báo Điện tử Tổ quốc, 12-2013
Nguyễn Thanh Tâm (thực hiện)
(Toquoc)- Cụm từ “văn học mạng” đã dần trở nên quen thuộc với độc giả Việt Nam. Tới nay độc giả ít quan tâm tới ranh giới giữa sách in với tác phẩm xuất bản trên mạng và dường như giá trị hai loại hình tác phẩm đó đã gần như là một. Tìm hiểu thêm về ý nghĩa cũng như chia sẻ những suy nghĩ về tương lai văn học mạng trong đời sống văn học, Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Inrasara.
* Quan niệm của ông như thế nào về văn học mạng? Những thế mạnh và hạn chế của văn học mạng trong bối cảnh hiện nay?
Inrasara: Trước tiên ta hãy xét xem thế nào là văn chương mạng?
Các sáng tác chủ yếu xuất hiện trên giấy, sau đó được đưa lên mạng; hoặc đưa lên cùng lúc. Đây là cách làm của rất nhiều báo trong nước hôm nay. Đại bộ phận nhà văn Việt Nam thế hệ trước hành xử theo cách này.
Người viết ưu tiên dành đăng các sáng tác lên mạng. Bởi nhiều lí do khác nhau, họ cũng có in trên giấy hoặc gởi in cả hai nơi; nhưng có mặt trên mạng họ cảm thấy thoải mái hơn, hoặc cùng lắm họ coi hai hình thức này giá trị ngang nhau. Nên sau khi đăng sáng tác lên mạng, họ vẫn thích in ra giấy.
Dù gì thì gì, cả hai bộ phận tác giả này vẫn mang “tâm thế” giấy.
Bộ phận cuối cùng là các tác giả chỉ muốn xuất hiện trên mạng. Họ sống đời sống văn chương của mạng, viết trên mạng, đối thoại với độc giả và để độc giả cùng tương tác trên mạng, tồn tại trên mạng, buồn vui trên mạng, hi vọng hay thất vọng cũng trên mạng. Họ là công dân mạng toàn phần. Và có thể nói đây là thứ văn chương mạng đúng nghĩa, khác hẳn các sáng tác được đăng trên mạng. Văn chương mạng khi bước xuống thế giới giấy sẽ mất đi hơi thở đời sống mạng và, giảm “giá trị đích thực” của nó không ít!
Tốc độ, đó là ưu thế tuyệt đối của văn chương mạng. Báo giấy, người đọc phải chờ đến ngày hôm sau hoặc có nhanh bao nhiêu cũng – buổi sau; nhưng báo mạng thì không. Tác phẩm từ bàn phím được đưa thẳng lên mạng, tiếp liền là các ý kiến bình luận và cả mấy sai sót cũng được đính chính ngay sau đó, hoặc sửa thẳng vào bản đã “in”! Nhanh, gọn, tiện dụng – rất phù hợp với thế giới đầy tốc độ hôm nay.
Ưu thế thứ hai là tính dân chủ của nó. Internet tạo sân chơi tự do cho người viết thể hiện, người tiếp nhận tương tác. Nó không bị trở ngại bởi lực cản nào: về tư tưởng chính trị, ý thức hệ, quan niệm tôn giáo hay không bị ngăn cách bởi không gian địa lí nào: nước tiên tiến hay đang phát triển, thành thị hay nông thôn. Ở đó, không bị cô lập với thế giới bên ngoài nữa dù bạn đang nằm nhà, bạn có thể đọc mọi nguồn thông tin từ khắp nơi trên thế giới. Ở đó, trong đất nước tự do ngôn luận, nhà văn tự do biểu lộ tư tưởng, nếu họ không sợ hãi và đủ tự do. Ở đó, tinh thần phê phán có đất phát triển; bởi trên mạng thông tin toàn cầu, kẻ tiếp nhận được trao cơ hội đưa ra nhận định mà không cần phải trưng ra lí lịch. Ở đó, kẻ sáng tạo tiếp nhận ý kiến khắp nơi và có thể sửa chữa, tái bản tác phẩm mình dễ dàng vào bất kì thời điểm nào.
Chớ nghĩ rằng môi trường forum tạo tự do quá trớn có tính vô trách nhiệm cho các nickname. Hãy liên hệ với thói ngồi lê đôi mách bình luận văn chương ở bàn nhậu hay quán càphê vỉa hè, ta dễ thấy internet còn đáng tin cậy hơn. Ở đó ta có văn bản cùng chữ nghĩa của comment trước mắt, từ đó người đọc [cùng các đối tác khác hỗ trợ] làm đối sánh phân tích và dễ dàng đánh bạt mọi xuyên tạc của kẻ xấu tính chuyên phá đám cuộc chơi.
* Theo ông, độc giả tiếp nhận văn học mạng như thế nào?
Inrasara: Câu hỏi đặt ra: đó là độc giả mang tâm thế mạng hay tâm thế giấy? Bởi hai bộ phận này tiếp nhận văn chương mạng hoàn toàn khác nhau.
Cá nhân tôi chẳng hạn. Khi các website văn chương tiếng Việt ồ ạt xuất hiện, được ban biên tập mời tham gia, tôi luôn có thái độ dè dặt. Thường vì lí do quen biết hay cảm tình riêng mà gởi bài, còn thì tôi ưu tiên cho báo giấy. Thế nhưng, dăm năm nay tình thế đã khác. Rất khác! Tôi ứng xử với hai hình thức này ngang nhau, có khi nghiêng về Internet nữa. Đơn giản: thứ nhất, bài cho báo giấy thế nào cũng bị cắt xén bởi nhiều nguyên do khác nhau khiến tác phẩm như một sinh thể bị hoạn; tiếp nữa, lắm lúc không muốn xếp hàng chờ, tôi nóng lòng cho bài viết của mình được ra đời sớm, để xem người đọc nghĩ gì về nó. Tác giả đã thế, độc giả còn nóng lòng thế nào! Họ không thể chờ, hoặc không bao giờ muốn đọc những gì đã bị thiến hoạn.
* Theo quan sát của ông, văn học mạng có tác động như thế nào đến đời sống văn học nói chung và độc giả nói riêng?
Inrasara: Tác động mạnh và tích cực, đẩy văn học đi về hướng mở. Dễ thấy nhất là, tác giả văn chương mạng vượt qua mặc cảm bị kiểm duyệt, từ đó chấm dứt thái độ tự kiểm duyệt. Họ dám nói những gì cần nói, dũng cảm thể nghiệm các thủ pháp cần thiết mà không lo sẽ có sự can thiệp của dao kéo kiểm duyệt nào bất kì. Độc giả cũng vậy, họ tự do chọn tác phẩm để đọc, tự do tương tác và bình luận mà không sợ sai. Một nền văn học ở đó người viết tự do, người đọc tự do và người bình luận tự do mới là nên văn học tự do với đủ đầy ý nghĩa của từ này. Và chỉ có tự do đích thực, một nền văn học mới có cơ hội phát triển.
* Công chúng tiếp nhận văn học mạng khác với công chúng tiếp nhận văn học qua hình thức sách và báo in như thế nào?
Inrasara: Trên mạng, người đọc đọc nhanh, đọc nhiều và đọc hợp lí hơn. Hợp lí, bởi người đọc chủ động trong chọn nội dung, phân đoạn liên quan, các từ cần thiết,… chúng xuất hiện ngay tức thời, chỉ bằng cái nhấp chuột. Thứ nữa, người đọc cũng dễ dàng đọc “liên văn bản” qua đường link mà không phải lục lọi và lật sách tra tìm, mất giờ và cực nhọc. Mà thư viện giấy [gia đình hay cơ quan] chắc gì có đủ. Quan điểm hậu hiện đại về sự đồng sáng tạo của người đọc cũng mở ra khả tính mênh mông, được thể hiện đầy hiệu quả trên Internet. Có thể gọi đó là đồng sáng tạo cả ở nghĩa bóng (tưởng tượng, suy diễn, mở rộng…) lẫn nghĩa đen (người đọc tự do tùy nghi bôi xóa, thêm bớt, bình luận…). Người viết có thể chỉnh sửa trên mạng và, người đọc chấp nhận sự chỉnh sửa ấy – như thể những dấu vết ghi nhận các chuyển biến tâm lí và tư tưởng của tác giả. Không vấn đề gì cả. Cuối cùng, với văn học mạng, độc giả đốt cháy mọi khoảng cách không gian để thường xuyên đối diện trực tiếp với tác giả, là điều độc giả giấy có nằm mơ cũng không thấy.
* Theo ông, những nhân tố nào chi phối đến việc tiếp nhận văn học mạng của công chúng?
Inrasara: Trong văn học, cách mạng kĩ thuật kéo theo cách mạng về cách thể hiện, cả về thi pháp. Thơ chẳng hạn, thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền hay Đặng Đình Hưng không thể xuất hiện vào thời chưa có chữ viết. Ca dao có vần điệu, dễ thuộc, dễ nhớ và dễ truyền bá, thích hợp hơn cả. Còn thơ video thì chỉ có thể có cùng lúc với văn chương mạng. Thơ hôm nay, ngoài nghệ thuật thời gian còn gồm bao luôn cả nghệ thuật không gian. Không gian mạng càng tạo điều kiện cho các nhà văn nhà thơ vùng vẫy. Cỡ, kiểu chữ, in đậm nhạt, màu – đủ màu, các dấu gạch ngang, gạch chéo, đủ loại hình họa xuất hiện bất ngờ, cách bố trí dòng thơ tạo hình, cắt dán mẩu tin từ tờ báo… vô cùng đẹp mắt. Chức năng giải trí của văn chương được nhấn mạnh, thể hiện rõ tính phi nghiêm cẩn hậu hiện đại, thích hợp với độc giả mạng.
Lâu nay, văn học Việt Nam núp bóng chính thống, hướng về vài trung tâm văn hóa lớn; văn chương mạng xuất hiện phi tâm hóa cơ cấu này, là điều độc giả văn chương mạng mong mỏi. Họ chờ đợi tiếng nói khác với tiếng nói chính thống, sẵn sàng đón nhận các sáng tác khác với hay ngược lại văn chương dòng chính thống.
Đặc tính phi tâm hóa hậu hiện đại, trong đó có phi tâm hóa ngôn ngữ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận văn chương mạng. Ngôn từ văn chương mạng thôi còn cao sang, đẹp, chắt lọc đầy tính văn chương của quan niệm cũ; mà là ngôn ngữ của đời thường. Hết còn ranh giới phân cách người đọc và người viết, độc giả dễ tiếp nhận từ đó dễ dàng trao đổi, tương tác.
Thế giới mạng là một thế giới mở, ở đó đa số tác giả văn chương mạng không ngại mở hết cỡ cõi lòng mình. Qua đó, độc giả có thể nhìn vào bề sâu của con người tác giả và cả mặt sau một tác phẩm. Nó đáp ứng được tính tò mò của độc giả.
* Từ góc độ tiếp nhận, ông đánh giá như thế nào về tương lai phát triển của văn học mạng?
Inrasara: Việt Nam qua ngàn năm sống trong nền văn chương bình dân (truyền miệng), và chỉ mới trải qua chưa đầy trăm năm văn học chữ quốc ngữ (văn chương trên giấy), nên khi đối mặt với màn hình, họ dị ứng thì không có gì là lạ. Chẳng những coi văn chương trên mạng là không chính thống hay không chính danh, mà không ít thành phần cả tác giả lẫn độc giả văn chương còn cho nó không phải là tác phẩm nữa kia! Đó đích thị là thái độ bảo thủ, lạc thời. Chính thống hay không chẳng liên quan gì đến phẩm chất đích thực của văn học cả. Có thể gọi đó là khái niệm giả!
Không thể chối cãi: số lượng người in sáng tác và đọc trên mạng là rất lớn, vượt trội so với văn chương giấy. Và, ngày càng tăng. Có người lưỡng cư cả hai địa phận, nhưng cũng có kẻ chỉ đăng kí hộ khẩu trên mạng. Website phổ thông có đăng thơ, văn và cả website chuyên văn chương. Và khi website cá nhân rồi blog ồ ạt ra đời, số lượng người truy cập chắc chắn đạt con số khổng lồ.
Chỉ còn vài trở ngại nho nhỏ, rằng ngày nay, đại đa số người Việt Nam là nông dân và công nhân nghèo đang sinh sống ở khu vực chưa phát triển, chưa đủ điều kiện sắm máy vi tính hay nối mạng. Họ ít điều kiện tiếp cận với Internet. Trong lúc đó, cầm tờ báo Văn nghệ hay tập truyện ngắn trong tay thì họ có thể nằm ngửa ra đọc bất kì đâu. Trở ngại này sẽ được giải quyết ngay khi đất nước giàu lên. Còn thì chúng ta chưa nhận ra nhược điểm nào khác của mạng, trong khi nó có quá nhiều ưu điểm. Sợ duy nhất là báo mạng đột ngột thay Ban biên tập, ông/ bà chủ mới nổi hứng xóa bỏ các bài đã từng đăng trước đó (như đã từng xảy ra ở vài website) khiến kẻ làm việc nghiên cứu gần như mất trắng tài liệu tham khảo và… mất hứng luôn.
Nhưng với lối làm ăn như thế, cư dân mạng sẽ nghỉ chơi với nó, là điều chắc chắn.
* Xin chân thành cảm ơn ông đã tham gia trò chuyện cùng chúng tôi!