Về bảo tồn văn hóa Chăm

Đài Á châu Tự do, RFA, phát vào lúc 21 giờ, 25-7-2009
Chương trình “Văn học nghệ thuật” tối thứ thứ Bảy hàng tuần.
Trao đổi giữa Mặc Lâm và nhà văn – nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara.

Mặc Lâm: Inrasara tên thật là Phú Trạm. Ông sinh năm 1957 tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ông vừa nhà văn, nhà phê bình văn học và cũng là nhà nghiên cứu văn hóa Chăm nổi tiếng. Những công trình nghiên cứu của ông phải nói là đồ sộ với hơn một chục đầu sách, vừa văn học vừa từ điển và nhất là việc nghiên cứu về văn hóa Chăm. Từ năm 1992, ông nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Inrasara nhận được rất nhiều giải thưởng cả trong lẫn ngoài nước về công trình văn hóa do ông sưu tập cũng như giới thiệu ra thế giới. Chúng tôi có cuộc nói chuyện với ông xoay xung quanh công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm của ông. Mời quý vị theo dõi sau đây..

Mặc Lâm: Thưa ông, được biết là người nặng lòng với văn hóa Chăm và đã có nhiều công trình về sưu tập nghiên cứu về nền văn hóa này. Ông có thể cho biết những nét đặc thù nào mà ông cho là độc đáo nhất của văn hóa Chăm đã khiến ông gần như bỏ công suốt cuộc đời để nghiên cứu và giới thiệu nó với người đọc hôm nay ạ?
Inrasara: Người Chăm đã có chữ viết từ rất sớm. Ngay từ thế kỉ thứ IV, người ta đã xác định Chăm đã có chữ viết trên bia kí có mặt tại Mĩ Sơn. Một dân tộc có chữ bản địa sớm như thế, chắc chắn dân tộc đó có nền văn học viết phát triển. Nhưng lâu nay, khi nói đến Chăm người ta chỉ tập trung về nền kiến trúc, điêu khắc hay các điệu múa, các điệu dân ca còn lưu truyền; còn văn học thì ít được đề cập. Ngay trong văn học sử Việt Nam, một trang về văn học Chăm cũng không có. Đó là điều đáng tiếc. Mà tôi nghĩ đây là nền văn học khá đặc sắc và phong phú. Cho nên, ngay từ 15 tuổi tôi đã có ý thức sưu tầm, để 20 năm sau cho ra đời bộ ba Văn học Chăm – khái luận – văn tuyển ngàn trang, gồm phần khái luận, trường ca và văn học dân gian. Tôi chỉ muốn giới thiệu khái quát nhất khuôn mặt nó đến với công chúng và giới chuyện môn.
Mười năm sau, tôi tiếp tục làm bộ sách khác với tên gọi là Tủ sách văn học Chăm gồm 10 tập khoảng 5.000 trang. Ở đây tôi có ước mong độc giả các nơi nhận diện được khuôn mặt thật và tương đối toàn diện của nền văn học dân tộc. Biết đâu qua sự giới thiệu này, văn học Chăm sẽ cống hiến cho nền văn học đa dân tộc Việt Nam một bộ mặt sáng giá.

Mặc Lâm: Đối với những công trình nghiên cứu văn hóa cũng như văn học Chăm của ông thì giới nào chú ý nhiều nhất? Và ông có nhận được nhiều phản hồi hay không, thưa ông?
Inrasara: Tôi hoạt động chữ nghĩa ở nhiều lãnh vực khác nhau. Với các sáng tác thơ văn của tôi, thì có thể nói tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ dư luận. Riêng với các tác phẩm về văn học và ngôn ngữ Chăm thì khá khiêm tốn, dù bà con Chăm biết đến và đánh giá đúng mức các công trình này. Về bộ ba Văn học Chăm cũng như 3 cuốn Từ điển song ngữ Việt – Chăm (viết chung), tôi luôn nhận được các lời động viên.
Ngược lại, về Tagalau, Tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu văn hóa Chăm, thì sự phản hồi là rất đáng chú ý. Đây là tuyển tập có nhiều người viết, đến nay đã xuất bản được 10 kì, được bà con đón nhận rất nhiệt tình, ủng hộ cả bài vở lẫn tài chính.
Phản hồi của giới nghiên cứu thấy rõ nhất qua bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Phạm Hùng ở Trường Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 2007 với tiêu đề “Văn học Champa ở đâu?”. Trong bài đó ông đặt vấn đề về tính toàn vẹn của văn học Việt Nam, trong đó văn học Chăm đóng góp một phần quan trọng. Bài viết được đăng ở vài tạp chí trong và ngoài nước. Theo tôi đây là phản hồi tích cực nhất xuất phát từ nỗ lực của tôi.

Mặc Lâm: Ông vừa cho biết là giới học thuật đã có vài phản hồi tích cực. Thế còn các cơ quan văn hóa dành cho tộc người thiểu số do Nhà nước chủ quản thì sao ạ?
Inrasara: Thật ra thì phản hồi mang tính cụ thể thì chưa. Nhà nước cũng đã ghi nhận các công trình của tôi qua các giải thưởng như của Hội đồng Dân tộc (Quốc hội khóa IX), Giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam,… Riêng với sự đầu tư chiều sâu, đầu tư để làm các chương trình to lớn hơn như Tủ sách văn học Chăm thì chưa. Trong khi tôi cho rằng đó là yêu cầu thiết thực và cấp bách hơn cả.

Mặc Lâm: Trong khi sưu tầm văn bản về văn hóa Chăm, khó khăn nhất có lẽ là các văn bản này đã bị thời gian tàn phá và mất mát nhiều; vậy làm sao ông có thể phục hồi lại nguyên bản các văn bản này, thưa ông?
Inrasara: Văn bản chép tay Chăm đang nằm rải rác trong các làng Chăm. Mặc dù văn hóa Chăm chưa trải qua kĩ thuật in ấn như Trung Hoa hay Việt Nam, nhưng người Chăm rất yêu văn chương, nên họ chú ý chép sách truyền cho con cháu. Có thể nói hầu hết các gia đình trí thức Chăm đều có ciet sách treo trong nhà. Đó như là một loại rương rất bền, và người Chăm đã bảo quản nó khá tốt. Nghiên cứu văn học dân tộc, tôi đã say sưa đi vào các làng Chăm mày mò tìm đến những ciet sách này…

Mặc Lâm: Theo chuyện môn thì một văn bản có tính văn hóa và học thuật xuất hiện lâu đời cần có tính khả tín về niên đại. Ông dựa vào đâu để xác định nó ạ?
Inrasara: Tôi đối chiếu bằng cách so sánh nhiều văn bản khác nhau, nhiều guru khác nhau thuộc nhiều vùng khác nhau. Sau đó đối chiếu chúng với các văn bản in ấn do Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chàm và các nguyên tác lẫn bản Việt ngữ do Thiên sanh cảnh dịch và in trong tập san Panrang xuất bản trước 1975. Ngoài ra tôi còn dựa vào phương pháp ngôn ngữ học so sánh nữa…
Tôi hi vọng cách làm này cho ra sản phẩm tương đối chuẩn xác.

Mặc Lâm: Trong các tộc người dân tộc thiểu số sống trên đất nước Việt Nam, tộc người Chăm sống gần gũi với người Việt nhất. Ông có cho rằng văn hóa Chăm có nguy cơ bị Việt hóa hay không, thưa ông?
Inrasara: Có thể nói văn hóa Chăm có một sức sống mãnh liệt. Ví dụ trong chế độ gia đình mẫu hệ Chăm, chưa bao giờ có hiện tượng đĩ điếm hay ăn xin. Đó là sự thật. Nhưng trong 20 năm trở lai đây, khi môi trường xã hội nông thôn bị phá vỡ, một bộ phận lớn thanh niên Chăm rời bỏ quê hương vào thành phố kiếm việc làm, họ đã mang lối sống mới về quê nhà, tạo một sự xáo trộn lớn. Bên cạnh đó chính bản thân họ cũng đánh mất đi bản sắc cùng lối sống dân tộc của mình. Điều đó cũng chưa đáng ngại lắm, đáng sợ nhất là chuyện ngôn ngữ bị lai tạp, mà tôi tạm gọi là người Chăm đang nói tiếng Chăm độn. Chúng tôi đã thử làm cuộc phỏng vấn với cụ già trên 70 tuổi, có đến 70-80% tiếng Việt lai tạp vào ngôn ngữ cụ dùng. Hơn nữa ý thức về bảo tồn tiếng mẹ đẻ của vài trí thức Chăm hiện đại cũng có vấn đề: có mươi gia đình trí thức Chăm mà con cái và cha mẹ trong nhà nói với nhau bằng tiếng Việt. Đó là nguy cơ lớn nhất, đẩy quá trình đồng hóa văn hóa Chăm vào nền văn hóa của dân tộc đa số là dân tộc Kinh nhanh nhất, theo tôi.

Mặc Lâm: Cái nguy cơ về ngôn ngữ mà ông đã trình bày đó, ông có nỗ lực gì để ngăn chặn nó lại, thưa ông?
Inrasara: Giai đoạn qua, đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm ra đời. Về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử,… nhưng rất tiếc sức phổ biến của chúng chưa rộng và sâu vào dân. Bà con Chăm ít biết đến chúng. Riêng cá nhân tôi, ngoài sưu tầm, nghiên cứu, và phổ biến các tác phẩm về văn hóa dân tộc, phổ biển rộng và nhiều chừng nào tốt chừng nấy, tôi còn sáng tác thơ bằng tiếng mẹ đẻ để truyền vào cộng đồng Chăm nữa. Các sáng tác này được cập nhật thường xuyên trên website cá nhân inrasara.com. Ngoài ra theo tôi, trong mười năm qua, một việc quan trọng hơn cả là bản thân tôi và vài trí thức Chăm đã tự vận động làm được Tuyển tập Tagalau. Một tuyển tập vừa nghiên cứu sưu tầm vốn văn hóa cũ vừa sáng tác cái mới. Chính nó sẽ là nhân tố tích cực nhất trong việc bảo tồn và nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc trong cộng đồng.

Mặc Lâm: Thưa, chúng tôi xin cho hỏi một câu cuối: hiện nay người Chăm tập trung chính ở Ninh Thuận và Bình Thuận, một số sống ở vài tỉnh phía Tây Nam. Điều mà nhiều nhà nghiên cứu Chăm lo ngại là sự cách biệt về mặt địa lí, cũng như sự khác biệt về ngôn ngữ hay văn hóa sẽ làm cho cộng đồng Chăm dễ bị phân tán. Ông có đồng ý với nhận xét này không, thưa ông?
Inrasara: Lo lắng là đúng! Đại đa số người Chăm sống ở Ninh Thuận và Bình Thuận theo hai tôn giáo chính là Chăm Bà-la-môn và Chăm Bàni mà ngôn ngữ thường ngày quen gọi là Hồi giáo cũ. Khoảng 200 năm trước, khi vương quốc Champa tan rã, một bộ phận lớn người Chăm chạy qua Cam Bốt, sau đó họ quay trở lại cư trú tại các tỉnh như An Giang, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh,… Bà con Chăm tại các tỉnh này theo Islam tức Hồi giáo chính thống. Sư xa cách về mặt địa lí giai đoạn qua khiến hai cộng đồng ít liên hệ với nhau. Từ đó có vài khác biệt về ngôn ngữ nhất định. Tôi có người bạn rất thân ở An Giang, nhưng chúng tôi gặp nhau và đã phải dùng tiếng phổ thông tức tiếng Việt để trao đổi.
Thời gian gần đây, dù sự xa cách kia không còn với phương tiện giao thông hiện đại, nhưng sự khác biệt về mặt tôn giáo đã khiến hai cộng đồng chưa thật sự có nhiều nhu cầu tìm đến nhau. Chính tôi và bạn bè tôi ít đến An Giang, Tây Ninh, và ngược lại. Đó là điều mà các nhà nghiên cứu lo ngại, có lẽ.

Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara. Hi vọng rằng cuộc nói chuyện hôm nay sẽ mang đến cho thính giả nhiều thông tin mới về nền văn hóa Chăm. Chúng tôi cũng hi vọng rằng trong tương lại không xa, các công trình nghiên cứu của ông được sớm đến với cộng đồng các dân tộc trên đất nước Việt Nam.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *