Bộ lạc gặp thời loạn động, mọi thứ xáo xào, con người không chỗ bấu víu, chẳng còn biết nghe theo ai. May làng nọ có một triết gia già, kiến thức uyên thâm, lí giải được mọi chuyện trên trời dưới đất. Làng gặp vấn đề gì nhiêu khê đều qua pang nghe ý kiến ông.
Xui, bộ lạc có phó giáo sư đụng ai ông cũng chửi, chửi nát. Quần chúng hoang mang, qua pang triết gia già. Ông nói:
– Triết học định danh đó là bản chất của vạn hữu. Liên hệ với hiện tượng này, chửi chính là tính bản thiện của ông ta. Không chửi, nghĩa là đi ngược lại với sự vận động của thế giới tự nhiên. Vị phó giáo sư kia không thể không chửi, là vậy.
Nghe giải thích, dân làng hơi tạm yên. Nhưng khi phó giáo sư kia cứ nhằn mỗi thứ mà chửi, chửi rất dai. Mọi người thấy lạ quá, lần nữa qua pang triết gia. Ông nói:
– Một ẩn ức tâm lí dù giấu tận đâu, đến lúc nào đó, sẽ tự lộ bày ra, triết học nhận định thế. Còn trong văn học, nhà văn gọi đó là “nỗi ngứa ngáy truyền kiếp”. Ngứa thì phải gãi. Vị phó giáo sư kia không thể không gãi, là thế.
Không ngờ triết gia già lí giải vừa cao xa vừa thực tế. Từ đó, dân làng nọ không còn thắc mắc, an tâm đi hái lượm kiếm sống.