Câu chuyện văn học Việt Nam 07. Khi không ở trên một chiều kích

Khi không ở trên một chiều kích, chứ không là trình độ, các nhà văn khó hiểu/ cảm thông nhau. Từ đó, không chấp nhận hay kích bác nhau.

Tại sao các thế hệ thơ Việt Nam không thể chấp nhận nhau, dù họ đều là trí thức hàng đầu ở thời đại họ? Nhà thơ hàng đầu nữa. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đòi nọc Lưu Trọng Lư ra đánh roi; Xuân Diệu thì phê thơ Nguyễn Đình Thi lủng cà lủng củng. Cũng chớ quên vụ nhà thơ Trần Mạnh Hảo kêu đích danh thơ Nguyễn Quang Thiều là loại “thơ giả cầy, thơ dịch” mà dịch rất tồi. Tôi còn biết khá nhiều nhà thơ tài năng cho cái Đinh Linh, Bùi Chát viết ra không phải là thơ!

Qua “tương thoại” vừa rồi với một bạn văn, tôi càng thấm điều đó. Không phải ở trình độ cao hay thấp, ở đọc nhiều hay ít… mà là ở chiều kích. Rõ hơn, là ở hệ mĩ học, hay bình dân hơn – ở quan điểm khác nhau về văn chương.

Trước hiện thực nóng nhất của đất nước mươi năm qua là sự kiện HS-TS chẳng hạn, có rất nhiều phương pháp tiếp cận và cách thể hiện khác nhau, tùy quan điểm sáng tạo. Tùy quan điểm, người viết có thể vận dụng phương pháp hiện thực, hiện thực huyền ảo, siêu thực, hậu hiện đại… Và người đọc, tùy gu thẩm mĩ mà chọn tác phẩm hợp với gu của mình. Bởi thời hiện đại, tồn tại nhiều phương pháp sáng tác khác nhau, và xã hội phân hóa thành nhiều bộ phận độc giả khác nhau. Chính điều này làm cho nền văn học phong phú và đa dạng.

Chỉ thành vấn đề, khi không ít nhà văn cứ muốn người khác theo quan điểm của mình. Tại sao không dùng phương pháp hiện thực để thể hiện một hiện thực, qua đó tác động vào xã hội? Hỏi vậy, sẽ có người vặn lại: tại sao phải là phương pháp hiện thực, mà không là cái khác, dù cái khác kia chưa quen thuộc với quần chúng? Tại sao bạn cứ đòi tôi phải sáng tác theo phương pháp cũ đó, mà không là cái mới hơn, theo tôi – có thể hiện đại hơn, trực diện và mạnh mẽ hơn?

Hiện thực Guernica, Picasso đã “quyết không miêu tả nỗi khiếp sợ, kinh hoàng của Guernica một cách hiện thực hay lãng mạn” cũ, mà ông sử dụng cách biểu hiện khác, mới: Siêu thực với Lập thể, là phương pháp nằm ngoài tầm mong đợi horizons of expectation – hay nói cách khác, chưa quen mắt quần chúng thưởng thức hội họa đương thời. Nhưng ai dám bảo bức tranh kia không hiện thực hơn nhiều tác phẩm [sáng tác theo phương pháp] hiện thực khác?

Chính do ý muốn chủ quan đó mà, những kẻ không chút quan hệ đối kháng quyền lợi, những người thân cận và gần gũi, thậm chí rất yêu thương nhau ít khi chấp nhận nhau. Bởi ai cũng nghĩ cách của mình là ngon nhất. Cho nên mới có… “Phê bình Lập biên bản” – là lối phê bình đi vào trong hệ mĩ học sáng tác của tác phẩm đó để đánh giá cái hay cái dở của nó, chứ không từ hệ mĩ học nào khác.

Học biết chấp nhận [những] cái khác Others là khởi động cho tinh thần dân chủ.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *