(tặng Ha Hong Le)
* Mơ về thế giới bên kia – Photo Inrajaya.
Chính ngài giáo sư Trần Hùng nhận định Cham mang tinh thần ẩn cư, gần như khuynh hướng tự hủy. Tự hủy khả năng mình, sự nghiệp và chính con người mình. Đào ngũ không chỉ Văn Khâm, Dhan Than; đào ngũ còn là những kẻ chúi nhủi vào “nghiên cứu”. Ngài giáo sư đã nói qua một lần rồi, người Việt ẩn cư là để chờ thời, hoặc ẩn cư sau khi cống hiến sức lực tài trí cho cộng đồng để nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo, còn Cham thì ẩn cư từ tổ kén, khi mở mắt nhìn mặt trời đến lúc xã hội nuôi cho to cẳng cồ vai lại chực chạy trốn xã hội. Không phải chín tháng mười ngày mà phải mất 60 năm mới làm nên một con người, Malraux nói, để cuối cùng tốt hơn cả là ông hãy chết quách đi. Bao nhiêu mồ hôi phấn đấu, nước mắt khổ ải, bao nhiêu té ngã và gượng dậy để rồi biến khỏi mặt đất, không để lại dấu vết.
Trích NHỮNG SUY TƯỞNG RỜI của Trà Chân
“Không công danh thà nát với cỏ cây”.
Cham thà nát với cỏ cây chứ không cầu công danh. Lối nói khủng long này dễ gây phản bác từ nhiều phía, bởi hôm nay không hiếm kẻ vô tài bất tướng tranh giành địa vị như mảnh xương thừa được vứt ra. Xung quanh và hàng ngày. Nhưng chúng ta đang nói về Cham xịn, kẻ mang tinh thần Cham, Cham tính – hình tượng hơn: Cham bị dính nước miếng rồng. Đó là điều đáng phiền bởi ở bề trái hiện tượng, đó là thứ tinh thần hưởng thụ, muốn ăn mà không chịu bóc vỏ khoai nói chi vác mai đi đào. Sợ trách nhiệm, hãi đối mặt với xã hội. Hành động của Lã Khải, ngay Chế Bồng Nga bị hỏa công nhà Trần dồn bắn chìm thuyền, vội vã kéo binh về chiếm gọn ngôi báu không khác mấy đám sinh viên hôm nay được nuôi ăn học bằng đồng cắc cóp nhặt từ bàn tay cằn cỗi của mẹ già đã ở lại thành phố để khi công thành danh toại trở về không làm gì cả chỉ lấy le, nghênh cái bản mặt rất đáng được lãnh vài quả đấm với chính bà con anh em khốn khó của mình. Cả Văn Khâm cũng vậy, dù anh bị lương tâm đè nặng hơn, chịu sức ép bật máu hơn.”
(trích Chân Dung Cát, 2006)