Tự ngôn Hàm Bộ

Hàm Bộ là anh họ của tôi. Là guru của tôi. Anh mất vì tai nạn năm 1999, khi vừa 44 tuổi.

Hàm Bộ ít nói, anh cũng không phải dân nhiều chữ, cả đời anh chưa viết [và không muốn viết] một chữ nào. Sinh thời anh em gặp nhau ở quê. Có khi ngồi với nhau cả ngày, hai chúng tôi không nói một lời, ngoài vài câu vu vơ về mấy chuyện vu vơ. Không nói, nhưng hiểu nhau.

Anh mất, tôi đã có 4 bài thơ về anh. Là điều hiếm. Bởi tôi không quen làm thơ ngâm vịnh. Cả cảnh lẫn người. Với anh, là trường hợp đặc biệt.

Hàm Bộ người cao lớn, tướng như sư tử, dáng đi nhẹ nhàng, oai vệ. Anh đến, anh đi và không để lại dấu vết. Ngay cả một tấm ảnh, tôi cũng không có.

Tự ngôn Hàm Bộ, là ghi chép ngắn các suy nghĩ của anh rơi rớt đây đó mà tôi nhớ được. Ghi chép và ghi chú theo ngôn từ của tôi. Mong linh hồn anh tha thứ về mấy dấu vết còn khá thô thiển, các lời lẽ có lẽ anh không nhận, khi đọc nó, nếu anh còn có mặt trên mặt đất già cỗi nhiều bất trắc này.

Inrasara

*

Tự ngôn Hàm Bộ 11

Trí thức (nguyên văn tiếng Chăm: urang glaung sunuw: người cao cơ mưu) là kẻ thấy trước, hiểu trước và sợ trước.

Không phải sợ cho mình, mà cho người khác.

Sợ trước, và cảnh báo trước.

 

One thought on “Tự ngôn Hàm Bộ

  1. “Trí thức là kẻ thấy trước, hiểu trước và sợ trước. Không phải sợ cho mình, mà cho người khác. Sợ trước, và cảnh báo trước.” Quá hay! Một định nghĩa đơn sơ, ngắn gọn nhưng rất đáng suy ngẫm, và quan trọng hơn là rất đánh động tâm tư người nghe. Cám ơn bác Inrasana đã giới thiệu. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của bác Hàm Bộ. Một người như thế thật xứng đáng là một guru – bậc thầy!

    Chợt nhớ mới gần đây có cuộc tranh luận khá sôi nổi trên mạng về hai chữ “trí thức” và “sứ mạng của trí thức”. Những bài biện luận công phu và khá dài, khiến cho người đọc hơi… mệt óc khi theo dõi. Tôi lại rất thích những định nghĩa ngắn như thế này. Ngắn, nhưng như một châm ngôn nặng ký!

    Lại chợt nhớ câu “quân tử tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” – người quân tử (thì) lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ. Dò tìm trên mạng, thì ra câu định nghĩa đậm chất Nho gia này là của một sĩ phu nổi tiếng người Trung quốc thời Bắc Tống, ông Phạm Trọng Yêm, trong tác phẩm Nhạc Dương Lâu ký (ghi chép ở lầu Nhạc Dương: http://tintuc.xalo.vn/202078180156/lo_truoc_cai_lo_cua_thien_ha_nbsp.html?id=a1865b&o=997)

    Tôi mạo muội xin được làm độc giả thường xuyên của trang này và thỉnh thoảng góp lời phản hồi. Có gì không phải, kính mong bác Inrasana và các bác lượng thứ. (Lê Hồng Hà)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *