Giữa hai khoảng trống ra mắt độc giả: thông tin & hình ảnh

RA MẮT TẬP THƠ

GIỮA HAI KHOẢNG TRỐNG – KIỀU MAILY

Phòng trà Giai Điệu Xanh – Tân Phú – TPHCM, 16-6-2013

10-Hội trường Giai điệu xanh2

*

Sài Gòn mưa! Mưa và gió lớn từ 12g45. Đường sá ngập nước. Các tin nhắn bay đến: cháu [mình, em…] đang kẹt đường, Sara ơi! Tưởng bể dĩa, bởi 3 giờ chiều mà chẳng thấy bóng ai đâu! Nhưng không. 3g15, 3g20… rồi 3g30 hội trường Giai điệu Xanh chật cứng. Ban tổ chức phải kê thêm ghế… 57 người cả thảy.

1. Múa mừng – tamia ôn: Kiều Maily – Anh Thư – Sati.

KM-mua* Múa mừng – tamia ôn là truyền thống mở đầu cho Lễ hội Chăm.  

2. Nhà thơ Inrasara, rời chức vị Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam, tình nguyện làm MC,  giới thiệu thành phần tham dự.

2-Inrasara dẫn ch trình.

– nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, phụ trách Ban văn Trẻ.

– cha nhà thơ Kiều Maily, từ quê mới vào kịp buổi Ra mắt.

– đại diện Quỹ Văn chương & Cuộc sống: công tác đột xuất không dự được.

– các nhà thơ ở thành phố Hồ Chí Minh cùng cô bác Chăm và các bạn yêu thơ

3. Nhà thơ Phan Hoàng phát biểu chào mừng buổi ra mắt tập thơ

3-Phanhoang phát biểu

– Mươi năm qua, tôi nhận thấy có một thế hệ thơ Chăm xuất hiện. Thế hệ đầy tài năng: Đồng Chuông Tử, Jalau Anưk, Tuệ Nguyên…

– Hôm nay, tôi vui mừng đón chào một khuôn mặt mới là Kiều Maily.

Giữa hai khoảng trống rất ấn tượng. Nếu che tên tác giả và các tiếng Chăm được dùng trong tập thơ, thì khó mà biết đây là thơ của người nữ Chăm. Đó thuộc thơ hiện đại.

4. Kiều Maily giới thiệu khái quát về mình

4-KieuMaily tự giới thiệu

Maily xin chào các nhà thơ yêu mến!

Xin chào nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, phụ trách Ban văn Trẻ.

Chào nhà thơ Inrasara, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam, đã có những chỉ dẫn về chuyên môn khi đọc bản thảo tập thơ đầu tay của Maily.

Cảm ơn những vị vắng mặt hay đang ở xa: ca sĩ – nhạc sĩ Chế Linh, nghệ sĩ múa Sani, anh Thạch Ngọc Xuân, anh Lưu Quang Sáng, web Nguoicham.com… đã mua hỗ trợ tập thơ.

Và dĩ nhiên, xin cám ơn những người đang có mặt ở đây cùng tham dự buổi Ra mắt tập thơ này. Xin chào tất cả mọi người…

Maily làm thơ đã lâu, nhưng ít khi gửi đăng báo. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng PTTH, một năm qua “thất nghiệp”, mới làm thơ trở lại. Có bạn nói đùa, càng làm thơ thì càng thất nghiệp. Câu đùa mà thật, dù có thể đó là nhận định sai. Vì dẫu sao, bên cạnh làm thơ, Maily còn viết báo. Các bài về ẩm thực Chăm đã được đăng rải rác. Hi vọng một ngày nào đó, Maily sẽ làm được cái gì đó về văn hóa ẩm thực dân tộc.

Còn lúc này, xin được làm thi sĩ đã… Đứa con tinh thần đã chào đời. Nó thuộc quyền nhận định của người đọc. Bởi vậy, Maily xin nhường lời cho chú bác, anh chị em ở đây.

5. Inrasara giới thiệu tác giả – tác phẩm

Dân tộc Chăm có truyền thống văn chương, là điều miễn bàn. Tiếc là, truyền thống ấy đứt quãng một thời gian khá dài. Trước 1975, rải rác có vài người viết, nhưng chưa nhiều, và cũng không có tác phẩm nào in ấn chính thức. Cả khi đất nước thống nhất, tất cả vẫn yên ắng. Mãi năm 1996, khi tập thơ Tháp nắng của Inrasara ra đời, văn chương Chăm mới có tiếng nói trên văn đàn Việt Nam. Rồi khi đặc san Tagalau số đầu tiên ra mắt vào mùa Katê năm 2000, các cây bút Chăm mới thật sự nhập cuộc.

Đến nay, đã có hơn trăm cây bút Chăm xuất hiện, cả thơ lẫn văn xuôi. Riêng về tiếng Việt, đáng kể nhất phải kể đến: Trà Vigia, Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Bá Minh Trí, Diễm Sơn… Trong đó có người đã hay chưa in sách, nhưng tất cả đều rất đáng chú ý. Đặc biệt, ở đó xuất hiện các cây bút nữ. Ngoài nước có Chế Mỹ Lan đã có 2 tập thơ, trong nước có Trà Ma Hani với một tập thơ cho thiếu nhi. Và hôm nay, thêm Kiều Maily góp mặt.

Kiều Maily xuất hiện trên văn đàn có mấy cái lạ. Lạ thứ nhất là các chùm thơ xuất hiện khá dày trên các báo và tạp chí uy tín chuyên ngành. Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Sông Hương, Văn hóa Dân tộc, Văn nghệ trẻ, Tiền Phong chủ nhật, Văn nghệ TPHCM…

Lạ thứ hai là sau non một năm có mặt, các sáng tác kia đã làm nên một tập thơ. Lạ nữa, tập thơ được Quỹ Hỗ trợ Văn chương & Cuộc sống tài trợ toàn phần. Đây là điều hiếm. Rồi ca sĩ kiêm nhạc sĩ Chế Linh, sau khi đọc bản thảo, đã không ngần ngại ủng hộ thi phẩm ra đời. Điều nữa không thể không nói, là tập thơ được trình bày trang nhã, bắt mắt. Có thể nói, lạ và đẹp.

Giữa hai khoảng trống có gì lạ? Bà con, anh chị em vừa chứng kiến một Kiều Maily-múa rồi. Vậy, Kiều Maily-thơ thế nào? Xin mọi người cho biết ý kiến…

KM-va BA

* Cảm tưởng của tôi (cha Kiều Maily): “bất ngờ và vui

6. Ý kiến của độc giả và khách mời cùng vài tiết mục hát và ngâm thơ xen kẽ

6.1. Anh Thư đọc bài thơ “Mương Đực – Mương cái”

10-KM-Anh Thu đọc thơ

6.2. Nhà thơ Mai Hường: “Nhà thơ nữ thường đa đoan. Tôi mong bạn thơ Kiều Maily không phải chịu định phận này. Thơ ngày càng độc đáo hơn”. Đọc bài thơ “Có khi…” và “Nhảy”.

5-Maihuong đọc thơ1

6.3. Bạn Thảo trình bày ca khúc “Bhum Adei”

10-KM-Thao hat Bhum Adei

* Hai câu hỏi MC dành cho tác giả

Câu hỏi 1. Tại sao ML đặt tên tập thơ là Giữa hai khoảng trống?

– Tập thơ được phân làm ba phần. Phần 1. Phố và quê, phần 2. Em và anh, phần 3. Giã từ tôi hôm qua.

Tôi sinh ra và lớn lên ở quê. Học và đang làm việc ở phố. Cách biệt giữa hai môi trường tự nhiên và văn hóa là rất lớn. Điều đó nảy ra câu hỏi: làm sao có thể hội nhập mà vẫn giữ được cái riêng. Câu hỏi tạo nên sự lo âu, xao xuyến. Chuyện tình đôi lứa cũng vậy, làm sao hai nửa có thể hiểu và cảm thông nhau? Thế nhưng dẫu sao, “cái tôi cũ” cần phải được vượt qua, để làm mới mình, và làm mới thơ. Tạm cho tên tập thơ ý nghĩa như vậy.

6-MC Chất vấn KieuMaily

Câu hỏi 2. Tôi tình cờ có đọc một comment trên mạng Inrasara.com, là thơ ML cũng có dấu vết Inrasara. ML có ý kiến gì về nhận định này?

– Sau khi đất nước thống nhất, Inrasara chắc chắn là nhà thơ Chăm đầu tiên in thơ bằng tiếng Việt. Lại là nhà thơ nổi tiếng trong nước, và cả nước ngoài nữa. Tôi không thể không đọc thơ Inrasara. Đọc nhiều thành nhiễm. Tôi nghĩ nhiều người Chăm yêu thơ cũng đọc chú Sara. Đọc và bị ảnh hưởng. Và đâu phải riêng tôi, có nhiều người làm thơ ảnh hưởng thơ Inrasara. Có điều tôi cũng xin lưu ý là, ngoài sáng tác thơ, Inrasara còn dịch thơ cổ tiếng Chăm ra tiếng Việt. Cần nhận ra hai khía cạnh này của Inrasara.

10-Dongnguyen ngâm thơ

* Nhà thơ Đông Nguyên đọc ngâm bài thơ “Giữa hai nỗi lạ“.

6.4. Jalau Anưk: “Nhiều nhà thơ ra tập thơ đầu rồi tắt. Tôi hi vọng Kiều Maily còn đi xa. Tiếp tục ra những tập tiếp theo, hay hơn”. Đọc bài thơ “Sống cứ vô cùng”.

6-Jalau Anưk ý kiến và đọc thơ

6.5. Tuệ Nguyên: “Thế hệ thơ trẻ Chăm xuất hiện ngày càng đông. Trong đó có các bạn thơ nữ. Kiều Maily sẽ là khuôm mặt mới thuộc thế hệ đang đi tới đó…”. Đọc bài thơ “Đốt cháy lại giấc mơ”.

6-Tuệ Nguyên ý kiến và đọc thơ

6.6. Jaka: “Giữa hai khoảng trống nói lên rất nhiều điều, trong đó điều quan trọng nhất là khoảng cách nam/ nữ. Sự xuất hiện của Kiều Maily như một biểu tượng nỗ lực lấp đầy khoảng cách đó.” Đọc bài “Mương Đực – Mương cái”, và giải thích: “ý tưởng trên được thể hiện qua bài thơ rất độc đáo”.  

7-Jaka nhận định và đọc thơ

6.7. Em Tá – em út Kiều Maily – trình bày ca khúc tiếng Việt tặng chị.

10-Em ut KM hát tặng chị

6.8. Javinh đọc bài thơ tiếng Chăm “Ragam tamia anưk mưnux” (Vũ điệu con người”)

8-Javinh đọc thơ tiếng Chăm

6.9. Putra trình bày ca khúc người Chăm An Giang.

10-Putra hát góp vui

6.10. Javy thay mặt cho các Mạnh thường quân tặng quà cho tác giả.

9-JaVy thay mặt Hội Đồng hương Chăm tặng quà

7. Phát biểu cảm tưởng của tác giả

Hôm nay thật sự là ngày vui của Maily. ML không ngờ các nhà thơ nổi tiếng, chú bác Chăm, anh chị em Chăm đến ủng hộ buổi ra mắt tập thơ đông vui như thế.

Vinh dự nữa, khi nhà thơ Phan Hoàng, đại diện Hội Nhà văn TPHCM có mặt. Nhưng công lớn không thể không kể đến nhà thơ Inrasara. Chú Sara đã hết mình giúp đỡ ML để tổ chức thành công buổi ra mắt. Buổi ra mắt không thể thành, nếu không có sự hỗ trợ của trang web Nguoicham, anh Lưu Quang Sáng, anh Thạch Ngọc Xuân – những người đã mua sách để dành tặng cho sinh viên đang học ở TPHCM.

ML xin thành thật nói lời cảm ơn.

Cảm ơn ba đã từ Phan Rang lặn lội đến. Cảm ơn bó hoa của cô Loan. Cảm ơn anh Ikan di Ram thiết kế giấy mời, bạn Ya Trang phụ trách phần tiếp khách, và cả sự khích lệ động viên tinh thần của văn nghệ sĩ, chú bác, anh chị em Chăm đang học, sống và làm việc tại Sài Gòn.

ML xin cảm ơn tất cả mọi người.

Tadhuw kajap karô – thug siam!

8. MC tổng kết và bế mạc.

 

5 thoughts on “Giữa hai khoảng trống ra mắt độc giả: thông tin & hình ảnh

  1. Bác Inra làm MC vui đáo để, vui và còn hấp dẫn nữa. Tui không thấy ai ra về trước cả. Phòng chật đầy. Chị Vân nở mũi phải biết. Chăm mình làm gì chớ, vui chơi thì luôn chơi tới bến đó. Tui nghe mấy ông bà nhà thơ người Việt khen nức nở.
    Nghe đồn bác Inra làm cao lắm, đố ai mời bác được. Vậy mà với anh chị em Chăm thì bác phải nói… hết mình. Chết bỏ!
    Tui mong anh Đăng Ái, anh Tuệ Nguyên cũng nên lôi kéo bác ấy làm…

  2. Lâu nay tôi chỉ biết người Chăm qua tivi, nay mới thấy thật. Nhiều cô gái đẹp, múa thì khỏi chê – rất là tuyệt. Xem họ phát biểu mới văn minh làm sao. Nhận định về thơ ca theo tôi rất tuyệt vời. Tôi không nghĩ người Chăm như vậy bao giờ cả. Và đặc biệt hôm qua trong họ không có ai bỏ về dở buổi như nhiều buổi ra mắt sách mà tôi có tham dự. Tôi rất lấy làm lạ và bất ngờ.
    Tôi cảm ơn nhà thơ Inrasara đã mời tôi đến.

  3. Theo thông tin trong web này, tôi tìm đến nhà sách Nhân văn, lục tìm và hỏi nhưng chưa có Giữa Hai Khoảng Trống. Tôi cũng lần lượt qua bốn nhà sách lớn còn lại ở t/p Phan Rang, kết quả cũng như trên.
    Mong BBT thông tin giúp. Chân thành cảm ơn.

    BBT. Nhà thơ Lê Hưng Tiến ở PR đang dạy Cao đẳng SP đã nhận sách cách nay 5 ngày để phát hành ở Ninh Thuận. KM sẽ liên hệ lại và trả lời bạn nhé.
    Hay bạn qua Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani ở Chakleng mua cũng được. Karun!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *