Phiêu lãng Tagalau

Tagalau02

Tháng Tư khô – bờ xanh xương rồng xanh

Tháng Bảy mưa – bằng lăng đồi nở tím

Chạp lạnh sang – rừng mai rực sắc vàng

Quê ta ba mùa – đủ ba mùa phiêu lãng.

(Inrasara, Hành hương em, 1999)

Vừa qua – đầu tháng 7, xe đò ngang đồi Vĩnh Hảo, tôi bảo “tài xế” ngưng xíu, có chuyện. Tài xế chiều tôi. Tôi xuống xe, và đứng nhìn. Vài khách theo tôi xuống, và… đi tiểu. Rồi mọi người lên xe. Tôi không nói gì cả. Tôi biết, rất ít người nhìn thấy. Dường như không có ai. Hoặc họ có nhìn nhưng không thấy.

Tôi giàu đôi mắt – Xuân Diệu nói thế. Tôi tin Xuân Diệu. Ông Trời cho thi sĩ đôi mắt để nhìn. Nhìn để mình giàu có, từ đó mang cái giàu có kia trả lại cho nhân loại. Hơn thế, thi sĩ nhìn, để làm giàu thiên nhiên, để làm con người giàu có hơn, cuộc đời giàu có lên.

Riêng tôi, đồi Vĩnh Hảo là một kỉ niệm làm sẹo khó chữa trị.

Năm 15 tuổi, anh Sửu – ông anh rể rủ tôi đi ké xe Honda 67 anh Trợ vào Krong bẫy chuột. Chuột đồng vùng này là takuh truk, rất béo. Chỉ qua đêm, ba cái rọng to đã đầy “eg”. Ba anh em đèo nhau về ngay sáng hôm sau. Ngang qua Vĩnh Hảo, cả một rừng hoa vàng bao la mở ra trước mắt tôi. Hỏi, ông anh nói: hoa mai vạn thọ. – Mầy không biết đi sâu vô trong núi còn có cả rừng mai thuphi nữa kìa, – anh Sửu thêm. Tôi rất muốn bảo anh Trợ cho ngưng xe, nhưng không thể. Xe đi ké mà! Sau đó, tôi còn biết đây là vùng đất nhiều bằng lăng tím nhất.

Tương truyền vua Chế Mân sau khi cưới công chúa Huyền Trân, đã lên kế hoạch biến vùng đất nắng này thành khu du lãm. Trên núi trồng mai thuphi, dưới ngàn là rừng mai vạn thọ, mấy ngọn đồi thì được phủ đầy hoa bằng lăng tím, và dĩ nhiên nguồn suối Vĩnh Hảo được trời ban phát cũng được tận dụng.

Tagalau01

Rồi ngày qua, tháng qua… Rừng nhiệt đới bị “lên kế hoạch” tàn phá…

Nhiều lần đi xe đò ngang qua đồi Vĩnh Hảo, thấp thoáng nhìn thấy rừng mai, đồi lằng lăng, có lúc tôi thầm mong xe banh, để mình được thưởng lãm một lần. Nhưng không. Đòi hỏi bác tài thì càng không thể. Thời buổi ấy, được lên xe đứng đã là may mắn, chứ khách hàng chưa được thăng chức thượng đế như ngày nay.

Khi kế hoạch phá rừng đến đầu thập niên 90 là hoàn thành, thì đồi bằng lăng Vĩnh Hảo coi như đi tong. Nhưng may, bằng lăng là loài sống dai, nên nó cứ tồn tại, bất kể rừng bị phá lấy gỗ lấy củi, bất kể đồi bị phanh thây bởi dân chơi cây cảnh các nơi đổ đến.

Và hôm nay, dường như rừng bằng lăng đang hồi sinh…

Karun Jaya đã cho chúng ta hai ảnh tuyệt đẹp!

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *