Ja Tặng: Đêm văn nghệ Hamu Tanran – niềm hứng khởi cùng những nỗi buồn

Hôm nay ngày 5-8-2012 thanh niên học sinh sinh viên khắp mọi nơi trong các làng Chăm rầm rồ ùa về Hữu Đức coi đêm văn nghệ. Bao giờ cũng vậy, hễ làng Hữu Đức tổ chức một đêm văn nghệ hay lễ hội gì cũng đầy ấp người là người. Không biết có phải vì đây là làng lớn nhất của các làng Chăm ở Ninh Thuận hay trung tâm văn hoá Chăm, và cũng có lễ ở đây có sự linh thiêng của Đức mẹ  Ppo Inư Nưgar đang ngự trị.

Nhưng đêm nay lại khác. Sự chờ đợi mong mỏi, khao khát… của quần chúng bà con Chăm đã 3 năm trời rồi chờ đợi sẽ được phục vụ trong giây lát nữa thôi. Biết bao nhiêu niềm háo hức, sự niềm nở không thể dấu được trên những gương mặt trẻ thơ đang kéo nhau ồn ào vào hội trường sân khấu. Đêm công diễn văn nghệ hôm nay sẽ ý  nghĩa biết bao nếu những tiết mục văn nghệ phục vụ được sự mong mỏi từ chiều sâu tinh thần bà con Chăm? Có được như đêm nay nay là nhờ sự cố gắng, tận tình hoạt động của ban tổ chức và nhờ các cấp chính quyền ban phước tốt lành.

Đêm văn nghệ đã diễn ra hết sức tốt đẹp, không có trục trặc gì về kĩ thuật cũng như về an ninh trật tự tại địa phương. Trình tự từng tiết mục được trình diễn theo kế hoạch của chương trình. Từ bài đầu tới bài cuối cùng với những tràn vỗ tay, huýt sáo mồm của những chàng thanh niên hết sức nồng nhiệt, cổ vũ cho những vũ điệu khoe thân đẹp mê hồn của nhạc ngoại, những pha hiphop đầy nghiệp dư, hay những câu hát nhạc trẻ vô nghĩa đó… mà đám trẻ thơ hay người lớn vô tình vỗ tay ăn theo.

Tôi cũng hứng khởi có mặt tại đây. Sự có mặt của tôi không tô điểm thêm nét đẹp cho phía khán giả, cũng chẳng đóng góp gì cho ban tổ chức hay cho chương trình. Nhưng tôi có mặt để tán gẫu, ngắm nghía những cô gái đẹp, và có mặt để xem dư luận bà con nói gì cho đêm văn nghệ. Vì tôi thừa biết những loại nghệ thuật gì sẽ xảy trên sân khấu. Chợt có thằng bạn khác làng hỏi một câu :”Ủa, sao không có những bài hát Chăm”. Đó mới chính là vấn đề tôi quan tâm.

Sân khấu văn nghệ là gì? Người làm văn nghệ phải biết điều đó. Nhân loại đúc kết từ đời sống thực, kinh nghiêm, quan điểm sống… và… thể hịện nó trên sân khấu, người ta gọi đó là sân khấu hoá cuộc sống. Sân khấu phải thể hiện được những quan điểm, tư tưởng sống của một địa phương, một dân tộc. Thể hiện được văn hoá của dân tộc đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “mỗi dân tộc phải chăm lo đặc tính của văn hoá mình trong nghệ thuật” và “phải chú ý phát huy cốt cách dân tộc”.

 

Một đêm văn nghệ phải phát huy hết vai trò của nghệ thuật – mới là nghệ thuật văn nghệ. Có sự xen kẽ, giao thoa của đa dân tộc sẽ làm cho đêm văn nghệ hay hơn,sẽ làm giàu long người xem. Phải bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đa dân tộc, đó mới là cốt cách của người Việt Nam, góp phần bảo tồn văn hóa quốc gia. Làm cho sân khấu hóa trong các làng mạc Việt Nam trở nên đa dạng, phong phú.

Vì sao tôi lại nói những lễ trên? Hôm tổng duyệt văn nghệ của làng vì thấy những tiết mục bài hát nhạc trẻ toàn nhạc trẻ. Tôi có đăng kí hát một bài nhạc Chăm để tô điêm thêm cho đêm văn nghệ được phong phú đa dạng bởi mục đan xen thể hiện sự giao lưu văn hóa các sân tộc: Chăm, Kinh… nhưng Ban tổ chức không cho với lí do rằng:” Đây là đêm văn nghệ dành cho học sinh, sinh viên nên không được hát nhạc Chăm”. Và nói rằng có sự can thiệp của chính quyền các cấp:” Không cho thốt ra những lời hát tiếng Chăm trên sân khấu”. Quá vô lí nên tôi buồn, buồn vì đây là làng Chăm, học sinh sinh viên là những đứa con Chăm, khán giả là bà con Chăm không quen với những câu hát vô nghĩa vớ vẩn của nhạc trẻ, buồn vì Ban tổ chức cũng là người Chăm, buồn vì đêm văn nghệ là để phục vụ cho làng mạc, giao lưu văn hóa đa dân tộc được sân khấu hóa. Buồn và buồn.

Theo tôi trong nghệ thuật cũng có thế lực thù địch – dòng nhạc trẻ đang chèn áp những câu hát, lời thơ ý nghĩa của dòng nhạc sến, nhạc vàng, nhạc Trịnh tại các quán cà phê đường phố. Và chính trong đêm văn nghệ hôm nay cũng vậy, không có một bài hát Chăm, buồn. Chẳng phải Hồ Chủ Tịch đã từng nói: “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là vấn đề sống còn của mỗi quốc gia, là vấn dể tồn tại hay không tồn tại của từng dân tộc”.

Trước xu thế toàn cầu hóa của thế giới hiện nay, không có một dân tộc nào, quốc gia nào có thể phát triển trong sự tách biệt với thế giới. hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa giữa các nước, các dân tộc diễn ra hết sức sôi động. Nhưng nếu không một bản lĩnh vững vàng, một chiến lược phát triển đúng đắn thì việc giao lưu đó sẽ dẫn đến nguy cơ mất bản sác văn hóa dân tộc.

Chỉ mong các dân tộc Việt Nam trong đó có dân tộc Chăm hãy tìm về với cội nguồn để hiểu sâu chính mình. Những bạn trẻ hăm hãy có chiến lược phát triển chính mình một cách đúng đắn trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay. Và mong cho làng Hữu Đức nói riêng và các làng Chăm khác nói chung có nhũng đêm tổ chức văn nghệ với những tiết mục đa dạng phong phú thể hiện văn hóa dân tộc. để góp phần làm giàu mạnh và phát triển tryền thống văn hóa tốt đẹp của đất nước Việt Nam đa dân tộc ngàn năm văn hiến.

Hữu Đức, 8-8-2012

 

 

 

 

 

22 thoughts on “Ja Tặng: Đêm văn nghệ Hamu Tanran – niềm hứng khởi cùng những nỗi buồn

  1. Tác giả viết có ý tứ, nhưng chưa biết cách triển khai. Tại sao nhà thơ Inrasara không góp ý cho bạn này viết hay hơn nhỉ?

  2. Thế còn các lần trình diển trước thì sao? Nhạc Chăm có được hát hay ko?
    Nếu cấm hát nhạc Chăm tại làng Chăm thì người Chăm đi xem làm gì. Nhưng có mấy người Chăm suy nghĩ và buồn lo như Ja Tăng? Ngay cả Ban Tổ Chức Chăm cũng ko muốn đặt vấn đề với c/q để biết tại sao ko? Hể trên bảo ko, thì dưới cũng nhắm mắt bịt tai nói ko hay sao? Tại sao ko? Rồi mai đây lại cái gì ko nữa? Ko được học chử Chăm hay ko được nói tiếng Chăm? Đố ai biết cái nào bị ko trước?
    YC

    • bạn nói vậy là không đúng rồi. Mình cũng là thành viên trong BTC hè ở Hữu Đức. Mình khẳng định với bạn chắc chắn 100%, không có sự cấm đoán nào hết. Và đêm tổng duyệt Văn nghệ không có người nào đăng ký mà tụi mình không cho đâu. Chắc có sự nhầm lẫn ở đây.các bạn nên kiểm chứng lại thông tin chứ không nên nghe từ một phía.

  3. Chào các bạn!

    Tôi! người từng đứng ra tổ chức các chương trình văn nghệ, TDTT trong dịp hè tại làng Hữu Đức.

    Đúng như những gì Yut Tặng nói một chương trình văn nghệ không có 1 bài hát Chăm, các tiết mục mờ nhạt, chủ yếu là ca khúc nhạc trẻ, ít ca khúc hát về quê hương đất nứơc, làng quê…. Tôi xem khoản 1 giờ đồng hồ tôi phải bỏ về, trước khi về tôi có hỏi BTC lý do tại sao chương trình năm nay tẻ nhạt và không có ca khúc Chăm, trước đây mình đã quy định một trương trình phải có 50% mang chất Chăm mà, một anh đại diện BTC trả lời rằng được diễn là mừng rồi vì 2 năm trước chính quyền có cho đâu, mày thấy không mời UBND xã tới dự cũng chẳng thấy ai nữa, chắc chờ xảy ra sự cố họ mới xuất hiện. (Nên nhớ rằng cách đây 3 năm trên sân bãi, sân khấu này đoàn lô tô thuê). Phải nói rằng năm nay chính quyền giải quyết hồ sơ pháp lý thật nhanh chóng và kịp thời (đã có quan tâm).

    Thật thất vọng một đêm văn nghệ đại diện cho 3 thôn Hữu Đức, Tân Đức, Thành Đức mà không thấy một bóng dáng của công an thôn hoặc công an xã… MC phải ngừng chương trình gần 10 lần để đảm bảo an ninh, xin nói rằng khán giả quá đông gần 5 ngàn người.

    Chào các bạn Thanh niên, Sinh viên, các bạn là nòng cốt của phong trào sinh hoạt Chăm tại các địa phương trong các dịp, các bạn cần phát huy nội lực của mình, cần phát duy giữ gìn bản sắc vốn có của dân tộc mình. “Văn hoá, ngôn ngữ còn dân tộc còn”, đừng để một người mang dòng máu Chăm mà đánh mất văn hoá, ngôn ngữ của dân tộc (tự đồng hoá). Cần tìm hiểu kết hợp với mạnh thường quân và chính quyền góp ý để đưa phong trào học sinh, sinh viên lên tầm cao mới và được người dân hưởng ứng ủng hộ.
    Trân trọng

    • Mình không phủ nhận điều bạn nói.mình chỉ muốn nói chắc chắn một điều rằng BTC không có sự cấm đoán hát nhạc Chăm. Nếu bạn xem thì bạn cũng thấy đó, trong các tiết mục Văn nghệ có cũng có các bài múa Chăm đó sao (cụ thể là múa quạt, là điệu múa truyền thông). Với lại văn nghệ năm nay làm cũng hơi gấp chỉ trong vòng chưa dược 1 tuần kể từ khi nhận được sự chấp thuận của chính quyền địa phương cho đến khi đếm diễn chính thức. Hơn nữa các diễn viên trong các tiết mục văn nghệ năm nay hoàn toàn là các em học sinh ở các khối cấp 3, nên các em không biết hát nhạc Chăm. thậm chí nhiều em cũng muốn hát nhưng các em lại không tìm dược nhạc playback. các bạn cũng biết đó, các em nhỏ bây giờ đâu phải ai cũng hát được nhạc Chăm mình đâu.

  4. Ja Tặng hãy cố lên! Văn nghệ thì nhiều người xem, nhưng viết cảm nhận mới thấy chỉ một mình em thôi. Dù sao anh cũng lấy làm vui, có được thông tin ở palei nưgar Chăm drei. Hiện thực thì buồn. Không cất được tiếng nói càng buồn hơn.

  5. Phát huy
    BTC sinh hoạt hè Hữu Đức cần phải bắt chước phương pháp tổ chức và điều hành các anh chị đi trước. Cách chọn lọc tiết mục, giao lưu với cực sinh giên, mạnh thường quân… để tạo mối đoàn kết các thế hệ…

    Thời kỳ anh Trương Đăng Ái, Bá Văn Mến, Đàng Năng Hoà…, họ tổ chức phong trào văn nghệ thể thao thật hoành tráng và chất lượng, các tiết mục được đầu tư công phu, bằng chứng sau đêm diễn họ được nhiều palei khác mới giao lưu như: Hiếu lễ, Hậu Sanh, Mỹ nghiệp, Hoài Trung…

    BTC cần phát huy nhều hơn nữa, cần phải ưu tiên các ca khúc dân ca Chăm hoặc âm hưởng… người thưởng thức họ sẽ thích hơn vì họ là Chăm.

    Chúc mạnh khoẻ.

  6. Chào Bạn Khánh Hưng!
    Nếu bạn nằm trong BTC tôi nghĩ các bạn phải đưa ra thời gian tập và thời gian công diễn và quy định các tiết mục và phải đảm bảo chất lượng. Bạn không thể đưa một chương trình chất lượng kém ra công chúng được, theo bạn “chỉ trong vòng chưa dược 1 tuần”, đặc biệt nhu cầu thưởng thức và hiểu biết của bà con về âm nhạc ngày càng tăng cao, còn về các điệu múa Chăm trong đêm diễn tôi thấy đơn điệu, đôi khi không phải điêu múa cổ truyền và cũng không phải nằm trong tổ hợp múa Chăm ( phát triển từ múa cổ truyền).

    Ở dây tôi không lên án các bạn, khi XH Chăm càng phát triển thì văn hoá văn nghệ củng phải đúng tầm của nó, các bạn lại quay về thời kỳ đầu.Tôi không phủ nhận công sức của các bạn vì phong trào bạn đã bỏ biết bao công sức, hy sinh bản thân……để làm được việc đó, cần nói rằng nhiều người nói nhiều nhưng không làm được như bạn, bạn thân tôi rất cảm phục các bạn.
    Vấn đề chính quyền làm khó không phải là không có, đôi khi các bạn làm , chính quyền không hỗ trợ, không quan tâm nhưng khi phong trào sinh hoạt hè thành công họ sẽ báo cáo thành tích.

    Vài góp ý nho nhỏ, hy vọng các bạn sẽ thành công hơn nữa

    • Chào bạn Yut Inrasara.
      Bạn chưa phải là người trong cuộc nên bạn chưa hiểu hết của những người tham gia các phong trào hè SV-HS. Chúng tôi tham gia chẳng qua cũng chỉ vì lòng nhiệt huyết và vì làng quê chứ chúng tôi cũng không có lợi lộc gì. Và thực sự chúng tôi cũng gặp rất nhiêu khó khăn từ các khâu tổ chức, vận động và nhiều công đoạn khác, trong khi đó chúng tôi còn có công việc riêng, rồi cuộc sống gia đình.
      Nói chung chúng tôi phải rất cố gắng sắp xếp được chương trình VN như thế này. Mặc dù chúng tôi đã thông báo (trên các lòa đài và tổ chức họp các khóa) nhưng rất ít người đến đang ký tham gia các tiết mục. Và chúng tôi cũng đã sàng lọc rất kỹ mới có các tiết mục như thế này, chúng tôi cũng đã đưa ra các tiêu chí của đêm văn nghệ. Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh cho mọi người hiều rằng đêm VN vừa rồi không có sự ngăn cấm việc hát nhạc Chăm và đó là sự thật 100%. Nếu bạn hiểu thì bạn nên chia sẽ và góp ý chân thành để chúng tôi rút kinh nghiệm và phát huy vào các năm sau.
      Chào bạn.

  7. Việc tổ chức một chương trình văn nghệ mang tính phong trào cộng đồng thành công hay không khổng phải là chỉ phụ thuộc vào BTC mà còn nhiều yếu tố khác:
    1. Chính quyền địa phương: đây là vấn đề trở ngại lớn nhất của BTC. Việc BTC có chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu mà chưa có sự đồng ý của chính quyền thì không bao giờ dám mạo hiểm phát động phong trào.
    2. Đối tượng tham gia chủ yếu là ai? họ có nhiệt tình tham gia hay không mới là vấn đề. Nếu chương trình đã có kịch bản rõ ràng mà đối tượng đó lại không thể diễn theo kịch bản đó được, hoặc nhưng người có thể điễn được nhưng không chịu tham gia thì liệu chương trình có diễn ra được hay không.
    3. Tâm lý giới trẻ của mỗi palei không giống nhau, nhất là giới trẻ Hamu Tanran ngày nay rất ít hứng thú với văn nghệ do cộng động tổ chức, nên dấu hiệu phong trào ngày càng đi xuống.
    Vấn đề ở đây không phải là đưa ra lời bàn luận trách móc, phê phán nhau, áp đặt palei này nên làm như palei kia hay làm như thế này, thế kia không phải là hướng giải quyết tốt mà hãy mạnh dạn nhìn vào thực trạng cụ thể của từng palei và có hướng tiếp cận, điều chỉnh thích hợp mà vẫn giữ được nét truyền thống.
    Tôi có vài ý kiến như trên. Hy vong đây là bài học lớn cho BTC để rút kinh nghiệm thực hiện các chương trình lần sau.
    Thân ái.

  8. ” Aia hu haluw, kayuw hu agha”
    Thật buồn khi những đứa con của dân tộc đã quên đi cội nguồn của mình. Drei apah tangin ka yut, JaTang!

  9. Thân ái chào mọi người!
    Trước hết xin chào ai đại diện cho BTC. Những gì tôi viết là sự thật.
    Chào Dương khánh Hưng là ai đó! Trong bài tôi đã viết rõ ràng không biết DKH có đọc kĩ không hay không hiểu? Tôi xin trích lại đoạn sau “Tôi có đăng kí hát một bài nhạc Chăm để tô điêm thêm cho đêm văn nghệ được phong phú đa dạng bởi mục đan xen thể hiện sự giao lưu văn hóa các sân tộc: Chăm, Kinh… nhưng Ban tổ chức không cho với lí do rằng:” Đây là đêm văn nghệ dành cho học sinh, sinh viên nên không được hát nhạc Chăm”. Và nói rằng có sự can thiệp của chính quyền các cấp:” Không cho thốt ra những lời hát tiếng Chăm trên sân khấu”. Đó là những gì tôi trích ra từ câu nói của BTC. Còn múa thì khác đó là hành đông chân tay nên không ảnh hưởng gì, đó cũng chính câu nói của BTC. Nếu muốn xác thực rõ ràng hãy gặp tôi, hiện giờ tôi đang ở quê.
    Thứ hai xin chào KlaiKluk gì đó. Klaikluk phải hiểu mục đích tùy vào mỗi loại bài viết. Không biết Klaikluk có hiểu nhũng gì tôi viết hay không, nếu có thì tôi xin hoan nghênh. Klai kluk hãy nhập cuộc vào trò chơi của nội dung bài hay hơn. Klaikluk thành công.
    Chào! Xalam!

    • Nếu Ja Tặng đã nói vậy thì tôi cũng xin nói thêm. Mặc dù bạn không biết tôi là ai nhưng tôi thì biết rất rõ về bạn vì tôi cũng ở cùng làng với bạn. nếu bạn nói rằng đêm văn nghệ bạn có đăng ký hát bài Chăm nhưng BTC không cho, vậy bạn hãy nói cụ thể rằng ai không cho bạn hát? Nếu văn nghệ đã chính thức diễn rồi mà bạn mới đăng ký thì BTC không cho bạn đăng ký hát là đúng, bởi vì theo quy định 01 tiết mục VN muốn được diễn chính thức thì bạn phải đăng ký với BTC trước và bạn cũng cần phải qua giai đoạn tổng duyệt.

  10. Đọc phản hồi của Ja Tặng về mọi người mà tôi hỡi ơi!
    Bạn còn trẻ, viết bài đầu tiên được mọi người đọc là quý, được góp ý dù khen hay chê càng quý hơn, sao lại “ai đó”, “gì đó”. Đây là thái độ rất đáng trách.
    Hay bạn không muốn ai đọc? không muốn ai góp ý????

  11. Hay thong cam va chia se voi BTC,ho da bo nhieu cong suc,.moi nguoi nen dong hanh va gop y chan thuc.Mot ca nhan nam trong BTC nao do cac ban moi biet ho phai trai qua bao nhieu kho khan trong khau to chuc ntn.
    Moi gop y cua cac ban o tren dieu xac dang.cac ban can tiep thu de phong trao cac phat trien tiep buoc the he di truoc
    Hy vong cac ban se lam tot hon

  12. Tôi không phải là nhà văn, nhà thơ và càng không phải là nhà phê bình gì nên khi đọc bài này tôi chỉ biết có sai sót chút ít về lỗi chính tả (có thể là sai sót trong quá trình đánh máy) nhưng tôi biết rõ bài này đang nói về thực trạng xã hội chăm bây giờ. Hầu hết các palei chăm đều như thế chứ không phải chỉ riêng palei Hamu Tanran.
    Bài này viết ra không phải là để “thi đua” gì nên ta đừng chú ý về lối viết, thay vào đó chúng ta hãy nhìn rõ ý nghĩa nội dung bên trong của bài văn cũng như suy nghĩ của tác giả. Bài văn đã nói lên được những vấn đề mà chúng ta cần phải bàn, vì sự sống còn của nền văn hoá của một dân tộc.
    Hãy nhớ rõ bài này không phải viết lên để cho đọc giả “khen” hay “che” mà viết lên để cho đọc giả thấy được tình hình xã hội chăm đương thời mà thôi, phải chăng Ja Sáng cũng giống như Ja Klaikluk, chỉ nhìn vẻ bên ngoài mà không chịu nhìn vào bên trong!

  13. Bài này tôi có mấy ý, xin nói ngay:
    1/- Ja Tặng có ý tốt.

    2/- Người ta chê minh viết văn chưa hay, thì hãy xem lại, chứ đừng có cãi. Vả lại, Ja Tặng có phải nhà văn nổi tiếng đâu. Hãy còn tập tò mà.

    3/- Tôi cũng thấy ngoài ý TỐT, bài này chưa đạt. Tôi lấy ví dụ:
    – Ja Tặng nói “tôi đăng kí một bài hát Chăm nhưng BTC không cho”. Người ta có thể bắt bẻ: – “vì giọng anh xoàng, nên không cho trình diễn”. Vả lại đây là văn nghệ của các học sinh cấp III (có sinh viên hay không thì không biết). Mà Ja Tặng tôi biết không phải 2 đối tượng này.

    Do đó, nếu anh đặt câu hỏi như thế này thì hay hơn: “ Chính lứa tuổi sinh viên học sinh cần phải biết đến văn hóa dân tộc hơn cả. Đừng viện lẽ vì họ CHƯA hát, múa dân tộc biết mà ta cứ tổ chức chương trình PHI văn hóa dân tộc”.
    Đặt vấn đề như vậy thì chí lí hơn, hơn là việc nêu chuyện xin hát mà không cho!!! Có lẽ các bạn chê là chê theo hướng đó.

    4/- Trên diễn đàn mạng, khi bị chê, tác giả “đối đáp” lại thì không hay ho lắm. Hãy xem có đúng không, đúng thì sửa, không thì bạn đọc khắc biết thôi.
    OK?

  14. Tôi xin nói thêm về ý 2 của anh Trần Văn T một chút. Đây không phải là văn nghệ của các học sinh cấp III. Mà nói là phong trào, văn nghệ của palei thì không nên phân biệt sinh viên hay học sinh và càng học không thể phân biệt người có học hay không học. BTC thường nói tổ chức sinh hoạt hè là để “gắn kết thêm sự đoàn kết”, tại sao BTC không làm như đã nói mà lại phân biệt người này người nọ. Ai cũng có thể đem lời ca tiếng hát (nghiệp dư) của mình để phục vụ bà con của palei chứ không phải là chỉ riêng dành cho học sinh, sinh viên.

  15. Xalam abih!
    Cảm ơn tất cả mọi người đã phản hồi bài viết này. Điều đó chứng tỏ mọi người vẫn quan tâm nhiều hơn tôi về vấn đề plei nưgar xã hội.
    Vấn đề mà Sáng hỡi ơi??? thì tôi nghĩ không như những gì Sáng nghĩ. Người bán hàng nào mà chẳng muốn hàng mình có nhiều người mua, hơn nữa với nghệ thuật thì đây là điều tuyệt vời hơn. Tôi có dùng những từ “ai đó”, “gì đó”, để nhấn mạnh vào vấn đề tôi nói là nội dung của bài viết chứ không có ý gì. Nhưng tôi chắc rằng không ai nghĩ như Sáng vì họ có hiểu thấu nỗi lòng của đồng loại.
    Còn vấn đề mà Trần Văn T phân vân thì tôi thấy Ja alah có lẽ hiểu tôi và có giải thích một số vấn đề. Tôi xin nói thêm về vấn đề thứ 3 của anh, tôi xin trích lại lời anh nói (- Ja Tặng nói “tôi đăng kí một bài hát Chăm nhưng BTC không cho”. Người ta có thể bắt bẻ: – “vì giọng anh xoàng, nên không cho trình diễn”.) Như vậy tôi thấy anh nhận diện chưa ổn. Vì trong cuộc thi hay trò chơi nào cũng vậy, thường có vòng loại, tứ kết hay chung kết gì đó… nhưng ở đây thì tôi chưa được quyền tham gia vào vòng nào hết. Nhưng nói thật rằng, dòng nhạc nào tôi không biết, về các bài hát về dân tộc Chăm thì chưa thấy ai chê tôi bao giờ.
    Thân mến chào mọi người.

  16. vấn đề này có nghe Yut Tặng nói qua, mấy năm trước mình cũng hay tham gia văn nghệ cho plei, nhưng năm nay thì không tham gia.Thật sự là không biết năm nay Plei mình lại tổ chức văn nghệ, cho đến buổi tổng duyệt. Mừng vì phong trào lại được bắt đầu, buồn vì cách tổ chức chưa hiệu quả, có lẽ do nhiều nguyên nhân, nhưng phải nói một điều là văn nghệ năm nay, không hay, tẻ nhạt,và không gây sự hứng thú cho người xem…dù mình vốn là một khán giả nhiệt tình của những buổi văn nghệ như thế này! Tin và hy vọng năm sau BTC cố gắng hơn, và hy vọng có thể lôi kéo dc những người đủ nhiệt tình và khả năng vào BTC.
    Thân ái.

  17. Bài viết của anh Tặng phản ánh một phần nào đó về thực trạng trong phong trào cộng đồng ở các làng Chăm mình. Đó là, không thống nhất trong khâu tổ chức, không chấp hành thông báo của ban tổ chức, thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương………Bài viết thể hiện tâm huyết của anh với cộng đồng Chăm mình. Cái quan trọng hơn là bài viết đã nhận được khá nhiều hồi âm từ cộng đồng. Nhìn chung, bài viết của anh khá thành công nhưng rất tiếc mấy phần phản hồi ý kiến ban đọc của anh có vẻ thiếu thiện chí! Em biết anh có ý tốt, muốn đóng góp tiếng nói chung cho Chăm mình nhưng anh “lập trường” thái quá.
    Theo em nghĩ, chúng ta cùng trao đổi, góp ý kiến để đưa cộng đồng Chăm mình đi lên phía trước chứ không phải tranh đấu hơn thua với nhau. Mọi người nghĩ sao………….?
    Nếu anh Tặng muốn trao đổi trực tiếp thì có thể liên hệ với em qua địa chỉ gmail: quanghoaixuanlsk31@gmail.com

  18. Ja tặng nè! bạn có nói chuyện đó với mình. Và mình có trao đổi với ban văn nghệ rồi. Họ nói không giống như Tặng viết đâu. Sự thật thế nào có thời gian rãnh bạn cùng mình gặp btc nói chuyện nha. Nếu như lúc đầu bạn đăng ký hát gì đó thì bạn báo trước với mình tiết mục của bạn như thế nào để mình đăng ký với btc thì chắc việc hiểm nhầm này không xảy ra rồi. Vì mình là trưởng khóa. Phong trào hoạt động hè ở làng mình có các khóa, mỗi khóa sẽ bầu ra một người Trưởng khóa đứng đầu để đại diện cho khóa chịu trách nhiệm trước btc. chứ nội dung mà các bạn đang trao đổi có thể làm ảnh hưởng tới phong trào làng mình sau này, mà thực hư ntn thì không biết. Khi nào về làng liên lạc gặp mình nha. TK 2006.

Leave a Reply to hiennhuy Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *