Báo Tuổi trẻ, ngày 16-1-2014 đưa tin
… Làm điện nguyên tử phải an toàn cao nhất, hiệu quả cao nhất, không đạt không làm” – Thủ tướng nói…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “PVN phải đảm bảo khí để làm cụm nhà máy điện 5.000MW thay thế cho 4.000MW điện nguyên tử, bởi nhà máy điện nguyên tử có thể sẽ phải hoãn đến năm 2020 mới khởi công (theo kế hoạch là năm 2014).
Làm điện nguyên tử phải an toàn cao nhất, hiệu quả cao nhất, không đạt không làm” – Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, PVN làm kinh tế không chỉ là kinh tế mà là chính trị, chủ quyền quốc gia. Ông đánh giá cao đóng góp của PVN và nêu năm qua đã phải gọi điện trực tiếp cho lãnh đạo PVN, yêu cầu phải tăng khai thác dầu thô, nên VN mới có con số tăng GDP 5,42%.
Thủ tướng yêu cầu PVN tái cơ cấu theo đúng chủ trương của Chính phủ, cần hạn chế yếu kém để là tập đoàn hàng đầu VN. PVN phải tính lại xem chức năng nào quản lý nhà nước chuyển Bộ Công thương, làm rõ cái nào công ích, cái nào kinh doanh.
Đặc biệt, Thủ tướng đưa chủ trương, thúc giục mạnh về cổ phần hóa: đồng ý cổ phần hóa, nâng công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 10 triệu tấn/năm; cho cổ phần hóa thêm Tổng công ty Khí khi lãnh đạo tổng công ty này đề nghị bán đi 20% để lấy 1 tỉ USD mua thêm quyền khai thác khí. Thủ tướng nói: “Tổng công ty đóng tàu Dung Quất, Tổng công ty Điện lực dầu khí, Tổng công ty Dầu… cũng cổ phần đi”.
Về tìm kiếm thăm dò dầu khí, “phải quyết tâm, phối hợp các lực lượng làm nghiêm túc. Làm trong thềm lục địa, đặc quyền kinh tế cũng đồng thời là khẳng định chủ quyền”. Thủ tướng lưu ý việc mở rộng thăm dò khai thác ở nước ngoài của PVN cần làm chặt chẽ, tránh rủi ro vì VN còn nghèo.
Trong báo cáo của mình, PVN khẳng định năm 2013 đã khai thác vượt kế hoạch trên 710.000 tấn dầu thô, tăng nộp ngân sách trên 2,2 tỉ USD. Tuy nhiên, PVN công nhận hiệu quả kinh doanh của một số đơn vị thành viên thấp, đạt tỉ suất lợi nhuận sau thuế hợp nhất trên vốn chủ sở hữu dưới 8%, gồm: Tổng công ty Dầu (PVOil), Tổng công ty Bảo hiểm dầu khí (PVI), Tổng công ty Điện lực dầu khí (PVPower).
Các đơn vị lớn này chỉ đạt lợi nhuận 15-577 tỉ, trong khi có vốn chủ sở hữu từ 296 đến trên 14.000 tỉ. Đặc biệt, một số tổng công ty lỗ như Tổng công ty Xây lắp dầu khí lỗ hợp nhất tới 3.202 tỉ, Tổng công ty Năng lượng dầu khí lỗ trên 144 tỉ, Tổng công ty tàu thủy Dung Quất lỗ 202 tỉ… Công ty “cháu” cũng có 21 đơn vị lỗ.
C.V.KÌNH