Inrasara đọc thơ Xuân và nói về Tết ở HTV

2013-12-HTV.02

Nhà thơ vừa đề cập minh triết Chăm, trước không khí Xuân đang tới, nhà thơ có thể cho khán thính giả biết qua người Chăm ăn Tết như thế nào?

Inrasara: Người Chăm không có Tết hiểu như têt Nguyên đán, nhưng lạ – chúng tôi mỗi năm ăn đến ba cái tết. Kate hay Ramưwan là lễ hội, nhưng nay người Chăm biến nó thành giống như Tết, từ đó mọi người quen gọi là Tết Katê hay Tết Chăm Bà-ni.

Dấu hiệu Tết đến ở Phan Rang, đoạn qua Vĩnh Hảo, là khi mai vạn thọ nở vàng cánh rừng, còn trên núi là mai cây. Như thể quà tặng của trời đất.

Tháng Tư khô bờ xanh xương rồng xanh

Thắng Bảy mưa bằng lăng rừng nở tím

Chạp lạnh sang đồi mai rực sắc vàng

Quê ta ba mùa đủ ba mùa phiêu lãng

Là vậy…

Tết Nguyên đán, thuở bé, được mẹ dắt tay đi ăn Tết Kinh thì không gì sướng bằng. Tết là có dựng nêu, những cây nêu cao vút, có đốt pháo, rồi có “ăn” Tết với mứt, cốm mang về. Chăm và Kinh sống xen cư và cộng cư, mỗi khi Tết đến, bà con Chăm đội giạ nếp, xách cặp gà sang các làng Kinh lân cận “đi” Tết. Để tỏ tình tương ái, gắn bó và nhất là để bọn trẻ vui. Chúng tôi nói đùa, người Chăm may mắn có đến ba cái Tết là vậy.

 

Inrasara

EM – LOÀI NẮNG LẠ

 

Như ngọn gió nồng mùa xuân

bất ngờ

em thổi vào cánh đồng ta                mát rượi

 

ta                     cây sồi thu cằn cỗi

thức dậy làm ban mai

buồn xưa tàn theo mây mùa hạ

 

em như loài nắng lạ

tràn đến

tan vào cánh rừng ta

cho

trái tim giá băng ta               cháy vỡ

 

bất ngờ

hiến tặng ta thêm một mùa nữa

ban mai.

 

Tại sao phải cây sồi mà không là cây khác? Cây sồi đâu có nhiều ở Việt Nam?

Inrasara: Hiện thực không chỉ là những hình ảnh thực trước mắt, mà hiện thực còn là hiện thực của phim ảnh, sách báo, hay hiện thực của tưởng tượng và liên tưởng. Cây sồi là loại cây sống nhiều ở Bắc bán cầu và vĩ độ hàn đới, đặc biệt nó là loại cây thường xanh và sớm rụng lá. Sự rụng lá sớm, nhanh và nhiều của cây sồi gây ấn tượng rất mạnh với tôi. Câu thơ trong bài thơ khác: “Lá vàng sớm rụng đi cho cây dậy chồi xanh”, nói lên ý hướng đó. Chớ ham bám trụ và lưu lại, rồi rì rà lên lớp cho đời. Đó là nguyên lí của tàn tạ và sinh thành. Rất hợp với tinh thần triết học Shiva: hủy phá để sáng tạo. Cũng là tinh thần minh triết Chăm.

4 thoughts on “Inrasara đọc thơ Xuân và nói về Tết ở HTV

  1. Một trong những nhà thơ mà sức hấp dẫn đối với tôi mạnh tới mức chỉ cần thấy tên nhà thơ ấy là tôi đọc ngay xem tác phẩm đó có gì khác với những tác phẩm trước đó không.

  2. Anh Lê Văn Đồng nói rất đúng. Nhà thơ Inrasara sau cái tập Chuyện 40 năm... thì không thấy in ở đâu nữa. Sau đó tôi biết anh có tập thơ Ở nơi ấy (thơ thời cuộc), nhưng chỉ post trên mạng Tiền Vệ thôi. Còn tập trường ca Sầu ca trên đồi cát nam Cương thì chỉ nghe nói mà chưa xuất bản.
    Tôi và có lẽ người đọc đang chờ đọc nhiều thơ mới của anh, nhưng không thấy nữa.

  3. Bạn đọc Thuần thân mến
    Tôi làm thơ cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt. Bạn đọc web này mục Inrasara – sáng tác hay mục Inrasara – tác phẩm, sẽ biết.
    Cảm ơn bạn đọc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *