Văn hóa Việt, bảo tồn và hội nhập

2012-12-KM-9

Minh Châu thực hiện, Báo Văn nghệ trẻ, số Tết 2014

Kính thưa nhà văn Inrasara, ông là người luôn quan tâm đến văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa dân tộc (Chăm) nói riêng, ông có thể cho một vài ý kiến về “Văn hóa Việt ” hiện tại và theo ý ông, nên làm gì để bảo tồn phát triển vốn “Văn hóa Việt ” đúng ý nghĩa, để giữ được bản sắc Việt mà vẫn có thể hội nhập với xu thế toàn cầu như hiện tại.

– Việt Nam là đất nước đa dân tộc, mỗi dân tộc có ngôn ngữ và nền văn hóa riêng. Đó là điều vô cùng quý hiếm, ít quốc gia nào trên giới có được. Nó làm nên sự đa dạng và khác biệt của nền văn hóa Việt Nam, đóng góp phần mình vào nền văn hóa chung của nhân loại.

Nếu trước đây, khuynh hướng chung của thế giới là hướng về phía các nền văn hóa lớn, đa phần về các nước phát triển, “văn minh” hay cụ thể hơn – Âu Mỹ, thì nay – trong tinh thần hậu hiện đại, nhân loại đang nhìn về những cái Khác the Others. Nghĩa là phía thiểu số, phi Tây phương, các nền văn hóa nhỏ, nền văn hóa lâu nay bị coi là ngoại vi… Chính những khác biệt này làm giàu sang thế giới. Thức nhận vấn đề này là điều khó khăn. Nhưng tất cả phải khởi đầu từ đó. Nhất là trong thời đại toàn cầu hóa, khi thế giới đã trở thành một làng – làng toàn cầu global village, thì mọi sự có thể trở thành một.

Về mặt kinh tế – chính trị – xã hội, toàn cầu hóa nguy cơ nhuộm nhân loại thành một màu đồng nhất. Riêng về mặt văn hóa, toàn cầu hóa làm cho nhân loại trên khắp thế giới trở nên giống nhau hay khác nhau hơn? – là câu hỏi thường được đặt ra trong các cuộc trao đổi về toàn cầu hóa văn hóa (Manfred B. Steger, 2009).

Về sự thể này, hiện nay tồn tại ba quan điểm: – Toàn cầu hóa dẫn đến sự nhất thể hóa văn hóa, văn hóa trên toàn thế giới sẽ mang chung một bộ mặt; – Ở phía đối trọng, toàn cầu hóa dẫn đến tình trạng phản ứng ngược: các nền văn hóa nhỏ, ngoại biên sẽ tự vệ bằng nhiều biện pháp để bảo tồn bản sắc đặc thù, họ tiếp nhận toàn cầu hóa theo cách rất riêng; – Cuối cùng là xu hướng chiết trung khuyến khích các hình thức lai tạo văn hóa, trên nền tảng bản sắc cũ, họ thâu thái những cái khác mình để tạo nên nền văn hóa mới, đa tạp và độc đáo.

Thuyết lí dài dòng như vậy, để biết rằng, thời đại toàn cầu hóa ban cho ta cơ hội bên cạnh tạo ra một thách thức lớn. Việt Nam phải làm gì? Câu hỏi đầu tiên là, chúng ta đã tìm thấy bản sắc của ta chưa? Đâu là bản sắc của văn hóa Chăm, Êđê, H’Mông, Raglai… với những thành tố đa dạng của nó? Chưa tìm thấy bản sắc thì việc gìn giữ bản sắc không khác gì chuyện hái sao trên trời. Bởi bản sắc không thể bảo tồn qua lễ hội được sân khấu hóa, hay các cuộc festival nhân tạo. Lễ hội Katê Chăm hay Festival cồng chiêng Tây Nguyên đã bị biến chất thế nào, là chuyện không khó nhận ra.

Hơn nữa, ví dù ta đã tìm thấy bản sắc rồi, ta truyền dạy nó thế nào, là câu hỏi không thể không đặt ra. Kho tàng sử thi của các dân tộc Tây Nguyên gần như là vô tận, mươi năm qua ta đã bỏ tiền của ra sưu tầm – dịch thuật – in ấn, nhưng rồi ta phát hành những đâu? Không đâu cả, ngoài thư viện và các tủ sách của những nhà nghiên cứu. Con em dân tộc Tây Nguyên gần như bị cắt đứt khỏi truyền thống sử thi của ông bà họ, từ đó việc “bảo tồn” mất hết ý nghĩa thực tiễn và có thể nói – đúng đắn nhất như nó phải thế. Thế đó, đối tượng đáng tiếp nhận nhất, chúng ta lại bỏ quên.

Nữa, bản sắc văn hóa có phải cái đóng cứng trong cái khuôn cố định không? Chắc chắn là không rồi. Thế hệ hôm nay cần biết bản sắc [của ông bà] để tiếp nhận, cần hơn nữa hiểu biết thế giới để thâu thái, và tuyệt đối luôn có tâm thế và tư thế sẵn sàng sáng tạo cái mới. Cái chúng ta đang nỗ lực sáng tạo hôm nay, nếu nó hay và đẹp, sẽ là truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam ngày mai.

Ví dụ gần nhất, thời Thơ Mới, thế hệ làm thơ trẻ khi ấy còn ở rất gần truyền thống, họ chưa bị cắt đứt với bản sắc văn học Việt Nam, ở đó việc tiếp nhận lục bát dễ dàng là ví dụ; họ học trường Pháp, nên việc thâu thái trường lãng mạn với hiện thực với cảm thức mới càng không khó; họ có tài và dám sáng tạo cái mới. Điều đáng ghi nhận nhất là, chẳng những họ không đánh mất bản sắc, mà còn làm nên một cuộc cách mạng lớn nhất trong tiến trình lịch sử phát triển thơ tiếng Việt.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *