Văn học Việt Nam cần một sự bứt phá từ tư tưởng

hay
DỰ CẢM VĂN HỌC VIỆT NAM 2008
Khánh Đoàn thực hiện.
*
(Toquoc) – Trong những ngày đất nước đang nhộn nhịp chào đón sự kiện văn hoá lớn Kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, khi chuông đồng hồ đếm ngược vang lên cũng là thời khắc những người yêu văn thơ Việt trầm mình lại, để suy nghĩ về 1 nền văn học, để cùng đặt ra các câu hỏi, cùng đi tìm lời giải đáp, giãi bày nghĩ suy trăn trở của mình.
Văn học Việt Nam hiện nay đang ở đâu, đang có gì, cần làm gì để hội nhập với văn học thế giới, để có một tương lai sáng lạn hơn… vẫn là những câu hỏi thường trực cho sứ mệnh sáng tác của các nhà văn. Để tìm đến một cái đích tốt đẹp, chúng ta cần có những dự cảm, có thể là tích cực, có thể là tiêu cực, nhưng vẫn không nằm ngoài quy luật của sự phát triển. Những ý kiến trả lời thẳng thắn của nhà thơ Inrasara – Phú Trạm khi được phóng viên báo điện tử Tổ Quốc hỏi về dự cảm văn học Việt Nam năm 2008 phần nào sẽ có ý nghĩa giúp chúng ta nhận thức sâu hơn về văn chương hiện thời.
*

Phóng viên: Văn học Việt Nam 2007 khép lại rất nhẹ nhàng với một số ít các giải thưởng văn học và không nhiều sự kiện văn học lớn. Ông có dự cảm thế nào về Văn học Việt Nam năm 2008 này?
Inrasara: Dự cảm về văn học của cả năm ư? To tát lắm không? Bởi sáng tạo văn chương là hoạt động riêng tư và đầy tính bất ngờ. Nhất là với đa số các nhà văn Việt Nam, hầu như hoạt động còn thiếu tính chuyên nghiệp – nghĩa là ít khi hoạch định trước dự án. Và bám sát dự án đó.
Nhưng dẫu đã có sản phẩm chăng nữa, việc đưa được chúng ra thị trường còn tùy thuộc vào vài khía cạnh khác nữa: tiền in, cơ cấu xét duyệt,…

Pv: Theo ông, khuynh hướng sáng tác văn chương Việt năm nay sẽ như thế nào? Có gì mới so với năm 2007 và thời gian trước đây?
Inrasara: Sẽ không có gì mới cả, mặc dù bao nỗ lực của kẻ sáng tác, như nó đã thể hiện ở năm 2007. Vẫn các hội nghị với hội thảo cả chính lưu lẫn ngoại vi, vẫn các buổi ra mắt sách như đáp lễ nhau, các tập thơ và tập truyện ngắn vẫn sẽ đều đặn ra lò,… Cách đây hai năm, tôi đã gồng mình (chứ không dự cảm) tuyên: sẽ không có cuộc cách mạng thơ [hay văn chương nói chung] trong tương lai gần. Cách mạng văn chương đòi hỏi bốn yếu tố:
– Là những kẻ sáng tác cùng thời, cùng quan điểm sáng tạo có khả năng dựng nên một trường thơ (như Trường Thơ Loạn đất Bình Định thời Tiền chiến); – Lập ngôn cho hệ mĩ học sáng tạo của nhóm, của phong trào mình; – Nhóm thơ ấy có được diễn đàn độc lập; – Cần thế hệ lớp độc giả đủ tri thức để sẵn sàng đón nhận tác phẩm của họ.
Xét cả bốn yếu tố, văn học Việt Nam hôm nay đang thiếu, thiếu lớn! Hai yếu tố đầu thuộc người viết, trong đó việc lập ngôn cho hệ mĩ học sáng tạo của mình là điều trọng yếu. Ở đó vẫn còn đầy cảm tính. Riêng hai yếu tố sau tùy thuộc hoàn toàn vào cơ cấu. Hỏi ba mươi năm qua, các trào lưu văn chương lớn trên thế giới có được giới thiệu đến nơi đến chốn trong các trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn không? Cả Trường viết văn Nguyễn Du nữa! Thì làm sao độc giả tương lai có thể tiếp nhận sáng tác mang tính cách tân lớn?

Pv: Với ông, mảng văn chương nào sẽ gặt hái được nhiều thành tựu nhất: văn xuôi, thơ, lý luận phê bình, văn học dịch?
Inrasara: Dự cảm về vấn đề nào đó luôn yêu cầu đặt trên một điểm tựa, dẫu yếu ớt nhất. Tôi đã thử dò hỏi vài khuôn mặt mà tôi “kì vọng” họ sẽ làm được gì đó cho văn chương trong tương lai gần. Qua bản thảo họ có trong tay, lẫn sức đi của họ. Văn xuôi có Nguyễn Vĩnh Nguyên, Lê Hoài Lương, Nguyễn Hiệp, Lynh Bacardi,…; thơ có vài khuôn mặt lạ và quen, tôi đã hân hạnh đọc các bản thảo này và có ấn tượng nhất định: Lê Vĩnh Tài, Phan Trung Thành, Đặng Hải Yến, Lam Hạnh, Tuyết Nga, Tạ Thành Vinh, Hữu Việt, Trần Tuấn,….
Về phê bình: Văn Giá chuẩn bị in tập lí luận-phê bình mới, cả Nguyễn Hòa nữa cũng dự định cho ra lò các Cây búa tiếp theo. Inrasara sắp xuất bản tập tiểu luận thứ hai: Song thoại với cái mới, phân tích văn học đương đại trên nền tảng tư tưởng xoay quanh nhiều khía cạnh của vấn đề văn chương trung tâm/ngoại vi. Người đọc muốn các người làm phê bình thật sự dấn mình vào dòng chảy văn chương đương đại, và mạnh dạn đánh giá nó. Cả báo chí cũng cần dành trang xứng đáng cho phê bình. Bởi, một khi phê bình chưa có tiếng nói trọng lượng, thì làm gì nó có thể song hành hay tạo ảnh hưởng lên sáng tác.
Cạnh đó, văn học dịch – với đà đi như năm 2007 – sẽ có thành tựu đáng kể. Nữa, tại sao lại bỏ quên văn học mạng nhỉ? Theo tôi đấy sẽ là loại hình văn chương có thể làm nên đột phá.

Pv: Ông nhìn nhận thế nào với những “điểm sáng” trong các sáng tác văn học địa phương?
Inrasara: Văn học địa phương có nhiều điểm sáng. Đã có vài thành tựu rất đáng trân trọng, nhiều tên tuổi mới cấp tập xuất hiện, như thể một bố ráp tấn công vào trung tâm. Chính văn học địa phương – qua tiếp sức mang tính quyết định của Internet – sẽ cống hiến cho văn học Việt Nam nhiều cái riêng mà ở các trung tân lớn đang thiếu.

Pv: Nếu nhìn vào những kết quả đã đạt được của văn học địa phương năm 2007, theo ông liệu văn học địa phương có thực sự khởi sắc?
Inrasara: Đúng! Hãy nhìn vào lực lượng: Lê Vĩnh Tài, Niê Thanh Mai, Đinh Thị Như Thúy ở Tây Nguyên, Nguyễn Hiệp – Bình Thuận, Lam Hạnh – Khánh Hòa, Lê Hoài Lương – Qui Nhơn, Trần Tuấn – Đà Nẵng, Trà Vigia, Lê Hưng Tiến, Jalau Anưk – Ninh Thuận,… và cả Vũ Thành Sơn, nhóm Mở Miệng cùng Nhà xuất bản Giấy Vụn (nhóm văn chương vỉa hè Sài Gòn) nữa, với thành quả đạt được năm ngoái và bản thảo của năm nay, cũng đủ gây cho ta sự lạc quan.

Pv: Văn học các dân tộc thiểu số luôn được lãnh đạo Hội Nhà văn cũng như độc giả văn Việt dành cho những tình cảm thân thiện, nó giữ một vị trí quan trọng trong đời sống VHNT Việt Nam. Năm nay, ông dự đoán hoạt động của văn học dân tộc thiểu số thế nào?
Inrasara: Chưa có gì mới. Tôi theo dõi khá sát các tác giả dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc: hoàn toàn chưa có gì mới. Có lẽ đề tài đã cạn kiệt với các bạn chăng, dù các nhà văn dân tộc thiểu số khu vực này đã đi trước những bước rất dài so với vùng miền khác. Tại sao các bạn không phá cách, quyết liệt hơn? Với các cây bút ở các tỉnh phía Nam, tôi đánh giá rất cao: Trà Vigia, Jalau Anưk (Chăm), Niê Thanh Mai và H’trem Knul (Êđê). Chỉ cần đọc qua mươi bài thơ hay dăm ba truyện ngắn của họ cũng đủ biết nó thuộc dòng khác. Khác và lạ. So với văn chương dân tộc thiểu số lẫn dòng chảy của văn chương Việt Nam nói chung.

Pv: Điểm nổi bật của văn trẻ (thơ trẻ) là rất cá tính. Dường như những nhà văn, nhà thơ thế hệ trẻ muốn thể hiện cái tôi của mình trong các sáng tác của họ. Ông có ý kiến gì về sự “thích thể hiện” này? Và liệu những cá tính đó có giúp gì cho sự trường tồn của những tác phẩm? hay khẳng định vị trí của các nhà văn, nhà thơ trẻ trong nền thi ca Việt Nam đương đại?
Inrasara: Đó là chuyện thường tình của người trẻ, nhất là người viết nữ. Cái Tôi chủ quan như thể một trung tâm vũ trụ, cần khám phá và thể hiện trung thực nó – không sai! Nhưng nếu chúng ta chỉ đóng khung sáng tác của mình trong nó hay đề tài cứ quẩn quanh quỹ đạo thân thể thì, hỏng! Chúng ta sẽ mang mãi tầm nhìn không vượt qua hàng rào nhà mình. Không ít các bạn trẻ mang phức cảm kì lạ: vừa quyết liệt muốn thể hiện cá tính mình đồng thời vừa rất sợ “khác” người cùng thế hệ. Tôi đã có bài viết ngắn: “Thơ trẻ và hiện tượng lặp lại mình”. Tôi gọi đó là tâm thế chưa đủ cô đơn cho sáng tạo. Một cô đơn toàn phần, tự do toàn phần, thoát khỏi mọi kiêng dè hay sợ hãi. Kẻ sáng tạo cần thiết tạo khoảng “rỗng” cho cái mới ùa vào.

Pv: Văn trẻ là những nhà văn có cái nhìn mới mẻ về cuộc sống, con người, về xã hội… cách cảm nhận, tư tưởng của họ cũng mới. Ông có lời khuyên nào cho văn trẻ năm 2008?
Inrasara: Khuyên ư? Có khờ mới đi khuyên thế hệ nhà văn trẻ sống và sáng tác! Trong khi – không phải giả vờ khiêm tốn đâu – bản thân tôi đã học ở họ rất nhiều. Điều quan trọng là họ dám từ bỏ mấy mòn cũ của người đi trước không, dám thể hiện hết mình không, dám từ bỏ cái Tôi chủ quan đầy cá thể bé nhỏ vặt vãnh của chính mình để bước ra thế giới mênh mông ngoài kia không, dám cắt đứt vài mảnh vinh quang nhỏ bé vừa gặt hái được trên các phương tiện thông tin đại chúng mà chịu làm vô danh không, và cuối cùng: họ có dám khai phá lối đi mới, riêng mà không hãi bất kì trở ngại nào không, không sợ bị thất bại không?

Pv: Với những nhà văn, nhà thơ gạo cội ông có nhận định gì về hướng sáng tác của họ năm nay? Sự kiện nhà văn Việt Nam được trao những giải thưởng văn học khu vực và giải thưởng văn học ở ngoài nước (giải thưởng văn học ASEAN, giải thưởng Viện Hàn lâm Văn học Pháp…) là những dấu hiệu ban đầu khá tốt đẹp. Vậy theo ông, đây có là những “tín hiệu” tốt của thị trường văn học thế giới với văn học Việt Nam?
Inrasara: Xin tạm cho vào ngoặc nhà văn thuộc thế hệ Tiền đổi mới (bởi tôi thật sự ít theo dõi họ), các nhà văn thế hệ tôi vẫn nỗ lực bền bỉ mà không ồn ào, như họ đã từng như thế từ Đổi mới: Nguyễn Bình Phương, Trần Anh Thái, Trần Tiến Dũng, Mai Văn Phấn, Nguyễn Viện, Trần Ngọc Tuấn,… Có lẽ đây là thế hệ văn chương bị “bỏ rơi” khá kì lạ: báo chí bao cấp hết ưu ái họ, bên cạnh họ cũng chưa sành sõi tiếp thị tác phẩm mình như thế hệ @! Điều đáng nói hơn cả: họ vẫn không bỏ cuộc.
Về giải thưởng các loại, tôi không chú ý lắm. Nhưng có nhiều giải với nhiều tổ chức trao giải thưởng văn chương càng tốt. Nhìn cả nền văn học qua nhiều hệ thẩm mĩ khác nhau là điều lành mạnh, miễn sao ban giám khảo làm việc nghiêm túc và công tâm.

Pv: Có thể nói, thị trường văn học Việt Nam rất mở để đón nhận những tác phẩm văn học nước ngoài, sự chênh lệch giữa số và lượng là điều dễ thấy với các nhà quản lý. Để thắt chặt hơn quản lý, nâng cao chất lượng các tác phẩm văn học dịch, theo ông, cần phải bắt đầu từ những việc nào?
Inrasara: Chẳng việc gì phải “quản lí” cả. Về chất lượng dịch, nếu mang một sản phẩm tồi ra thị trường chữ nghĩa, nó sẽ bị dư luận kêu và nhà xuất bản không đặt hàng nữa; dịch giả ế là cái chắc. Riêng việc chọn tác phẩm văn học để dịch, cũng không là vấn đề nữa. Vấn đề là tác phẩm dịch đó dành cho thành phần độc giả nào? Một độc giả của Kundera không nên than vãn về chuyện dịch phẩm của Quỳnh Dao tràn ngập hiệu sách. Nhu cầu của thành phần người đọc nào cũng cần được đáp ứng. Tại sao phải quản lí cơ chứ?

Pv: Nhân dịp đầu năm mới, xin ông chia sẻ với độc giả những dự định năm nay của ông? Nếu cần một lời chúc cho độc giả yêu mến văn học nhân dịp đầu năm Mậu Tí, ông sẽ nói điều gì?
Inrasara: Tôi có bốn đầu sách đang nằm ở nhà xuất bản: Văn học Chăm – khái luận, Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại (sách tái bản), Song thoại với cái mới (tiểu luận-phê bình), chủ biên Tuyển tập Tagalau 9. Nếu thừa giờ, sẽ ra các tập kế tiếp của bộ sách trong Tủ sách Văn học Chăm (10 tập, đã in ba tập). Ngoài ra một tập thơ mới cũng nằm trong dự định ra mắt: Ở bên ấy [thơ thời cuộc].
Lời chúc độc giả năm Mậu Tí: Mở ra với các nền văn học thế giới, nhưng văn học Việt Nam không phải không đáng đọc; mong rằng độc giả sẽ bắt gặp các tác phẩm xứng đáng. Và cuối cùng, tôi hi vọng dự cảm của tôi trúng được 30%!

Sài Gòn, 15.01.2008.

in đầy đủ ở báo điện tử Tổ quốc, 30.01.2008:
http://www.toquoc.gov.vn/chuyenmuc/sotet2008/Site/TheThao.html#

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *