm Thiên Thư]
20 tuổi, thử chép ra nguyên bài ở đây:
BÀI CA CÔ ĐƠN
Tôi ca bài ca cô đơn tôi
hắt hiu bờ thảo dã
gió mỏng manh về run cây lá
ruỗng mòn nắng buổi thôi nôi.
Tôi ca bài ca cô đơn tôi
hừng hực trưa tàn nhẫn
tro tàn Hi Lạp mù Tây phương
thời sát nhân mọc cánh
bay bay về hoàng hôn.
Mặt trời xế bóng trên tờ Kim Cang
nhạt dấu chân xưa Cồ Đàm
chấp hai bàn tay bẩn trước ngực
tôi quỳ gối
trong chiều Thánh Kinh
trước ngàn vạn cây đinh
đóng xuống vực tim tôi – tội lỗi.
Tôi ca bài ca cô đơn tôi
tay nâng đàn ngang ngực
đêm mở cửa
tôi tụng bài ca cô đơn tôi
nhịp đều tay tôi gõ
ca mãi ca hoài
thanh bình ngàn năm cô đơn tôi.
Phan Rang, hè 1977.
Làm xong nó, tôi khoái lắm, cứ nghĩ mình vừa hạ sanh “kiệt tác”. Rồi, chỉ 2 năm sau thôi, tôi lại cất vào Sổ Tay Thơ: nó không gì hơn một phái sinh của loài thơ Sáng Tạo thập niên 50, không khác!
Tôi học thơ, làm thơ, làm rất nhiều nữa là khác, rồi chép đầy trang trọng… rồi xé, rồi vứt tất! Nhà văn không biết vứt đi của mình, thì không thể lớn – ai đã nói thế?
3. Cái TÔI đáng ghét? II. Tôi học tiếng Việt 04. Làm thơ3
Nếu không tình cờ biết nhóm Thơ Tự do Sài Gòn, tôi đã thành nhà nghiên cứu lớn!
Sáu năm sống đất Sài Gòn, tôi đã in ba tập thơ, sáu tác phẩm nghiên cứu [với mươi bản thảo chưa in khác], đã vào Hội Nhà văn Việt Nam, đã giật 5 giải thưởng danh giá, đã… đủ thứ đã. Đến nỗi bạn văn Đất Tổ gặp tôi ở Sài Gòn đã nói vui rằng: Đời nhà văn đạt được nửa thành tích của Sara thôi đã toại nguyện rồi, đằng này…
Nhưng nỗi đời có những bất ngờ không lường trước được.
Nhóm Thơ Tự do Sài Gòn làm thay đổi hẳn con đường viết lách của tôi.
Trước đó, hầu như tôi không quen biết ai dân văn nghệ, ngoài Trần Xuân An. Tôi quanh đi quẩn lại với cánh khoa bảng: giáo sư, tiến sĩ, và giới nghiên cứu. Không gì khác. Gặp nhóm Thơ Tự do, tôi biết còn có thế giới khác thế giới tôi biết, có loài thơ khác với loại thơ tôi từng biết, từng làm. Tôi biết có tạp chí Việt ở Úc, Thơ ở Mỹ, rồi Hợp Lưu, Văn Học… Tôi biết mênh mông tác giả Việt hải ngoại. Tôi biết hậu hiện đại, tân hình thức. Vân vân.
In Hành Hương Em (1999) như một cách quyết toán với cái cũ, tôi quyết thay đổi. Tôi không làm bất kì bài thơ nào nữa, mà chỉ ghi chú. Ghi chú và học. Tôi chuẩn bị bàn giao chuyện kinh doanh cho bà xã, để lao vào chữ nghĩa. Chỉ chữ nghĩa.
Tháng 8-2002, xuống Vũng Tàu dự Trại Sáng tác, tôi đóng cửa làm một lèo 22 ngày xong bản thảo tập thơ Lễ Tẩy Trần Tháng Tư. Vào Sài Gòn duyệt in ngay cuối năm đó. Đây là tập thơ khởi động cho thời kì thứ hai của thơ tôi, nếu có thể nói thế.
Biết, tôi học, và làm. Làm và học.
Nếu với tân hình thức, tôi “nghiên cứu” kĩ mỗi Khế Iêm để làm, sau đó sinh ra Chuyện 40 Năm Mới Kể & 18 Bài Thơ Tân Hình Thức (2006), thì với hậu hiện đại, qua “môi giới” của Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn, tôi lần mò ra nhiều tác giả hậu hiện đại trên thế giới, đọc, và làm: thơ, tiểu thuyết, tiểu luận, phê bình.
4. Cái TÔI đáng ghét? II. Tôi học tiếng Việt 04. Làm thơ4
Để làm gì, thi sĩ? – Phá đổ lề thói cũ, đưa ra cái nhìn mới qua thể hiện kĩ thuật mới bằng [nhiều hay ít] ngôn từ mới, hầu mở rộng kinh nghiệm trường để làm phong phú tinh thần con người: của mình và của người tiếp nhận. Xưa, Chế Lan Viên thấy “tháp Chàm lở lói rỉ rên than”, “tháp gầy mòn vì mong đợi” – là hay. Với những “gầy mòn”, “lở lói” ấy, thơ Chế Lan Viên rung động người đọc ở thẳm sâu. Bài thơ nổi tiếng của Văn Cao rung động độc giả ở khía cạnh khác:
Tự trời xanh
Rơi
Vài giọt
Tháp Chàm.
Văn Cao nhìn tháp Chàm như cái gì thánh thiện, siêu việt, và duy mĩ – nếu có thể nói thế. Tháp có mặt thoát khỏi mọi nắm bắt của trí tuệ con người. Đây là bài thơ độc đáo về tháp. Cũng như tôi đã từng phục Chế, điên mê Chế, thuộc lòng Chế. Nhưng hôm nay, tôi phải nhìn khác Chế Lan Viên, khác Văn Cao. Thấy khác và viết khác. Nhìn tháp qua nhiều góc độ, tình huống và tâm trạng.
Tháp hiện diện trước tôi muôn màu muôn vẻ: “tháp Chàm muôn mặt”.
Cô độc và kiêu hãnh: “tháp nắng”.
Bị bỏ rơi trong sương gió: “tháp lạnh”.
Âm u đầy bí hiểm: “tháp hoang”.
Tháp đột ngột xuất hiện trong ta khi ta làm tha hương nơi đất khách quê người: “Đôi lúc / nửa đêm / tôi nghe tháp mọc ngang trời”.
Khi “là chim”, “tháp bay”. Là bóng ma, tháp “trườn qua đêm tối những triều đại”. Buồn, “tháp ngậm im lặng màu tro”; giữa thất thường khí hậu miền Trung: “tháp thét gào với bão”; qua chiến tranh tàn phá, tháp đổ: “tháp lãng du thế giới cỏ cây”.. Trời nóng nực: “tháp ở trần nằm”, trời lạnh: “tháp ngủ”, nhớ vương quốc: “tháp đứng”, hứng khởi: “tháp bay”… Cuối cùng, khi tất cả tiêu tan: “tháp chuyện trò cùng cát bụi”.
Vẫn còn chưa đủ. :
Tháp đang trôi trong hoàng hôn
chợt mắc cạn
ở lưng đồi…
Tháp đã thành biểu tượng cho một suy tàn của vương quốc (hoàng hôn), một dang dở của nghệ thuật hay văn minh (mắc cạn), một ở lại với trần gian đầy đau xót, tức tưởi (ở lưng đồi). Đây là một hiện thực được nhìn đa diện. Nó người và đời hơn – chắc thế.
[Chà chà, hứng quá mình đi “nghiên cứu” thơ mình]