Inrasara: Truyện Mini 38. Chết đuối níu nhau chết chùm

IMG_4022

* Hôm qua, cô độc trên cầu Tuần Châu – Quảng Ninh.

Dân bộ lạc sáng thức dậy không thấy Akhar thrah chữ mẹ đẻ mình biến mất đâu. Mọi người hoang mang cực độ. Nỗi hoang mang kéo dài lâu, rất là lâu…
Thế là các già làng quyết định đih harei lipei mưlam ngủ ban ngày mơ ban đêm tìm cách nhớ, để hồi phục lại chữ viết thân thương kia. Cuối cùng, sau suốt 40 tuần rượu, các cụ trưng ra được Akhar thrah chuẩn hóa gọi là giải pháp tình thế, bộ lạc mới tạm yên.
Bỗng hôm nọ, có nhà chiêm tinh từ đâu ghé bước qua, phán như vôi quệt tường rằng:
– Không phải, Akhar thrah truyền thống khác cơ. Nó rơi xuống vực kia lâu rồi…
Mọi người nghe danh Akhar thrah truyền thống đích thực chữ mẹ đẻ, mà ham. Họ đổ xô đến cái vực theo hướng nhà chiêm tinh chỉ. Vực sâu hun hút, mọi người đứng sững bên này bờ vực, ngơ ngác nhìn nhau.
Bốn người uy tín nhất bộ lạc tình nguyện bước sang bờ bên kia.
Vị giáo sư tiến sĩ được các đồ đệ hò reo thúc, xung phong leo xuống, quyết lôi cho được Akhar thrah truyền thống lên, để cứu lấy bộ lạc. Nhà nghiên cứu trẻ không chịu thua sút, không chút đắn đo, liền nhảy tòm xuống. Chú chuyên gia cao cấp nghe đâu được đào tạo tận Marốc, biết đây chính là nghề ruột của mình, bèn xắn quần lội xuống. Riêng tay thi sĩ nọ, không hiểu can cớ gì, đi đi lại lại trên bờ vực, chốc chốc quay lại lí giải với người bộ lạc bên kia bờ về cái sự “nên xuống hay không nên xuống” cái vực kia.
Cả ba ở dưới đó lâu, rất lâu. Và tay thi sĩ vẫn cứ đi đi lại lại… cũng lâu rất lâu. Tin tức bên kia biền biệt mà tiếng ồn cứ dội lên. Thế là vài già làng mới hè nhau qua xem thử. Không biết họ đã bỏ túi được Akhar thrah truyền thống chưa, chỉ thấy khi người này leo lên được nửa chừng thì người kia kéo xuống, ngược lại. Cứ thế…
Ia bblung dung gaup Chết đuối níu nhau chết chùm, – một già làng nói. Rồi họ kéo nhau về.
Còn tay thi sĩ kia, trời đã về chiều mà vẫn cứ đi đi lại lại…

4 thoughts on “Inrasara: Truyện Mini 38. Chết đuối níu nhau chết chùm

  1. Có lẽ thi sĩ uyên bác kia vì động lòng cho nòi giống mà không nỡ lấp vực sâu kia nên cứ đi đi lại.

  2. Tôi vừa chê ông Inrasara viết 3 truyện Mini dở thì ông tương ngay một bài cực kì độc đáo. Viết thế mới ra ông Inrasara chớ!!!
    Truyện vừa cụ thể vừa mang tính khái quát, ông nói cho dân tộc ông mà còn nói cho cả dân tộc khác. Ông nói về chuyện chữ Chăm mà suy ra được rất nhiều lãnh vực khác nữa. Văn chương lồng lộng bát ngát.
    Đừng đọc văn theo kiểu cạn cợt mà đoán già đoán non là ông ám chỉ người này kẻ nọ, hay ông ám chỉ chính ông (thi sĩ). Hãy suy nghĩ sâu sắc hơn, sẽ thấy truyện này hay thế nào.

  3. Truyện này giống câu chuyện truyền khẩu về “cua VN”: cua các nước mà quên đậy nắp giỏ là chúng kênh nhau lên tháo chạy hết, chỉ có cua VN vẫn đầy giỏ vì hễ con này leo lên gần miệng giỏ thì con kia kéo xuống,… Chuyện cua mà nghĩ đến đủ thứ chuyện, càng nghĩ càng xấu hổ.

  4. Mãi bây giờ tôi mới thấy có bạn Chăm còm độc đáo, đáng cho tôi học hỏi.
    TOAI viết: “Có lẽ thi sĩ uyên bác kia vì động lòng cho nòi giống mà không nỡ lấp vực sâu kia nên cứ đi đi lại.”
    Theo tôi lấp đi là tốt. Nhưng tốt hơn là cứ để vậy, cho họ níu nhau chết chùm.
    Nhưng quan trọng hơn là thi sĩ kia chớ có đi đi lại lại làm chi cho mệt, mà hãy hát vỗ tay cho mọi người cùng vỗ tay cho đời thêm tươi tắn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *