Câu chuyện văn học Việt Nam 29. Chửi nhà văn sai

Câu chuyện văn học Việt Nam 29. Chửi nhà văn sai 01. Định hướng

Hôm qua có bạn thương [sai] tôi, bảo Sara lúc này rỗi hơi đi cãi nhau (tôi ưa từ này, còn bạn FB Tào Lao thì thích chữ “tranh luận”) với dân FB. Tôi nói đây là chuyện rất to. Hai lợi ích đang xảy ra và sẽ nảy ra từ cái to ấy:

1. Đây là một cách viết tiểu thuyết của tôi,

2. Tôi thích đối thoại, song thoại và tương thoại. Tôi từng song thoại… với văn giới, với trí thức, với sinh viên. Đây là lần đầu tiên tôi đối thoại… với bạn FB, ở một diễn đàn mở, tự do, sòng phẳng và lành mạnh. Qua nghiên cứu thơ Việt đương đại, tôi hiểu tâm hồn Việt Nam… Qua “cãi nhau” với các bạn FB, tôi hiểu người Việt Nam nghĩ gì về tôi, về văn học, về xã hội, về đủ thứ chuyện trên đời. Tiếp nhận kĩ thuật hiện đại, tôi cần bày ra trò chơi này, chơi trong nó và với nó. Từ đó, hiểu biết. Không hay sao?

*

Bạn la nhà văn Việt Nam, có thể la sao cũng được cả, nếu ta đưa ra tang chứng vật chứng. Bạn la nhà văn Việt Nam viết theo định hướng, tôi có thể hỏi: ai? bạn trả lời sao đây? Không đưa ra được vật chứng, cái la kia trở thành chửi đổng. Vô ích. Nếu bạn cho nhà văn thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, thì bạn rơi vào bẫy của sự hiểu chính thống rồi còn gì. Dẫu sao nếu có hồ nghi ai đó ở khu vực này, 20 năm qua, tìm được tác phẩm viết theo định hướng, là rất khó. Ai biết chỉ giùm, tôi rất cần biết cụ thể để nghiên cứu!

Ngược lại, tôi có thể kể nửa trăm nhà văn KHÔNG viết theo định hướng, thậm chí phản định hướng, các nhà văn thế hệ mới tôi đọc họ khá kĩ. Tùy hứng nhé: Lê Anh Hoài, Lê Vĩnh Tài, Bùi Chát, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Lê Minh Phong, Lý Đợi, Tiểu Anh, Tuệ Nguyên,Chiêu Anh Nguyễn, Đặng Thân, Lưu Mêlan, Khánh Phương, Đinh Thị Như Thúy, Phan Bá Thọ, Phạm Lưu Vũ, Nguyễn Viện, Du Nguyên, Nhật Chiêu, Vũ Lập Nhật, Vũ Thành Sơn, Hoàng Long…

Bạn nghĩ sao?

 

Câu chuyện văn học Việt Nam 29. Chửi nhà văn sai 02. Vị thế và vai trò nhà văn hôm nay

Xưa, phương Đông truyền thống Trung Hoa, người có học, thi đỗ, ra làm quan. Đại đa số họ là kẻ sĩ [tương cận với chữ “trí thức” ngày nay]. Họ làm quan, và làm thơ. Quần chúng thấp cổ bé họng có chuyện, trông chờ ở họ. Tất! Ở Việt Nam, truyền thống kéo dài mãi tận thế kỉ XX. Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hồ Chí Minh… rồi Sóng Hồng (Trường Chinh), Tố Hữu… Họ là nhà văn, có thể gọi thế. Sự thể kéo dài tận thời hiện đại: chuyện các quan lớn làm thơ mới chịu đứt.

Trí thức hết còn độc quyền là người cầm bút! Hôm nay nhà văn còn mang ảo tưởng đó, là khờ. Còn độc giả còn ảo tưởng về vị thế xưa cũ của nhà văn nữa, là lạc thời. Lạc thời nên kì vọng, rồi thất vọng.

Hiện nay, quần chúng tìm đến luật sư, kĩ sư, nhà khoa học, cầu thủ bóng đá vân vân lên tiếng cho mình, thay vì chỉ mỗi nhà văn. Tiếng nói nhà văn nhẹ dần, muốn làm mất hút.

Tiếng nói công dân của nhà văn đã thế, bổn thân văn chương gánh trách vụ xã hội càng tệ hơn nữa. Tệ, do lạc hậu ở lối nghĩ. Văn dĩ tải đạo thì đã xưa. “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ” càng xưa nốt. Nếu cái trên dành riêng cho các cụ non bàn lúc trà dư tửu hậu, thì cái sau đã chết từ thuở văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa mới o oe chào đời.

Thế chiến II, René Char là chiến sĩ đúng nghĩa đen: hoạt động bí mật, đôi lúc trực diện với Phát xít Đức, nhưng văn chương ông không dính dáng gì đến hiện thực cuộc chiến ấy. Ông cứ suy nghiệm về huyền nhiệm của cõi người. Ông vĩ đại thế nào thì miễn bàn. Và ai dám nói Char vô trách nhiệm – với tư cách công dân lẫn nhà văn?

 

Văn chương gây phản tỉnh, chứ không cần phản kháng. Bởi chữ trước bao hàm chữ sau, chứ không ngược lại. Phản kháng mà chưa đặt trên phản tỉnh, chỉ như cây non vươn vội lên khoảng xanh mà rễ chưa được cắm sâu vào nền đất, bật gốc chỉ sau cơn bão rớt. Phản tỉnh, tự thức self-consciousness, sau đó muốn làm gì thì làm. Nhà văn gây phản tỉnh, khai mở đời sống, thúc đẩy đời sống bằng nhiều hiện thực khác nhau. Tùy hướng ưu tư và thể tạng, họ có thể: dự báo về một xã hội toàn trị (G. Orwell), dự cảm về tâm thức con người thời đại (A. Camus), kể chuyện về một vùng đất (W. Faulkner) hay tán chuyện riêng tư qua kinh nghiệm tình dục và (H. Miller)… tất cả đều là “hiện thực”, miễn nhà văn dám đẩy tới cùng. Làm văn chương vì văn chương, chứ không vì cái gì khác: tính đảng, tính nhân dân, tính dân tộc, tính ‘hiện thực’… mênh mông tính, trong khi tính quan trọng nhất để văn chương được là văn chương thì ta thiếu, thiếu nghiêm trọng: tính văn chương.

Văn chương chỉ có mỗi nhiệm vụ đó, khác và lắm khi đứng biệt lập hoàn toàn với bổn phận công dân của nhà văn. Truyền thống văn dĩ tải đạo với “dùng cán bút làm đòn xoay chế độ” khiến không ít người tận hôm nay vẫn còn lẫn lộn.

 

Sáng tác văn chương của tôi rất ít dính dáng đến “hiện thực đời sống” Cham và hiện thực Việt Nam, nếu hiểu hiện thực theo kiểu thế sự thời sự. Tập thơ Ở Nơi Ấy [Thơ Thời Cuộc] (2011) viết về đủ thứ chuyện trên thế giới, là cảm hứng văn chương. TCHERFUNITH (2012) chủ đề về Dự án Điện Hạt nhân cũng xuất phát từ cảm hứng văn chương, chứ không phải để phụng sự cho tinh thần phản kháng cái điều mà tôi chống đối.

Để phản kháng gì đó hay ưu tư thế sự, tôi làm chuyện khác: lên tiếng với tư cách trí thức. Tiếng Nói Nhà Văn (3 tập, 2.000 trang, tập hợp các trả lời phỏng vấn, các bài viết… của tôi từ năm 2004-2012) chính là dấu vết để lại.

[Lưu ý: Xin các bạn FB chớ phê phán nhà văn hội viên HNVVN ở đây, vì nó lạc đề. Còn bạn nào thích, cứ đến số 9 Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội mà la. Ta chỉ bàn về nhà văn đích thực, ở trỏng cũng có nhà văn hội viện].

 

VỚI NGUYENDINHBON

Ở đây, có mấy điều để nói:

1. Tôi viết văn làm thơ từ 13 tuổi, tôi dạy miễn phí tiếng Chăm, tiếng Anh và… 4 năm: 14-18 tuổi, như chị bán báo kia, tôi không biết HNV là gì, ở đâu.

2. Trong thời gian 25 năm tôi cày thuê, làm ruộng, vân vân và viết văn, nghiên cứu văn hóa Cham, cũng không biết có Hội đoàn nào ở Việt Nam. Tuyệt đối tôi không có thơ đăng báo…

3. Tôi chưa hề có vai trọng trách nào ở Hội Nhà văn Việt Nam, nghĩ như Bổn là SAI to. Chuyện này tôi kể rồi. HNV mời tôi chấm giải (sơ khảo), họ trả chi phí cho tôi là đương nhiên. Cũng như Đại học [trong hay ngoài nước] mời tôi nói chuyện, tôi đi, họ trả tiền đi lại, ăn ở, nhuận bút.

4. Không kể vụ “đóng góp” tinh thần (ví dụ: bảo tôn ngôn ngữ và văn chương Cham), ngay số tiền tôi bỏ ra cho nhân dân trừ đi số tiền tôi “nhận” từ nhân dân, con số DƯƠNG rất lớn. Bổn không tin, cứ qua nhà tôi cho xem tang chứng vật chứng.

5. Nếu các bạn có bứt xúc với Hội Nhà văn, hãy trực tiếp với Hội, chứ không phải tôi, một NHÀ VĂN TỰ DO (khai lí lịch của tôi).

Đây là lần đầu tiên tôi cho phép bạn Bổn viết trên FB của tôi, nếu bạn còn giữ lập trường, tôi xin delete.

 

 

Câu chuyện văn học Việt Nam 29. Chửi nhà văn sai 03. Nhà văn với hiện thực1

 

Việt Nam thiếu truyền thống triết học, là điều miễn bàn. Nhưng nói văn học Việt Nam hôm nay không bám hiện thực cuộc sống có liên quan mật thiết với sự thiếu khuyết ấy, thì chắc chắn sẽ bị phản đối. Vậy mà lạ, đó là sự thật.

Văn học không bám hiện thực, nhưng 1. Hiện thực là hiện thực nào? và 2. Hiện thực được nhìn nhận như thế nào?  Hiện thực được nhìn nhận như thế nào liên quan đến biểu hiện hiện thực qua hệ mĩ học khác nhau, sẽ nói sau. Trước tiên, hãy đề cập đến “hiện thực nào?

Nhà văn Việt Nam né tránh hiện thực, là thật. Né tránh gì?

– Mới nhất và dễ thấy nhất: Né tránh hiện thực xã hội nóng, đề tài nhạy cảm VÌ sợ nhà cầm quyền. Chuyện nhà văn im re trước Sự kiện Hoàng Sa–TS kì 1-2007, sau đó, khi được phép, các nhà thơ ồ ạt làm thơ yêu nước về chính sự kiện này kì 2-2011, là rõ nhất (Im, không ai trách chuyện im cả, bạn có thể đang suy nghiệm về hiện thực nào khác, hoặc thể tạng bạn không hạp với hiện thực này; nhưng tại sao sau đó…?).

– Xa hơn: Né tránh nhiều thứ, DO truyền thống húy kị. Xưa húy kị tên vua, cha mẹ vua, vân vân; nay húy kị “chỉ được quyền phê bình từ cấp Thứ trưởng trở xuống”, vân vân.

– Né tránh nhiều thứ hơn nữa, BỞI truyền thống xã hội Việt Nam về cơ bản thiết định trên tính cố kết gia đình và cộng đồng thay vì tình liên đới giữa các cá nhân độc lập. Nên với không nên cứ lởn vởn trong đầu nhà văn. Nhà văn trẻ sợ nhà văn đàn anh: thằng nhãi ranh cao ngạo không biết trên đầu có ai. Sara viết kể chuyện bán heo con thất bại te tua thì được, chớ viết về ưỡn ngực trên diễn đàn châu Á thì chớ: tự ca tụng mình thế là điều không nên. Đặt tên tiểu thuyết là Hàng Mã Kí Ức thì được, Thằng Trạm Mát thì không, vì con cháu Trạm còn đọc nó. Nhà thơ-nhà giáo không thể dụng văn bạo hơn, bởi sau lưng còn có học trò. Vân vân…

Ta tránh cho ta và ta tránh cho anh em bè bạn ta: mầy viết thế ông lớn kia dám nghĩ mầy ám chỉ ổng đấy, thôi bỏ đi. Ta tránh cho cá nhân ta, ta còn tránh giùm cho cả cộng đồng ta nữa.

Sáng tác là vậy, còn phê bình thì né tránh tối đa các sáng tác nhạy cảm, nhóm thơ ngoài lề, phi chính thống…

 

Câu chuyện văn học Việt Nam 29. Chửi nhà văn sai 03. Phụ lục1: Ta tránh cho ta và ta tránh giùm cho anh em bè bạn ta

 

Năm 2011, tiểu luận về sáng tác về Trường Sa – Hoàng Sa của tôi vừa đăng lên BBC: “Hai cảm thức thơ Việt về hai kì Sự kiện HS-TS”, sáng mở mắt, tôi nhận ngay cú phone của ông bạn vong niên từ Hà Nội:

– Có vai vế ở Hội Nhà văn mà chú em đi viết về loại thơ đó thì chẳng hay tí nào.

– Một sự kiện lớn của đất nước đẻ ra một hiện tượng văn học với hàng loạt sáng tác ra đời, vậy mà tôi chưa thấy nhà phê bình nào động bút cả! Lẽ nào…

Không đợi tôi phân trần hết, ông bạn phán ngay:

– Chẳng có lợi tí ti nào cho chú em cả!

 

 

Câu chuyện văn học Việt Nam 29. Chửi nhà văn sai 03. Nhà văn & hiện thực2

Hiện thực là hiện thực gì? Tâm thức con người thời đại không là hiện thực sao? Và ai dám cho giấc mơ, dục tính không là hiện thực? Không thể viết câu văn trắng hiện thực, ai nói thế?

Thiếu nền tảng triết học, ta không biết cách suy tư sâu thẳm về hiện thực, không dám đi những bước khai phá để nhìn hiện thực nhiều chiều, khác chiều. Nhà văn chưa được [hay tự] trang bị kĩ năng quan sát hiện thực đa góc cạnh, hiện thực ở bề tối, nơi góc khuất, để có thể phân tích và mổ xẻ chúng tới nơi tới chốn. Không đẩy vấn đề tới cùng, từ đó ta thành nửa vời. Dẫu không có ý né tránh, bởi mơ hồ và đại khái, ta cũng thành né tránh(*).

“Suốt đời tôi không làm gì hơn là đẩy cho đến cùng, cái mà quý vị chỉ dám làm có một nửa…” – Dostoievski. Tuyên, và ông đã đẩy vấn đề tới cùng, phân tích tới cùng tâm lí chiều sâu của nhân vật đủ dạng, qua đó cho ra đời hàng loạt kiệt tác.

Hiện thực xã hội, Balzac đẩy ý tưởng đến cùng để dựng nên Tấn trò đời khổng lồ. Còn ở ta, muôn năm nửa vời.

Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, nửa vời – ta thành “hiện thực phải đạo”.

Viết về sex, nửa vời ta thành nhếch nhác, đứng không tới đầu gối vài tác giả tầm trung ở ngoài kia, chứ đừng đòi sâu thẳm và cao vời như Henri Miller.

Vân vân… Chưa được trang bị tri thức triết học, ta không học cách truy vấn tận cùng sự thể. Ta nhìn hiện thực theo cảm tính, quán tính. Tất cả đều diễn ra trên lối mòn quen thuộc.

Nhưng nhiệm vụ của văn chương có phải để “phản ánh” hiện thực? Thử nghe ý kiến của Javier Marías: “Những người được gọi là tiểu thuyết gia hiện thực, khi họ viết, kẹt cứng trong thế giới thực, đã nhầm lẫn vai trò của mình với nhà sử học, nhà báo hay nhà làm phim tài liệu. Tiểu thuyết gia chân chính không phản ảnh hiện thực, mà là phi hiện thực…” (Ánh Hiền dịch).

Còn phi hiện thực thế nào, thì nhà văn tự biết.

 

PHỤ LỤC2: Triết học & văn chương

Dĩ nhiên biết triết học không phải để làm triết học, mà làm văn chương. Ta vẫn chưa.

“Việt Nam không có truyền thống triết học. Ta còn chưa sẵn sàng cho truyền thống đó. Triết học ta đang dạy trong nhà trường là thứ triết học ‘Theo-ism’” (Inrasara, “Giải Nobel cho văn chương Việt Nam, tại sao chưa?”, Vietnamnet.net, 10-10-2008).

Kẻ viết Stt này chỉ đọc triết nghiệp dư, rất nghiệp dư nữa là khác. Trước mở cửa không có sách mà đọc, còn sau đó có nhiều sách thì không còn thì giờ để đọc. Dẫu sao biết mình nghiệp dư cũng đỡ phần nào, trong đất nước chưa sẵn sàng cho truyền thống suy tư độc lập. Người Nhật thì khác. Tôi nhớ mang máng đại ý, ngay cuối thế kỉ XIX, chính phủ Nhật đã chủ động gửi cả ngàn sinh viên qua Đức học triết. 1.000 du học sinh để có được 100 tiến sĩ triết học là không khó, từ 100 này sinh ra 10 triết gia càng không dễ. Rồi trong 10 này may lắm mới nảy nòi ra 2 đại triết gia ảnh hưởng nhân loại. Ta không có 100, thậm chí không có 10 thì làm sao có con số 2 kia?

 

One thought on “Câu chuyện văn học Việt Nam 29. Chửi nhà văn sai

  1. Không thể sáng tạo theo “đơn đặt hàng”.Con chim không thể hót “sáng tạo” trong chiếc lồng , dù chiếc lồng đó rất giá trị , rất đắt là đằng khác. “Con chim nhà văn” chỉ có thể hót tong bầu trời xanh, cao rộng, nhưng cũng không thể hót véo von ngoài bầu khí quyển. Họ hót theo “hiện thực” gì?.Hiện thực là chiếc bánh khống lồ, ngủ vị, trăm màu, nhị hương…không của riêng ai, cũng không phải ai cũng nói về nó như nhau.Tiểu thuyết viết về “nó” như phim tài liệu, như tranh ký họa …thì còn gì là tiểu thuyết? Thơ mà chụp ảnh từng ngôn từ nguyên mùi thơm thối, rõ hết hình hài vốn có của hiện thực thì giỏi lăm cũng chỉ đạt mức dưới “thơ thối” của Tú Mỡ mà thôi! Đúng là “Việt Nam thiếu truyền thống triết học”.Người sáng tạo văn chương mà không có vốn triết học và mỹ học thì viết lách nhạt phèo! Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều không đeo mác nhà thơ.Trong 2.000 trang Tiếng nói Nhà văn không phải ai cũng đeo “mác Nhà văn”. Chào người sáng tạo thơ văn từ lúc 13 tuổi!.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *