* Inrasara & Phan Thắng tại Tương Dương – Nghệ An, 11-2013.
(Inrasara.com chỉ đăng phần trả lời của Inrasara, bản đầy đủ đã đăng tạp chí Văn hóa Nghệ An, 10-12.2013)
Lời Toà Soạn: Văn hoá các dân tộc thiểu số trong tổng thể văn hoá quốc gia – dân tộc luôn là một vấn đề được các nhà nước và các nhà nghiên cứu quan tâm cả trong chiều lịch đại và đồng đại. Lý thuyết trung tâm – ngoại vi từ lâu đã được xem như một phương pháp để tiếp cận vấn đề này. Trong khuôn khổ có hạn, Văn hoá Nghệ An đã tổ chức bàn tròn về đề tài này với nhà thơ Inrasara [dân tộc Chăm], nhà văn Vi Hợi [dân tộc Thái] và tiến sĩ Nguyễn Duy Bình.
*
PV: Khi nghiên cứu về văn hóa, từ trước đến nay đã có rất nhiều người quan tâm đến vai trò của các nền văn hóa trong tổng thể sự phát triển văn hóa nhân loại cũng như văn hóa của các cộng đồng đối với văn hóa một dân tộc, quốc gia. Chúng tôi không có tham vọng tổ chức một cuộc trao đổi sâu sắc về văn hóa các cộng đồng các dân tộc thiểu số đối với văn hóa dân tộc hiện nay nhìn từ lý thuyết trung tâm – ngoại vi mà chỉ muốn vận dụng một số quan điểm của nó để nhận thức khách quan hơn về vấn đề. Dẫu sao chúng tôi vẫn muốn đề nghị các ông cho một vài ý ngắn gọn nhất giới thiệu về nội dung khái niệm trung tâm – ngoại vi từ góc độ văn hóa hay là nhân học văn hóa.
Ông Inrasara: Vấn đề trung tâm – ngoại vi là hiện thực của thế giới, ở mọi lĩnh vực. Cả trong văn hóa. Tôi không cho dân tộc nào đó ưu việt về về lĩnh vực nào đó. Có, nhưng tùy thuộc rất nhiều vào cơ duyên lịch sử, sau đó được truyền thống bồi đắp lên. Từ ưu thế địa lí, vùng đất nào đó thu hút tài năng, phát triển kinh tế và dân số, sau đó trở thành trung tâm chính trị, quyền lực và văn hóa cả nước hay khu vực. Nó trở thành “trung tâm” và lan tỏa đến các vùng còn lại. Các vùng “ngoại vi”, trên nền tảng văn hóa “bản địa” của mình, nhận sự lan tỏa ấy, và tùy nội lực mà thâu thái và chế biến thành của riêng. Tôi ủng hộ sự khác biệt đó.
PV: Trong lịch sử có trường hợp nào cộng đồng tộc người là thiểu số nhưng văn hóa lại đóng vai trò trung tâm? Tại sao lại có hiện tượng này?
Ông Inrasara: Đây là hiện tượng có, nhưng hiếm. Và luôn bị trung tâm nuốt chửng.
Nhìn rộng ra thế giới, dù La Mã là kẻ chiến thắng, nhưng chính La Mã bị văn hóa Hi Lạp thuyết phục. Ở Đông phương, trong giai đoạn lịch sử nhất định, Nhật Bản nhận sự “lan tỏa” từ văn hóa Trung Quốc, nhưng họ đã vượt lên. Trong phạm vi Việt Nam, văn hóa Champa là trường hợp đặc biệt. Lĩnh vực văn chương, tỉnh lẻ Bình Định từng là “trung tâm” của Thơ Mới, và rồi sau đó không lâu, khi các tài năng kia hút về trung tâm văn học ở hai đầu đất nước, nó trở thành “ngoại vi”.
PV: Vậy chúng ta cần định vị văn hóa các dân tộc thiểu số hiện nay như thế nào trong tổng thể nền văn hóa quốc gia – dân tộc Việt Nam? Trung tâm hay ngoại vi?
Inrasara: Dù trung tâm luôn thu hút nhân tài, bản sắc từ ngoại vi, tái lên khuôn và tái cung cấp khuôn đó cho ngoại vi, tôi cho rằng các nền văn hóa ngoại vị là rất quan trọng. Do đó tôi cho tinh thần phi tâm hóa hậu hiện đại là rất cần thiết cho Việt Nam ngày nay, một đất nước giàu sang vô cùng về văn hóa dân tộc thiểu số-bản địa. Chú ý, tôi nói giải trung tâm, chứ không phải hủy trung tâm. Nhiều “trung tâm” văn hóa nhỏ và khác biệt sẽ làm làm giàu sang văn hóa một đất nước, đồng thời tiếp tục cung cấp cho trung tâm lớn hơn.
PV: Một cái nhìn lịch đại, theo các ông thì đã có văn hóa của tộc người nào trong cộng đồng các dân tộc thiểu số đã từng là trung tâm? Văn hóa Chăm có phải là một trường hợp?
Inrasara: Văn hóa Champa một thời lẫy lừng, ở lĩnh vực và khía cạnh nào đó còn vượt trội Đại Việt. Quá trình lịch sử, người Kinh đã nhận rất nhiều từ nền văn hóa này, từ kiến trúc, điêu khắc cho đến âm nhạc dân tộc, vân vân. Sau khi vương quốc Champa tan rã để hòa nhập vào đất nước Việt Nam thống nhất vào đầu thế kỉ XIX, người Chăm vùng Pangdurangga (Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay) vẫn còn là trung tâm văn hóa lớn, gần như độc lập trong đất nước Việt Nam. Dẫu sao đó là chuyện của quá khứ rồi. Nửa thế kỉ qua, văn hóa Chăm đang chịu sự tác động mạnh từ văn hóa dân tộc Kinh.
PV: Chúng ta cần giải thích hiện tượng văn hóa các dân tộc thiểu số đang bị biến đổi, thậm chí có thể gọi là bị đồng hóa mạnh mẽ của văn hóa người Việt [Kinh] đồng thời với quá trình văn hóa Việt bị văn hóa ngoại lai xâm thực bằng lý thuyết Trung tâm – Ngoại vi?
Ông Inrasara: Việc tiếp nhận tinh hoa từ nền văn hóa khác, trung tâm hơn và mạnh hơn, không vấn đề gì cả. Năm thế kỉ trước, người Anh đã từng đau đầu về thế hệ trẻ du nhập ào ạt tiếng Pháp vào ngôn ngữ thường nhật lẫn sách báo. Vài chục năm nay, người Pháp lại đang báo động về hiện tượng Franglais (tiếng Pháp pha Anh). Tệ hại nhất là tiếp nhận một chiều. Việt Nam hiện nay gần như đang tiếp nhận một chiều văn hóa bên ngoài. Vấn đề không là ở mở hay đóng cửa, mà là ở tinh thần tiếp nhận và sự khôn ngoan chọn lọc và thâu thái. Trong phạm vi Việt Nam, các dân tộc thiểu số, dù quá khứ đã từng là văn hóa trung tâm, cũng đang chịu áp lực rất mạnh từ văn hóa người Kinh. Không thể khác, vì các dân tộc thiểu số không còn cư trú vùng riêng biệt như trước nữa, mà sống xen cư và cộng cư với người Kinh. Và tiếng Việt đã là ngôn ngữ phổ thông của cả nước. Nguy cơ biến đổi thậm chí, bị đồng hóa của các nền văn hóa ngoại vi này đang rình rập khắp nơi, cả khi chúng ta cố bảo tồn chúng bằng các lễ hội nhân tạo, bằng các “nghiên cứu” mang tính ban bố, vân vân…
PV: Nhiều người cho rằng, nếu văn hóa, cộng đồng [văn hóa] nào ở vị trí ngoại vi thì dễ bảo tồn bản sắc của mình hơn. Ngược lại, ở vị trí trung tâm lại khó khăn hơn trong việc bảo toàn, bảo tồn các giá trị, bản sắc của mình. Chúng ta có thể chứng minh từ lịch sử của chính văn hóa Việt Nam không?
Ông Inrasara: Vị trí địa lí có vai trò của nó trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng đó là vai trò rất thứ yếu. Hơn thế, thời đại hôm nay khó mà đóng khung một dân tộc nào đó trong vùng địa lí chật hẹp nào đó. Thế giới đã mở, và ta cũng phải mở. Hiện tượng vài dân tộc cư trú vùng sâu vùng xa ở Việt Nam đang bị đồng hóa, trong khi người Chăm dưới đồng bằng ở ngay trong lòng văn hóa Kinh vẫn còn trụ được là hiện tượng đáng suy ngẫm. Theo tôi, vấn đề là ở nội lực của nền văn hóa ấy, ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc của cộng đồng ấy, bên cạnh đó là sự xuất sắc của vài tài năng lộ ra từ những bộ phận người ấy. Câu hỏi đặt ra cụ thể hơn, tại sao mấy triệu người Tây Nguyên cho đến hôm nay vẫn chưa nảy ra một nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc là người dân tộc?
PV: Với câu chuyện thực tế của đời sống văn hóa nước nhà, và tỉnh nhà Nghệ An, tôi xin trở lại với chiến lược xây dựng một nền hóa Việt nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Không ai nghi ngờ gì về sự đúng đắn có cơ sở của quyết tâm chính trị này. Nhưng thực tiễn không dễ trình bày và thực hiện như khi bàn luận về lý thuyết. Muốn có tiên tiến thì đồng thời với sự nỗ lục tự hiện đại hóa mình, tự làm mới mình của nền văn hóa Việt, chúng ta phải tăng cường giao lưu và tiếp nhận các giá trị tiên tiến ở bên ngoài vào. Nếu vậy, có phải là chúng ta tự xếp mình ở vòng ngoại vi so với các nền văn hóa khác, ngoài mình/ và tương tự, muốn bảo tồn tốt bản sắc thì phải ngoại vi hóa nền văn hóa?
Ông Inrasara: Muốn bảo tồn văn hóa dân tộc thì phải “trung tâm” [nhỏ] hóa nền văn hóa dân tộc. Trung tâm [nhỏ] hóa không phải đóng cửa, mà là mở một cách thông minh. Đó là chủ nghĩa dân tộc mở open nationalism – bắt chước cách nói của một lãnh đạo Hàn Quốc. Giải trung tâm, nghĩa là lập nên các trung tâm khác, dù nhỏ hơn nhưng phải khác. Chính khác biệt làm nên sự giàu sang của văn hóa loài người.
PV: Với trường hợp người Chăm thì thế nào, thưa ông Inrasara?
Ông Inrasara: Tự ti ư? – Không. Với dân tộc nào tôi không biết, với Chăm dứt khoát không. Có khi họ còn quá kiêu hãnh nữa là đằng khác. Bởi họ có sau lưng cả quá khứ văn hóa văn minh đáng nể. Họ biết vậy, dù nhiều lúc đó chỉ là cái biết mơ hồ. Trong hội nhập và phát triển, sự giằng xé – có. Thậm chí rất mạnh. Người Chăm mất nhiều rồi, nên họ rất sợ mất cái cuối cùng. Đó là nỗi mất văn hóa dân tộc, cụ thể nhất là tiếng nói và chữ viết. Cho nên không lạ, nếu cá nhân Chăm nào đó phản ứng quyết liệt, có khi đến quá quắt về những sai lạc từ lễ hội tự tạo hay về phim ảnh, sai lạc của sách báo về bản sắc văn hóa dân tộc mình. Dẫu sao họ cũng rất mở. Mở từ đời sống thường nhật cho đến sinh hoạt văn học nghệ thuật. Chỉ qua mươi năm xuất hiện trên văn đàn, có đến 5 cây bút Chăm xứng đáng vào… Hội Nhà văn Việt Nam!
PV: Trở lại với thực tế đời sống, chúng ta đã nghe và có lẽ là đã bàn và đã tham gia nhiều vào thực tiễn đời sống văn hóa của cộng đồng nhỏ của mình, rồi như anh Inrasara có thể tham gia ở phạm vi rộng lớn hơn. Thế nhưng vấn đề nhận thức và hành động nhằm bảo tồn và phát triển bản sắc, các giá trị độc đáo của văn hóa các cộng đồng thiểu số vẫn là những bài toán khó. Các em bé, và cả người lớn nữa không thích mặc đồng phục của mình, nói tiếng nói của mình trong chính không gian văn hóa của mình là một cảnh báo, một vấn đề không hề đơn giản. Từ lý thuyết Trung tâm – ngoại vi và thực tiễn sinh động của đời sống, từ kinh nghiệm cá nhân, các ông có thể trình bày cách hiểu, ý tưởng và đề xuất các giải pháp cụ thể nào không cho việc bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số?
Ông Inrasara: Người Chăm rất ý thức về cộng đồng mình, về bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Ý thức và hành động. Tôi gọi đó là tinh thần nhập cuộc về hướng mở. Trong thời gian tương đối ngắn, chúng tôi đã nỗ lực làm điều đó. Và ít nhiều có thành tựu. 35 năm qua, người Chăm đã dạy tiếng và chữ Chăm cho con em dân tộc mình. Đó là thành tựu đầu tiên. 20 năm qua, Chăm đã có bộ từ điển song ngữ Chăm Việt, đã tự soạn được bộ Văn học Chăm mấy ngàn trang, đã có rất nhiều công trình về ngành nghề, về tôn giáo tín ngưỡng, về lễ hội, vân vân do chính người dân tộc Chăm viết. Đặc biệt, cộng đồng Chăm đã tự ra đặc san Tagalau – Sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu văn hóa Chăm đa phần do tác giả Chăm viết (Inrasara chủ biên). Đây là đặc san duy nhất của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện thời. 14 số liên tục xuất bản nói lên nỗ lực không ngừng của cộng đồng Chăm trong việc bảo tồn văn hóa “trung tâm” nhỏ của mình.
PV: Trân trọng cảm ơn các ông đã tham gia cuộc trao đổi hôm nay. Hy vọng chúng ta sẽ có dịp trao đổi sâu hơn về vấn đề này.
Phan Thắng thực hiện