– Đôi khi anh thèm được như Chế Khan. Tôi nói khi Hà Vân đang khúc Ngã Tư Bảy Hiền chợt quẹo qua đường Lý Thường Kiệt. Khác mấy lần ra Hà Nội, ở Sàigòn tôi hiếm khi được hân hạnh ngồi yên sau mà người cầm lái là phụ nữ.
– Anh thường về mấy giờ, J’Man?
– Trước mười giờ.
– Không phá cách được à?
– Cổ điển luôn tốt hơn.
– Mình cách điệu một lần nhé. Hà Vân nói và ngoặt xe vào con hẽm, thắng kít trước quán cà phê khá sang trọng.
– Anh vừa bảo muốn được…?
– Được vô danh. Có thể làm bất kì gì mình thích, lang thang đến miền không đâu, đi vào nơi chốn không tên ngốc nào cũng có thể khuyên mình nên thế này, không nên thế nọ, như vậy thì đủ rồi hoặc hãy còn thiếu, vân vân. Vô danh không phải là không nổi tiếng, kém nổi tiếng hay ít nổi tiếng hơn mà là vô danh. Bởi nhà bác học có thể vô danh trong khi tay hốt xà bần mình vừa đụng chiều nay vẫn không vô danh trong thế giới của ông ta. “Tôi sợ phải có một tâm hồn cao thượng”. Dos nói thế, anh không nhớ nhân vật nào trong hoàn cảnh nào, nhưng đó chính là ước muốn vô danh. Mình muốn để râu cằm dài hơn xíu thì Mưlan bảo không được, đứng trước cử tọa trông nó kì kì thế nào ấy. Muốn đóng cửa phòng lại suy tư (cũng chả có gì ghê gớm đâu) thì mấy ông bảo thằng cha mới lú đã vênh mặt. Phải nở nụ cười với kẻ mình không ưa, mở cổng đón tên mình không muốn tiếp, lại vân vân. Vì đã lỡ mang tiếng – tiếng người có văn hóa. Anh không dám ôm hôn em say đắm mặc dù anh rất muốn vì trót mang danh – danh trí thức đàng hoàng. Tôi liếc xéo Hà Vân, cười. Nàng cười theo.
– Nhưng ngài cũng đã làm như vậy mà ai dám bảo ngài không trí thức.
– Bởi ngài giáo sư muốn không vô danh ở nhiều lãnh vực, cả trong phạm trù ấy ngài cũng mong được vang tiếng là một giống đực hùng mạnh.
Nàng thôi cười.
– Vô danh như các tác giả Chăm vô danh. Ở ngoài cuộc nhìn người ta bàn về tác phẩm mình, có cái gì đó thú vị. Nếu muốn, mình cùng tham gia. Không ai yêu cầu mình viết hay hơn, khác hơn tác phẩm trước; phải nhất quán không được thay đổi quan điểm. Vô danh như Chế Khan để không phải nơm nớp lo sợ bị dòm ngó.
Im lặng.
– Hắn dám bỏ công việc, bỏ gia đình đã đâu vào đấy, không ai tố cáo hắn. Hắn theo đuổi Mưhuê khi nghĩ đó là định mệnh mình, không ai lên án. Rồi mấy trận truy tìm bản trường ca bỏ hoang, làm quen với ngài giáo sư khi nghĩ ngài là học giả số một về Chăm nhưng sẵn sàng dứt áo rời bỏ ngài khi thực tế lại khác (ngài chưa biết chuyện này hay biết nhưng muốn giấu Hà Vân) mà chẳng chứng mất ngủ nào cắn rách cái lương tâm. Sẵn sàng nuôi một cô em họ tưởng tượng. Lao vào tiếng Phạn và chữ Chăm cổ khi muốn khám phá bí mật đời tháp. Viết tiểu thuyết. Và ngày mai sẽ làm những gì gì nữa, có ma mới biết.
– Nhưng với tính khí như thế em nghĩ tiểu thuyết anh ta sẽ không bao giờ được viết đến trang cuối.
– Em đúng. Luôn luôn dừng lại ở chương đầu. Có lẽ tiểu thuyết chỉ nên dừng lại ở chương đầu như thế. Các chương tiếp theo chỉ là phụ gia cho đủ đầu mình và tứ chi, cho dầy dặn lên không gì hơn là để nhà văn tự huyễn về cái vĩ đại của mình. “Làm con ngựa kéo xe”, ông cụ Henry Miller đấy, kẻ sáng tạo thực sự không bao giờ hành động như vậy. Chương “Truyền thuyết làng Mali” đã là một tiểu thuyết hoàn chỉnh, mở ở hai đầu. Chương “Bản trường ca bỏ hoang” mở ở phần cuối. Chương “Ngài giáo sư Trần Hùng” đóng lại vĩnh viễn cuốn tiểu thuyết. Chương “Hai chị em có nốt ruồi nổi hồng giữa ngực” có thể không cần viết thêm gì nữa ngoài cái tiêu đề. Luôn luôn khởi đầu, tiểu thuyết ngày mai sẽ đi theo con đường của thi ca là vậy.
– Thế thì dự báo của ngài giáo sư về một nhà tiểu thuyết lớn của Chăm cứ mãi là dự báo?
– Có lẽ.
– Và ý đồ ngăn cách đôi ta vẫn mãi dừng lại ở tiền ý đồ?
Hà Vân cười, đẩy ghế đứng dậy, đột ngột vòng tay qua cổ tôi, kéo tới hôn lên môi tôi thật nhanh nhưng đủ mạnh.
Inrasara, Chân dung Cát, 2006