Sài Gòn, 26-7-2013
Bạn đọc Kamay Cham thân mến!
Sáng nay, khi bài “Thế nào là thơ hay…” của Anh Thy đăng lên, bạn “phản hồi”: “Nhà thơ Inrasara đưa KM lên cao quá, chỉ hơn 1 tháng này mà anh đã lăng xê cho KM hơn cả chục bài, không biết sau này có xảy ra Chế Mỹ Lan thứ 2 không nhỉ. Để cho KM tự thân vận động và chiêm nghiệm thôi anh, đang ở trên mây cao quá sau này bị té xuống vực ngóc dậy không nổi đó anh.”
Nguyễn Anh Thy có trả lời lại là, không thể hiểu. Vì đó là bài “tôi viết, không có dính líu gì đến nhà thơ Inrasara… Lẽ nào người Chăm không muốn nhà thơ của dân tộc mình được khen…
Bài tôi gửi cho báo giấy sắp đăng, lẽ nào các bạn lại đi trách nhà thơ Inrasara nữa hay sao? Hay đi phê bình báo giấy đó tại sao đi “đưa KM lên mây”?”
Tôi nghĩ do bạn Kamay Cham chưa quen với sinh hoạt văn học, nên đã nhận định như thế. Xin lần lượt giúp bạn [và bạn đọc khác] hiểu vấn đề dư luận xung quanh tác phẩm nào đó bất kì.
1. Một sáng tác phẩm ra đời, là thuộc về dư luận, tác giả không thể can thiệp và không nên can thiệp. Việt Nam mỗi năm cho ra đời cả ngàn tập thơ, tuyệt đại đa số (khoảng 95%) chìm vào yên lặng. Chỉ khi nào tác phẩm gặp sự cố (bị thu hồi chẳng hạn) hay có sự kiện (đoạt giải thưởng lớn), nó mới được dư luận chú ý, còn lại thì không. Trong số 5% còn lại:
– có tác phẩm được vài ba tờ báo giới thiệu, rồi im ắng.
– có tác phẩm được báo chí đổ xô vào bàn cấp tập, một hồi rồi thôi.
– còn lại rất ít tác phẩm được dư luận chú ý lâu dài, có khi kéo dài 2-3 năm sau khi xuất bản; đây là trường hợp cực kì hiếm hoi.
2. Một vài ví dụ điển hình.
Tiểu thuyết Sợi xích của Lê Kiều Như sau khi ra mắt ở khách san New World sang trọng, bị dư luận đánh tơi bời, đếm lại ít nhất khoảng 30 bài phê phán. Tập truyện Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu nhận được/ bị dư luận hai chiều, cũng cấp tập không kém. Riêng tiểu thuyết Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú (Inrasara viết lời giới thiệu) được hơn 10 bài báo ca ngợi và phỏng vấn trong một tháng từ ngày ra lò in; nhưng hiện nay ít thấy đề cập đến.
Ví dụ gần và dễ thấy hơn, tập thơ đầu tay Tháp nắng của Inrasara ra đời (1996) được báo chí chú ý, đến khi nó đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn, thì sự quan tâm của dư luận càng tập trung hơn nữa. Có đến 20 bài báo và phỏng vấn đều đặn về tập thơ kéo dài suốt hai năm. Nhưng sang Sinh nhật cây xương rồng ra đời một năm sau đó (1997) thì hoàn toàn vắng ngắt. Đến một bài điểm sách cũng không có! Còn Hành hương em (1999) chỉ nhận được ba bài báo, rồi thôi.
Mãi khi Lễ Tẩy trần tháng Tư xuất hiện (2002), tên tuổi Inrasara mới thực sự lôi cuốn báo giới trở lại. Rồi khi tập thơ được Giải Hội Nhà văn (lần hai), và đoạt luôn Giải thưởng Đông Nam Á, nó càng hấp dẫn dư luận báo chí và nhà phê bình. Tập thơ được nói đến suốt 3 năm liền sau đó.
Câu chuyện này nói lên điều gì? Dư luận độc giả khá công tâm. Cùng tác giả đó, nếu tập thơ không có gì đặc sắc (ví dụ: Sinh nhật cây xương rồng), họ bỏ qua, nếu nó có gì đó đáng nói (ví dụ: Lễ Tẩy trần…) thì được bàn đến. Các tác phẩm kia tự thân vận động, chứ không có ai “đưa nó lên quá cao” hay dìm được nó cả. Bản thân tác giả càng không thể vận động nhà phê bình hay báo chí ca tụng nó.
3. Nói qua tập thơ Kiều Maily (xin miễn bàn về CML).
Tháng 8-2012, chùm thơ đầu tiên của KM xuất hiện trên báo, từ đó, các báo và tạp chí liên tục đăng thơ của tác giả nữ trẻ này. Inrasara giới thiệu, sau đó tự thân KM “vận động”. 7 tháng liên tiếp, hơn 10 tờ báo, tạp chí uy tín đăng thơ KM với lời giới thiệu rất trang trọng. Đó là điều đáng mừng.
[Nên nhớ, Inrasara là Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam, và là Trưởng Ban Lí luận – phê bình – Hội VHNT các DTTS Việt Nam. Bổn phận của tôi là “phát hiện” và “giới thiệu” nhân tố mới. Sau đó, chính nhân tố đó phải tự lo cho mình. Tôi “phát hiện và giới thiệu” cho người làm thơ cả nước, chứ không chỉ người Chăm. Riêng Chăm, tôi càng đặc biệt chú ý.]
Sau khi tập thơ Giữa hai khoảng trống của KM ra đời, đến nay đã có 7 bài viết giới thiệu trên báo giấy, trung ương lẫn địa phương. Bài “lời giới thiệu” của Inrasara in đầu tập thơ cũng được báo Phụ nữ Thành phố và Văn nghệ Thành phố đăng lại. Đây cũng là điều rất đáng trân trọng với tác giả trẻ người Chăm in tác phẩm đầu tay. Ngoài các thông tin ra mắt sách (chỉ là thông tin), các bài này tôi có đăng lại trên web Inrasara.com cho bà con – anh chị em Chăm biết.
[Riêng bài tôi viết về tập thơ (khác với bài giới thiệu), vì để dành độc quyền cho Tagalau 14, nên không đăng vội. Cả bài về tập thơ Trà Vigia cũng thế].
Theo chỗ tôi biết, có 3 bài nữa về tập thơ này chưa đăng.
Các báo tầm cỡ như Tuổi trẻ, Văn nghệ, Tiền phong, Sông Hương… họ biết họ phải làm gì. Họ không dại gì lăng xê cho tác giả vô danh nào đó, nếu thơ của tác giả đó không hay. Họ càng không bị nhà phê bình hay quan văn nào đó (như Inrasara chẳng hạn) thao túng để “đưa lên mây” một ai đó, nếu người đó không xứng đáng. Họ thấy thơ hay, họ ca ngợi, không ai cấm họ. Còn họ thấy thơ dở, họ im lặng hay chê bai, cũng không nhân vật nào có thể can thiệp.
4. Anh Thy là độc giả thường xuyên theo dõi web Inrasara.com, và hay có cảm nhận về thơ văn trên web này. Nếu anh viết bài cho báo nào đó, và gửi đăng ở web này, là điều hân hạnh. Một người ngoài Chăm viết cảm nhận (như Trần Can) hay viết phê bình (như Anh Thy) về một tập thơ của tác giả Chăm là rất đáng quý. Riêng bài của Anh Thy về tập thơ KM vừa chững chạc vừa khoa học, thì càng quý hơn nữa. Chúng ta cần khuyến khích họ, chứ không nên dè bỉu.
Riêng tôi, nếu có độc giả nào đó viết thực thuyết phục về tác phẩm của tác giả Chăm nào đó, gửi đăng trên web này, tôi sẽ đăng mà không chút e dè. Còn nếu tôi đăng về tác giả đó, mà bảo tôi “lăng xê:” cho tác giả đó, thì e không phải lắm.
Thân mến!
Cho dù chỉ qua 1 ý kiến ngắn của đọc giả, anh Inra đã bõ công phân tách chi li và phải lẽ.
Anh phân tách từ sinh hoạt văn học của người Việt rồi qua người Chăm. Rồi từ cái chung cho đến việc của riêng mình, rất là cụ thể. So sánh như trên để biết là, tập thơ Kiều Maily cũng thu hút dư luận tương đối.
Hơn 10 lần được trang báo chuyên văn học giới thiệu, 7 bài viết về tập thơ, và 1 lần là ảnh bìa, hình và tên bài được đưa lên trang bìa 1 tờ tuần báo của cả thành phố. Những người phụ trách báo đều là uy tín trong nghề lâu năm. Anh nói mừng cho người Chăm là do vậy.
Anh Inra còn có tình chỗ này nữa, là dù anh phụ trách về thơ cho cả nước, nhưng dĩ nhiên anh quan tâm đến các người Chăm trẻ hơn. Đó là điều đương nhiên. Nhưng rồi không phải vì thế mà anh đi “lăng xê” họ.
Cuối cùng là chính tác phẩm tác giả đó bảo lãnh cho chất lượng của nó.
Kajap karo bih drei.
Bà con không biết chớ, bài mà được lên trang bìa ở đó mà đùa.
Nói chú Sara đưa một ai đó lên mây là oan cho chú ấy. Đưa nhà thơ Việt cũng khó. Chú ấy đưa bản thân mình cũng đâu có được. Bài giới thiệu đó phải hay cái đã, mà tác giả được giới thiệu cũng phải xứng đáng nữa. Hiểu vầy mới gọi là hiểu, chớ nói cho có hay nói theo kiểu ghen tị thì không xong đâu, nhé.
Không biết đây là lời khen hay tiếng chê, nhưng đây là chuyện thật. Tôi gặp nhiều nhà thơ Việt Nam hay nổ, làm được một ít là khoe: nhờ tao mà thằng đó lên, nó là đàn em tao đó, chính tao đưa nó lên, hay thằng em muốn ông anh cho lên báo không… vân vân và vân vân…
Ông Inrasara có khác.
Còn chuyện này, theo tôi nếu không phải là bài ông Inrasara viết thì KM không thể lên trang nhất.
Ông viết bài điểm sách trên TS, ngay năm đó tập thơ của nhà thơ đó được giải thưởng Hà Nội, vậy mà tôi không thấy ông bảo “nhờ tao”. Ông giới thiệu 2 người Chăm làm ở cơ quan tỉnh và trung ương, giới thiệu nhà văn trẻ Kinh nghiên cứu ở nước ngoài, không thấy ông nói do tao. Anh nói một tiếng, nhà thơ kia được giải thưởng, cũng vậy. Nhiều lắm, chính đối tác đó kể lại với tôi.
Có người bảo ông Inrasara có quyền lực mềm.
Vậy mà ông cứ chối bai bải là chính họ vận động, chứ không phải tôi. Nói ông phủi tay cũng được mà khiêm tốn cũng xong. Người khác thì cứ nổ bừa nhờ tao đó, nhờ tao lăng xê nó đó…
Chị Kiều Maily có nhiều câu thơ hay do đó được dư luận chú ý quan tâm là hợp lý. Tôi ít đọc thơ mà đọc cũng thấy thích. 3 câu trích ở ngoài bìa đọc là thích rồi…
Karun.
“Quyền lực mềm”, bạn đọc Trần Sáng nói hơi to rồi đó.
Còn mấy chuyện trên bạn chỉ đoán mò thôi.
Thân mến!