* Phát quà Trung thu cho thiếu nhi palei Katuh – Ninh Thuận – Photo Kiều Maily.
(Đây là suy nghiệm của tôi về tâm thức Cham hiện đại, một suy nghiệm lâu dài từ quan sát các biểu hiện qua hoạt động xã hội, bài viết và phản biện, thư kháng nghị, “còm”, nhất là email nặc danh gửi chung diễn ra trong cộng đồng Cham mươi năm qua).
*
Một nhà văn có thể quan sát và ghi nhận tình trạng tinh thần một cá nhân qua các biểu hiện của anh/ chị ta. Qua lời nói, chữ nghĩa, thậm chí qua hành vi, cử chỉ nhỏ nhặt tưởng không đáng kể. Trong cộng đồng, khi nhiều cá nhân cùng có các biểu hiện tương tự, nó làm nên tình trạng chung của cộng đồng đó. Thành tâm thức cộng đồng.
Nhà văn quan sát xã hội, ghi nhận, phân tích, tìm nguyên do, và nếu có thể – tìm phương thuốc cho tình trạng đó, chứ không phê phán.
Tình hình văn học Việt Nam 15 năm qua đầy biến động khó lường, đã tạo nên một khủng hoảng kéo dài. Cổ súy ca tụng hay miệt thị đến muốn dập tắt, là tâm lí chung của nhiều người làm phê bình và nhà quản lí văn hóa. Riêng tôi, tôi coi “khủng hoảng như là tín hiệu tốt lành”. Từ đó thử đưa ra công nghệ “Phê bình lập biên bản”, để ghi nhận, phân tích, tìm nguyên do… các trào lưu văn học sôi động nhưng đầy bấp bênh đó.
1. Tâm thức Cham
Trở lại với xã hội Cham, tâm thức chung của Cham mươi năm qua – là nỗi sợ hãi. Sợ hãi lớn.
Thời cận đại, khi Minh Mạng mở cuộc càn quét, người Cham bị đẩy rơi vào sự sợ hãi lớn đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Bị thế lực bên ngoài đe dọa, ông bà ta lo chạy thoát thân. Lần này, thời hiện đại, thì khác. Hoàn toàn khác. Khác đột ngột, bất ngờ đến khó lường. Hai điều khác biệt mang tính quyết định hơn cả, là: Sợ hãi không chỉ từ ngoại cảnh, mà chính ta tự tạo cho mình và, sợ hãi không phải qua loạn li mà xảy đến ngay trong thời thanh bình nhất.
Bốn thập kỉ qua, Cham thiên di các nơi trên thế giới, xa hơn, nhiều hơn.
Môi trường nông thôn bị phá vỡ, thanh niên Cham bỏ palei tràn vào các thành phố lớn.
Nền tảng đạo đức, luân lí cũ cùng tập quán sinh hoạt xưa bị đảo lộn.
Phần đất đai ông bà bị con cháu mang bán, hoặc bị người ngoài lấn chiếm; cạnh đó, không ít nơi thờ phượng bị con cháu bỏ bê hay bị bên ngoài xâm hại.
Tai hại hơn, người nữ Cham không ngại lấy chồng ngoại tộc. Trước, người nam Cham lấy vợ Kinh, xã hội có thể “pha”; nay, khi người nữ Cham jwak eh “đạp cứt” mấy ông, sự thể đã trở thành vấn đề lớn. Chế độ gia đình mẫu hệ Cham lâu nay cố kết đang dần dần bị phá vỡ, từ đó sẽ kéo theo bao hệ lụy khó lường.
Và cuối rốt, tình trạng nói độn tiếng Việt trong giao tiếp thường nhật ngày càng phát triển, nguy cơ đẩy tiếng Cham vào nghĩa trang chữ. Ngôn ngữ kết nối cá thể để làm nên dân tộc, nhưng tiếng Cham đang chết. Dẫu ta có nhận mình là Cham, lên tiếng đây đó bênh vực Cham, dù ta có thể hi sinh tính mạng để bảo vệ cộng đồng, nhưng khi ta đánh mất tiếng mẹ đẻ, ta hết còn là Cham. Suốt dòng lịch sử dân tộc, đã xảy ra không ít tình trạng trớ trêu đó.
Đó là chưa kể Dự án Nhà máy ĐHN đặt ở hai đầu tỉnh Ninh Thuận, nơi người Cham tập trung đông nhất, đe dọa trực tiếp đến sinh mạng, mang nguy cơ làm đảo lộn toàn bộ sinh hoạt kinh tế – văn hóa – xã hội của cộng đồng này.
Thập niên qua, ranh giới giữa còn và mất của sinh phận dân tộc Cham ngày càng mong manh tơ trời. Đây là thời điểm mang tính định phận, quyết định đến sự sống còn của dân tộc.
Trước tình trạng đó, ta cảm nghe bất lực. Thế là ta sợ. Sợ lớn.
2. Hai biểu hiện tâm lí
Biểu hiện rõ nhất là: phó mặc, hoặc phản ứng thái quá.
Phó mặc thì rõ rồi. Có chức có quyền, để giữ ghế – ta bỏ mặc phó thường dân thấp cổ bé họng bị đè nén. Có của ăn của để, lo an toàn cơ ngơi – ta phó mặc bà con láng giềng đói rách. Thoát ra khỏi biên cương, ta bỏ mặc kẻ mắc kẹt. Người có học nhiều chữ nghĩa lo bảo thân phó mặc đã đành, đến anh nông dân vô sản toàn phần cũng mang tâm lí thôi kệ, tới đâu hay tới đấy.
Hoặc ta phản ứng thái quá: bảo vệ quyết liệt – dù là cái lạc hậu nhất – miễn nó “là” Cham, để khẳng định nguồn gốc Cham của mình; và chống lại dữ dội – dù ta chưa hiểu thấu đáo – cái ngoại lai, nguy cơ làm mất [cái ta cho là] Cham tính.
Khẳng định…
Đoạn văn trên Facebook Inrajaya, là một phát hiện nhỏ:
“Tôi không biết có dân tộc thiểu số nào lập nickname đính kèm tên dân tộc mình nhiều như Cham không nữa. Jathraoh Champa, Thuyen Champa, Angle Champa, Giao Champa, Thai Thanh Champa… Rất, rất nhiều tên khác đính kèm với từ “Champa” theo sau thể hiện tình yêu và niềm tự hào của mình khi mang dòng máu Chăm… Nói như vậy không phải các dân tộc khác không tự hào về dân tộc của họ, mà ở đây tôi muốn nhấn mạnh về quan điểm “tự hào” kì lạ của người Chăm. Bản thân tôi cũng vậy, rất kì lạ.”
Rồi Thisichampa, Phú Champa, Myra Hoachampa, Hoàng tử Champa, Chang Zô Champa, Công chúa Champa, Nữ hoàng Champa, Boy Champa, Jaya Yut Cam, Urangmaycham, Kauthara Cham, Cham_papa… Nữa: Chamyouth, Ilimochampa, Champaka, Bingu Champa…
Tên người, tên website, bút danh hay nickname nếu không gắn với Cham hay Champa, thì ta cũng phản ứng kiểu khác. Dùng tiếng Cham, toàn phần hay một phần mà đặt: Ja Mưta Harei, Jalau, Jaya Mrang, Jaya Hamu Tanran, Jaya Bahasa, Tantu, Inrasara, Sakaya, Guga, Amư Nhân, Kiều Maily… Hoặc “phục hồi” họ Cham cổ: Chế Thảo Lan, Chế Kim Trung, Chế Mỹ Lan, Chế Vy, Trà Vigia, Trà Ma Hani, Trà Thy Mưlan…
Chống lại…
Ta lên tiếng chống lại tất tần tật những gì đe dọa sinh mạng Cham và làm suy thoái bản sắc văn hóa Cham theo ta hiểu. Do cá nhân hay tập thể, từ cái lớn lao đến điều nhỏ vụn nhất.
Ta phản đối Nguyễn Thành Thống, khi vị này phê phán gần như miệt thị toàn bộ giới có học Cham về các vấn đề liên quan đến văn hóa Cham [Inrasara viết bài đầu tiên trên web Inrasara.com, sau 2 tháng thảo luận, tác giả sửa lại hầu hết luận điểm bị trí thức và còm sĩ Cham chê trách].
Ta phản bác một bức họa Chế Kim Trung ở chi tiết ta cho rằng có ý xem thường thần Yang Cham [Trà Vigia mở đầu bằng bài viết trên web Inrasara.com].
Ta bác bỏ ý kiến của Sakaya qua tuyên bố “Đảng đã đào tạo các nhà văn Cham”, khi ta xem đó là phát ngôn nịnh bợ, bởi điều này không hề có [Đồng Chuông Tử phản ứng đầu tiên trên web Inrasara.com].
Ta chống quyết liệt “Vũ điệu Apsara” của biên đạo múa Đặng Hùng, khi ta cho đây là điệu múa đi ngược với thuần phong mĩ tục Cham [web Champaka.info và…].
Mới đây, ta phản đối phim “Tiếng trống Paranưng”, khi ta – qua hai bài báo giới thiệu phim – cho rằng bộ phim có vài cảnh xúc phạm văn hóa Cham [web Gulpataom.com và…].
Xa hơn và lâu dài hơn, ta mở trận phản đối Akhar thrah chuẩn hóa của Ban Biên soạn sách chữ Chăm, lối chuẩn hóa mà ta cho là “lai căng”, “dám sửa chữ viết của tổ tiên” [nhóm Champaka và…].
Ta phản bác câu kết của Hồ Trung Tú trong Có 500 năm như thế về thánh địa Mỹ Sơn, đến tác giả đã phải cắt bỏ khi tái bản [Inrasara là người đầu tiên đọc bản thảo, và đề nghị tác giả sửa – in lần 1, tác giả để nguyên văn – web Inrasara.com mở diễn đàn thảo luận, và Hồ Trung Tú viết còm hứa trên web này là sẽ chỉnh sửa khi sách tái bản – cuối cùng in lần thứ 2, nguyên đoạn văn trên đã được cắt bỏ].
Ta kí tên phản đối và ta lên tiếng về Dự án ĐHN [Inrasara mở đầu bằng trả lời phỏng vấn trên BBC, RFA… sau đó là bài viết của Trà Vigia trên web Inrasara.com, của Đồng Chuông Tử trên BBC, rồi web Inrasara.com mở diễn đàn thảo luận hai kì liên tục].
Vân vân…
(Chú ý: Các ví dụ nêu trên là những liệt kê, chứ không bình luận khen chê).
Ta khẳng định, và ta chống. Chống để khẳng định, mạnh mẽ hơn.
Do phản ứng ở thời đoạn mà ranh giới còn – mất của sinh phận dân tộc và văn hóa dân tộc quá mong manh, khi nỗi sợ đang lên đến cực độ, thì thái độ chống được đẩy lên mức tối đa có thể. Ta quyết liệt đến mất mặn mất nhạt, mất cả tình nghĩa anh em bà con. Từ đó, “kẻ thù Cham” dễ lợi dụng tình trạng, gây phân hóa thêm. Đến nguy cơ đổ vỡ tất cả. Sự “mất” càng diễn ra nhanh hơn, toàn diện hơn.
[Thêm: Với người nào khác thì tôi không biết, phần cá nhân, tôi chưa một lần giận Cham về các chống báng, dù là chống bản thân tôi hay ai khác. Bởi tôi hiểu, ngoài đố kị cá nhân không đáng kể, đó là tâm thức chung của cộng đồng phát nguyên từ cảm thức sợ hãi sâu thẳm. Do đó, cần trang bị tri thức (không phải kiến thức) và cần thời gian dài tôi luyện, ta mới đủ bản lĩnh vượt thoát khỏi tâm sân hận kia].
3. Làm gì?
Tinh thần [theo châm ngôn] hậu hiện đại: Suy nghĩ toàn cầu – hành động địa phương không phải phương thuốc, mà là một gợi ý khả dĩ chữa trị triệu chứng sợ hãi kia.
Ta học chấp nhận sự dị biệt và biết sống chung với những Cái Khác the Others.
Ta Muslim, ta tín đồ Phật giáo, ta đạo sĩ Bà-la-môn, ta người Bà-ni, vân vân… và ta vẫn là Cham làm mẫu số chung.
Ta hiểu biết văn hóa Cham đồng thời chịu tìm hiểu văn hóa Việt [và thế giới].
Ta nghiên cứu và ta sáng tạo.
Ta phấn đấu làm thơ tiếng Việt cho thật xuất sắc cùng lúc nói/ viết tiếng Chăm thành thạo.
Ta có thể sang trọng nhất mà ta vẫn bình dân nhất, ở nhà lầu cao sang nhưng ta vẫn dễ dàng hòa đồng với bà con anh chị em đói rách ở palei.
Tóm lại, ta dân tộc và ta thế giới, ta Cham và ta nhân loại.
Cuối cùng, ta biết cười. Tại sao? Frédéric Ferney (Kiệt Tấn dịch, Talawas, 23-9-2008):
“Bỡn cợt (humor, humour) là cách chống lại đau khổ, cách thoát khỏi độc ác, khỏi cái Chết, khỏi cái khốn nạn của con người, khỏi tay bạo chúa, khỏi Thượng đế, khỏi đam mê, khỏi mọi thứ xui xẻo trên đời. Là tránh cho khỏi sa vào cái bẫy nghiêm trọng. Không có bỡn cợt thì thằng công tử chỉ là một gã loè đời và vị bác học chỉ là một tên phách lối. Bỡn cợt né tránh được ác ý bằng một nụ cười.
Trong mỉa mai, ta cười chống lại kẻ khác, ngay cả chống lại chính mình. Còn bỡn cợt tha thứ và thông cảm ở những nơi mà mỉa mai khinh bỉ và lên án. Bỡn cợt thì xoa dịu, mỉa mai thì làm tổn thương”.
Chỉ khi nào người Cham biết cười, cái cười đẫm chất humor hậu hiện đại, ta mới hi vọng khởi động cuộc hóa giải lớn, từ đó ta giải thoát mình khỏi hành vi và lời nói làm tổn thương nhau. Và dù vẫn còn tồn đọng bao khác biệt (cũng cần có nhiều dị biệt trong quan niệm) – ta vẫn là Cham, một Cham vượt qua mọi nỗi sợ hãi hiện có.
Để sống, yêu thương và sáng tạo.
Sài Gòn, 14-10-2013.
Inrasara viết 1 đoạn văn quá hay, 1 phát kiến quá buồn…
“Thời cận đại, khi Minh Mạng mở cuộc càn quét, người Cham bị đẩy rơi vào sự sợ hãi lớn đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Bị thế lực bên ngoài đe dọa, ông bà ta lo chạy thoát thân. Lần này, thời hiện đại, thì khác. Hoàn toàn khác. Khác đột ngột, bất ngờ đến khó lường. Hai điều khác biệt mang tính quyết định hơn cả, là: Sợ hãi không chỉ từ ngoại cảnh, mà chính ta tự tạo cho mình và, sợ hãi không phải qua loạn li mà xảy đến ngay trong thời thanh bình nhất.”
Có nhiều người Chăm ta hay quá lời. Tui nghe kể là ở 1 hội thảo về Chăm ta, ông Sử Văn Ngọc chưởi rủa rất hăng ông Đặng Hùng về vụ múa Apsara. Cei Sara thì không phê phán, vì cei ngại va cham. Chứ tui nghe nói, khi có người hỏi ông là ông học về nghệ thuật múa khi nào thế, thì ông lãng đi. Đấy, cei Sara bảo Chăm ta hay nói quá là vậy. Ta không hiểu gì cả, mà chê thiên hạ rất là hăng dái.
Tui cũng nghe kể ở hội thảo này, nhiều Chăm ta hay nói bảo vệ “truyền thống”, nhưng rồi khi 1 nhà báo hỏi, vậy chứ các ông đưa ra truyền thông múa kia ra cho mọi người xem thử, thì tất cả đều ú ớ. Vậy mà Chăm ta vẫn nói rất hăng, giống như ta đã biết truyền thống thế nào rồi.
Cei Sara thấy là Chăm sợ nên nông nỗi thế, chớ tui còn thấy Chăm ta thích LÀM OAI.
Nhà thơ Inrasara chuyển sang viết phê bình và đã thành công. Có thể nói thành công đầu tiên là từ thái độ công bằng của nhà thơ. Tôi rất có ấn tượng với đoạn văn này:
“Tình hình văn học Việt Nam 15 năm qua đầy biến động khó lường, đã tạo nên một khủng hoảng kéo dài. Cổ súy ca tụng hay miệt thị đến muốn dập tắt, là tâm lí chung của nhiều người làm phê bình và nhà quản lí văn hóa. Riêng tôi, tôi coi “khủng hoảng như là tín hiệu tốt lành”. Từ đó thử đưa ra công nghệ “Phê bình lập biên bản”, để ghi nhận, phân tích, tìm nguyên do… các trào lưu văn học sôi động nhưng đầy bấp bênh đó.”
Tôi cho rằng, từ thái độ đó, nhà thơ cũng vận dụng cho các vấn đề về văn hóa và xã hội Chăm.
Chăm dễ tổn thương. Đụng nhẹ cũng tổn thương. Cái tổn thương của Chăm có thể là do lịch sử để lại, mà một phần cũng do sợ hãi mà ra. Chăm sợ mất đi mình. Mất đi cái văn hóa mà cha ông để lại. Sợ người ngoài (Yuen chẳng hạn) “va chạm” vào nó. Thành ra cứ giữ khư khư, giấu kín. Việc tẩy chay cuốn film “Tiếng trống Baranưng” cũng là do đó.
Tôi đọc comment của ông Mang Nhái thấy rất thích. Nó rất hạp với suy nghĩ của tôi. Chăm có rất nhiều người nói quá. Nói nhiều hơn sự hiểu biết về kiến thức, chuyên môn của mình. Cái ví dụ về ông Sử Văn Ngọc mà ông Mang Nhái đưa ra tôi cũng đọc và nhận thấy trên nhiều diễn đàn về Chăm. Nhiều người Chăm chả đọc, hoặc chỉ đọc 1, 2 cuốn sách là vội tưởng mình đã thông hiểu cả đất trời. Từ đó phát biểu oang oang mà chẳng sợ người ta cười cho.
Đoạn cuối Sara viết làm tôi khá đồng tình. “Chỉ khi nào Chăm biết cười…” Nhưng khi nào, đến bao giờ Chăm mới biết cười đây anh Sara? Tôi chụp khá nhiều những khuôn mặt Chăm, chỉ có trẻ con mới cười, còn những người khác chẳng thấy cười gì cả. Mà ở trên khuôn mặt họ toàn là trầm ngâm như đang tơ tưởng về điều gì đó. Nhiều lúc muốn đi tìm cho mình một lời giải thỏa đáng về điều này, nhưng tìm hoài chẳng ra. Bởi vậy cho nên đến giờ vẫn chỉ là những giả thuyết. Hôm nào anh mà viết 1 tiểu luận, đại khái vì sao Chăm ít cười (hoặc không cười) thì quý hóa quá.
Có phần này mà tôi chưa đồng tình lắm với anh Sara, đó là anh viết “Ta khẳng định, và ta chống. Chống để khẳng định, mạnh mẽ hơn.” Có thể chống để khẳng định, sẽ mạnh mẽ hơn thật. Nhưng theo tôi nhận thấy, Chăm chống vì sợ hãi. Chính vì sợ hãi nên Chăm phải chống. Nó được biểu hiện qua chống “Tiếng trống Baranung”, chống “vũ điệu Apsara”. Còn khẳng định hay mạnh mẽ hơn là chưa chắc. Vì biết đâu, chính sự chống vì muốn khẳng định ấy lại là tự hại bản thân. Cứ giữ khư khư, giấu kín thì làm sao giới thiệu ra bên ngoài cái văn hóa của chúng ta được?
Bạn Thiên Sầu lưu ý xíu nhé.
Câu: “Ta khẳng định, và ta chống. Chống để khẳng định, mạnh mẽ hơn.” là câu “lập biên bản” hiện trạng, chứ không phải câu nhận định.
Vì SỢ mất, nên ta CHỐNG. Chống để KHẲNG ĐỊNH. Khẳng định mạnh mẽ hơn nữa do SỢ mất… cứ lẩn quẩn như thế.
Còn đây là nhận định của Sara:
Cham ngại SÁNG TẠO là vậy. Cái gì chệch ra NGOÀI truyền thống, là ngại.
Nhưng ý này tôi chưa nói lên. Sẽ triển khai ở một bài khác.
Thêm: Sara có bài viết “Chuyện chữ: CƯỜI”, dường như trên Tagalau hay web này. Bạn đọc lại nhé.
“Có phần này mà tôi chưa đồng tình lắm với anh Sara, đó là anh viết “Ta khẳng định, và ta chống. Chống để khẳng định, mạnh mẽ hơn.” Có thể chống để khẳng định, sẽ mạnh mẽ hơn thật. “Nhưng theo tôi nhận thấy, Chăm chống vì sợ hãi. Chính vì sợ hãi nên Chăm phải chống. Nó được biểu hiện qua chống “Tiếng trống Baranung”, chống “vũ điệu Apsara”. Còn khẳng định hay mạnh mẽ hơn là chưa chắc. Vì biết đâu, chính sự chống vì muốn khẳng định ấy lại là tự hại bản thân. Cứ giữ khư khư, giấu kín thì làm sao giới thiệu ra bên ngoài cái văn hóa của chúng ta được?” của bạn Thiên Sầu..tôi rất thích
– Nhưng chính vì Chăm không muốn giữ kín và muốn giới thiệu Văn Hoá Chăm nên đã lên tiếng về “Tiếng trống Baranung” và “vũ điệu Apsara”. Ngay thời đại bây giờ con gái Chăm vẫn ăn mặc rất kín đáo , bạn vào các play Chăm xem thử con gái Chăm nào mặc quần đùi áo hở mông ,rốn ra đường ??
Anh .daovan nói ngoài đề rồi đó. Chúng ta hãy tập trung bàn về sự sợ hãi và cách giải quyết. Chuyện mặc áo hở là chuyện nhỏ. Nếu không thì đáng tiếc cho vấn đề mà nhà thơ Inrasara đặt ra.
Chào bạn Jabeh
Tôi đang giải thích vì sao Chăm chống “Tiếng trống Baranung” và “vũ điệu Apsara”. của anh Thiên sầu đang còm đồng thời trình bày ý niệm của tôi về từ Chống và sợ hãi của Chăm
-Theo tôi vì sao Chăm chống“vũ điệu Apsara”
+ Các động tác của vũ điệu rất đẹp khắc hoạ được vẻ đẹp của phụ nữ cách đã sử dụng các động tác tay và eo rất thành thạotrong điệu múa Chăm nhưng người Chăm chống là y trang của các vũ công này. Vũ điệu này không những phục vụ Chăm mà còn các dân tộc khác ở việt nam or giao lưu với bạn bè năm châu, nếu bạn có nhận định là các vũ công Apsara xa xưa của Chăm ăn mặc theo kiểu này thì tôi không dám bàn
+ “Tiếng trống Baranung” chưa trình chiếu nên tôi chưa đưa nhận xét riêng của mình nhưng xã hội Chăm chưa xãy ra cảnh dùng súng đạn trong giải quyết mâu thuận( Nếu có bạn chỉ cho mình biết hen thanks). Những mâu thuận của Chăm giải quyết một cách rất dễ dàng .
+Các trí thức Chăm luôn và đang cố gắng truyền tải “Văn Hoá Chăm” đến các bạn bè trên thế giới( Nhà thơ Inrasara, PGS TS Thành Phần …….)chứ đâu giữ kín khư khư như nhận xét của bạn Thiên Sâu. Nếu không các trí thức Chăm viết sách về” văn hoá xã hội Chăm và lập trang web “làm gì?
+ Nghệ thuật rất cần có sáng tạo nhưng phải dựa trên truyền thống phù hợp văn hoá của dân tộc đó
+Bạn có để ý không? các giao lưu văn hoá lớn của Việt nam với bạn bè thế giới luôn lấy áo dài or áo tứ thân làm chủ đạo chứ có bao giờ bạn thấy những cô gái Việt Nam mặc” Quần xì áo ngực” trong điệu múa truyền thống Việt Nam không?
Như vậy Chăm phải chống và phải sợ :là sợ mất đi vẻ đẹp và hình ảnh của văn hoá Chăm, nếu bạn sống đúng theo pháp luật hiện hành ở nước mà bạn đang định cư thì bạn không ” Sợ hãi”
Tôi nghĩ Thiên Sầu hiểu về “tiếng cười” trong bài viểt của Sara là hơi phiến diện. Anh dẫn chứng: trong hình chụp không thấy ai cười? anh hiểu cười theo
Nghĩa “sinh lý”. Còn Sara muốn đề cập đến cái cười hài hước, hội hè, vui vẻ; cái cười vượt lên nỗi sợ; cái cười hoá giải mọi hận thù đau khổ kia,…
(Với lại ai bảo Chăm ít cười: Sara biết cười nè, Kiều Maily hình nào cũng cười tươi như hoa đấy thôi).
Hãy nhìn gương dân tộc Do Thái. Họ cũng trở về như một sứ mệnh đã được tiên tri. Chăm có quyền hy vọng vì còn đó Tháp Chăm và thần Shiva…
Bài này quá hay, nhà thơ Inrasara đụng chạm đến vấn đề cốt lõi của xã hội Chăm hiện đại. Chỉ có một người suy tưởng thật sâu xa và thật lâu dài về xã hội mới thấy ra điều cốt lõi đó. Mỗi đoạn đều có ý nghĩa to lớn. Các hiện tượng bấy lâu trong xã hội Chăm được nhà thơ lý giải rất thuyết phục. Nó còn gợi ý cho nhiều bài khác cụ thể hơn.
Tôi không muôn trích dẫn ra đây mà chỉ đề nghị người đọc đọc đi đọc lại nhiều lần, và suy nghĩ cho thật chín chắn. Tôi đọc 4 lần rồi vẫn thấy vẫn còn ý nghĩa, đọc và thấy nhiều ý tưởng mới mở tâm trí mình.
Thật cảm ơn nhà thơ Inrasara.
Nhà văn Inrasara giải thích một hiện tượng lớn nhất của dân tộc Chăm suốt mấy mươi năm qua. Nhà văn tìm ra manh mối đó đúng căn bệnh dân tộc. Anh không phê phán căn bệnh bề ngoài như thầy Nguyễn Văn Tỷ, anh cũng không tố cáo người Chăm như vài trang mạng khác, mà anh truy tìm ở chiều sâu tâm hồn dân tộc mình. Nhà văn Inrasara đúng là nhà tư tưởng đích thực.
Theo tôi, nếu mỗi người Chăm suy nghĩ từ những gì nhà văn Inrasara suy nghiệm được, thì ta giải quyết được rất nhiều khúc mắc bấy lâu chưa mò ra được. Ta không sợ hãi nữa, mà nhìn thẳng vào thực tế mà hành động. Ví dụ, về phim Tiếng trống Paranung chẳng hạn, ta không nên tố cáo mà là hãy xem phim rồi, ta lên tiếng thật sự, có chứng cớ và lí lẽ, thì đạo diễn sẽ nể trọng ta. Còn nếu ta không biết gì về nghệ thuật hay chưa xem phim mà đã vội tố cáo, thì đạo diễn đó xem thường nói ta không biết gì, hay chỉ phát ngôn hồ đồ thôi.
Hãy thật sự thông minh và hiểu biết là thế.
Chúc bà con an lành.
Tôi thấy từ khi mở Web Inrasara này, các bạn chỉ biết khen và thán phục Inrasara, đọc hoài cũng thấy mỏi miệng. Thời đại Internet, khoa học kỹ thuật thì một người giỏi như Inrasara là bình thường, bộ các bạn thiếu thông tin lắm hay sao mà lúc nào cũng thấy ngạc nhiên và sững sốt với tài năng Inrasara? Nếu Inrasara không tài giỏi thì làm sao có cái tên một nhà thơ lớn. Nhưng các bạn khen quá mức cũng là hình thức khiêu khích và chê bai người khác, vì đang lúc lủng củng nội bộ Cham, là vấn đề nhạy cảm
Vài ý nhắc Inrasara và các độc giả
Cái “Sợ” thuộc tâm thức chung của loài người rồi – chẳng riêng gì Cham. Khi bị tước quyền thì con người ta lại càng sợ hãi hơn – con người ta sợ sự thay đổi, xáo trộn về nhânsinhquan bấy lâu – bởi vậy nên họ tỏ thái độ – đó cũng là lẽ đương nhiên. Haiza…
Gửi…
+ Bạn đọc Lộc:
Về khen Inrasara trên web Inrasara.com, tôi có nhắc vài lần, nhưng rồi vài bạn đọc vẫn còn… khen. Đành chịu. Hơi hơi giống trường hợp khen – chê NHQ trên Blog anh ở VOA. Tôi có hỏi bạn tôi cách ứng xử với trường hợp này. Đành chịu!
Riêng về bài này, tôi thấy có ý kiến trái chiều đáng chú ý.
Cảm ơn bạn. & xin bạn đọc chú ý hơn.
+ Tuệ Nguyên:
Sợ hãi là “chung” của nhân loại, xưa nay, và cho đến tận thế. Phật giáo: sợ hãi nền tảng, từ đó đề xuất 3 chữ: VÔ BỐ ÚY. Hiện sinh: ANGOISSE, xao xuyến… từ đó nảy ra chủ nghĩa hiện sinh.
Riêng Cham, khác biệt là ở vấn đề “biểu hiện” (ở xã hội Cham hiện đại rất đặc thù), và… tìm “phương thuốc” [cũng phải là loại thuốc đặc trị made in Cham].
Docgia
Đây là nhận định rất sai của Lộc:
“các bạn khen quá mức cũng là hình thức khiêu khích và chê bai người khác”.
“Khen” người này mà là “khiêu khích” người khác à? Suy luận lạ hén????
Ai viết hay thì đọc giả có quyền khen chớ, đâu riêng gì Inrasara. Riêng tôi thấy khen Inrasara là VÔ ÍCH, nhất là khen nhà thơ trên mạng của nhà thơ. Nhà thơ chúng ta đã nhận quá nhiều lời khen từ nhiều nguồn rồi.
Nhưng nếu đọc giả nào đọc bài nào của tác giả nào đó thấy hay thì khen, dở thì chê. Điều đó không có khiêu khích ai cả.
Tôi rất muốn các bạn đọc lại đoạn này:
“Biểu hiện rõ nhất là: phó mặc, hoặc phản ứng thái quá.
Phó mặc thì rõ rồi. Có chức có quyền, để giữ ghế – ta bỏ mặc phó thường dân thấp cổ bé họng bị đè nén. Có của ăn của để, lo an toàn cơ ngơi – ta phó mặc bà con láng giềng đói rách. Thoát ra khỏi biên cương, ta bỏ mặc kẻ mắc kẹt. Người có học nhiều chữ nghĩa lo bảo thân phó mặc đã đành, đến anh nông dân vô sản toàn phần cũng mang tâm lí thôi kệ, tới đâu hay tới đấy.
Hoặc ta phản ứng thái quá: bảo vệ quyết liệt – dù là cái lạc hậu nhất – miễn nó “là” Cham, để khẳng định nguồn gốc Cham của mình; và chống lại dữ dội – dù ta chưa hiểu thấu đáo – cái ngoại lai, nguy cơ làm mất [cái ta cho là] Cham tính.”
Tôi thấy nhà thơ Inrasara phân tích cái sợ hãi của người Chăm rất cụ thể và rõ ràng. Rất nhiều cái đáng sợ, chứ không có chung chung đâu:
– Đạo đức xã hội đảo lộn, thanh niên Chăm vào thành phố… 2 chuyện này xã hội nào cũng có.
– Riêng tình trạng đất linh thiêng bị xâm hại thì chỉ có người Chăm mới chịu, chịu nhiều hơn dân tộc khác.
– Và nhất là ĐHN chỉ dành riêng cho Chăm mà thôi.
Nhà thơ Inrasara nói là nói các “biểu hiện” đó, nêu bật và phân tích. Thi sĩ Tuệ Nguyên hiểu hơi lệch rồi.
Gửi chú Inrasara
Là người Chăm ở BT,
Lúc trước chưa biết qua trang wed này của chú, con chỉ biết đến champa.info, hay gilaipraung.com..
Nhưng khi tìm và đọc bài trong wed của chú
Con thấy nhiều “cái” của Người Chăm đã được chú nói, những điều mà con đã nói và muốn nói cho các bạn chăm ở quê nhà,
Nhưng hầu như con đều bị các bạn anti hết,
Đó… thật trạng của các bạn trẻ Chăm
Có thể con còn trẻ, có thể các bạn đó còn “tính” Cham [đồng hóa] quá
Chẳng trách, cũng chẳng biết trách cái gì !!! [tổ tiên sao]
Anh Văn
Sinh viên Chăm [ Khoa học tự nhiên Tp hcm]
Urang Churu
Không biết nói thế này có được không?
1/ Thứ nhất là, từ dưới nhìn lên, người ta thấy mình quá kém, nên sanh tâm đố kị. Người ta ANTI ai đó nổi tiếng, chứ đâu thấy ai anti những người vô danh.
Thứ hai là, điều anh thắc mắc rất dễ giải quyết. Anh cứ tin những gì anh đọc và anh thấy, chứ đừng có nghe ai đó nói hay xuyên tạc ai khác.
2/ Về ông Inrasara, tôi nhận định là ông nhà văn này còn may lắm. Một nhà văn lớn và triết học gia lớn thường suy nghĩ độc lập, khác hẳn đám đông, cho nên hay bị đám đông chống.
Tôi ví dụ, nhà văn Hy Lạp Kadăngdakít bị đuổi khỏi đất nước, nhà văn Nobel văn chương Pamuk bị 80 % trí thức Thổ chống. Còn ông Inrasara chỉ có một nhóm rất ít người chống thôi.
Đó là điều may cho ông, và là điều may cho Chăm ta.
Thân mến
Một tác phẩm nghệ thuật lớn thì gợi ra nhiều lỹ giải. Ví dụ truyện Mini về SỢ, có người suy diễn về sự sợ chung của nhân loại, có người diễn giải là từ nhà máy hạt nhân ở Ninh Thuận mà Sara có đặt ra, có người nói từ văn hóa sợ của giới văn thơ Việt Nam mà Sara có bài viết rất độc đáo… Vân vân… Theo tôi đều có lý cả.
Tác phẩm nghệ thuật không có MỘT nghĩa.
Truyện về Quê hương rất xúc động, truyên về giáo sư và lão ăn mày thì gợi về đạo đực hiên đang suy thoái tại Việt Nam ta, còn truyền về cái SỢ thì nói lên điều rất sâu xa về tâm lý con người.