* Kiều Maily ở Ngày thơ Việt Nam XII – TPHCM.
NTV, 17g, 14-2-2014
Chị đã đến với thơ như thế nào?
– Thuở còn sinh viên tôi rất thích đọc thơ và truyện ngắn. Những vần thơ mà tôi hay bắt gặp của các tác giả cứ ngấm dần vào tôi, nhất là những bài thơ viết về quê hương, về tình yêu, về gia đình. Rồi mình cũng tập tò ráp vần. Làm theo cảm tính, chơi vậy thôi, chứ không ý định mang đi in hay đăng báo.
Tôi nghĩ làm thơ sao đơn giản thế, nhưng khi đọc lại những bài thơ kia, thấy nó sến sao ấy. Cảm giác đó buộc tôi suy nghĩ lại, là thơ không đơn giản chút nào cả. Sau khi tốt nghiệp, tôi cố gắng viết cho chín chắn hơn đôi chút. Qua một năm, tôi gom tất cả lại, và nghĩ sao mình không in thành tập nhỉ. Và tôi quyết định cho ra tập thơ đầu tay của mình.
Đối với một người trẻ như chị, xuất bản tập thơ đầu tay của riêng mình phải nói là một quyết định khá khó khăn. Động lực nào giúp chị cho ra đời tập thơ “Giữa hai khoảng trống”?
– Đầu tiên phải nhận là nhờ sự gợi hứng qua đặc san Tagalau. Đây là đặc san riêng của người Chăm, ở đó tập hợp nhiều tác giả người Chăm có tiếng viết. Trong số đó cũng có không ít cây bút trẻ. Tôi nghĩ mình cũng nên đóng góp vào đặc san này tiếng nói khiêm tốn của mình. Thứ hai nữa là mình muốn in thành tập để làm kỉ niệm một thời mơ mộng, qua đó tìm người đồng điệu để cùng sẻ chia. Dĩ nhiên tôi cũng muốn thử xem dư luận đánh giá như thế nào về những vần thơ còn ở giai đoạn chập chững kia của mình
Thật may mắn, là nó không đến nỗi nào. Giữa hai khoảng trống đã được độc giả và giới chuyên môn đón nhận.
Với tập thơ đầu tay của một tác giả trẻ lần đầu tiên xuất hiện trên văn đàn mà đã lọt vào top 15 tác phẩm xuất sắc trong số 1000 tập thơ in trong năm do Hội nhà văn bình chọn, và đạt giải cao nhất của Giải thưởng Hội VHNT các Dân tộc Thiểu số VN năm 2013. Chị chia sẻ gì về điều này?
– Tập thơ đầu tay mà gây sự chú ý của dư luận thì tôi cũng hơi ngạc nhiên. Nói thật là tôi không hề biết gì về kinh nghiệm xuất bản hay phát hành. Giữa hai khoảng trống được Quỹ Hỗ trợ Văn chương & Cuộc sống tài trợ chính, cùng sự phụ trợ của hai nghệ sĩ Chăm nổi tiếng. Đây là điều hiếm, nghe nhà thơ Inrasara nói thế. Bởi Quỹ này ít khi tài trợ toàn phần cho tác giả mới. Điều làm tôi vui hơn nữa là sau khi đọc bản thảo, ca sĩ kiêm nhạc sĩ Chế Linh đã hứa cho tập thơ ra đời.
Rồi qua hai kì ra mắt sách, thơ cũng đã bán khá được. Sau đó khoảng mươi bài báo giới thiệu và bình luận. May mắn hơn là tập thơ đoạt Giải thưởng Hội VHNT các Dân tộc Thiểu số VN năm 2013. Có giải thưởng thì vui, dù khi ta bắt đầu viết, không ai nghĩ tác phẩm mình sẽ nhận được phần thưởng nào đó. Mình cứ nỗ lực đi, phần thưởng sẽ đến sau. Theo tôi, phần thưởng lớn nhất chính là sự đón nhận của người đọc.
Ngoài những giải thưởng được vinh danh, thơ ca mang đến cho chị những gì?
– Thơ ca mang đến cho tôi cả nỗi đau và lẫn niềm vui. Nói nỗi đau vì qua thơ ca, mình suy nghĩ nhiều hơn về mình, về người xung quanh mình, và về những con người không được số phận ưu ái. Nỗi đau ấy ta nói ra được bằng tiếng thơ, rồi tiếng thơ kia tìm thấy người đồng cảm, ta cũng được an ủi phần nào. Niềm vui là vậy.
Kiều Maily của “Giữa hai khoảng trống” và Kiều Maily của đời thường có gì giống và khác nhau?
– Ở tập thơ Giữa hai khoảng trống, hai phần đầu có tên là: “Phố và Quê”, “Anh và Em”. Tôi sinh ra và lớn lên trong làng quê Chăm ở tỉnh Ninh Thuận là miền đất nắng, còn học và đang làm việc thì ở phố. Sự khác biệt giữa hai môi trường tự nhiên [phố và quê] và văn hóa [Chăm và Việt] là rất lớn. Điều đó tạo ra “khoảng trống”, nó làm nảy ra câu hỏi: làm sao có thể hội nhập mà vẫn giữ được cái riêng. Chuyện tình đôi lứa cũng vậy, làm sao hai nửa hoàn toàn xa lạ có thể hiểu và cảm thông nhau? Câu hỏi gây nên sự lo âu, xao xuyến.
Đó là kinh nghiệm cá nhân. Kinh nghiệm đó tôi thể hiện qua thơ. Cho nên có thể nói Maily đời thường và Maily Giữa hai khoảng trống là một, dù chúng đã được khuếch tán qua lăng kính thơ ca.
Là một nhà thơ trẻ đã bước đầu khẳng định được tên tuổi của mình, chị nhắn nhủ gì với một số bạn trẻ đang rất quan tâm đến thơ ca nhưng còn ngại ngần chưa dám thể hiện?
– Lối sống tốc độ của thời hiện đại dễ làm cho thế hệ trẻ cảm thấy cô đơn, lạc lõng và hoang mang. Giữa hai khoảng trống nêu lên tâm trạng chung đó. Bởi tôi cho rằng không chỉ riêng tôi mang tâm trạng kia, mà là của rất nhiều người. Nhưng dẫu sao khi chúng ta có tình yêu sâu nặng với quê hương, biết quan tâm đến những người sống xung quanh thì chúng ta có thể lấp những khoảng trống cô đơn đó. Có lẽ một tác phẩm nghệ thuật là biết tạo ra cho con người niềm tin vào cuộc sống, vào tình người. Bởi nói như nhà thơ Phùng Quán:
“Có những phút ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”
Do đó, tôi rất muốn bắt chước một nhà văn Mỹ, để nói: Tại sao bạn không thử viết đi?