Tagalau14
Mười lăm tuổi đã có thơ đăng ở Panrang, nội san của cộng đồng Chăm Phan Rang trước 1975, là điều lạ. Lạ hơn, các bài thơ tuổi thiếu niên ấy đã thuyết phục được thế hệ cha chú. Đó là Trà Vigia. Thơ Trà giàu chất suy tưởng, luôn tìm tòi thể nghiệm lối viết mới. Ngôn ngữ thơ nhiều góc cạnh, tứ thơ chuyển bất ngờ, đưa thơ vỡ vạc những ẩn khuất của tâm hồn con người Chăm hiện tại – cuộc sống của một cộng đồng dân tộc thiểu số nhỏ bé tưởng an bình nhưng chứa đựng nhiều bất trắc.
Trà viết cả thơ tiếng Việt lẫn tiếng Chăm. Thơ tiếng Chăm của Trà không nhiều, nhưng mỗi bài đều để lại những dư âm trong lòng người đọc.
Hu sa harei…
Prưn dahlak yaum oh dauk kađaung dom!
Caung crauk xwan ew tanhi thei gac…
Hu sa harei dahlak gilac mai sang
Dom nưm krung drut drwai ppamưdơh
Kaji kajơng di bbơng Kut… dahlak yam tamư
Hu lei sa kapu klau?
Wơk paywa ka dunya rai rak!
Có một ngày…
Khi thân tôi đã sức cùng lực kiệt
Mơ dâng đời, ai người hiểu thấu…
Có một ngày, ngôi nhà xưa tôi trở lại
Kỉ niệm buồn cựa quậy khôn nguôi
Ngập ngừng… tôi bước vào cửa Kut
Còn không – một nu cười?
Để gởi lại cho trần gian xưa cũ!
(Trà Vigia, “Hu sa harei” Có một ngày, Inrasara dịch, Văn học Chăm hiện đại – Thơ,)
Dẫu sao bên cạnh truyện ngắn, thơ tiếng Việt vẫn là thế mạnh của Trà. Trà làm nhiều: hơn trăm bài. Từ thể thơ năm chữ, tám chữ, lục bát cho đến tự do. Thể nghiệm, Trà đi từ cổ điển đến hiện đại sang tận hậu hiện đại. Cổ điển, giọng thơ Trà đi đến tận cùng của cổ điển, nhưng chính giọng hiện đại là giọng đặc thù của Trà Vigia giai đoạn đầu. Ở đó, bài “Miên du” là một. Thơ như nói, chắc khừ và dứt khoát.
Mùa xuân bao lần phai phôi
nào hay biết
Đời người bao lần bai bôi
hoài lỡ bước
Que củi cháy để lại than hồng
Que diêm cháy bay vào hư không
Em không mãi là thiếu nữ
Làm duyên ngàn năm trên khung lụa
Tôi không mãi làm câu chữ
Hờn ghen phù du trang giấy cũ
Chỉ vài sợi khói mong manh
Không đủ dò đường lên thượng giới
Gạt đống tro tàn thâu canh
Làm sao thắp nắng tươi ngày mới?!
Em bao lần đi qua
tôi chẳng thấy
Tôi bao lần đi xa
chẳng thấy tôi.
(Trà Vigia, “Miên du”, Thơ Dân tộc và miền núi đầu thế kỉ XXI, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2011)
Sáng tập thơ 1 ngày 5 – thơ tái chế vừa in cuối năm 2012, thơ Trà Vigia có bước chuyển quyết định. Nhịp điệu, ngôn từ và cách thể hiện khác hẳn giọng thơ anh trước đó. Tạm gọi là giọng hậu hiện đại. 1 ngày 5 – thơ tái chế được làm liên tục trong một tuần, mỗi ngày một chương, mỗi chương sáu bài. Từ ngày 25-10-2012 đến ngày 31-10-2012. Và như còn thừa lực, anh “khuyến mãi” thêm bốn bài ở phần Phụ lục.
định mức một đời tôi
1 ngày làm 5 bài thơ
1 bài thơ làm trong 5 phút
tu ti tù tì trong 5 ngày
tăng ca thêm thứ 7 chủ nhật
thế là ra một tập
Gọi là “định mức”, như chương trình vạch sẵn đầy tính khoa học, nhưng tất cả đều xảy ra rất ngẫu hứng. Thơ như thể nhật kí. Ghi nhanh những gì vừa xẹt qua tâm thức nhà thơ. Không như phản ứng trước sự kiện xã hội, mà chúng dội lại từ thẳm sâu tiềm thức chất chứa. Làm thơ như lối chơi cờ nhanh, chỉ kẻ chuyên nghiệp và tay nghề cao mới dám đụng đến nó. Không cao tay, tất cả sẽ trở thành trò nhảm. Nhảm và vô duyên. Trà Vigia đã dũng cảm chơi thứ dữ này, và anh chơi rất ư ngon lành.
Có thể nói, cái đặc trưng nhất của lối viết hư cấu hậu hiện đại là sự phá vỡ trật tự thời gian, sự phân mảnh, tính lỏng lẻo trong liên kết ý tưởng, sự sáng tạo những cặp vòng tương tác thể hiện trong rối loạn ngôn từ của kẻ mang chứng bệnh thần kinh phân liệt (schizophrenia). Một rối loạn ngôn từ như thế từng xuất hiện ở Bùi Giáng, nhưng phải đến Phan Bá Thọ, nó mới được đẩy đến tận cùng của mâu thuẫn và rối loạn.
Ở 1 ngày 5 – thơ tái chế, lối viết hư cấu hậu hiện đại thể hiện theo thể điệu khác. Nếu Bùi Giáng “loạn ngôn” lục bát, Phan Bá Thọ loạn ngữ thơ xuôi, thì Trà chơi thơ tự do. Tự do, nên nó có vẻ biết tiết chế hơn, từ đó thơ dễ nắm bắt hơn. Dễ nắm bắt! – Đúng, nhưng chỉ với những ai chịu lặn sâu vào lòng văn hóa dân tộc Chăm, lặn sâu giữa đời sống cộng đồng nhiều biến động này, sống với nó và chịu đựng nó, may ra mới thấm hiểu được. Còn không, tiếng thơ sẽ trôi đi như bao lời bỡn cợt vô thưởng vô phạt khác.
“Cố đô” là một. Chưa đọc qua Ariya Glang Anak, không biết Ariya Glang Anak nói gì, không thấu hiểu thâm ý hai câu thơ của tác giả Ariya Glang Anak về thủ đô giữa không trung, thì không thể biết mô tê gì về ý nghĩa bài thơ. Biết, đau và hi vọng. Cả hạn từ “trí thức” nữa:
hắn bảo trí thức mặc áo chàm
tôi bảo trí thức mặc áo nâu
hắn bảo trí thức có mặc áo
tôi bảo trí thức không mặc áo
hắn bảo trí thức có
tôi bảo trí thức không
hắn bảo
tôi bảo
hắn
tôi
Đây là chuyện thời sự xã hội Chăm. Của hiện tại, và cả quá khứ, chắc chắn thế. Chẳng vấn đề gì ra hồn cả, mà vẫn cắm đầu cãi vã nhau. Cãi vã mất mặn mất nhạt, cãi vã đến mất ăn mất ngủ, đến tan hoang tâm hồn, nát bấy cộng đồng nhỏ bé. Chỉ có mỗi “hắn bảo – tôi bảo” mà phân cách cả một vực thẳm “hắn – tôi”, một hố phân cách không dễ gì lấp đầy!
Giọng thơ Trà là giọng bỡn cợt. Cợt đến quặn lòng, bỡn đến buốt ruột là vậy!
Nhà thơ Inrasara viết không dài nhưng bộc lộ được tinh thần của thơ Trà Vigia. Đó là cách viết điểm huyệt, hay còn gọi là điểm nhãn. Họa long điểm nhãn của Đông phương. Nhiều đoạn đáng trích vào sách giáo khoa cho sinh viên phân tách. Hiểu văn hóa Chăm mới hiểu được thơ họ Trà. Nhà thơ Inrasara vừa hiểu sâu rộng văn hóa Chăm vừa là nhà thơ tài ba vừa là nhà phê bình sắc sảo, nên anh viết về các nhà thơ Chăm thì tuyệt.
Đây là lời bình thuộc hạnh siêu đẳng:
“Đây là chuyện thời sự xã hội Chăm. Của hiện tại, và cả
quá khứ, chắc chắn thế. Chẳng vấn đề gì ra hồn cả, mà vẫn
cắm đầu cãi vã nhau. Cãi vã mất mặn mất nhạt, cãi vã đến
mất ăn mất ngủ, đến tan hoang tâm hồn, nát bấy cộng đồng
nhỏ bé. Chỉ có mỗi “hắn bảo tôi bảo” mà phân cách cả một
vực thẳm “hắn/ tôi”, một hố phân cách không dễ gì lấp đầy!
Giọng thơ Trà là giọng bỡn cợt. Cợt đến quặn lòng, bỡn
đến buốt ruột là vậy!”
tôi muốn tặng lời bình này cho Abdul Karim!!!
(xin nhà văn Inrasara đừng viết tắt tên người này)