* Phú Đạm, người đứng ngoài cùng bên trái – Photo Jaya 2013.
Sau khi cho ra mắt tập thơ đầu tay – là tập thơ tiếng Chăm hiện đại đầu tiên in bằng Akhar thrah: Panôic amek bhum pađiak (Lời người mẹ đất nắng) vào tháng 5-2009, Phú Đạm liên tục có những sáng tác mới đăng trên đặc san Tagalau. Nông dân vô sản, nghèo, nhưng anh vẫn cứ say mê thơ, viết đều đặn – và luôn bằng tiếng Chăm.
“Giọng thơ Phú Đạm mượt mà, ngôn từ chắt lọc, đề tài tập trung vào đời thường nông thôn Chăm hiện đại với bao ưu tư về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Hình ảnh người mẹ, người cha, người em trở đi trở lại; tình bằng hữu, tình hàng xóm láng giềng có mặt xuyên suốt tạo không khí thơ đầm ấm, thân thuộc” (Inrasara , Nhập cuộc về hướng mở, NXB Văn học, 2013).
Inrasara.com xin giới thiệu với độc giả bài thơ mới nhất của anh – một bài thơ đúng chất Phú Đạm, qua bản tiếng Việt của Inrasara.
Phú Đạm: Hadôm panik lipei
Kal panik lipei mưdơh
xa-ai vah tangin thong pabah bbak
jah glai ppabbaic tanưh
pala plôm
bingun nam ôh njar katak
Adei kamei
balik nuh papan ramik
cuk tek babbang thang
thơk đông ppablei talei mưdin darak
rah palei la-ang bingu
lipei hu harei bal sir tek tahak
Dôm anưk palei
dok pak nưgar Kur hai tanưh Malayu
cong tagôk rai
yau kalang mưk angin prong
var tanưh
ôh ppagôn harei mưrai
bhum palei lipih mưnuix…
NHỮNG GIẤC MƠ
Khi giấc mơ cựa thức
anh vẫy tay chào cánh cổng
phát rừng mở đất – trồng trôm
tháng năm chưa một lần cho nhựa
Em gái
dẹp cuộn vải thổ cẩm
chốt cửa nhà – ra đi
lang thang bán buôn phố chợ
quê hương những nhành hoa tàn héo
mơ một ngày vá lại nát tan
Những đứa con quê
ở tận đất Khmer hay xứ Mã
mơ giấc mơ cao vời
như thể cánh diều đang no gió
quên đất – không hẹn ngày về
quê mình thưa vắng đứa con quê…
* Chú thích ảnh (trích Hàng mã kí ức):
“Trước khi gặp nhau, cha đã có một đời vợ. Nghe kể chuyện cha đau lòng như không thể đau hơn. Với chồng trước ở Hiếu Lễ Cauk, mẹ sinh con gái bị yểu. Chồng mất, mẹ ở vậy cho đến khi hai người gặp nhau. Cha hơn mẹ mười tuổi. Sinh ba đứa đầu cũng yểu nốt. Bà con bày xin chị cả về nuôi (phải thật xấu mới thọ), từ đó anh em tôi được trụ trên đời. Chị vừa xấu gái vừa thiểu năng trí tuệ nên học không vô, được cái lòng biết đùm bọc lũ chúng tôi. Vậy đó, anh em tôi đã sống theo chị. Chị Hám, Anh Đạm, rồi tôi thằng Klu, tới em gái Những, sau đó là hai em trai Ngòi và Lành.”
(chị Hám đứng cạnh anh Đạm, Phú Văn Ngòi đứng ngoài cùng bên phải, cạnh đó là Phú Văn Lành: giáo viên, làm thơ – vẫn duy nhất thơ tiếng Chăm).
Bài thơ Chăm này, tôi đọc thơ tiếng Việt tôi cứ tưởng do nhà văn Inrasara dịch hay, nên thành ra một bài thơ hay. Nhưng khi tôi đọc kỹ bài bên tiếng Chăm, thì thấy bài thơ hay thật.
Câu “cong tagôk rai/ yau kalang mưk angin prong”, nhà văn dịch thành: “mơ giấc mơ cao vời/ như thể cánh diều đang no gió” không sát nghĩa, nhưng cũng hay. Đúng nghĩa là “ước lên ngôi”. Ngôi này có nhiều nghĩa: “số một” hay ngôi gì đó. Viết vậy mới hay, đúng với vài trí thức Chăm, nhà văn Inrasara đã dịch tránh đi.
Bài thơ tên là “Những giấc mơ”, thật ra là 3 giấc mơ. Anh không mơ gì cao xa, chỉ mơ trồng trôm, nhưng rồi cây trôm không cho nhựa (thực tế đau lòng ở quê Chăm). Em thì mơ đổi đời qua buôn bán. Các vị nọ thì bỏ xứ ước mơ cao vời. Ba ước mơ cho 3 đại diện, rất là thực tiễn dân tộc Chăm.
Rồi tất cả bỏ palei trống trơn…
Viết tiếng Chăm mà được như vầy thì hay tuyệt.
Cảm ơn nhà thơ Phú Đạm.