Inrasara: Huệ Triệu, giữa lặng yên và bùng nổ

Giới thiệu tập thơ Huệ Triệu, Thức một miền xanh, NXB Thanh niên, H., 2011

Đã đăng tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, số 181, 20-10-2011

 

Ý thơ nói lên tình cảm/ tư tưởng nhà thơ, đa phần là vậy. Nhưng nhìn ở bề sâu, chính ngôn từ nhà thơ sử dụng bộc lộ đầy đủ nhất con người nhà thơ. Các chữ lặp đi lặp lại gần như tràn ra từ vô thức thẳm sâu, đến nhà thơ không ngờ tới. Chúng đến, và ở lại đó. Không cần mời gọi hay mất công suy nghĩ tìm kiếm. Có xua đuổi chúng cũng không đi. Để đôi lúc đầu óc nhà thơ phiêu du lơ đễnh, chúng quay trở lại.

Huệ Triệu là một. Yên lặng, yên ả cùng các chữ mang nghĩa tương cận cứ lặp đi lặp lại trong Thức một miền xanh – liên lỉ, dày đặc.

“Ngày gọi ngày qua yên ả”, “ngày lặng yên”, “nhớ – lặng yên”, “bàn chân buốt thầm”, “bình yên lạc mắt bão”, “yêu thương lặng thầm”, “thì thầm lời yêu” “lời tình yêu không lời”, “tiếng vọng âm thầm thế gian”, “yên lặng như một niềm níu giữ”, “tiếng lá thầm thì”, “chiếc lá lặng thinh”,  “chiếc lá rơi miền nhớ lặng”, “bông hoa lặng”,… Rồi là “không dễ gọi tên gì”, “giấu tên em”, “nỗi niềm không tên”, “khoảng nhói đau không lời”, “nước mắt lặng trong mặt đá”,…

 

Chúng là những ám ảnh không dứt ra được. Không thể dứt, và lạ là: không muốn dứt.

Mong yên lành trong lớp kén tơ xanh

 

Mong là vậy, nhưng có được đâu! Dù chỉ MỘT lần, một ngày, một đời…

Chữ “một” cũng  là chữ thường xuyên xuất hiện trong Thức một miền xanh. Đó là điều lạ. Lạ, nhưng không phải “một” mất liên lạc với cõi “lặng yên” kia. Biết đâu, cái này là hệ quả của cái kia, và ngược lại.

Nhà thơ đã từng “khóc một lần… thơ”, “cười một lần… say”, “một lần thu – hoa sữa”, “một bóng lau gầy”, “một ngày thổn thức”, “lối về một sắc mong manh”, “rưng rưng một bến xanh bờ”,… Nhà thơ đã chịu đựng “một ngày anh vắng”, đã nhìn thấy “heo may đến sớm một ngày”, để nhớ nhung, để thương cảm, để lặng yên không lời cho “hết một tháng Tư”…

Nhưng “vẫn còn gần một cuộc đời” ở đó. Để tiếp tục “muộn màng”, “lỡ khuyết”, thất thố, hụt hẫng. Yêu là thất thố, hụt hẫng. Không phải một lần mà là trăm, ngàn, muôn lần,… không biết nữa. “Vọng Phu” là biểu tượng đau, đẹp của mong và đợi, của buồn và nhớ.

Một hoàng hôn thiếu phụ

Mấy trăm năm

Mấy ngàn năm

Nước mắt lặn trong mặt đá

… Đừng buồn

Vọng Phu ơi

Đôi khi không mất mát

Biết đâu còn mất mát nhiều hơn!

 

Đó là cách nhìn lạ, một diễn ngôn khác về “Vọng Phu”, nói theo kiểu hậu hiện đại. Đau và buồn, chờ và nhớ, chị đứng đó, tạc hình vào sáng vào chiều vào tối, trăm năm ngàn năm – vĩnh cửu. Là một mất mát lớn, nhưng đó là mất mát một lần, rồi thôi. Riêng em ở đây, đã yên lặng chịu đựng mất mát từng tí một, từng ngày một, tháng qua tháng, năm qua năm. Thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư,… những khuôn mặt ấy, những điệu bộ ấy và hành vi ấy lặp lại. Trong “căn phòng chật” ấy, chúng bào mòn em, làm gầy hao tâm hồn em, sinh lực em, niềm tin em. Không thoát được.

Em ước “nếu có một ngày”, rồi lại “nếu có một ngày” em ước…

 

Chính tại nơi đây, ta nhận ra ước vọng phá rào của Huệ Triệu. “Muốn gầm một tiếng tan u uất” – Tố Hữu xưa đã vậy, khi tâm hồn tự do bị khóa chật nơi chốn tù đày. Ừa, thà tù đày đi, còn dễ thở. Ở đây thì khác: một tù đày vô thời hạn! Gần hơn – Lê Khánh Mai đã hết chịu nổi sự gò bó và đều đều nhàm chán của cuộc sống thường nhật, ngày tháng biền biệt trôi: “vang tự hồn sâu phải sống khác thôi/ không sống khác không thể nào viết được…” (Đẹp, buồn và trong suốt như sương, 2005). Sống khác và viết khác. Sống khác để có thể viết khác đi. Đó là ước mơ muôn đời của nghệ sĩ sáng tạo. Phải thay đổi đời sống để qua đó, thay đổi lối nghĩ mới hi vọng làm mới thơ ca. Còn thơ có mới không và mới đến đâu, thì không ai có thể biết được.

Đồng thanh đồng khí, qua “Chợt nghĩ trong căn phòng chật”, Huệ Triệu cũng đã cất lên tiếng nói đồng điệu, nhưng theo một cách thức khác:

Thổi lên đi

Ngút ngàn

Tro lửa

Không xanh xám ơ hờ

Không tối sẫm dối lừa mặc cả

Không vỡ vụn bình minh trễ nải

Chỉ còn ta thành thật yêu người

 

Nào đứng lên ủ rũ tôi ơi

Ra khỏi căn phóng chật!

 

Dẫu chỉ một lần “chợt nghĩ” giữa lặng yên và bùng vỡ, chợt nghĩ thôi – thơ Huệ Triệu đã khác. Không còn nhịp nhàng mượt mà của lục bát cổ điển, hết còn kì khu câu chữ kiểu “ngơ ngác thương”, “phố ngơ ngác nắng” hay “hoàng hôn chợt tím”, “chiều tím quá đựng không vừa nỗi nhớ”,… Ngôn từ thơ bộc trực hơn, nhịp thơ đi nhanh hơn để đưa thơ trực diện với thực tế cuộc sống, nói thẳng điều muốn nói mà không phải qua vần vè, ẩn dụ.

 

Huệ Triệu có được nhiều lần “chợt nghĩ” như thế nữa không?

 

Sài Gòn, 2-10-2011

2 thoughts on “Inrasara: Huệ Triệu, giữa lặng yên và bùng nổ

  1. Một lần nữa cảm ơn nhà thơ – nhà phê bình văn học Inrasara!
    Cảm ơn nhà thơ về những ấm áp, và cả những lời nhắc nhở

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *