Trong Chân dung Cát và Hàng mã kí ức của Inrasara, ta bắt gặp ở đó nhiều nhân vật mang vẻ đẹp Chăm truyền thống, nguyên bản và hấp dẫn. Sự hiện diện của họ mang đến cho tiểu thuyết của Inrasara hơi thở Chăm như một nét riêng độc đáo khó lẫn. Cuộc đời và số phận của các nhân vật này có cái gì đó bí ẩn và huyền ảo như chính mảnh đất sinh ra họ – mảnh đất quen mà lạ, ở đó đang tồn tại một nền văn hóa khác lạ của một dân tộc có lịch sử bi thương. Đó là chị Hathaw mang vẻ đẹp nguyên bản như “đóa hoa rừng giữa plây” với “nụ cười man dại”. Chị múa và hát dân ca rất hay, lần nào cũng giành được nhiều giải thưởng ở các hội diễn văn nghệ. Đó còn là bà cháu nàng Mưhuê. Bà của Mưhuê là một người mang trong mình cái vẻ “âm u, bí hiểm” với nụ cười và nguồn sáng toát ta từ hốc mắt đủ khiến người ta giật mình. Còn nàng Mưhuê – được xem như một huyền thoại với vẻ đẹp giống như hiện thân của một hậu duệ vương triều còn sót lại: “Nàng từ giọt sương, bọt nước lớn lên qua bàn tay que gỗ của bà” và đặc biệt người nàng dậy một “mùi trầm thoang thoảng”. Người đọc cảm nhận một vẻ đẹp tự nhiên, xưa như một niềm bí mật, nhưng cũng mong manh với “đôi mắt sáng, gầy, buồn và cực đẹp”, “bàn tay tuyệt quý phái… thon dài và ấm”.
Trong bộn bề của cuộc sống đương đại, con người hay choáng ngợp với cái “nhan sắc được tỉa tót” thì khi đọc tiểu thuyết của Inrasara sẽ thấy lắng lại trước vẻ đẹp của người phụ nữ Chăm tên Mân (vợ của Saman). Chị dù đã “sắp sửa bốn mươi, và dù bao nhiêu là nắng gió Phanrang hùa với cái đói khổ kinh niên cố tình vùi dập” nhưng người phụ nữ Chăm ấy vẫn “mặn mà biết bao, đẹp huyền ảo dưới trăng” với nụ cười đẹp phô hai hàm răng trắng, đều. Thậm chí ta còn bắt gặp một vẻ đẹp “nhan sắc tiên nữ” của Jaman – Nguyễn Thị Loan. Trên thân thể chị toát ra “làn hương kì lạ” mang tính di truyền làm cho vẻ đẹp của chị dường như mang thêm chút gì đó bí ẩn và nguyên sơ. Có thể thấy, mảnh đất miền Trung với những cánh đồng nhỏ hẹp, với biển khơi trùng trùng bão thét, nhưng ở các plây Chăm vẫn sinh ra những người con gái xinh đẹp, làm đóa hoa tô thắm đồng nội, làm nổi bật một vẻ đẹp nữ tính vừa nguyên sơ vừa bí ẩn. Điều đặc biệt là “Nhan sắc kia tồn tại có khi bất kể năm tháng trong lúc họ muôn năm lam lũ, còn sức chịu đựng thì gần như vô tận”. Họ góp phần làm nên đặc thù của vẻ đẹp hình thức đẫm đầy chất Chăm.
Nguyễn Thị Thanh Bình, Luận văn Thạc sĩ, 2012
Nhân vật nữ trong tác phẩm của cei Sara luôn luôn rất đẹp. Cháu xin cắt một đoạn vào đây:
“Vô danh như bao nhiêu người nữ nghệ sĩ múa vô danh. Bà Sạn, bà Mỡ, bà Trụ, hay Yến Vân, Trưng, Tiến, Dẫn thì khỏi nói rồi… Cả bà Piên vũ sư chuyên trị các lễ Rija cũng thế. Đến em gái tôi, chưa hề bước lên sân khấu dù nhà quê, chưa hề múa tập thể lớp, chưa hề “múa lén” sau bếp, vậy mà bất ngờ ở tuổi bốn mươi, vào thế kẹt, khi chủ họ buộc lên chức Muk Rija Vũ sư, đã múa như một nghệ sĩ chính hiệu. Múa ăn vào máu thịt người nữ Chăm từ trong bụng mẹ khi mẹ múa, thấm đẫm vào da xương khi chập chững đi xem múa lễ, trở thành bản năng nghệ thuật khi họ đóng cửa tập một mình hay tập nhóm. Họ múa, hứng khởi và đầy tràn sáng tạo.”