Inrasara: Phê bình phê bình, 1. Sự lạc điệu mang tính mĩ học

Bài đã đăng Nhân dân cuối tuần, 27-4-2013

1. Anh Chi là nhà thơ có viết phê bình văn chương, chủ yếu là về thơ. Bài mới nhất: “Chuyển động thơ Việt Nam hiện đại – đương đại” đăng 4 kì trên báo Nhân dân Chủ nhật mang tham vọng nhìn quán xuyến thơ Việt Nam suốt 30 năm, nhấn mạnh vào các tác giả – tác phẩm xu hướng cách tân đồng thời không ngại đưa ra nhận định riêng, là ý hướng đáng trân trọng. Ngoài việc “bỏ rơi” các tác giả phía Nam có tính thao tác, nhìn chung, người viết đã bao quát được vấn đề, và mức độ nào đó – cung cấp cho người đọc lộ trình “cách tân” thơ Việt Nam, và nhất là – qua các nhận định của mình, lộ bày quan điểm thẩm mĩ của chính người làm phê bình.

Thế kỉ qua, phê bình văn học trên thế giới đã tiến những bước dài, phát triển đa dạng với nhiều trào lưu lớn ảnh hưởng đến sáng tác và thưởng ngoạn văn chương. Nó đa dạng ở đối tượng phê bình. Có thể phê bình về một tác phẩm hay một tác giả, một trào lưu hay thời đoạn văn chương, cũng có thể nhấn vào việc đọc, viết hay tập trung vào chính bản thân phê bình. Phê bình đa dạng ở hình thức. Hình thức có thể là phê bình báo chí, phê bình học thuật, phê bình thực hành và phê bình lí thuyết. Phê bình đương đại còn thể hiện qua sự đa dạng ở góc nhìn, để đánh giá hay/ dở của tác phẩm, các diễn dịch văn bản khác nhau hay sự phát hiện cái đẹp, cái mới của tác phẩm…

Điều chúng ta muốn đề cập ở đây là chức năng của phê bình văn học. Hai chức năng chính của phê bình văn học là phát hiện ra cái đẹp và quy phạm hóa cái đẹp. Ở bài này, tôi xin tập trung vào chức năng thứ nhất: khám phá cái đẹp.

 

2. Thời đại thay đổi, thơ thay đổi. Thơ thay đổi, cách đọc thơ cũng phải thay đổi. Với nhà phê bình đảm nhiệm chức năng thứ nhất thì càng phải thay đổi. Thay đổi thế nào? – Nhà phê bình cần định tính tác phẩm, nói khác đi, nhà phê bình cần nghiên cứu khuynh hướng sáng tác của tác giả, để làm phê bình; qua đó, nhà phê bình trình bày cái hay, cái đẹp của tác phẩm đến với người đọc. Không thể đứng ở hệ mĩ học này để phê bình tác phẩm thuộc hệ mĩ học khác, hoặc ngược lại. Cần phải có thái độ “đi vào trong” tác phẩm để nhận diện. Đó là hình thức thứ ba của Phê bình Lập biên bản.

Cộng đồng văn học có nhiều bộ phận: người sáng tác, nhà phê bình và độc giả; ở mỗi bộ phận tồn tại nhiều “loại” khác nhau. Về nhà thơ, có thể phân làm ba nhóm.

Nhóm làm vần hay Nhà thơ cổ truyền, gồm các nhà thơ phường xã, câu lạc bộ thơ hưu trí, thơ báo tường… Loại thơ ưa chuộng là thể thơ cũ, lục bát đậm đà bản sắc, thơ có vần điệu êm tai, dễ lưu truyền và dễ nhớ.

Nhóm tiếp hiện viết phục vụ cho một tầng lớp độc giả có chọn lọc hơn. Bộ phận này luôn ở tư thế tiếp nhận và thể hiện các thành tựu gần. Họ sáng tác vừa với tầm mong đợi của đại đa số độc giả đương thời, bằng cách mở rộng và khuếch trương thành tích hôm qua của thế hệ trước đó.

Nhóm khai phá là những kẻ luôn luôn trên đường phiêu lưu khai phá, từ bỏ, thay đổi và làm mới. Họ sẵn sàng làm mếch lòng độc giả đã từng yêu mến họ, kiếm tìm bộ phận độc giả mới, khác. Bởi họ dám thay đổi cách viết, thay đổi cả mĩ học sáng tạo.

Thời gian qua, thuộc Nhóm khai phá có thể kể: các tác giả làm thơ tân hình thức, nhà thơ hậu hiện đại, thơ nữ quyền, thơ thị giác ở đó thơ trình diễn là một nhánh nổi bật. Qua cảm thức và thủ pháp nghệ thuật, không khó phân biệt nhóm thơ này với hai nhóm trước. Giữa Nhóm làm vần và Nhóm tiếp hiện tồn tại sự nhập nhằng, nhưng không phải không thể biện biệt, nhất là qua con mắt người làm phê bình nhà nghề. Riêng Nhóm tiếp hiện, xuất hiện vài kiểu cách tân thuần kĩ thuật, đó là thứ thơ tự đánh lừa và dễ đánh lừa cây bút viết bài điểm sách thiếu kinh nghiệm.

Vấn đề đặt ra là, làm thế nào nhà phê bình có thể nhận diện chân tướng chúng, để làm phê bình? Và làm thế nào nhận chân được thực/ giả của “cách tân” hay “làm mới”?

 

3. Trên lộ trình “chuyển động thơ Việt Nam hiện đại – đương đại”, các tác giả – tác phẩm mang xu hướng “cách tân” tiêu biểu được Anh Chi điểm danh và nhận định. Nguyễn Lương Ngọc với Từ nước (1990) và Ngày sinh lại (1991) thì “ít sự đời, nhiều khi cầu kì, tối nghĩa”; Nguyễn Quang Thiều với Sự mất ngủ của lửa (1992) “nhiều khi chỉ để làm ra một thứ thơ khác lạ”, do đó “chưa vào được người đọc”; Đặng Đình Hưng “càng khác lạ hơn”, do đó “cuộc sống không chấp nhận được thứ thơ kiểu Ô mai” (1993) của nhà thơ này; Hoàng Hưng qua Người đi tìm mặt (1994) có nhiều câu “không có họ hàng, dây mơ rễ má gì với thơ ca”, đó là “kiểu thơ mới đến tắc tị”; Lê Đạt với Bóng chữ (1994) viết ra “những chữ rất tối nghĩa và như cái xác không hồn”, “kì khu đến kì cục”…

Theo Anh Chi, những cách làm chữ thuần túy, mấy uốn éo chữ nghĩa cầu kì, những ngôn từ thô tục dễ gây phản cảm hay thiếu chất thơ đều bị liệt vào không phải… thơ. Thơ chỉ mong làm sao cho khác lạ mà quá ít hiện thực cuộc sống, không mang tâm cảm dân tộc, không có hồn… thì không thể đến với người đọc”. Thế nhưng, cũng chính các nhà thơ đó, khi tình cảm can thiệp vào thì khác hẳn. Nguyễn Lương Ngọc: “ý thơ mang mang, vô định, tình thơ lại phảng phất hồn đồng dao”; Lê Đạt, “thơ ông trở nên đáng trân trọng khi được xúc cảm dẫn dắt”; riêng Phùng Cung cùng tác phẩm Xem đêm (1995) “đã tạo nên một ngôn ngữ thơ mới, tinh lọc và đẹp bằng ngót cả đời người chìm nổi cùng nỗi lòng thật nhiều quặn thắt”.

Lược qua các nhận định, chúng ta dễ thấy luận điểm của Anh Chi rất nhất quán: cái đẹp của thơ ca được quy về tình cảm, có hồn, đầy cảm xúc. Như chính tiểu đề của tiểu luận kì 2: “Quan trọng nhất là xúc cảm và tâm hồn nhà thơ”. Đó chính là cái đẹp đã được quy phạm hóa (normalization) từ thời Thơ Mới – thuở lãng mạn. Như vậy, đứng trên lãnh địa này nhìn thơ hiện đại – đương đại Việt Nam với nhiều khuynh hướng và nhiều thể nghiệm khác nhau, e rằng người làm phê bình chưa thật sự công bằng với cái mới, qua đó dễ phủ nhận các thành tựu của cả thế hệ thơ nhiều tài năng.

 

Dẫu sao, với cái nhìn tinh tế, người viết đã thể hiện chính kiến của mình rất mạch lạc và rõ ràng. Đó là điều dễ thấy nhất ở Anh Chi. Khác với vài nhà phê bình [và người sáng tác làm phê bình], Anh Chi không giả vờ hiểu thơ “cách tân”, từ đó bình và tán thơ “cách tân” các loại. Một bình và tán đa phần không hiểu mình nói gì! Đó là thái độ đáng quý ở một nhà phê bình: đọc nghiêm túc, hiểu, diễn đạt một cách giản dị nhất có thể cái hiểu kia cho người đọc, để cùng hiểu như mình.

Chính tại lãnh địa này, cuộc đấu tranh mang tính mĩ học mới mở ra đúng nghĩa, qua đó, hi vọng mang lại lợi ích và sự tiến bộ thiết thực cho văn học nước nhà. Trên tinh thần đó, tiểu luận “Chuyển động thơ Việt Nam hiện đại – đương đại” đòi hỏi thái độ trao đổi một cách nghiêm cẩn.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *