Câu chuyện văn học Việt Nam 18. Nhà Thơ1 phỏng vấn Nhà Thơ2 về Tân hình thức, đọc cười lăn

Chuyện lâu rồi, nên tạm đặt cho cái tên Nhà Thơ1 – Nhà Thơ2, cho tiện. Dẫu sao xem vở diễn này rất ư là… vui. Xin đăng lại để độc giả thưởng thức đoạn cao trào:

– “Nhà Thơ1: Phong trào Tân hình thức rộ nở ở các lãnh vực thi ca, hội hoạ, âm nhạc…, mà người ta nói rằng, đó là sự xâm thực tự nhiên. Với cái mới nầy, anh có chính kiến ra sao?

– Nhà Thơ2:… Thời gian gần đây tôi có đọc một số ‘thông điệp’ của một nhà thơ dân tộc, hô hào cổ suý cho phong trào tân hình thức, hậu hiện đại. Trên web người ta tranh tụng chuyện nầy ì xèo, bà xã tôi cười cười “ôi.. anh ta có nói vấn đề đó thì cũng là ngoại ngữ, mà người nói bằng ngoại ngữ thì dễ tha thứ được, chứ gì nữa… tiếng việt đối với anh ta là ngoại ngữ rồi” đúng là tôi mút ý kiến..”

Có mấy vỗ tay dành cho tiết mục văn nghệ này như sau:

Màn1. Cái vỗ đầu tiên dành phần cho “người hỏi”: “Tân hình thức rộ nở ở các lãnh vực thi ca, hội hoạ, âm nhạc…”.

– Cứ xuống ngồi quán cà phê cóc nào dọc đường phố Sài Gòn mà hỏi bất kì ai am hiểu chút đỉnh về văn chương chữ nghĩa đều thấy câu trên thừa đến năm chữ, hai dấu phẩy, và ba dấu chấm! (các…, hội hoạ, âm nhạc…). Tôi nói thừa là nhẹ, chứ thật thì nó sai TO. Người hỏi không nắm vấn đề, đã đành; ngay người được hỏi không hiểu mà cũng cố “nổ”, mới cực kì… vui tính.

 

Màn2. “một số ‘thông điệp’ của một nhà thơ dân tộc, hô hào cổ suý cho phong trào tân hình thức”.

– Thơ tân hình thức Việt do nhà thơ Khế Iêm khai mào ở tận Mỹ, “thông điệp” Tân hình thức, tứ khúc và những tiểu luận khác, NXB Văn mới, USA, 2003 phát hành [“hô hào”] khắp thế giới, sau đó nó được tạp chí Thơ và Website Tanhinhthuc.org “cổ súy” từ đầu thiên niên kỉ thứ ba. Ở Việt Nam tuyệt chưa người nào có nửa phát biểu mang tính ‘thông điệp’ nào về tân hình thức… Ô là là, gắn huân chương công trạng như thế thì “oai” cho nhau quá!

 

Màn3: Nhưng độc giả có thể cật vấn “người trả lời”: Hà cớ có cụm từ “nhà thơ dân tộc” trong này?

– Nếu cưu mang lối nghĩ hẹp hòi của một racialist ở đây, thì tinh thần hậu hiện đại [và Phật Đại thừa] quyết giải tán tâm phân biệt tệ hại và tai hại đó. Mười năm nhập cuộc văn chương Sài Gòn, hơn mươi kì ngồi ghế chủ trì Hội thảo thơ hay Bàn tròn văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam, non trăm cuộc nói chuyện về thơ ca Việt Nam đương đại khắp các tỉnh thành, các Đại học… đây là lần đầu tiên tôi hân hạnh đón nhận danh hiệu cao quý này.

Đa tạ, dạ thưa em báo cáo anh Hai!

 

Màn4. Cũng chưa là vấn đề đại to cồ.

Độc giả có thể hỏi vặn tiếp: Nỗi gì ông lại kéo “bà xã” vào cõi văn chương đầy bất trắc? Nhỡ tại chốn ta bà chơi vơi đó xảy ra lời lẽ không phải văng miểng trúng người phụ nữ liễu yếu thì ai chịu trách nhiệm đây? (Ví dụ, người ta có thể vặn: thưa bà chị quý mến, bà chị nọ biết gì về văn chương thơ phú thì nên tìm cột mà dựa hay vào bếp lo cơm nước chồng con, chớ dại xớ rớ khéo ăn đòn). Vụ này thì rất cần đóng thùng trịnh trọng cà-ra-vát mà nhắc nhở “người trả lời” rằng: Đây đích thị thái độ vô trách nhiệm cực kì nhảm nhí mà không một đấng nam nhi nào làm thế với bà vợ ba đảm đang của mình, nếu sự thật có chuyện đó xảy ra tại tư gia như vậy!

 

Màn5. Rồi độc giả lại tra khảo thêm “người trả lời”: Sao lại “ngoại ngữ” với ‘tha thứ”? Sao phải dùng đại từ phiếm chỉ vu vơ mây gió: “một nhà thơ dân tộc”, mà không đích danh Inrasara? Trả lời phỏng vấn, sao phải vận dụng chước thứ ba mươi bảy thọc chỗ này đâm chỗ nọ, là lối phê bình mà Nguyễn Hoàng Văn từng mệnh danh là “phê bình du kích”. Hà cớ?

Trong trò chơi chữ nghĩa, người ta biết mười chưa chắc đã dám nói một, trong lúc “người trả lời” mới nắm đuôi chuột mà cứ tưởng mình chộp được đầu bò. Đây là sự liều lĩnh vô tiền [khoáng hậu] vậy. Mô phật!

 

* Ghi chú: Sau khi nhận bài Sara gửi, BBT đã chính thức xin lỗi tôi và gỡ bài phỏng vấn kia xuống. Người phỏng vấn là Nhà Thơ1 cũng phone nhận lỗi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *