Anh Thy: Thế nào là thơ hay, thử nhìn qua tập thơ Giữa hai khoảng trống của Kiều Maily

Jaya-08

Tôi vừa nhận điện thoại của nhà thơ Inrasara. Anh bảo mình thấy Anh Thy “phản hồi” bình luận thơ rất khá đó, sao không thử viết thành một bài cho có bài bản đi. Tôi nghĩ anh muốn khích tôi, nên hỏi: – Anh muốn em viết về gì nào? – Thế nào là thơ hay, chẳng hạn, – anh nói. Thế nào là thơ hay là đề tài lớn, các nhà lý luận và phê bình chuyên nghiệp còn chưa dám đụng đến, nói chi tôi chỉ là độc giả bình thường, thỉnh thoảng ghi vài ý kiến góp vui. Tôi nói với anh, thôi thì em cứ tạm bàn về tập thơ mới nhất của tác giả Chăm mà mình có may mắn đọc rất kĩ, là Giữa hai khoảng trống của Kiều Maily.

Thử múa rìu qua mắt thợ, có chi sai sót bà con chỉ giùm.

 

1/- Thơ hay có cái hay lộ và cái hay kín đáo. Nhưng dù gì, điều đầu tiên tứ thơ phải gây cho độc giả bất ngờ. Trong tập thơ Giữa hai khoảng trống của Kiều Maily, bài “Có nhà cái Tem không?” là ví dụ điển hình. Bài thơ bắt đầu bằng thông tin dự báo thời tiết, rất đỗi bình thường:

Tin 12 giờ trưa:

gió cấp sáu cấp bảy, giật cấp tám cấp chín

lũ sông Cái trên báo động hai 0,4 mét

trời vừa quang nhưng đang chuyển, vài vùng còn mưa…

Tin 7 giờ chiều:

mưa kéo dài ba giờ liền trên diện rộng

đỉnh lũ trên báo động ba 0,3 mét, 0,5 mét, không phẩy…

Rồi là thông tin cắt ra từ báo, càng bình thường hơn nữa.

Những con số trêu ngươi

những con số thống kê vô hồn

1.137 căn nhà dân bị ngập sâu trong nước,

56 nhà bị sập hoàn toàn…

có kể luôn nhà cái Tem không?

Thông tin gần như in ra nguyên văn. Maily khiến người đọc cứ muốn đặt câu hỏi: ủa, cái gì đây? Thơ đâu rồi? Nhưng bất ngờ, cái câu: “có kể luôn nhà cái Tem không?” thay đổi tất cả. Một câu mang tính quyết định chuyển thông tin vô hồn vào tình cảm thật sâu đậm. Đó chính là thơ. Và là thơ hay. Chị TN ở báo Tuổi trẻ có ấn tượng rất mạnh với cách chuyển tứ ở bài thơ này.

 

2/- Sáng tác thơ lộ hay đã khó, làm được thơ kín đáo mà hay cũng không dễ. Nói đến thơ “lộ”, hai câu thơ của Tuệ Nguyên tôi cho là rất đắc (câu này tôi trích theo nhà thơ Inrasara):

Tôi đang sống cùng thời đại với họ,

nhưng khi họ cứ mải mê dò từng bước để đi thì tôi lại nằm một xó tập bay

Tứ thơ mới, và nó hay ở chỗ bất ngờ, và rất lạ. Nhà thơ Inrasara cũng có nhiều bài thơ lộ hay (ví dụ bài “Ngụ ngôn của Đất”), bên cạnh các bài thơ kín với những ngôn từ và ý tứ vừa hàm súc vừa tinh tế (bài “Apsara, vũ nữ Chàm” chẳng hạn). Maily viết hai câu thơ rất kín như sau:

Gác trọ Sài Gòn ai hát khúc Thei mai

Hồn người như mộng vỡ.

Thi sĩ này không la to là yêu dân tộc, chị cũng không ca tụng nét đẹp văn hóa truyền thống Chăm, mà chỉ nhìn vào tâm hồn mình, nói về mình. Nói về cá nhân mà như nói cho cả tập thể. Bài dân ca “Thei mai” nổi tiếng của người Chăm ăn sâu vào tâm hồn chị, thấm trong máu chị. Một chiều gác trọ cô đơn giữa Sài thành xa lạ, có ai đó đã cất lên tiếng hát. Bài ca đánh thức tâm hồn chị, làm cả con người chị rúng động, để chị bật lên tiếng thơ. Thơ ý tứ rất kín đáo mà nói được nhiều.

Liên hệ đến bài thơ “Nhớ” của Phạm Tiến Duật. Bài thơ ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà ta không thấy một chữ cách mạng hay anh hùng nào trong đó cả. Chỉ thấy “nhớ”, “nằm”, “chờ”, “nôn nao”…

Cái vết thương xoàng mà đưa viện

Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo

Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến

Nôn nao ngồi dậy, nhớ lưng đèo

Thế mà nhà thơ này đã làm nên tuyệt bút.

 

3/- Thơ hay còn là thơ có tứ mới. Không phải nội dung mới. Nội dung mới thường dành cho tiểu thuyết hơn. Còn thơ thì không cần lắm: tình yêu và tình ghét, chiến tranh và hòa bình, quê hương đất nước… Ý mới cũng không cần nữa: sự vô thường của đời sống, nỗi đau khổ của chia li… nhà thơ trên thế giới nói hết rồi. Mà ý tưởng lớn của nhân loại có bao nhiêu đâu! Do đó, điều cốt yếu chính là tìm ra tứ mới cho thơ. Maily có vài tứ mới. Bài “Con nút” hay “Tờ vé số duyên” là hai bài đáng đọc. Tôi thích nhất là bài “Mương Đực – Mương Cái”. Bài này Maily mượn từ tích của văn học dân gian Chăm. Chị chỉ thay đổi tứ, để thành ra ý niệm về nữ quyền. “Anh dám mang phần số loài cá hồi không?” – rất độc đáo. Thay đổi chế biến để cái đã cũ thành ra tứ thơ mới mẻ, đặc sắc như thế, mới tài.

 

4/- Cuối cùng, thơ hay cốt yếu ở lối dùng thi ảnh và cách nói, ngôn từ thơ mới lạ.

Cái tôi đã chết hôm qua

tôi đã làm đám tang                và        đã khóc tiễn

cái-tôi-đã-chết            đã chôn

có kẻ đào lên khuấy thành đám bọt trong li bia buổi chiều

làm thức nhắm

Ừa, bạn hãy thì thầm nếu thích

bạn cứ nhắm nháp với li bia buổi chiều                  nếu thích

chỉ nhớ

đó không còn là tôi.

Tôi cho đó là cách nói lạ, bất khả đoán trước nên gây bất ngờ. Hoặc điều mà ai cũng biết, ai cũng từng trải nghiệm, nhưng chưa có ai nói, thi sĩ đã nói thay cho chúng ta. Chúng ta cần thi sĩ là vậy. Maily viết:

Có khi em chợt quên bẵng khuôn mặt anh

… Có khi bất chợt em quên rất nhiều khuôn mặt.

Hình ảnh người mẹ: “Người mẹ kiên nhẫn mót những nhánh lúa sót lại cuối cùng/ khi chiều đã nhuộm thẫm áo chàm”, hay hình ảnh lũ trâu: “dòng mương như chậm hơn/ đựng lũ trâu nằm lì dầm nước” là rất đời thường, khi được Maily mang vào thơ, ta thấy rất thơ.

Tôi thích nhất là cách sử dụng tiếng Việt của Maily. “Dáng người đi như nhớ” – lạ quá! Hoặc: “Đồi cũ nằm ườn quê cũ”. Đó là thứ tiếng Việt tài hoa, mà chỉ thi sĩ tay nghề cao mới viết được.

 

Bốn yếu tố kết thành để làm nên thơ hay, tập thơ Giữa hai khoảng trống của Kiều Maily đều có. Tập thơ đầu tay của khuôn mặt thơ mới này cuốn hút người đọc là vậy. Và điều cuối cùng để thơ đọng lại trong lòng người đọc là sức âm vang của nó. “Anh là một vệt sáng buồn/ bước vào đời em làm giông gió” là một. Và bài “Nhảy”, bài cuối cùng kết thúc cho phân đoạn ba, cũng là phần cuối của tập thơ. Kết thúc, không phải đóng, mà là mở ra một chân trời khác, mãnh liệt hơn, bao la hơn:

Giữa anh và em là vực thẳm

mấy lần số cát bãi Nam Kương kia không thể lấp đầy

 

giữa đôi mắt chúng ta là vực thẳm

đắm đuối đến đâu cũng không thể đầy

 

giữa thân thể chúng ta là vực thẳm

ngàn nụ hôn cũng không thể làm đầy

 

anh có muốn nhảy không?

Em đã, còn anh – anh có muốn nhảy không? Nhảy về phía hội nhập bình đẳng, về phía mới, phía sáng tạo. Anh có dám không?…

 

Phan Thiết, ngày 22/7/2013

 

3 thoughts on “Anh Thy: Thế nào là thơ hay, thử nhìn qua tập thơ Giữa hai khoảng trống của Kiều Maily

  1. Nhà thơ Inrasara đưa KM lên cao quá, chỉ hơn 1 tháng này mà anh đã lăng xê cho KM hơn cả chục bài, không biết sau này có xảy ra Chế Mỹ Lan thứ 2 không nhỉ. Để cho KM tự thân vận động và chiêm nghiệm thôi anh, đang ở trên mây cao quá sau này bị té xuống vực ngóc dậy không nổi đó anh.

  2. Tôi không hiểu Kamay Cham nói gì!
    Bài tôi viết tôi gửi đăng trên Inrasara.com thì có dính líu gì đến nhà thơ Inrasara. Thực tình tôi không hiểu. Lẽ nào người Chăm không muốn nhà thơ của dân tộc mình được khen. KM làm thơ hay, thì được khen, nếu dở người ta chê, hay không nói đến tập thơ đó.
    Bài này tôi gửi cho báo giấy và nó sắp đăng, lẽ nào các bạn lại đi trách nhà thơ Inrasara nữa hay sao? Hay đi phê bình báo giấy đó tại sao đi “đưa KM lên mây”???
    Thương mến!

  3. hồi anh Inrasara mới xuất hiện, nhà thơ Trúc Thông khen “Quê Hương là 1 trong những trường ca hay nhứt của thơ Việt hiện đại”. còn nhà thơ Trần Lê Văn viết “thơ Inrasara có âm điệu tân kỳ”, và nhiều nữa…
    nếu lúc đó mà có mạng, chắc thế nào Kamay Cham cũng khuyên 2 nhà thơ lão thành này chớ “đưa anh Inrasara lên mây xanh”, khéo rớt bịch xuống đất không ai đỡ…
    và rồi khi đó, điều gì sẽ xảy đến với anh Inrasara, có Pô Yang mới biết…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *